Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/04/2017 00:00 451
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Văn hóa Đông Sơn, được các nhà Tiền sử học đặt trong thời đại đồng và sắt sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm. Đây là nhân lõi vật chất của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Cả, của những bộ sưu tập hiện vật ấn tượng và vô cùng phong phú, phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng cư dân Việt cổ.

Văn hóa Đông Sơn, được các nhà Tiền sử học đặt trong thời đại đồng và sắt sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm. Đây là nhân lõi vật chất của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, của nền văn minh sông Hồng, sông Mã, sông Cả, của những bộ sưu tập hiện vật ấn tượng và vô cùng phong phú, phản ánh muôn mặt đời sống cộng đồng cư dân Việt cổ.

Có thể khẳng định rằng, Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng nhất của khu vực Đông Nam Á thời sơ sử, với những tần số phát sóng cực mạnh, đã tạo nên một sự ảnh hưởng văn hóa vô cùng rộng lớn, khiến nảy sinh ra một khái niệm “Đông Sơn ngoài Đông Sơn” của cố Giáo sư, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Phạm Huy Thông trước đây, hay “Đông Sơn ngoại biên” của một số nhà nghiên cứu hiện nay.

Nói như thế để nhấn mạnh tính đặc thù của bộ sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn vùng tam giác châu Bắc Bộ, mở rộng thêm tới xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh hiện nay, khiến khó có thể trộn lẫn với Đông Sơn vùng Nam Trung Quốc, Đông Sơn Đông Nam Á lục địa và ngoài hải đảo. Một trong những hiện vật đặc thù ấy là những chiếc thạp đồng lớn nhỏ, được phát hiện trong gần một thế kỷ qua ở Việt Nam, suốt từ miền núi Lào Cai – Yên Bái đến Thanh Hóa – Nghệ An, bao gồm 16 địa phương, với mức độ mật tập khác nhau, qua một phép cộng khiêm nhường là 280 chiếc. Đây là con số chưa nói được hết, khi chúng còn nằm trong các nhà sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ “minh khí” chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này.

Khác trống đồng, cũng là loại di vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, có nhiều kiểu dáng khác nhau, mà giới nghiên cứu giờ đây đồng thuận với khái niệm loại I Heger là trống Đông Sơn, thì thạp đồng có kiểu dáng đơn giản hơn nhiều, với hai loại hình cơ bản sau đây:

Thạp có dáng hình quả nhót, thường có nắp đậy. Thân thạp hình trụ, miệng hơi khum, nửa trên hơi bóp, giữa phình và nửa dưới, sát chân thót lại. Tiêu biểu cho loại hình này là thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh, cả hai đều phát hiện ở Yên Bái và đều đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Hoa văn và đề tài trang trí trên hai chiếc thạp này đã có nhiều văn liệu khảo cổ học nhắc đến, nhưng hình ảnh cặp đôi giao hợp trên nắp thạp Đào Thịnh dường như là một hiện tượng duy nhất, được biết cho đến nay, nhưng tinh thần và bản chất quen thuộc của văn hóa Đông Sơn vẫn toát lên, đó là ý nghĩa phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Việt cổ. Bốn tượng chim bồ nông trên nắp thạp Hợp Minh, dẫu cũng là phiên bản thứ hai về tính độc bản, nhưng lại cho một hình ảnh thân quen hơn với văn hóa Đông Sơn, qua trực quan từ các loại thủy cầm trên trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam), Cẩm Giang (Thanh Hóa)… Những hoa văn hình học, thuyền người trên thạp Đào Thịnh I và Hợp Minh thì quá quen thuộc trên những đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt là trên trống đồng, khiến cho bất cứ ai cũng phải thừa nhận, loại thạp quả nhót có nắp là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn. Tôi thì cho rằng, chúng là loại hình đặc trưng của bộ Tân Hưng thuở Vua Hùng, Vua Thục, là cốt cách riêng biệt của vùng thượng lưu sông Thao mà địa phận tập trung là tỉnh Yên Bái ngày nay.

