Từ thành phố cảng Mokpo, sau khoảng 3 giờ đi phà về hướng tây bắc, chúng ta sẽ đến đảo Jeungdo, một hòn đảo khá lớn ở cực bắc huyện Shinan-gun. Hòn đảo này có tên tiếng Hàn là Siruseom (tức là đảo Hơi nước), tuy nhiên người dân thường gọi nó là Bomulseom, nghĩa là "đảo Kho báu", sau khi con tàu Shinan được phát hiện và khai quật tại vùng biển này.
Từ thành phố cảng Mokpo, sau khoảng 3 giờ đi phà về hướng tây bắc, chúng ta sẽ đến đảo Jeungdo, một hòn đảo khá lớn ở cực bắc huyện Shinan-gun. Hòn đảo này có tên tiếng Hàn là Siruseom (tức là đảo Hơi nước), tuy nhiên người dân thường gọi nó là Bomulseom, nghĩa là "đảo Kho báu", sau khi con tàu Shinan được phát hiện và khai quật tại vùng biển này.
Năm 1975, một ngư dân tên là Choi Hyeonggeun đã phát hiện được một số đồ gốm sứ tại bờ biển Bangchuk-ri, thuộc Jeongdomyeon, Shinan. Tuy nhiên khi đó Choi đã không nhận ra tầm quan trọng phát hiện của mình, và bỏ những đồ gốm này lăn lóc ở góc nhà. Một năm sau, em trai của Choi đã thông báo phát hiện này tới Văn phòng huyện Shinan-gun, tuy nhiên những viên chức tại đây đã không tin là những đồ gốm có giá trị như vậy lại được phát hiện dưới biển, và cho rằng em trai của Choi chỉ là một kẻ lừa bịp để đòi tiền thưởng. Chỉ sau khi phát hiện này được báo cáo với Cục Quản lý Tài nguyên Văn hóa, những đồ gốm này mới được xác định là đồ men ngọc thuộc thời Tống và thời Nguyên. Những người dân địa phương cho biết, họ phát hiện được rất nhiều đồ gốm như thế khi kéo lưới, nhưng thường sử dụng làm chậu đi tiểu, bát đựng thức ăn cho chó, hoặc bán cho những người buôn đồ cũ.
Bình hoa men ngọc
Đồ gốm đầu tiên của tàu Shinan do ngư dân phát hiện và báo cáo tới chính quyền
Không lâu sau đó, một ngư dân khác lại phát hiện thêm những đồ gốm Trung Hoa. Tin đồn về một con tàu chở kho báu bị đắm ở vùng đảo Jeungdo bắt đầu lan rộng, và những kẻ săn đồ cổ bắt đầu kéo về đây. Tháng 9 năm 1976, cảnh sát đã bắt giữ một số kẻ sở hữu trái phép những đồ gốm này, sau đó Cục Quản lý Tài nguyên Văn hóa đã thành lập một nhóm nghiên cứu để thực hiện khảo sát vùng biển xung quanh đảo Jeungdo. Có thể coi đó là cuộc khảo sát đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc. Cuộc khảo sát này đã phát hiện một con tàu đắm cùng với vô số cổ vật quý hiếm. Để ghi nhớ địa điểm phát hiện, con tàu này đã được đặt tên là Shinan. Hiện vật trên con tàu Shinan vô cùng phong phú, từ đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại cho đến những thẻ bài, dược liệu và rất nhiều khúc gỗ hồng mộc (rosewood). Sau hơn 700 năm bị vùi lấp dưới đáy biển, kho báu này cuối cùng đã tìm lại được vị trí chính đáng của nó trên bản đồ thế giới.
Tại thời điểm đó, giới truyền thông đã phát rất nhiều chương trình truyền hình cũng như đăng tải các bài báo công bố về kết quả của cuộc khai quật kinh ngạc này. Việc phát hiện và khai quật tàu Shinan đã trở thành một hiện tượng gây tiếng vang trên toàn đất nước Hàn Quốc, và chính nó đã đặt cơ sở cho sự khai sinh ra ngành khảo cổ học dưới nước ở đất nước này.
Những cuộc khai quật tàu đắm Shinan
Tàu Shinan được khai quật/khảo sát tổng cộng 11 lần, từ năm 1976 đến năm 1984. Dưới đây là những thông tin cơ bản về các lần khai quật.
- Đợt đầu tiên: từ 26 tháng 10 đến 02 tháng 11 năm 1976. Đây là đợt nghiên cứu sơ bộ nhằm thu thập hiện vật và tìm hiểu điều kiện môi trường xung quanh khu vực tàu đắm. Trong đợt nghiên cứu này, các nhà khảo cổ đã thu được 112 hiện vật, trong đó có 52 đồ gốm men ngọc.
- Đợt thứ hai: từ 09 tháng 11 đến 01 tháng 12 năm 1976. Trong đợt này, nhóm nghiên cứu đã xác định được vị trí xác tàu đắm, đồng thời thu thập được 1.884 hiện vật, trong đó có 1.201 đồ gốm men ngọc.
- Đợt thứ ba: từ 27 tháng 6 đến 31 tháng 7 năm 1977. Nhóm nghiên cứu tiến hành căng ô lưới, từ đó xác định toàn bộ hình dáng con tàu. Phần phía trên của tàu, bao gồm cả boong tàu đã bị mất, một nửa khoang bên trái đã bị mục, nhưng phần khoang bên phải vẫn còn gần như nguyên vẹn. Phát hiện được các thùng gỗ chứa đầy đồ gốm sứ thương mại.
- Đợt thứ tư: từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 8 năm 1978. Trong đợt này, đoàn khảo sát tiến hành trục vớt các thùng gỗ chứa hàng hóa phát hiện trong đợt trước. Đợt khai quật này cho thấy con tàu có tổng cộng 8 khoang riêng biệt, ngăn cách bởi các vách gỗ; trong mỗi khoang lại chứa rất nhiều hàng hóa. Đợt này còn phát hiện được rất nhiều tiền xu, quả cân bằng đồng có khắc chữ Hán "Khánh Nguyên Lộ", những tấm thẻ gỗ khắc chữ "Chí Trị Tam Niên", và di cốt của một thủy thủ người Hoa.
Khai quật tàu đắm Shinan
Đưa camera lên xà lan (trái); trục vớt mũi tàu Shinan (phải)
- Đợt thứ năm: từ 01 tháng 6 đến 20 tháng 7 năm 1979. Trong đợt này, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát chi tiết và cẩn trọng 8 khoang hàng. Những khúc gỗ hồng mộc được xếp ở dưới sàn tàu, các khối tiền xu được đặt ở trên, với trọng lượng lên tới 28 tấn. Những khối tiền xu này đã được trục vớt bằng cách sử dụng các túi khí.
- Đợt thứ sáu: từ 05 tháng 6 đến 04 tháng 8 năm 1980. Trong đợt này, các hiện vật và những mảnh vỡ thân tàu được vớt lên, trước khi trục vớt toàn bộ xác tàu.
- Đợt thứ bảy: từ 22 tháng 6 đến 04 tháng 8 năm 1981. Do kích thước của con tàu khá lớn, nên toàn bộ thân tàu không thể trục vớt trong 1 lần. Nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện chia thân tàu ra thành từng phần, và trục vớt phần mũi tàu trước. Trong số hiện vật được trục vớt, có một chiếc bát men ngọc ở phần chân đế được khắc chữ dòng chữ Hán "Sứ Ty Sư Phủ Công Dụng", cho thấy chiếc bát này được sản xuất để cung cấp cho một trị sở ở địa phương của nhà Nguyên, do đó đưa đến khả năng suy đoán về niên đại sản xuất của các hàng hóa trên tàu. Ngoài ra, còn tìm thấy một chiếc đĩa sơn mài trang trí hoa văn trông giống với bờm ngựa Nhật Bản, cùng với gỗ đàn hương, một số núm chuôi kiếm và tay chắn kiếm kiểu Nhật Bản.
- Đợt thứ tám: từ 5 tháng 5 đến 30 tháng 9 năm 1982. Trong đợt này, đoàn khai quật tập trung vào công tác trục vớt thân tàu. Việc tháo rời các tấm vách ngăn có vẻ khá dễ dàng, nhưng để kéo các tấm ván ghép mạn tàu lại là nhiệm vụ khó khăn. Nhóm khảo sát đã quyết định tách những tấm ván ra để trục vớt riêng, bởi chúng được ghép với thân tàu bằng mộng sắt, dài khoảng 7 - 8 cm. Sống tàu dài khoảng 25m và bao gồm 3 đoạn gỗ dài, do đó phải tách 2 khớp mộng ra để trục vớt.
- Đợt thứ chín: từ 29 tháng 5 đến 25 tháng 11 năm 1984. Tiếp tục trục vớt thân tàu.
- Đợt thứ 10: từ 01 tháng 6 đến 17 tháng 8 năm 1984. Trong đợt này, nhóm nghiên cứu thực hiện rà soát toàn bộ khu vực đáy biển nơi tàu đắm để tìm hiếm những hiện vật còn sót lại.
- Đợt thứ 11: từ 13 đến 17 tháng năm 1984. Đây là đợt cuối cùng và chỉ diễn ra trong 5 ngày. Nhóm khảo sát đã phát hiện được 47 hiện vật gồm 38 đồ gốm men ngọc, một hiện vật làm từ gỗ hồng mộc và một mảnh thân tàu. Nhóm nghiên cứu cũng xác định được vị trí bị đắm ban đầu của tàu cách vị trí hiện tại khoảng 2km.
Quả cân đồng có khắc chữ "Khánh Nguyên Lộ"
Thành quả của cuộc khai quật tàu đắm Shinan chính là sản phẩm của những nỗ lực vượt khó của đoàn nghiên cứu. Qua các đợt khai quật đã trục vớt được tổng cộng 23.502 hiện vật, 8 triệu đồng tiền xu (28 tấn), khoảng 1.017 khúc gỗ hồng mộc. Theo đó, Hàn Quốc trở thành quốc gia có số lượng đồ sứ thời Nguyên lớn nhất trên thế giới.
Bảo tàng Quốc gia Gwangju đã được mở cửa vào năm 1978 để trưng bày và lưu giữ hiện vật và các cấu trúc thân tàu Shinan. Trung tâm Bảo quản Mokpo cũng được thành lập vào năm 1981 để thực hiện việc bảo quản con tàu này.
Quốc tịch của tàu đắm Shinan
Tàu đắm Shinan là một trong những con tàu thời trung cổ lớn nhất trên thế giới được trục vớt bởi khảo cổ học dưới nước. Có nhiều ý kiến khác nhau về quốc tịch, niên đại của con tàu cũng như mục đích của chuyến hải hành này. Những hiện vật thu được qua khai quật gợi ý rằng đó có thể là một tàu buôn Trung Hoa. Hầu như tất cả đồ gốm trên tàu đều là sản phẩm của lò Long Tuyền ở Chiết Giang và lò Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, có niên đại thời Tống và thời Nguyên. Trên tàu không hề có gốm hoa lam, vốn chỉ xuất hiện từ giữa thế kỷ 14, điều đó cho thấy con tàu này hoạt động trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 14.
Trong số các loại tiền được phát hiện, có loại tiền Chí Đại Thông Bảo được đúc năm 1310, là bằng chứng rõ ràng cho thấy con tàu này thuộc thời Nguyên. Cấu trúc của mũi tàu cho thấy rõ ràng nó được đóng ở Trung Hoa. Những lỗ bảo thọ khổng được tạo ra trên các khớp mộng ở mũi tàu là một đặc trưng của các con tàu được đóng ở Phúc Kiến. Thủy thủ đặt vào các lỗ này tiền xu hoặc gương đồng để cầu mong cho một chuyến đi bình an. Đây là một phong tục phổ biến ở Phúc Kiến.
364 thẻ bài bằng gỗ cung cấp những thông tin quý giá giúp chúng ta giải mã những bí ẩn của tàu Shinan. Tương tự như những thẻ bài phát hiện được trên các con tàu đắm tại Hàn Quốc, những thẻ bài này ghi trên đó thông tin về điểm khởi hành và điểm đến của con tàu, những thông tin về chủ hàng (hoặc hãng buôn), ngày tháng vận chuyển, tên và số lượng của hàng hóa, đơn vị đo lường và trọng lượng. Đáng chú ý là, rất nhiều thẻ bài được khắc chữ Hán "Chí Trị Tam Niên", trong đó Chí Trị là niên hiệu của hoàng đế Anh Tông nhà Nguyên (tức là năm 1323). Ngoài ra, một số thẻ hàng hóa chỉ ghi ngày tháng, ví dụ như ngày 22 tháng Tư, ngày 23 tháng Tư, ngày 11 tháng Năm, ngày 3 tháng Sáu, gợi ý rằng có thể những hàng hóa được đưa lên tàu trong khoảng từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 1323.
Từ những dữ liệu vừa nêu, có thể thấy tàu đắm Shinan là một tàu buôn quốc tế thời Nguyên, hoạt động trên vùng biển Đông Á cách ngày này khoảng 700 năm, chính là trong thời đại của Con đường Tơ lụa Trên biển. Thật không may, con tàu này cùng với thủy thủ đoàn của nó, trên hành trình tìm kiếm một cuộc sống mới thịnh vượng trong tương lai, đã bị đắm ở vùng biển ngoài khơi của Triều Tiên, mang theo giấc mơ của các thương nhân xuống đáy biển. Nhưng kho báu tàu đắm này, dù đã biến mất dưới đáy biển sâu trong một thời gian dài, cuối cùng đã tái xuất hiện trong thời đại của chúng ta dưới cái tên Tàu đắm Shinan, nhờ vào hàng loạt cuộc khai quật dưới nước. Con tàu được trục vớt và những hiện vật trong đó đã trở thành những chiếc hộp thời gian (time capsules), soi rọi ánh sáng vào đời sống của các thương nhân và hoạt động thương mại ở Đông Á, cũng như cung cấp một cái nhìn rõ hơn về các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa của thời Trung đại.
Con đường Tơ lụa Trên biển thời Trung đại và hải trình của tàu Shinan
Có thể coi tàu đắm Shinan là tàu buôn tiêu biểu trên Con đường Tơ lụa thời Trung đại. Tàu dài 34m, rộng 11m và cao 3,7m, trọng lượng rẽ nước là 200 tấn, và sức chứa khoảng 100 người. Kích thước tương đối lớn của con tàu cho thấy sự phát triển của kỹ nghệ đóng tàu dưới thời Tống và thời Nguyên, và là bằng chứng rõ ràng về sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế. Trong thời gian này, những đường biên thương mại đã được mở rộng dựa trên sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ hàng hải, bắt nguồn từ việc phát minh ra la bàn trong thời Tống. Trước thời Tống, những thuyền buôn Trung Hoa chỉ có thể tới Cao Ly, Nhật Bản và Nam Á, nhưng đến lúc này, họ đã có khả năng thực hiện những chuyến hải hành xa hơn, trên một phạm vi rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, lúc này những thủy thủ đã có khả năng nhận biết các đặc điểm địa lý riêng biệt, các kiểu dòng chảy tại các vùng biển và các dòng thủy triều tại các bờ biển khác nhau.
Vào năm 1323, tàu Shinan xuất phát từ Tuyền Châu (Phúc Kiến), một trong những cảng trung chuyển quan trọng trên Con đường Tơ lụa, vận chuyển thảo dược, đồ gỗ hồng mộc và những gia vị nhập khẩu từ Nam Á, sau đó đi đến Ninh Ba để nhận những hàng hóa gốm sứ làm từ lò Long Tuyền và Cảnh Đức Trấn, và cuối cùng đi tới Hakata (Nhật Bản), điểm đến cuối cùng của hải trình.
Quả cân đồng có khắc chữ Hán "Khánh Nguyên Lộ" cung cấp bằng chứng rõ ràng về điểm khởi hành của con tàu. Cùng với Quảng Châu và Tuyền Châu, Khánh Nguyên là một trong những cảng quan trọng nhất ở Hoa Nam. Thời Bắc Tống, cảng này có tên là Minh Châu, thời Nam Tống gọi là Khánh Nguyên, đến thời Minh - Thanh thì gọi là Ninh Ba. Nhà Tống đã thiết lập Thị Bạc Ty, một dạng văn phòng thương mại hàng hải, nhằm thu thuế quan và cấp phép buôn bán.
Cảng Hakata ở Nhật Bản chính là điểm đến của tàu Shinan. Hầu hết hàng hóa của con tàu bao gồm đồ gốm sứ và tiền xu, những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Hoa của người Nhật trong thời Kamakura. Đáng chú ý là, những thẻ bài tìm được trên tàu có nhắc đến những điểm giao hàng khác, như Jojeokam và Cung điện Hakojaki ở Fukuoka và Tofuku-ji ở Kyoto.
Nhiều khả năng là các chủ hàng người Nhật cũng có mặt trên tàu. Sự xuất hiện của gỗ đàn hương, những quân cờ Nhật Bản và kiếm Nhật trên tàu củng cố cho giả thiết này. Ngoài ra, việc tìm thấy những chiếc thìa bằng đồng cũng chỉ ra rằng con tàu này được vận hành bởi những thủy thủ Triều Tiên.
