Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/08/2017 00:00 379
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bộ sưu tập hiện vật suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu của linh mục Nguyễn Trường Thăng đã góp thêm tài liệu quý về kinh thành cổ. Ngạc nhiên hơn, bức phác thảo về thành cổ của ông có nhiều nét tương đồng kỳ lạ với bức vẽ từ đầu thế kỷ 20 của nhà khảo cổ người Pháp.

Bộ sưu tập hiện vật suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu của linh mục Nguyễn Trường Thăng đã góp thêm tài liệu quý về kinh thành cổ. Ngạc nhiên hơn, bức phác thảo về thành cổ của ông có nhiều nét tương đồng kỳ lạ với bức vẽ từ đầu thế kỷ 20 của nhà khảo cổ người Pháp.

1

Bức tranh do linh mục Nguyễn Trường Thăng vẽ qua trí tưởng tượng về kinh thành Sư tử.

Cơ duyên với Trà Kiệu

Những ngày gần đây, dù đang nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nhưng linh mục Nguyễn Trường Thăng vẫn luôn lạc quan. Ông bảo, còn sức thì còn nghiên cứu văn hóa Chăm bởi kinh thành Sư tử là một “câu chuyện lớn” đối với cuộc đời ông. Ông kể, thuở nhỏ nhìn thấy những hiện vật của người Chăm để lại, ông có cảm giác rờn rợn. Nhưng lâu dần, tiếp xúc với lịch sử và văn hóa Chăm, ông “bén duyên” khi nào không hay rồi tự mày mò thu thập hiện vật, nghiên cứu. Năm 1975, ông được cử về tiếp quản giáo xứ Trà Kiệu và cảm thấy may mắn khi có cơ hội tiếp cận với những hiện vật cũng như tìm hiểu nền văn hóa vốn dĩ lùi xa trong quá khứ.

Mùa hè 1979, Trà Kiệu đi vào giai đoạn mới với phong trào hợp tác hóa nông thôn. Tại các cánh đồng trong giáo xứ như: đồng Cả, đồng Eo, Bảy Mẫu, Hè Chùa, Hoàng Châu... từng lớp người cuốc xẻng, xà beng hăm hở san lấp mặt bằng, chia bờ thửa theo tiêu chuẩn mới. Linh mục Nguyễn Trường Thăng kể, sau 3 ngày cải tạo mặt bằng tại cánh đồng Hoàng Châu, ông nhận được một tin báo bất ngờ: Khi cuốc đất tại cánh đồng, người dân đã phát hiện nhiều mảnh gốm “mặt quỷ”. Nghe xong, ông vội vã cầm túi theo và thu thập được một đống gốm với nhiều hình tượng đất nung tròn, bên trên khắc nhiều khuôn mặt. Nhận ra những hiện vật này có liên quan đến văn hóa Chăm, vị linh mục đã nhờ người dân mỗi khi phát hiện thì giữ lại cho ông...

Nhờ cách này mà sau nhiều năm ở tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Thăng thu thập được hàng loạt gạch xây thành, tháp đủ kích cỡ, ngói lợp hình mũi tên, ngói âm dương cùng hàng trăm hiện vật là đầu ngói với những khuôn mặt kỳ dị. Cũng trong suốt thời gian này, ông còn bỏ công thu nhặt hàng loạt vật trang trí kiến trúc cực kỳ tinh xảo. Ông đem hiện vật về nhà thờ, đặt trang trọng trong một căn phòng rồi trưng bày theo từng chủ đề. “Kể từ năm 1985, qua các cuộc điền dã khảo cổ tại Trà Kiệu, nhóm sinh viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS Trần Quốc Vượng đã cho công bố những thông tin đầu tiên về những đồ đất nung này. Vào những năm đó, bộ sưu tập khiêm tốn này cũng được cuốn sách du lịch của Nhà xuất bản Lonely Planet đề cập, để rồi không ít bạn trẻ thế giới tìm đến. Trong số đó, tôi biết một nghiên cứu sinh là đệ tử của Giáo sư khảo cổ Anh quốc Ian Glover”, vị cha xứ nhớ lại.

2

Bức tranh của nhà khảo cổ J.Y.Claeys vẽ kinh thành Sư tử

Viết sách và phác thảo thành cổ

Nhờ có nhiều cơ hội ra nước ngoài và đặc biệt là đến nước Pháp, vị linh mục đã tiếp xúc được nhiều trang tư liệu quý. Ông không bỏ qua cơ hội sao chụp bức ảnh phác họa hoàng cung Sư tử do chính tay nhà khảo cổ J.Y.Claeys thực hiện. Suốt những năm làm việc tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Thăng luôn ao ước vẽ lại kinh đô Sư tử và cuối cùng cũng thực hiện được một bức tranh tường 6 × 4 m. Từ kiến thức tích cóp được về địa hình, mặt bằng kiến trúc, vị linh mục đã phác thảo kinh thành nằm bên một dòng sông. Bên trong kinh thành có nhiều ngọn tháp lớn, trong đó ngọn tháp chính giữa đồ sộ hơn hẳn...

“Bây giờ tại Paris, tôi rất vui khi thấy hơn nửa thế kỷ trước, nhà khảo cổ J.Y.Claeys cũng đã thực hiện một bức màu nước tại địa điểm này. Khác một điều là ông có máy bay hỗ trợ không ảnh, lại đang trực tiếp chỉ huy công trình khảo cổ tại Trà Kiệu. Tư tưởng lớn của ông và nhỏ của tôi cuối cùng cũng gặp nhau tại một góc nhìn”, linh mục chia sẻ. Quả thật, khi so sánh 2 bức tranh vẽ về kinh đô Sư tử của linh mục với nhà khảo cổ J.Y.Claeys, thấy có những nét khá tương đồng, nhất là vị trí người Chăm cho xây thành và ngọn tháp khổng lồ được cho là có độ cao đến 40 m.

Hôm chúng tôi đến thăm linh mục tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, thấy ông tuy sức khỏe rất yếu nhưng vẫn gối đầu nhiều cuốn sách viết về Vương quốc Champa để tìm thêm tài liệu cho cuốn Lưu ký Champa về kinh thành Sư tử. “Đó là cuốn sách của đời tôi. Tôi không tham vọng nhiều mà qua cuốn sách tôi chỉ mong những người yêu văn hóa Chăm có thể hiểu thêm một thời kỳ huy hoàng của kinh thành trong lịch sử”, ông chia sẻ. Xuyên suốt cuốn sách, ông phân kỳ trong giai đoạn từ thế kỷ 1 - 11 và “phô” ra những bức ảnh quý giá mà ông đã cất công sưu tầm trong suốt hàng chục năm.

Hoàng Sơn

thanhnien.vn

Chia sẻ: