Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/06/2015 00:00 527
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tác giả: Quý Long – Kim Thư; Nxb: Đồng Nai; Khổ sách: 19 cmx27 cm; Số lượng: 422 tr.; Năm: 2014.

Ngay từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này là kháng chiến chống Mỹ, có một lực lượng đã được thành lập và lập được nhiều chiến công, ghi dấu những vết son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là lực lượng Biệt động Sài Gòn (hay còn gọi là Biệt động Sài Gòn – Gia Định). Sau ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945, tại Sài Gòn – Gia Định đã xuất hiện những tổ chức vũ trang tự lập với các tên gọi như nhóm Hùng Vương, ban Vô hình, ban Ám sát, đội Cảm tử, nhóm Dao găm…hoạt động độc lập, diệt trừ các tên Việt gian bán nước, làm tay sai cho thực dân. Về sau, cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của các lực lượng vũ trang, các lực lượng trên đã được hợp nhất thành Ban công tác thành. Trải qua thời gian, lực lượng này được phát triển thành lực lượng vũ trang Tự vệ thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, rồi sau được gọi dưới những tên gọi như: Liên tác chiến đấu quân, Đoàn biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định…Dù với tên gọi nào thì nhiệm vụ của Biệt động Sài Gòn – Gia Định vẫn là tổ chức các trận đánh tiêu diệt sinh lực quan trọng trong cơ quan đầu não chiến tranh của chế độ thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Những đóng góp to lớn của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước là không thể phủ nhận và xứng đáng được vinh danh mãi mãi về sau.

“Biệt động Sài Gòn – Những trận đánh huyền thoại” tái hiện lại từng trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn, bên cạnh đó còn khắc họa về cuộc đời, cuộc sống của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh và hòa bình. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, chọn lọc từ các nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tác phẩm gồm 2 nội dung chính:

Phần I. Những trận đánh huyền thoại.

Phần II. Những con người huyền thoại.

Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: