Tác giả: Nguyễn Đình Lê; Nxb: Hà Nội; Khổ sách: 16 cm x24 cm; Số lượng: 295 tr.; Năm: 2010.
Cách mạng tháng Tám (1945) đã đi vào lịch sử dân tộc như mốc son chói lọi, chấm dứt chế độ thực dân – phong kiến tồn tại lâu dài trên đất nước ta, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc: nhân dân Việt Nam bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập dân tộc, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Thành công đó là kết tinh 15 năm đấu tranh kiên cương, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và phong trào cách mạng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Trong công cuộc chung đó, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội có ý nghĩa, vị trí vô cùng quan trọng.
Bằng sự kiện nhân dân Hà Nội giành được chính quyền ngày 19-8-1945, toàn bộ hệ thống cai trị của địch ở sào huyệt bị tê liệt và sụp đổ, tạo đà thuận lợi để nhân dân các địa phương khác tiến lên đánh đổ chính quyền cơ sở của địch, lập chính quyền cách mạng. Nếu Cách mạng tháng Tám (1945) của nhân dân Việt Nam mở ra khâu đột phá vào thành trì của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, thì Cách mạng tháng Tám (1945) ở Hà Nội có ý nghĩa như màn khai pháo trong chuỗi thắng lợi tiếp theo của nhân dân cả nước trong mùa thu lịch sử.
“Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” giới thiệu đến bạn đọc phong trào vận động cách mạng trong khu vực địa hành chính Hà Nội vào năm 1945. Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương I. Khái quát về phong trào cách mạng Hà Nội trước năm 1939.
Chương II. Phong trào đấu tranh cách mạng từ cuối 1939 đến đầu năm 1945.
Chương III. Từ cao trào kháng Nhật đến tổng khởi nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân (12-3 đến 2-9-1945)
Chương IV. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản – Hoàn Kiếm – Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Trang Nhung