Chiếc tàu cổ Bình Châu được phát hiện vào tháng 9 năm 2012 tại vùng biển thuộc thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, con tàu này đã được khai quật khẩn cấp vào tháng 6 năm 2013. Đây là con tàu cổ thứ sáu được khai quật trong vùng biển Việt Nam.
Chiếc tàu cổ Bình Châu được phát hiện vào tháng 9 năm 2012 tại vùng biển thuộc thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, con tàu này đã được khai quật khẩn cấp vào tháng 6 năm 2013. Đây là con tàu cổ thứ sáu được khai quật trong vùng biển Việt Nam.
Theo các tác giả khai quật, hàng hóa tìm thấy trên tàu là đồ gốm sứ thuộc các dòng gốm men ngọc, men nâu, men xanh lục và sứ men trắng xanh, hoa lam thuộc thời Nguyên, thế kỷ XIII-XIV. Ngoài ra, trong tàu còn thấy xuất hiện nhiều mảnh đồ sứ hoa lam thời Minh- Thanh, là hàng hóa của những chiếc tàu cổ khác ở xung quanh tràn vào do dòng hải lưu. Là người tham gia khai quật và xử lý phân loại hiện vật chiếc tàu cổ này, chúng tôi chú ý nhiều nhất đến những đồ gốm sứ có minh văn tìm được trong tàu.
Trong bản thông báo này chúng tôi xin giới thiệu nội dung của các minh văn đó. Minh văn trên đồ gốm sứ thời Nguyên và thời Minh tìm được ở đây đều là chữ Hán được thể hiện bằng cách khắc chìm hay viết bằng men lam trước khi phủ men. Cũng có trường hợp viết bằng mực nho không phủ men.
1.Minh văn trên đồ gốm sứ thời Nguyên (thế kỷ XIII- XIV)
+ Bát gốm men ngọc màu vàng xám, miệng loe, gờ miệng cắt khấc, thành cong, đế thấp, đáy không men, cao 8,5cm; đkm 19,5cm. Trong lòng bát khắc chìm bông hoa sen 8 cánh, thành trong và ngoài chia ô hình cánh hoa dọc thân. Mỗi ô cánh sen ở thành trong có khắc chìm 8 chữ Hán theo chiều ngược kim đồng hồ 金玉滿堂長命富貴 Kim ngọc mãn đường trường mệnh phú quý. Nghĩa là vàng ngọc đầy nhà, trường thọ phú quý. Trường mệnh phú quý đã xuất hiện trên đồ gốm thời Tống (1080).
Bát gốm men ngọc, thế kỷ XIII- XIV |
+ Mảnh bát men ngọc, đế thấp, đáy không men. Trong lòng khắc chìm chữ Hán: 吉 Cát.
Mảnh bát gốm men ngọc, thế kỷ XIII - XIV |
+ Đĩa gốm men ngọc, đế thấp, đáy không men. Trong đáy khắc chìm 2 chữ Hán: 平心 Bình tâm.
Đĩa gốm men ngọc, thế kỷ XIII - XIV |
+ Bát gốm men trắng, miệng loe ,thành cong gập, giữa thân có một gờ nổi, chân đế thấp, đáy bằng không men viết 2 chữ Hán màu mực nho: 榮花 Vinh hoa.
Bát gốm men trắng xám rạn, tk XIII- XIV |
+ Mảnh bát sứ hoa lam miệng loe, thành cong, chân đế thấp. Trong lòng vẽ bông hoa hay dải mây có một chấm tròn. Có trường hợp viết 2 dòng theo lối thảo thư, giống như 風花雪月phong hoa tuyết nguyệt trong tài liệu của Trương Oai.
Mảnh bát sứ hoa lam, thế kỷ XIII- XIV |
+ Minh văn trên loại hũ/ lọ gốm men nâu có kích thước lớn, được gắn 4 núm nổi, trên vai có in nổi mác hiệu của lò sản xuất như: 德政閏 Đức chính nhuận; 吴任号 Ngô nhậm hiệu. Ngoài ra còn có một số hũ đáy bằng không men viết một chữ Hán bằng mực Tàu: 義 Nghĩa). Các đồ gốm thuộc loại hình này dùng men nâu trang trí hoặc phủ ngoài, với xương gốm dày, men phủ không đều, có thể là sản phẩm thuộc lò gốm dân gian vùng Quảng Đông (Trung Quốc).
| |
Mảnh gốm men nâu có minh văn Đức Chính Thuận (trái) và Ngô Nhâm Hiệu (phải), thế kỷ XIII- XIV |
Những minh văn này có lẽ mang ý nghĩa đánh dấu về tên lò gốm hay tên của người thợ sản xuất nhưng cho đến nay chưa có tài liệu đối chiếu làm rõ. Nhưng theo chúng tôi, đây là các minh văn trên đồ gốm sứ thời Nguyên bổ sung vào nguồn tài liệu chưa từng được công bố cần tiếp tục nghiên cứu.
2.Minh văn trên đồ sứ thời Minh (thế kỷ XV- XVI)
Các loại hình đồ sứ hoa lam thời Minh tìm được trong tàu Bình Châu chủ yếu là bát sứ hoa lam, là sản phẩm của lò Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Minh văn đều được viết trong 2 đường chỉ tròn bằng men lam dưới đáy bát trước khi phủ men trắng xanh.
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 6 chữ Hán theo 2 hàng dọc Đại Minh Tuyên Đức niên chế: 大明宣德年製, nghĩa là chế tạo trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức nhà Minh (1426-1435).
| |
Mảnh bát sứ hoa lam, Đại Minh Tuyên Đức niên chế: 大明宣德年製 |
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 4 chữ Hán theo 2 hàng dọc Tuyên Đức niên chế: 宣德年製, nghĩa là chế tạo trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức (1426-1435), (Ảnh 10).
| |
Mảnh bát sứ hoa lam, Tuyên Đức niên chế: 宣德年製 |
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 4 chữ Hán theo 2 hàng dọc Đại Minh niên tạo: 大明年造, nghĩa là chế tạo trong khoảng nhà Minh (1368-1644).
| |
Mảnh bát sứ hoa lam, Đại Minh niên tạo: 大明年造 |
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 6 chữ Hán theo 2 hàng dọc Chính Đức niên tạo: 政德年造, nghĩa là chế tạo trong khoảng niên hiệu Chính Đức nhà Minh (1506-1521), (Ảnh 12).
Mảnh bát sứ hoa lam, Chính Đức niên tạo: 政德年造 |
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 4 chữ Hán theo 2 hàng dọc Vạn phúc du đồng: 萬福攸同. Minh văn này thấy trên đồ gốm sứ chế tạo trong thời Tống và Minh.
+ Mảnh bát sứ hoa lam, dưới đáy viết 4 chữ Hán, đọc chéo như trên tiền đồng Trường mệnh phú quý: 長命富貴, nghĩa là trường thọ và phú quý. Minh văn này thấy trên đồ gốm sứ chế tạo trong khoảng niên hiệu Gia Tĩnh (1522-1566) đến Khang Hy (1622-1722).
Như vậy, những loại hình hiện vật có minh văn tìm được trong tàu cổ Bình Châu thuộc thời Nguyên gồm các loại bát gốm men ngọc; mảnh chén, bát sứ hoa lam; bát sứ men trắng và hũ gốm men nâu. Ngoài ra, trong tàu còn tìm thấy nhiều mảnh bát đĩa sứ hoa lam thời Minh có minh văn về các niên hiệu Tuyên Đức, Chính Đức, Đại Minh và một số mảnh gốm sứ thời Minh có minh văn Vạn phúc du đồng, Trường mệnh phú quý có thể từ các con tàu cổ khác ở khu vực xung quanh tàu Bình Châu bị trôi dạt lẫn vào do dòng hải lưu .
Nguyễn Ái Dung
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân, Đoàn Ngọc Khôi, 2017. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi). Tư liệu Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi.
2.Nguyễn Đình Chiến, 1999. Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, thế kỷ XV- XIX . BTLSVN xb.
3.Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân, 2013. “Khai quật tàu đắm cổ Bình Châu- Quảng Ngãi, con tàu cổ thứ VI trong vùng biển Việt Nam”. Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 2, tr.83-87.
4.Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Ái Dung, 2015. “Kết quả giám định sưu tập tiền đồng tìm được trong tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi)”. Khảo cổ học, số 3, tr. 77-84.
5.Gerald Davison,1994. The handbook of marks on Chinese Ceramics. Produced and printed by St Andrews Press, Wells, Somerset.
6.张威主编《绥中三道岗元代沉船,北京:科学出版社,2001年.