Sau một thời gian tập hợp, biên tập, chỉnh sửa, ngày 17 tháng 11 năm 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã xuất bản ấn phẩm “Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu”. Đây là một trong những hoạt động của chương trình kỷ niệm 90 năm văn hóa Đông Sơn do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.
Với 22 bài tham luận, dày gần 300 trang, ấn phẩm này là tập hợp các bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trong nước về các vấn đề liên quan tới văn hóa Đông Sơn, trong đó nổi bật là những nghiên cứu mới, những phát hiện mới cũng như những hiện vật mới trong thời gian gần đây. Đồng thời đề cập tới những vấn đề về quản lý, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử và trưng bày của di sản văn hóa Đông Sơn. Đây cũng là những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận trong Hội thảo khoa học được tổ chức tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Phạm Ngũ Lão vào chiều ngày 18 tháng 11 năm 2014.
Trong phần đầu cuốn sách là những tham luận của đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu hàng đầu về văn hóa Đông Sơn như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia với tham luận “Bảo tàng Lịch sử quốc gia với nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn của TS. Nguyễn Văn Đoàn; Viện Khảo cổ học Việt Nam với tham luận “ Thành tựu nghiên cứu văn hóa Đông Sơn và những vấn đề” của PGS.TS. Bùi Văn Liêm và Ths. Hoàng Thúy Quỳnh. Tiếp theo là những tham luận của đại diện các địa phương, những nơi nổi tiếng với di sản văn hóa Đông Sơn như Thanh Hóa, Phú Thọ.
Tham luận “Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam” của PGS.TS. Phạm Minh Huyền đã tổng hợp lại những vấn đề lớn của văn hóa Đông Sơn như khái niệm, địa bàn phân bố, loại hình địa phương, các giai đoạn phát triển, niên đại... Những vấn đề cụ thể như cổ môi trường, cổ nhân học, kỹ thuật luyện kim, hoa văn trên trống cũng như trên các loại hình gốm từ thời Tiền Đông Sơn cũng đã được các học giả giải trình.
Về những phát hiện mới có thể kể tới tham luận: “Những chiếc trống đồng Đông Sơn (H1) sưu tầm gần đây ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia” của TS. Ngô Thế Phong và Chu Mạnh Quyền, hay những cuộc khai quật ở các di tích Đông Sơn như Vườn Chuối, Đình Tràng, hoặc những địa điểm khảo cổ học có mối quan hệ giao lưu văn hóa như Bãi Cọi.
Sau thời Đông Sơn, dưới áp lực đồng hóa của phong kiến phương Bắc, sức sống của nền văn hóa này vẫn được lưu giữ và đã tạo được bản sắc văn hóa dân tộc riêng, truyền thống riêng của người Việt sau này. Điều này được thể hiện rõ trong tham luận của TS. Nguyễn Đình Chiến, “Những tín hiệu Đông Sơn sau thời Đông Sơn”.
Các bài tham luận trên cũng đã được TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia điểm lại trong “Báo cáo đề dẫn” ở phần đầu của cuốn sách.
Bên cạnh đó, ấn phẩm “Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu” cũng thống kê lại những bài nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn trong 10 năm gần đây (2004 - 2014), kể từ Hội thảo 80 năm văn hóa Đông Sơn năm 2004.
Ấn phẩm sẽ được chuyển tới các đại biểu tham dự Hội thảo, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến nền văn hóa này.
Chu Mạnh Quyền