1

Chiếc thạp đồng thời Đông Sơn có phần nắp có thể dùng như một chiếc chiêng. Ảnh: internet

Thạp có dáng như một chiếc xô đựng nước hiện đại mà giới yêu thích đồ đồng cổ gọi bằng cái tên dân dã “xô đồng”. Đây là loại thạp không có nắp, có dáng hình trụ, miệng thẳng, phía trên nở và thót dần xuống đáy. Loại thạp này có số lượng nhiều, tập trung ở đồng bằng và thung lũng các dòng sông lớn, như sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Hoa văn trang trí trên thạp chủ yếu là văn hình học: vạch thẳng song song, đường tròn có chấm giữa, ô trám lồng… mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dẫu hoa văn hình học được coi là nổi trội trên loại hình thạp này nhưng không phải là tất cả. Thạp Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một khác biệt, với những họa tiết trang trí hình thuyền, trên đó là những cảnh tượng sinh động về cuộc sống của những chiến binh đánh thủy, được diễn tả khá chi tiết, chẳng khác bao nhiêu so với thạp đồng Đào Thịnh I, Hợp Minh và trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Xuân Lập không phải là cá biệt, nhiều thạp đồng loại này, kích thước trung bình từ 20 -25 cm đường kính miệng, với chiều cao tương tự, cũng trình diễn những tổ hợp hoa văn thuyền người hoặc người hóa trang lông chim, người cách điệu hình cờ bay trên băng chủ đạo giữa thân thạp, phản ánh ngôn ngữ chung của nghệ thuật Đông Sơn.

Thạp đồng là sản phẩm của văn hóa Đông Sơn còn nằm ở bối cảnh phát hiện ra chúng. Không nhiều trong số 280 chiếc thạp này được tìm thấy trôi nổi, ngoài khai quật khảo cổ học. Phần lớn chúng có trong các địa tầng khảo cổ học, đó là những di chỉ cư trú hoặc mộ táng (mộ đất, mộ thân cây khoét rỗng).

Phát hiện khảo cổ học cho hay, hai chiếc thạp đồng đẹp nhất là Đào Thịnh I và Hợp Minh là hai chiếc quan tài. Đào Thịnh I là quan tài của người được hỏa thiêu với tàn tích chứa bên trong là than tro và xương cháy dở. Hợp Minh lại là quan tài của tục hung táng, với một bộ hài cốt và nhiều đồ tùy táng chứa bên trong. Với những chiếc thạp đẹp như vậy, chắc chắn chủ nhân của chúng phải là những người ở đẳng cấp cao trong một xã hội Đông Sơn đã có sự phân hóa giàu nghèo, thân phận hèn sang khá đậm nét. Tuy nhiên, thoạt kỳ thủy, theo tôi, cả hai chiếc thạp nêu trên, cùng nhiều chiếc thạp khác nữa, không phải là đúc ra để làm quan tài. Chúng là những đồ đựng có hai tai hình bán khuyên hoặc chữ U dùng để treo, khi sàn nhà là vô cùng bất tiện. Treo còn là hình thức để tôn thờ, mang ý nghĩa tâm linh của vật dụng, theo đó, là rượu thờ, rượu dùng cho lễ hội cầu mùa được sở hữu từ những già làng, tiên chỉ. Rất có thể, chúng còn để đựng hạt giống cho mùa màng, mà tín ngưỡng phồn thực nảy nở sinh sôi còn đọng hằn khá rõ trên các hình tượng hoa văn, khi mà đời sống của người Việt cổ thời Đông Sơn có nhiều nghi lễ liên quan tới mùa màng, nay còn sót lại như những “hóa thạch” ở một số cộng đồng cư dân miền núi phía Bắc, trong đó có người Mãng Ư, được cố Giáo sư Nguyễn Từ Chi phác dựng cả một quy trình, kể từ khi chọc lỗ gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, cất giữ trong kho hay trong những chiếc thạp đồng đựng hạt giống cũng phải là những người có uy tín trong cộng đồng sở hữu. Rồi, người tiên chỉ, già làng ấy mất, họ dùng nó để làm quan tài, chôn theo, như thể, sang thế giới bên kia, họ vẫn là con người ấy, đẳng cấp xã hội ấy, vẫn vai trò ấy trong cộng đồng.

2

Bảo vật quốc gia thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện ở Yên Bái. Ảnh: internet

Văn hóa Đông Sơn - văn hóa của thạp đồng còn được thể hiện ở việc so sánh với những văn hóa khác trong khu vực. Có thể nói, trong thời đại đồng - sắt sớm ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo, thạp đồng dường như là sản phẩm duy nhất của văn hóa Đông Sơn. Riêng miền Nam Trung Quốc, có khoảng 19 thạp đồng trong mộ Nam Việt Vương, Bắc Linh Tùng (Quảng Đông), La Bạc Loan, Cao Trại và địa điểm Ung Giang (Quảng Tây), mộ Thiên Tử Miếu (Vân Nam). Như vậy, Lưỡng Quảng và Vân Nam là ba tỉnh phát hiện được thạp đồng. Tôi đã từng cho rằng, ba đỉnh cao của tam giác thời đại đồ đồng - sắt sớm, đó là Bắc Việt Nam, Lưỡng Quảng và Vân Quý (Vân Nam, Quý Châu), có sức thu phát sóng cực mạnh. Chúng tiếp nhận, lan tỏa và ảnh hưởng qua lại, được thể hiện rất rõ trong bộ di vật đồng qua kiểu dáng và hoa văn. Việc tìm thấy những chiếc thạp đồng ở Lưỡng Quảng và Vân Nam sẽ có hai tình huống xảy ra. Một là, trao đổi hàng lấy hàng, qua đường biển và dòng sông Hồng. Hai là, trao đổi công nghệ, khi trung tâm Lưỡng Quảng và Vân - Quý đủ sức tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Lạc Việt, để làm ra những chiếc thạp đồng khá giống với những chiếc thạp Đông Sơn. Cách đây hơn 20 năm, tôi có ghé thăm Bảo tàng Guimer của Pháp, khi ấy đang trùng tu, sửa chữa. Người quản thủ thân thiện, chuyên gia về nghệ thuật Phương Đông, dẫn vào kho, cho xem một chiếc thạp đồng dáng xô, cỡ trung bình, vừa mua đấu giá được ở Paris. Anh có hỏi tôi về nguồn gốc, xuất xứ chiếc thạp ấy qua những hoa văn khá khác lạ so với những chiếc thạp đã biết từ trước tới khi ấy ở miền Bắc Việt Nam. Một trong những họa tiết hoa văn khác lạ, đó là hình ảnh con cá, diễn tả theo kỹ thuật “giải phẫu” (xương sống, xương sườn và vây…thấy cả bên trong). Phương pháp và kỹ thuật X quang đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến, như một hằng số của nghệ thuật giải phẫu Đông Sơn, nhưng cá bơi trước mũi thuyền, chưa có tư liệu hơn hai mươi năm trước. Giờ đây, cá bơi trước thuyền và nhiều hoa văn kỳ thú khác đã thấy trên thạp Hợp Minh (Yên Bái). Mặc dù vậy, cá trên chiếc thạp ở Bảo tàng Guimer có sự khác biệt về chi tiết so với hình ảnh tương tự trên thạp trên trống Đông Sơn. Tôi nghĩ rằng, đó là thạp vùng Nam Trung Quốc, du nhập kiểu dáng và kỹ thuật từ Đông Sơn Bắc Việt Nam.

Nói văn hóa Đông Sơn là văn hóa của những chiếc thạp đồng là chưa đủ. Nền văn hóa ấy còn là nền văn hóa của trống đồng, hoàn toàn khác biệt với văn hóa đỉnh - lịch vùng Trung Nguyên. Nó còn là văn hóa của những chiếc thố đồng, cũng ít thấy ở Nam Trung Hoa. Đó còn là văn hóa của những lưỡi cầy, dao gặt (vằng – nhíp), minh chứng cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước đạt trình độ cao, khác biệt với bộ công cụ trồng kê, cao lương của Trung Nguyên Hoa Hạ… Những sự khác biệt ấy đã làm nên một bản sắc Đông Sơn, không thể bị đồng hóa trước sức mạnh bành trướng của văn hóa ngoại lai trong một nghìn năm thuộc Bắc.

Văn hóa Đông Sơn cho đến bầy giờ vẫn là một tấm gương lớn về dựng xây bản sắc trong một thế giới hội nhập như hiện nay.

TS Phạm Quốc Quân

thegioidisan.vn

Chia sẻ: