Là một trong những hang động đẹp trên vịnh Hạ Long - di sản thế giới UNESCO, biểu tượng của du lịch Việt Nam, tuy nhiên hang Tiên Ông được đưa vào khai thác phục vụ du lịch khá muộn. Sở dĩ như vậy là vì, đây không chỉ là một hang động có những vẻ đẹp tự nhiên thuần túy, mà nó còn là một trong hang động hiếm hoi trên vịnh Hạ Long có dấu vết cư trú của con người từ rất xa xưa.
Là một trong những hang động đẹp trên vịnh Hạ Long - di sản thế giới UNESCO, biểu tượng của du lịch Việt Nam, tuy nhiên hang Tiên Ông được đưa vào khai thác phục vụ du lịch khá muộn. Sở dĩ như vậy là vì, đây không chỉ là một hang động có những vẻ đẹp tự nhiên thuần túy, mà nó còn là một trong hang động hiếm hoi trên vịnh Hạ Long có dấu vết cư trú của con người từ rất xa xưa.
Hang Tiên Ông nằm trên đảo đá Cái Tai, trong dãy các đảo đá vôi ở phía nam vịnh Hạ Long, cách TP. Hạ Long khoảng 20 km về phía nam, cách đảo Cát Bà (Hải Phòng) khoảng 5 - 7 km về phía đông. Toạ độ của hang được xác định là 20º48’55” vĩ Bắc, 107º07’22” kinh Đông.
Hang nằm ở gần trung tâm của đảo đá. Cửa hang quay hướng tây bắc, vừa rộng vừa thoáng, bề ngang khoảng 40 - 50m, cao khoảng 13 - 14m, bên ngoài ngổn ngang những khối đá vôi và thạch nhũ khá lớn rơi từ vách núi và trần hang xuống. Nền hang cao 4 - 5m so với mực nước biển hiện tại và dốc dần từ ngoài vào trong. Giữa hang có một hệ thống nhũ đá tạo thành một bức rèm chia hang làm 2 nửa: nửa phía ngoài - là khu vực được chiếu sáng - phủ đầy trầm tích nhuyễn thể không kết khối; nửa phía trong - phần từ cột nhũ hắt vào - khá bằng phẳng nhưng không hề có loại di tích này. Nhìn từ ngoài vào, phía bên phải, có một cồn ốc chạy dọc theo vách hang, dài khoảng 10m, rộng khoảng 3m. Phía trong hang, sát 2 bên vách, có khá nhiều các ngách nhỏ, vừa cao ráo bằng phẳng, vừa kín gió, rất thuận tiện cho việc cư trú trong mùa đông giá rét.
Hòn Cái Tai nhìn từ phía Tây.
Cận cảnh phần cửa hang trên đảo Cái Tai.
Phần cửa hang nơi tập trung phân bố trầm tích nhuyễn thể không kết khối.
Từ những báo dẫn đầu tiên năm 1938
Di tích đã được nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển J.G. Andresson phát hiện vào đầu năm 1938. Ông gọi hang này là Hang Đục (Grotte du Ciseau) và mô tả rằng đó là một hang rất rộng và đẹp nằm trên một hòn đảo nhỏ có tên là đảo Hang, ở phía bắc của đảo Thống Nhất (Union), trên vịnh Bái Tử Long. Chính những ghi chép đó của Andersson đã vô tình gây nên một sự nhầm lẫn dài đằng đẵng với các nhà khảo cổ học Việt Nam, mà phải đến 70 năm sau, vấn đề mới được làm sáng tỏ.
Nhưng ta hãy tạm gác một bên sự nhầm lẫn ấy để trở lại với những thông tin về cuộc khai quật lần đầu của ông.
Vào 1938, Andersson đã mở 3 hố khai quật: một hố lớn diện tích khoảng 30m2, nằm gần trung tâm cửa hang; hai hố nhỏ diện tích mỗi hố khoảng 2m2, trong đó một hố ở sát vách bên trái hang, còn một hố nằm gần hố lớn. Trong báo cáo của mình, Andersson không nhắc đến diễn biến địa tầng mà chỉ tập trung lí giải sự có mặt của trầm tích vỏ nhuyễn thể nước ngọt. Ông cũng đã tìm được một khối lượng di vật khá lớn, nhưng hầu hết đã mang về Thuỵ Điển, chỉ có một sưu tập nhỏ (khoảng 20 hiện vật) lưu tại Bảo tàng Louis Finot (sau là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Niên đại cụ thể của di tích cũng không thấy Andersson xác định trong báo cáo.
Đến đợt khảo sát năm 1997
Sau phát hiện và khai quật của Andersson, trong mùa điền dã khảo cổ học Quảng Ninh năm 1997, Hà Hữu Nga một lần nữa đã đặt chân đến Hang Đục. Nhưng lúc này, Hang Đục lại được gọi phổ biến là Hang Tiên Ông (hay còn có tên khác là hang Rền), đảo Thống Nhất được gọi là đảo Hang Trai, và quan trọng hơn khu vực này bây giờ là vịnh Hạ Long chứ không phải là vịnh Bái Tử Long. Chính những khác biệt về tên gọi ấy đã khiến nhà khảo cổ giàu kinh nghiệm như Hà Hữu Nga, dù đang đứng trên Hang Đục, mà cứ đinh ninh rằng đã phát hiện ra một di tích mới. Vì thế, trong công trình Hạ Long thời tiền sử viết chung với Nguyễn Văn Hảo, ông đã không mảy may nghi ngờ khi xếp Hang Đục và Hang Tiên Ông là 2 địa điểm khác nhau trong tổng số 25 di tích thuộc văn hoá Soi Nhụ. Điều này đã kéo theo một loạt những nhầm lẫn đối với những ai trích dẫn tài liệu của ông.
