Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/03/2017 00:00 460
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong phần mộ bà Châu Thị Vĩnh Tế, các nhà khảo cổ tìm thấy những nữ trang bằng vàng hết sức tinh xảo, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, với tổng trọng lượng gần 7 lượng vàng.

Trong phần mộ bà Châu Thị Vĩnh Tế, các nhà khảo cổ tìm thấy những nữ trang bằng vàng hết sức tinh xảo, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, với tổng trọng lượng gần 7 lượng vàng.

1

Trâm cài đầu và nhẫn tìm thấy trong mộ bà Vĩnh Tế.

Phần nữ trang tùy táng bên phần mộ bà gồm 11 chiếc trâm cài đầu bằng vàng, tạo tác hình hoa đào, hoa mai, hoa và trái lựu cách điệu... trên cánh và nhụy còn có ong, bướm bám đậu trên đài hoa bằng kỹ thuật đậu và kéo sợi vàng. Khi thực hiện phục nguyên chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu một cách công phu, chuyên gia phục chế mũ mão cổ Vũ Kim Lộc cũng đã tìm hiểu về bộ trâm cài đầu này. Ông cho biết: “Bộ trâm của bà có rất nhiều đặc điểm giống với bộ sưu tập trang sức thuộc loại hình phẩm phục của một bà phi thời chúa Nguyễn Phúc Khoát mà tôi đã sưu tầm, sau đó chuyển nhượng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.

Cùng với bộ trâm cài đầu là 2 chiếc vòng tay, 6 chiếc nhẫn vàng chạm khắc tinh xảo, cẩn đá quý; 2 cặp bông tai hình đài hoa với kỹ thuật kéo sợi đặc sắc. Một số nữ trang trong mộ bà Vĩnh Tế có đặc điểm giống với nữ trang mà các nhà khảo cổ học từng tìm thấy trong lăng mộ của bà quý tộc Trần Thị Hiệu ở Q.5 (TP.HCM) khai quật năm 1994, mộ của bà Chính thất Phu nhân Tả Tham tri bộ Lại nằm trong khuôn viên Viện Pasteur (TP.HCM) khai quật năm 2005.

2

Bông tai và vòng tay của bà Vĩnh Tế tìm thấy trong phần mộ Thoại Ngọc Hầu.

Nữ trang của bà trong phần mộ ông

Điều đáng chú ý, bên phần đồ tùy táng của mộ ông cũng đã tìm thấy 4 chiếc vòng đeo tay và 1 cặp bông tai giống với cặp bông tai có dạng hình dấu hỏi phần gài và mặt bông hình đài hoa cẩn đá quý bên phần mộ bà. Căn cứ vào đặc điểm hình dáng và kỹ thuật chế tác cho thấy, đây đều thuộc loại hình nữ trang của bà.

Lý giải về sự hiện diện các đồ nữ trang được tùy táng bên phần mộ ông, tiến sĩ Phạm Hữu Công nhận định đây có thể là những vật gắn với tình cảm thiêng liêng chồng vợ giữa ông với bà. Bà Châu Thị Vĩnh Tế mất năm 1826, sử sách và các nghiên cứu sau này đề cập rất nhiều đến việc ông đã thực hiện an táng bà một cách đầy tình cảm, quý trọng qua việc lựa chọn nơi an táng và cả những sự kiện liên quan như làm đường để đưa tang cho bà từ dinh Bảo hộ (trung tâm TP.Châu Đốc ngày nay) đến núi Sam, đó là con đường từ Châu Đốc đến núi Sam mà chúng ta đi hiện nay. Vì thế, có lẽ ông đã giữ lại một số kỷ vật của bà bên mình trong những ngày tháng cô quạnh cuối đời và sau khi ông qua đời, con cháu cũng đã đưa cả những vật thiêng liêng này vào lăng mộ để làm đồ tùy táng cho ông.

Trong phần mộ ông còn có 2 chiếc vòng đeo tay hết sức tinh xảo, từ trọng lượng, thành phần quý kim cho đến hình dáng, kỹ thuật tạo tác hoa văn giống hệt với cặp vòng đeo tay của bà Trần Thị Hiệu khai quật năm 1994 hiện đang trưng bày trong chuyên đề Vàng son nhung gấm - trang phục cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, hé mở nhiều vấn đề liên quan đến phẩm phục và trang sức cung đình ban phát cho các mệnh phụ phu nhân của hệ thống quan lại đại thần từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn.

Sử liệu thời Nguyễn ghi chép quy định về phẩm phục của các mệnh phụ phu nhân sớm nhất vào đầu năm 1830, tức là muộn hơn so với thời điểm bà Châu Thị Vĩnh Tế qua đời 4 năm. Điều này cho thấy, mặc dù các loại hình trang sức mang tính phẩm phục của mệnh phụ phu nhân đầu thời Nguyễn chưa được ghi chép qua sử liệu, nhưng từ những di vật thuộc loại hình trang sức - nữ trang của bà cùng các nhóm di vật tùy táng khác phát hiện trong một số lăng mộ của các bà phi, mệnh phụ phu nhân ở Huế và Nam bộ là một nguồn cứ liệu xác nhận và bổ sung cho các nhận định về sự tiếp nối truyền thống mang tính đặc trưng về sự trang trọng, quyền quý xa hoa của phẩm phục từ thời Nguyễn ở xứ Đàng trong và Nam bộ VN.

Những điều này phù hợp với nhận xét của Lê Quý Đôn về phụ nữ quý tộc Đàng trong giai đoạn giữa thế kỷ 18 trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Đàn bà con gái thì đều mặc áo the và hàng hoa, thêu ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ thật là quá đáng”.

Lương Chánh Tòng

thanhnien.vn

Chia sẻ:

Bài viết khác

Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc kính mắt châu Âu

Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc kính mắt châu Âu

  • 23/03/2017 00:00
  • 379

Kho báu của Thoại Ngọc Hầu còn có cả những vật phẩm nguồn gốc từ châu Âu, trong đó gồm nhiều di vật chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần nhận diện và giải mã nhiều ẩn số lịch sử.