Con đường tơ lụa trên biển và hải trình của tàu Shinan
Có hai luồng ý kiến khác nhau về hải trình của tàu Shinan. Ý kiến thứ nhất cho rằng con tàu này đã đi thẳng từ Trung Hoa sang Nhật Bản, trong đó cảng Hakata là điểm đến cuối cùng của nó. Trước thế kỷ 14, sẽ là rất mạo hiểm nếu vượt biển Hoa Đông để đi thẳng từ Trung Hoa tới Nhật Bản. Do đó, những tàu đi từ Trung Hoa đến Nhật Bản đều đi lên phía bắc dọc theo vùng bờ biển phía đông của Trung Hoa để tới bán đảo Sơn Đông, sau đó đi về phía nam dọc theo bờ biển phía tây của Triều Tiên. Nhờ vào sự phát triển của kỹ nghệ hàng hải trong thế kỷ 14, tàu thuyền có thể đi thẳng từ Trung Hoa đến Nhật Bản nhờ tận dụng gió mùa đông nam vào tháng năm và tháng sáu âm lịch. Có vẻ như tàu Shinan đã gặp một cơn bão gần đảo Jeju sau khi khởi hành từ Ninh Ba, khiến cho nó bị dạt tới bờ biển Shinan và chìm ở đó.
Ý kiến thứ hai cho rằng tàu Shinan chắc chắn đã phải đi qua Cao Ly rồi mới tới Nhật Bản. Giả sử là con tàu đã gặp bão, thì vị trí tàu chìm cũng nằm cách quá xa tuyến đường biển đi thẳng từ Trung Hoa đến Nhật Bản như ý kiến thứ nhất nêu ra. Hơn nữa, đây cũng là điểm nằm trên hải trình của Hứa Cảnh (Xu Jing), sứ thần thời Tống, đi đến thủ đô Gaegyeong của Cao Ly.
Cho dù chưa thể khẳng định ý kiến nào là đúng, nhưng nguyên nhân gây đắm tàu thì khá rõ ràng. Nhiều khả năng tàu Shinan đã va phải đá ngầm hoặc rạn san hô. Khi xác tàu được tìm thấy, mũi tàu nằm ở góc 323 độ về phía tây bắc, còn phần thân tàu nghiêng sang phía mạn phải 15 độ. Kết quả khai quật cho thấy các tấm ván phía mạn phải tàu đã bị vỡ và có xu hướng gập vào phía trong thân tàu. Để bảo vệ phần thân tàu phía dưới vạch tải trọng (load line), mặt bên của tàu được ốp các tấm gỗ. Ngoài ra, tình trạng ngập tàu cũng có thể được ngăn chặn bằng cách khóa các đường dẫn nước được lắp đặt giữa các khoang. Tuy nhiên, thủy thủ trên tàu Shinan đã không có cơ hội nào để thực hiện việc đó, bởi con tàu đã bị đắm gần như ngay lập tức.
Những hàng hóa quan trọng trên tàu Shinan
Những di vật tìm thấy trên tàu Shinan cung cấp cho chúng ta nguồn tư liệu vô giá về hàng hóa và mạng lưới thương mại trung đại. Tầm quan trọng của nguồn tư liệu này còn thể hiện ở chỗ nó chính là bằng chứng về sự tồn tại của Con đường Tơ lụa Trên biển ở Đông Bắc Á trong suốt thời Trung đại.
Hầu hết các hàng hóa được tìm thấy trên tàu là các sản phẩm của thời Tống và thời Nguyên. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 19, đồ sứ là loại hàng hóa chủ lực của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu, châu Phi và vùng Địa Trung Hải. Đồ sứ cũng là mặt hàng thương mại chính được vận chuyển dọc theo các tuyến đường Tơ lụa trên biển. Những đồ sứ trên tàu Shinan là bằng chứng minh họa cho chính sách thương mại năng động của triều Nguyên và mạng lưới thương mại trên biển trong thế kỷ 14.
Cuộc khai quật tàu Shinan đã thu được 20.660 đồ sứ, có xuất xứ từ các lò gốm Trung Hoa, bao gồm đồ sứ men ngọc từ lò Long Tuyền ở tỉnh Chiết Giang, đồ sứ trắng từ lò Cảnh Đức Trấn, đồ sứ men trắng và vẽ đen dưới men từ lò Cát Châu ở tỉnh Giang Tây, và đồ sứ men đen từ lò Kiến Dao ở Phúc Kiến. Ngoài ra, trên tàu còn có những đồ sứ được sản xuất tại các lò nung khác nhau ở các tỉnh Giang Tô, Quảng Đông và Hà Bắc. Trong các loại nói trên, đồ sứ Long Tuyền (khoảng 12.000 tiêu bản với các loại hình như đĩa, bát, cốc chân cao, ấm, lư hương, bình hoa và tượng người) là mặt hàng gốm sứ chủ yếu trên tàu Shinan.
Một số đồ sứ trên tàu Shinan
1 - 3. Đồ sứ men ngọc lò Long Tuyền; 4. Đồ sứ men đen lò Kiến Dao; 5 - 6. Đồ sứ men trắng lò Cảnh Đức Trấn; 7. Đồ sứ men trắng vẽ đen lò Cát Châu.
Một số mặt hàng tiêu biểu khác trên tàu Shinan
1-2. Đồ gỗ sơn mài; 3. Nghiên mực; 4. Cối xay; 5. Lư hương; 6. Thỏi thiếc; 7. Cốc uống rượu bằng thiếc; 8. Hạt chuỗi và trâm cài bằng thủy tinh; 9. Hạt vải
Ngoài đồ gốm sứ, tàu Shinan còn chở theo tám triệu tiền đồng Trung Hoa, với khối lượng lên tới 28 tấn, có niên đại từ thời Tân cho tới thời Nguyên. Ngoài ra còn có cả một số tiền đồng Đại Việt. Có lẽ người Nhật Bản nhập khẩu số tiền đồng này để sử dụng trong lưu thông, hoặc để dùng trong việc đúc tượng Phật, một hoạt động vốn rất thịnh hành trong thời Kamakura. Một phân tích thành phần hợp kim của pho tượng Đại Phật thời Kamakura đã tìm thấy những nguyên tố có trong tiền đồng Trung Hoa.
Một loại hàng hóa đáng chú ý khác là gỗ hồng mộc. Loại cây này có địa phân bố từ Đông Nam Á cho tới Sri Lanka, có đặc tính chắc nặng, màu vàng và rất mịn, do đó được sử dụng để chế tác những đồ nội thất cao cấp, các tác phẩm nghệ thuật và tượng Phật. Trên tàu Shinan có các khúc gỗ hồng mộc và hương trầm làm từ gỗ của loại cây này. Những mặt hàng này có thể đã được đưa lên tàu tại cảng Tuyền Châu, phía nam của Khánh Nguyên. Trên các hiện vật này không chỉ được khắc chữ Hán lưu thông tin chủ hàng, mà còn khắc các chữ số La Mã và Ả rập cũng như các hình tròn hoặc tam giác, có khả năng là do những nhà buôn người Âu và Ả rập tạo ra.
Ngoài đồ gốm, tiền đồng và đồ gỗ, trên tàu Shinan còn có rất nhiều loại hàng hóa khác làm từ kim loại, gỗ, đá và thiếc (dưới dạng hợp kim). Trên tàu còn tìm được một bình đựng rượu, tiếng Hán cổ gọi là cô, làm phỏng theo lối thời Thương, nhiều khả năng dùng để làm bình cắm hoa. Trong số đồ gỗ tiêu biểu là những chiếc bát và vò sơn mài, còn đồ đá tiêu biểu là những chiếc nghiên mực hình lá và hình chim. Trong các mặt hàng còn có những hương liệu nhập từ Nam Á như hồ tiêu, vỏ quế. đinh hương và hạt vải Hoa Nam.
Tóm lại, tàu đắm Shinan, cùng với những hàng hóa mà nó vận chuyển trên chuyến hải trình đầy tham vọng nhưng bi thảm, thực sự là một kho báu dưới đáy đại dương, không chỉ bởi giá trị vật chất mà còn bởi những giá trị văn hóa, lịch sử và những câu chuyện kì bí xung quanh nó. Cho tới khi tàu Shinan được phát hiện và khai quật, không ai có thể tưởng tượng được một kho báu như thế nằm ở dưới đáy biển. Phát hiện này đã thu hút sự chú ý của công chúng và chính là động lực cho việc nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước cũng như sự hình thành khảo cổ học dưới nước như một ngành khoa học ở Hàn Quốc.
Trương Đắc Chiến (lược dịch)