Và những phát hiện mới từ cuộc khai quật năm 2007
Cuối năm 2007, để có cơ sở khoa học cho việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hang Tiên Ông, Sở VHTTDL Quảng Ninh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khai quật hang động này lần thứ hai.
Sau khi khảo sát toàn bộ hang cũng như xem xét các vị trí còn có thể đào được, đoàn công tác đã mở 4 hố khai quật và 1 hố thám sát, với tổng diện tích là 42m2, trong đó các hố 1 và hố 2 được ở phía ngoài gần cửa hang, hố 3 và hố 4 mở ở nền hang phía trong, còn hố thám sát mở trong 1 ngách nhỏ bên trái gần cửa hang.
Diễn biến địa tầng các hố đào cho thấy các hoạt động sinh hoạt của người xưa tập trung chủ yếu ở khu vực cửa hang, nơi cao thoáng và có nhiều ánh sáng nhất. Bằng chứng là tầng văn hóa được xác định khá rõ ràng ở hố 1 và hố 2, còn hố 3 và hố 4 rất mờ nhạt. Tầng văn hóa ở đây chứa dày đặc vỏ ốc không kết khối, một ít than tro, xương động vật, vỏ nhuyễn thể và các công cụ đá, xương và mảnh gốm. Những di tích, di vật này đã được chỉnh lý, nghiên cứu kĩ càng, đem lại những thông tin khoa học quan trọng.
Các nhà khảo cổ đang xử lý một hố khai quật ở phần cửa hang.
Trước hết là di tích xương răng động vật. Khối lượng xương động vật thu được trong hang rất phong phú nhưng đến 99,9 % số xương này đều là xương chi thú trung bình và thú nhỏ đã bị đập vỡ, nung, một số xương có vết mài. Răng thú là di tích có thể giám định đến loài còn lại rất ít. Trong số di tích xương không còn một chiếc xương nào còn nguyên vẹn, tất cả đầu đã bị đập vỡ, thậm chí đập rất vụn. Người ta không chỉ đập nhưng xương ống lớn mà còn dập cả những xương ngón chân và cả xương sên, xương gót là những xương rất rắn và chắc, bên trong hầu như lượng tủy xương cũng không có hoặc rất ít. Việc đập vỡ xương này khiến cho giám định chúng rất khó khăn vì mọi đặc điểm để định đến họ hay loài đều không còn.
Trương Đắc Chiến
Tài liệu tham khảo:
Andersson J.G 1939. Archaeological Reseach in the Fai Si Long Archipelago, Tonkin. The Museum of Far Eastern Antiquities Stockholm - Bulletin No 11, Stockholm, p. 75 - 108.
Douglas D. Anderson 1990. Lang Rongrien Rockshelter: A Pleistocene - early Holocene archaeological site from Krabi, Southwestern Thailand. The University Museum, University of Pennsylvania publishes, Philadenphia.
Dunn F.L & Dunn D.F 1977. Maritime adaptations and exploitation of marine resources in Sundaic Southeast Asian prehistory. Modern Quaternary Research in Southeast Asia, Volume 3. A.A. Balkema, Rotterdam.
Đỗ Văn Ninh 2005. Báo cáo khai quật di chỉ hang Soi Nhụ (Quảng Ninh) năm 1969. Trong Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, tr. 63 - 68.
Hà Hữu Nga 1997. Báo cáo điền dã khảo cổ học Quảng Ninh năm 1997. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Hà Hữu Nga 2001. Văn hoá Bắc Sơn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo 2002. Hạ Long thời tiền sử. Ban quản lý vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long.
Hoàng Xuân Chinh (chủ biên) 1989. Văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam. Viện Khảo cổ học xuất bản, Hà Nội.
Nguyễn Đức Tâm 2003. Bản đồ địa chất Đệ tứ Việt Nam tỷ lệ 1: 500.000 với khảo cổ học. Trong Khảo cổ học, số 6, tr. 3 - 25.
Nguyễn Khắc Sử 2005a. Văn hoá Hạ Long trong nền cảnh tiền - sơ sử Việt Nam. Trong Khảo cổ học, số 1, tr. 3 - 26.
Nguyễn Khắc Sử (chủ biên) 2005b. Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc, Đào Thị Miên 2005. Sự dao động mực nước biển với khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam. Trong Khảo cổ học, số 3, tr. 27 - 36.
Phạm Đình Thọ 1997. Dao động mực nước biển ở khu vực văn hóa Hạ Long và ý nghĩa khảo cổ học của nó. Trong Khảo cổ học, số 2, tr. 3 - 10.
Robert B. Fox 1970. The Tabon Caves - Archaeological explorations and excavations on Palawan island, Philippines, Number 1. The National Museum publishes, Manila.
Trần Đức Thạnh 2003. Lịch sử địa chất vịnh Hạ Long. Ban quản lý vịnh Hạ Long xuất bản, Hạ Long.