Ngoài các di tích kiến trúc đền tháp Champa đã được khai quật như Cấm Mít (Hòa Phong), Quá Giáng (Hòa Khương) và Phong Lệ (Hòa Thọ Đông) thì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều các di tích, phế tích kiến trúc và hiện vật mang phong cách Champa như bia ký, tượng thần, tượng thú, phù điêu, lanh tô, đài thờ, bệ thờ, chóp tháp… trong số đó phải kể đến các địa điểm như di tích Ngũ Hành Sơn, di tích Xuân Dương, di tích Khuê Trung, di tích An Sơn…
Ngoài các di tích kiến trúc đền tháp Champa đã được khai quật như Cấm Mít (Hòa Phong), Quá Giáng (Hòa Khương) và Phong Lệ (Hòa Thọ Đông) thì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn rất nhiều các di tích, phế tích kiến trúc và hiện vật mang phong cách Champa như bia ký, tượng thần, tượng thú, phù điêu, lanh tô, đài thờ, bệ thờ, chóp tháp… trong số đó phải kể đến các địa điểm như di tích Ngũ Hành Sơn, di tích Xuân Dương, di tích Khuê Trung, di tích An Sơn…
1.Di tích Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và văn hóa. Ngoài tên dân gian gọi là núi Non Nước, cụm núi này còn có nhiều tên gọi khác như: Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, Núi Tam Thai. Dưới thời Nguyễn, vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn và trở thành tên gọi thông dụng cho đến nay.
Ngũ Hành Sơn xưa kia thuộc xã Hóa Khuê Đông, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Gọi đây là vùng đất cổ vì tại đây qua công tác khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của người tiền sử sinh sống và phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa cho đến nay.
Trong tập Thống kê, miêu tả các công trình kiến trúc Chăm ở An Nam (1909), H. Parmentier ghi nhận hai địa điểm có dấu vết Champa là động Tàng Chơn và động Huyền Không. Cũng tại các điểm này, ông đã chụp ảnh, mô tả một số di vật mang phong cách Champa, đồng thời ghi nhận vài vị trí xuất hiện gạch Champa.
Bệ đá trong động Tàng Chơn
Tại chùa Linh Ứng có một bệ đá được chuyển đến trong quá trình trùng tu miếu thơ trong động Tàng Chơn. Bệ đá trang trí độc đáo, trong đó mặt chính trang trí hình thần Indra (thần biểu tượng sấm sét) đang ngồi trên mình một con voi, chân trái xếp bằng, chân phải co lên trước ngực, tay trái đặt lên đầu gối chân trái, khuỷu tay phải đặt lên đầu gối chân phải, xung quanh thần có những đám mây bao phủ như hình ngọn lửa, hai bên thần có hai vũ nữ Apsara cũng trong tư thế múa. Bên dưới mỗi vũ nữ là một con sư tử đang ở tư thế ngồi. Sư tử được người Chăm gọi là Rimon - hình tượng phổ biến trong điêu khắc Champa, biểu tượng cho sức mạnh, vì theo truyền thuyết sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu.
Trong động Tàng Chơn có một hang nhỏ mà tên gọi mang đậm dấu ấn Champa - Hang Chàm và nơi đây còn lại một đài thờ. Trên phần thân đài thờ mỗi bên đặt hai bệ đá hình chữ nhật có hình tượng các vị thần Hộ pháp, chạm theo dạng thức phù điêu. Cũng tại đây có thờ linga-yoni bằng đá một cách trang trọng. Nhưng thông tin một số người ở đây cho hay bộ linga-yoni này mới chỉ được đặt thờ ở đây mấy chục năm qua.
Đài thờ trong Hang Chàm
Tại động Huyền Không nằm trên ngọn Thủy Sơn, một động lớn và đẹp nhất trong các động ở Ngũ Hành Sơn, còn lưu lại vết tích và di vật của cộng đồng cư dân Champa xưa. Trong quá trình tu sửa miếu Tam thế bên trong động, người ta tìm thấy một khối sa thạch điêu khắc hình sư tử mang đậm phong cách Champa. Bên cạnh đó, yếu tố Champa thể hiện qua hình thức thờ nữ thần Po Inư Nagar và bệ đá được chạm trổ công phu gần lối xuống động.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, trong bài viết “Về những di vật điêu khắc Chăm ở Ngũ Hành Sơn” đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần số 694, ngày 7-11-1999, cho biết: trong động Huyền Không có một phần đài thờ thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương nằm bên phải bậc tam cấp xuống động, chính giữa đài thờ chạm hình sư tử đứng theo dạng bán phù điêu, bên cạnh là hình tượng mặt thần Kala được chạm đơn giản. Trước sân chùa Linh Ứng cũng có một đài thờ Đồng Dương được chạm trổ ở cả ba mặt. Sau lưng chùa, trong động Tàng Chơn có một hang nhỏ thường gọi là hang Chiêm Thành, còn lại một đài thờ, chiếm phần lớn diện tích của lối vào hang.
Trong động còn có một bệ đá hình chữ L, cao 70cm, dài 80cm, khuyết góc bên phải 3,5cm x 40cm. Bệ đá phía trên cùng trang trí hình chim thần Garuda - con vật biểu trưng của thần Vishnu. Bên dưới là hình một vị thần đang ở tư thế một chân co, một chân duỗi, hai tay nâng một vật đưa về phía trước như dâng cúng cho ai đó. Phía trước là vị thần đầu sư tử, mình người đang dứng quay lưng lại. Nhìn chung, bệ đá được chạm trổ khá tinh xảo, là một trong những tác phẩm độc đáo của văn hóa Champa còn lưu lại ở Ngũ Hành Sơn.
Bệ đá trong động Huyền Không (Nguồn: Internet)
2.Di tích Khuê Trung
Tên gọi di tích Khuê Trung được dùng để chỉ khu vực phát hiện 2 văn bia và một số hiện vật điêu khắc Champa, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Khuê Trung ngày nay là một phần của Hóa Quê xưa. Hóa Quê là một cách đọc của người Quảng Nam đối với chữ Hóa Khuê, vốn là tên gọi vùng đất trải rộng từ khu vực sân bay Đà Nẵng cho đến núi Non Nước - Ngũ Hành Sơn ngày nay. Tên gọi Hóa Khuê xuất hiện từ thế kỷ 17 trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, là tên một trong số 64 xã của huyện Điện Bàn lúc bấy giờ. Trải qua mấy thế kỷ thay đổi tên gọi và địa giới, dấu vết của tên gọi Hóa Khuê còn lưu lại ở một số địa danh ngày nay như Khuê Đông (vùng đông của Hóa Khuê), Khuê Trung (vùng trung của Hóa Khuê).
Về hai tấm bia được phát hiện tại đây:
- Tấm thứ nhất là bia Hóa Quê được một người Pháp, ông Rougier phát hiện vào đầu thế kỷ XX và được Edouard Huber công bố với tên gọi “Bia Hóa Quê” trong bài “Nghiên cứu Đông Dương” trên tạp chí của Viện Viễn Đông Cổ Pháp, số 11, năm 1911, trong một hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bia Hóa Quê có kích thước 124cm x 70cm x 33cm, được khắc trên 4 mặt, với nội dung tôn vinh thần Siva thông qua biểu tượng linga và ngợi ca vua Jayasimhavarman và vua Bhadravarman cùng các vị đại thần đồng thời ghi niên đại dựng các tượng thờ với niên đại sớm nhất vào năm 909.
Bia Hóa Quê đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
- Tấm thứ hai là bia Khuê Trung được phát hiện vào thập niên 80 thế kỷ 20 bởi người dân đào móng làm nhà đã tìm thấy và báo cho Bảo tàng Đà Nẵng, hiện vật này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bia Khuê Trung đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Bia Khuê Trung kích thước 75cm x 45cm x 35cm, khắc minh văn trên cả 4 mặt, nhưng nhiều chỗ đã mòn, sứt vỡ khiến cho việc tái hiện bố cục văn bia gặp khó khăn. Nội dung còn dịch được viết bằng tiếng Phạn và tiếng Champa cổ, ngợi ca thần Maharudra (hóa thân của thần Siva) và vua Jayasimhavarman, đồng thời ghi lại việc thiết lập một công trình vinh danh vị thần cùng danh sách đất đai dâng tặng cho một tu viện (vihara). Bia Khuê Trung có ghi ngày dựng bia được tính ra dương lịch là ngày 19 hoặc 20 tháng 2 năm 899, dưới thời của vua Jayasimhavarman.
Hai văn bia này nằm trong giai đoạn xuất hiện một vương triều mới của Champa được nêu trong tấm bia dựng ở Đồng Dương (Quảng Nam) ngày 13 tháng 5 năm 875, với vị vua có tên là Indravarman. Minh văn bia Hóa Quê nói đến những người con đã dựng hình tượng của cha mình, có tên là Ajna Sarthavaha, “là anh của hoàng hậu vua Indravarman, cháu gái của vua Rudravarman….”. Ngoài hai tấm bia Hóa Quê và Khuê Trung, khá nhiều văn bia đã được tìm thấy ở các tỉnh bắc miền Trung, từ Quảng Bình đến Quảng Nam có niên đại tương ứng trong khoảng từ năm 890 đến năm 920. Nội dung các văn bia này cho thấy một tầng lớp quý tộc có vai trò lớn trong xã hội đương thời.
Cũng trong năm 1911, trong bài giới thiệu về bia Hóa Quê, ông Huber nói đến một dấu vết di tích Champa, mà “trung tâm của nó ở vị trí cột điện thoại số 74 trên đường dây điện thoại Tourane Saigon, thuộc địa phận làng Hóa Quê, ngoại ô của Tourane”. Tại đây, ông Huber có nhìn thấy một tượng Ganesa và một tượng Kumara đã bị sơn lên các màu xanh đỏ, đặt trong miếu thờ tại một ngôi chùa/miếu của làng Hóa Khuê.
Trong nỗ lực khảo sát, tìm kiếm địa điểm được học giả Pháp ghi nhận, chúng tôi cùng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thật thật khó khăn để xác định chính xác vị trí “cột điện thoại số 74” từ năm 1911. Hiện tại, không rõ ngôi miếu làng Hóa Quê mà Huber nói đến năm 1911 đã dời chuyển thể nào; nhưng ngày nay tại Miếu Bà - Khuê Trung, ở đường Bình Hòa 8, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ hiện còn có 2 đầu tượng bằng sa thạch được tôn tạo thành hai tượng thờ trong gian thờ chính, đặt sau các bài vị thờ Ngũ hành thánh phi (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trước sân Miếu Bà là một giếng vuông, ghép bằng các phiến đá sa thạch mà nhân dân địa phương gọi là Giếng Hời. Giếng có lòng vuông, kích thước 1,15m x 1,15m.
Tại phường Khuê Trung còn hai dấu vết kiến trúc Champa. Một là khu vực Miếu Xóm Thuận An (hay Nghĩa Tự Xóm Thuận An), cách Miếu Bà Khuê Trung khoảng 500m về phía tây nam. Tại đây, còn lưu giữ vài viên ngói vỡ và gạch Champa thu nhặt được từ ngôi miếu cũ, trên viên gạch lớn còn ghi dòng chữ Quốc ngữ: “Vật liệu xây dựng của người xưa giữ làm kỷ vật”. Được biết những “kỷ vật” này do cụ Huỳnh Ngọc Tế sưu tầm trong khu vực ngôi miếu đổ nát vào những năm 1980 và đã cất giữ cho đến gần đây để gắn vào thân cột ngôi miếu mới. Cách đây 30 năm, một người dân khi đào móng làm nhà ở cạnh ngôi miếu đã phát hiện một khối một bia đá hình trụ vuông, có khắc chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ ở cả bốn mặt, được dựng vào năm 898, nói về việc xây dựng một công trình và dâng cúng đất đai cho thần Maharudra. Tấm bia này đang bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Một địa điểm khác là Lăng Ông Hòa Bình cũng thuộc phường Khuê Trung xây dựng vào năm Tự Đức 22 (tức năm Canh Ngọ 1869). Hiện nay, tại đây vẫn còn thấy một số gạch đá mang phong cách Champa như phần sau của tượng Bò thần Nindan, bệ đá vuông, các mảnh vỡ từ đá trang trí góc tháp…
Như vậy, với hai tấm bia kí cùng các hiện vật tượng và đầu tượng, bệ đá vuông, mảnh trang trí góc tháp cùng gạch ngói Champa đã nói lên việc tồn tại một hệ thống kiến trúc đền - tháp Champa tại khu vực này bắt đầu từ khoảng thế kỷ 9 - 10, và cho thấy đây một khu vực khá phát triển về mặt xã hội. Và như vậy, ắt hẳn vị trí Hóa Quê - Khuê Trung đã từng là một trung tâm trung chuyển, một địa điểm chuyển tiếp tại cửa ngõ giao thương, tiếp đón các nước đến với Champa qua cửa biển Đà Nẵng và cửa Đại Chiêm - một đầu mối dẫn đến vùng Thanh Chiêm, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, là những trung tâm kinh đô và tôn giáo của vương quốc Champa.
3.Di tích Gò Giảng
Đầu năm 2015, người dân tổ 3, thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang trong khi dọn mặt bằng, trùng tu ngôi Miếu Bà ở khu vực Gò Giảng, xứ đất Bàu Đưng đã phát hiện một số hiện vật Chăm gãy vỡ vùi lấp dưới đất.
Theo báo dẫn của cán bộ quản lý và nhân dân địa phương, chúng tôi tiếp xúc với di tích. Ngôi miếu tọa lạc giữa khu đất cao trên diện tích khoảng 5.000m2, trước đây bao phủ nhiều cây lớn và bị hoang hoang phế, xuống cấp theo thời gian, khi chúng tôi đến cả khu đất đã được phát dọn, xuất lộ nhiều gạch và mảnh ngói Champa cùng một số mảnh gốm vỡ rải rác trên mặt đất hoặc vùi đống dưới các lùm rễ cây.
Bệ thờ Yoni ở Gò Giảng (Nguồn: Báo Đà Nẵng)
Hiện vật phát hiện tại chỗ gồm một đầu tượng, một bệ yo-ni, một bệ thờ và một chóp tháp:
- Yo-ni dày 12cm, rộng 59cm, dài (kể cả phần vòi) 79cm.
- Bệ thờ có hình khối vuông, có gờ chỉ, kích thước 44 x 44 x 32cm.
- Chóp tháp: cao 42cm, rộng 35cm, không trang trí.
- Đầu tượng có dấu gãy ở cổ, chiều cao còn lại 23,5cm, rộng 15cm, đường kính phần cổ 10cm.
Việc phát hiện phế tích Gò Giảng cung cấp thêm một cứ liệu cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất và cư dân ở phía tây Đà Nẵng, đặc biệt minh chứng cho các tầng văn hóa lâu của vùng đất này. Hi vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ có dịp nghiên cứu, khai quật di tích này, đem nhưng thắc mắc còn bỏ ngỏ ra soi rọi dưới ánh sáng khoa học và khảo cổ học.
4.Di tích An Sơn
An Sơn là tên một ngôi chùa cổ, thu hút khá đông thiện nam, tín nữ đến lễ bái, đặc biệt trong các dịp lễ tết nằm trên đường Nhơn Hòa 7, thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Về địa hình, chùa An Sơn nằm gần sát núi Phước Tường, cách chân núi chừng 1 km. Chùa tựa lưng vào núi ở hướng Tây, hướng mặt về Đông. Chùa An Sơn còn có tên là chùa Hang.
Theo lời kể của sư trụ trì thì trong những lần đào đất chung quanh chùa có phát hiện dấu vết các đường móng bằng gạch. Trong khuôn viên chùa hiện còn nhìn thấy rải rác một số mảnh vỡ gạch Champa và một số hiện vật sa thạch có chạm khắc theo phong cách Champa. Các hiện vật gồm:
- 02 trụ của tháp được sử dụng lại làm thành để trụ của cột cờ ngay giữa sân trước của chùa, cùng với 2 khối sa thạch chèn hai bên.
- 01 bệ tròn bằng sa thạch trang trí cánh sen vốn khả năng là bệ tượng thờ.
- Một bệ vuông, 8 tảng đế trụ, 2 lanh tô gãy.
- Một tượng sa thạch đã vỡ mất phần đầu,
Các vết tích còn lại cho thấy đây từng có một công trình kiến trúc Champa. Bệ hoa sen và hoa văn chạm khắc trên trụ đá có vài nét tương đồng với các hiện vật ở di tích Đồng Dương (cuối thế kỷ 9) và di tích Hà Trung (đầu thế kỷ 10).
Nhận xét
Trên cơ sở những kết quả thu được qua khảo sát, nghiên cứu các di tích, phế tích và di vật văn hóa Champa, chúng tôi đã kết hợp nhiều phương pháp và tiêu chí đánh giá để từ đó xác định niên đại cho từng di tích và hiện vật. Nguyên tắc chung nhất được áp dụng là sự kết hợp tiêu chí phong cách nghệ thuật và tiêu chí sử dụng niên đại tuyệt đối ghi trên bia kí, minh văn để đối chiếu và xác lập niên đại cho kiến trúc và điêu khắc.
Di tích Ngũ Hành Sơn, như đã trình bày, đây là vùng đất thông qua công tác khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của người tiền sử sinh sống và phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Champa cho đến nay, theo đó nhiều khả năng người Champa đã sử dụng các hang động nơi đây làm nơi thờ tự từ rất sớm. Tuy nhiên, các hiện vật còn lại ở di tích có những đặc điểm mang phong cách giai đoạn Đồng Dương, với khung niên đại cuối thế kỷ 7 - đầu thế kỷ 10. Hiện vật Đài thờ thể hiện thân Indra đội một cái mũ bằng kim loại (kirita-mukuta) có hai tầng, mỗi tầng trang trí một đóa hoa bốn cánh to ở giữa mang phong cách Đồng Dương vào thời kỳ đầu, xung quanh niên điểm 875 với đặc điểm nhân chủng và tiếu tượng được TS. Võ Văn Thắng mô tả: thân có khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt mở lớn, có mí mắt rất dày, lông mày rậm nổi hẳn lên, môi đây, đôi hoa tai to nặng…. Thần mặc một chiếc sampot dài quả đầu gối một tí, dệt những hoa văn kẻ sọc như thường xuất hiện trong phong cách Đồng Dương, đặt biệt có thể so sách loại y phục này với y phục của các nhân vật chạm trên đài thờ lớn của Phật viện này.
Tại di tích Khuê Trung, với hai tấm bia kí cho niên đại tuyệt đối (năm 899 đến 910) cùng các hiện vật tượng, bệ Yoni, bệ đá vuông, mảnh trang trí góc tháp đã nói lên việc tồn tại của di tích bắt đầu từ khoảng thế kỷ 9 - 10. Tuy nhiên, với vai trò là một trung tâm chuyển tiếp tại cửa ngõ giao thương tại Đà Nẵng, nơi tiếp đón các nước đến với Champa thì vấn đề xây dựng và phát triển khu này này còn diễn tiến liên tục qua nhiều thế kỷ sau đó. Bia kí nơi đây ghi lại việc xây dựng tu viện phần nào cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội và văn hóa - tín ngưỡng cũng như sự phồn thịnh của khu vực này, điều này cũng minh chứng cho các cơ sở phát triển qua các giai đoạn sau này.
Hiện vật được tìm thấy ở di tích Gò Giảng có nét khá giống các đầu tượng đã tìm thấy ở di tích Quá Giáng. Với búi tóc đầu tượng Gò Giảng được bố cục ba tầng và đường nét trang trí hình dáng ba cánh hoa gần giống như vị trí ba cánh hoa trên các đầu tượng trong phong cách Đồng Dương trong khung niên đại từ cuối thế kỷ 9 đến 10.
Ở di tích Gò Giảng, thoạt nhìn dáng vẻ của đầu tượng này khá giống các đầu tượng đã tìm thấy ở di tích Quá Giáng. Tuy nhiên, đầu tượng ở đây là đầu tượng tròn, rời, không gắn liền với phù điêu đá ở mặt sau như đầu tượng Quá Giáng. Bố cục và đường nét trang trí trên búi tóc của đầu tượng Gò Giảng là búi tóc ba tầng, trong đó tầng dưới được trang trí hình dáng ba cánh hoa, các chi tiết chạm khắc đã mòn mờ, chỉ nhận dạng bố cục gần giống như vị trí ba cánh hoa trên các đầu tượng Champa phong cách Đồng Dương. Những hiện vật đã tìm thấy quá ít để có thể đưa ra các nhận xét chính xác về phong cách và niên đại của phế tích này. Chỉ có thể khẳng định tại khu vực này đã có một kiến trúc tín ngưỡng từ thời Champa, ít ra có một đền tháp với bệ yo-ni, chắc chắn có Linga đi cùng và có đầu tượng thì khả năng cũng có tượng tròn.
Đối với di tích An Sơn, về kiểu thức trang trí của 2 trụ cửa có thể so sánh với các trụ cửa trong phong cách Đồng Dương để thấy rằng, cách bố cục và thể hiện chi tiết của các loại hoa văn này bộc lộ xu hướng kế thừa các tác phẩm điêu khắc của giai đoạn nghệ thuật sớm hơn, tiêu biểu là đài thờ Mỹ Sơn El; đó là, sự ưa chuộng lối chạm trổ rườm rà, cầu kỳ, hoa mỹ, kết hợp nhiều kiểu hoa văn khác nhau trên cùng một mảng trang trí; xu hướng thẩm mỹ này đã xuất hiện trong một giai đoạn trước, để về sau, nó được kế thừa bởi phong cách Đồng Dương. Vì vậy, có thể xếp trụ cửa ở chùa An Sơn vào giai đoạn đầu phong cách Đồng Dương, vào khoảng thế kỷ 9. Bệ hoa sen đá ở đây có vài nét tương đồng với các hiện vật ở di tích Đồng Dương (cuối thế kỷ 9) và di tích Hà Trung (đầu thế kỷ 10).
Di tích Xuân Dương chỉ còn lại một bệ thờ khắc hình voi ở bốn mặt. Những đặc điểm tạo hình tư thế đi của voi, đầu to, đuôi bỏ xuôi theo mông, thân mập đã gợi đến sự tương đồng với những con voi phát hiện tại di tích Trà Kiệu, và Boisselier xếp bệ thờ này vào phong cách Mỹ Sơn A1 hay phong Cách Trà Kiệu, có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ X (Boisselier, 1963).
Trên cở sở phân tích, đối chiếu với các di tích Champa ở các địa phương khác về phong cách nghệ thuật, có thể thấy các di tích Champa Đà Nẵng có niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ 8 đến thế kỷ 14, trong đó các di tích, di vật được nghiên cứu, khảo sát đợt này tập trung vào khoảng 3 thể kỷ, từ thế kỷ 8 đến 10. Khung niên đại này hoàn toàn phù hợp với niên đại ghi trên hai văn bia Chăm đã tìm thấy tại Đà Nẵng được ghi nhận sớm nhất tại bia Khuê Trung (năm 899) và bia Hóa Quê (năm 909).
Lê Ngọc Hùng
Tài liệu tham khảo
Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần, 2012. Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng. Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Boisselier, J, 1963. La Statuaire du Champa (Nghệ thuật tạc tượng của Champa), Paris, Viễn Đông Bác Cổ.
Ngô Văn Doanh, 2011. Văn hóa cổ Champa. Nxb.Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Lương Ninh, 2004. Lịch sử vương quốc Champa. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Parmentier, H, 1909. Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam (Thống kê, miêu tả các công trình kiến trúc Champa ở An Nam), tập I, Paris, tr. 319 - 324.
Võ Văn Thắng (Chủ biên), 2014. Di tích Chăm Đà Nẵng & Những phát hiện mới. Nxb. Đà Nẵng.