Tác giả: Lê Thành Khôi; Nxb: Thế giới; Khổ sách: 17cmx25 cm; Số lượng: 642 tr.; Năm: 2014.
Giáo sư Lê Thành Khôi là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế học, luật học, giáo dục học đến văn học, văn hóa, sử học, nghệ thuật, mỹ học. Hơn 60 năm sống giữa Paris – một trung tâm tiên tiến và sôi động của nền văn minh phương Tây, ông đã tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại, những luồng tư tưởng tiến bộ, nhất là những lý thuyết và phương pháp tiếp cận khoa học mới. Nhưng tấm lòng ông luôn hướng về Đất Mẹ, vẫn giữ trong tâm hồn và phong thái của mình cốt cách của truyền thống văn hóa Việt Nam và phương Đông.
Ông đã để lại một di sản khoa học đồ sộ, trong đó có hai chuyên khảo về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đó là cuốn Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud Est Asie, Paris, 1982). Đây là hai công trình có giá trị khoa học cao, đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức không chỉ ở Pháp và Việt Nam mà còn trên phạm vi thế giới, góp phần phổ biến một hình ảnh trung thực về lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong một thời gian dài gần như cả nửa sau thế kỷ XX, giới Việt Nam học thế giới coi đây là hai công trình mang tính kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và tổ chức nghiên cứu và đạo tạo về Việt Nam.
Cuốn sách « Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX » là sự kết hợp của hai chuyên khảo nổi tiếng trên. Đây là lần đầu tác phẩm được đánh giá như kiệt tác sử học được xuất bản bằng Tiếng Việt.
Tác phẩm gồm 11 nội dung chính:
Phần I. Bình minh của lịch sử.
Phần II. Sự hình thành tính cách dân tộc Việt Nam.
Phần III. Sự hình thành nhà nước.
Phần IV. Nền quân chủ được kế thừa.
Phần V. Nền quân chủ quan liêu.
Phần VI. Đất nước phân chia.
Phần VII. Tái thống nhất.
Phần VIII. Chế độ chuyên chế và chủ nghĩa bất động.
Phần IX. Pháp chiếm Việt Nam.
Phần X. Thực dân Pháp khai thác thuộc địa.
Phần XI. Nước Việt Nam mới.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)