Những di cốt có niên đại 315.000 năm trước phát hiện tại Ma-rốc đã đẩy lùi lịch sử loài người chúng ta lên tới 100.000 năm - và cho thấy con người không chỉ tiến hóa ở Đông Phi.
Những di cốt có niên đại 315.000 năm trước phát hiện tại Ma-rốc đã đẩy lùi lịch sử loài người chúng ta lên tới 100.000 năm - và cho thấy con người không chỉ tiến hóa ở Đông Phi.
Hóa thạch sọ của những Người tinh khôn đầu tiên được tìm thấy ở Ma-rốc (trái) có hình dạng dài hơn so với sọ của người hiện đại (phải).
Các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm thấy di cốt của Người tinh khôn cổ xưa nhất tại một nơi không ngờ tới: Ma- rốc.
Tại một địa điểm khảo cổ gần bờ biển Đại Tây Dương, xương sọ, mặt và xương hàm được xác định là các cá thể đầu tiên của loài người có niên đại khoảng 315.000 năm trước. Điều đó cho thấy người tinh khôn xuất hiện sớm hơn 100.000 năm so với suy nghĩ trước đây: hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng nguồn gốc loài người ở Đông Phi khoảng 200.000 năm trước.
Các phát hiện này đã được công bố vào ngày 7 tháng 6 trên tạp chí Nature. Nhưng điều đó không có nghĩa là người tinh khôn có nguồn gốc ở Bắc Phi. Thay vào đó, các nhà khoa học cho rằng loài người đã tiến hóa trên khắp lục địa này.
Jean-Jacques Hublin, tác giả của nghiên cứu và là giám đốc của Viện nghiên cứu Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, cho biết: "Cho đến nay, nhận thức phổ biển cho rằng Người tinh khôn đã xuất hiện khá nhanh tại một nơi nào đó gọi là "Vườn Địa Đàng" và nhiều khả năng đó là vùng hạ Sahara Châu Phi. Giờ đây, tôi có thể nói Vườn địa đàng ở châu Phi có thể chính là châu lục này - và đó là một khu vườn rất rất rộng lớn". Hublin là một trong người đứng đầu của cuộc khai quật kéo dài hàng thập kỷ tại khu vực Ma-rốc hay còn được gọi là Jebel Irhoud.
Xương hàm và các công cụ
Hublin bắt đầu biết đến Jebel Irhoud vào đầu những năm 1980, khi đó ông nhận được một mẩu xương hàm dưới của một đứa trẻ được tìm thấy tại di chỉ này và nó khiến ông hoang mang. Người khai thác mỏ đã phát hiện ra ở đó một hộp sọ người gần như hoàn chỉnh vào năm 1961; các cuộc khai quật sau đó cũng đã tìm thấy một hộp sọ, cũng như các công cụ đá tinh vi và các dấu hiệu khác chứng minh sự hiện diện của con người.
Các mảnh xương "trông quá nguyên sơ để có thể hiểu được bất kỳ điều gì, vì vậy mọi người đã đưa ra một số ý tưởng lạ lẫm", Hublin nói. Các nhà nghiên cứu đoán rằng nó có niên đại 40.000 năm tuổi và nghĩ rằng người Neanderthal đã sống ở Bắc Phi.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng người Jebel Irhoud là một loài 'cổ xưa' đã từng sống ở Bắc Phi cho đến khi bị người tinh khôn từ phía nam Sahara đến thay thế. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng loài người có nguồn gốc ở Đông Phi: hai trong số những hóa thạch người tinh khôn cố xưa nhất – có niên đại 196.000 và 160.000 năm tuổi - đều phát hiện ở Ethiopia. Bên cạnh đó, các nghiên cứu DNA của con người hiện đại trên khắp thế giới đã chỉ ra rằng con người có nguồn gốc châu Phi khoảng 200.000 năm trước.
Cuộc khai quật kéo dài hàng thập kỷ
Hublin lần đầu tiên đến Jebel Irhoud trong những năm 1990, với mục tiêu duy nhất là tìm hiểu về di tích cổ nhân quan trọng này. Ông không có thời gian hoặc tài chính để khai quật di tích này cho đến năm 2004, sau khi ông gia nhập Hiệp hội Max Planck. Nhóm của ông đã thuê một máy kéo và máy ủi để di chuyển khoảng 200 mét khối đá làm cản trở việc tiếp cận di chỉ.
Mục tiêu ban đầu của nhóm nghiên cứu là xác định lại niên đại của di chỉ bằng các phương pháp nghiên cứu mới hơn, nhưng vào cuối những năm 2000, nhóm đã khai quật hơn 20 mẩu xương người của ít nhất năm cá thể, bao gồm một bộ xương hàm, mảnh xương sọ và dụng cụ bằng đá. Một nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn đầu của nhà khảo cổ học Daniel Richter và Shannon McPherron, thuộc Viện nghiên cứu nhân chủng học tiến hóa Max Planck, với việc sử dụng hai phương pháp khác nhau, đã xác định địa điểm này cùng với tất cả những di cốt con người tìm thấy ở đó có niên đại trong khoảng 280,000 - 350,000 năm cách ngày nay.
Khung niên đại này cùng với những di cốt tìm được đã thuyết phục Hublin rằng Người tinh khôn đã từng sống ở Jebel Irhoud. Ông nói "Người Jeble Irhoud có một khuôn mặt mà bạn có thể bắt gặp trên đường phố ngày hôm nay". Răng của họ - mặc dù lớn hơn so với con người hiện đại - nhưng nó phù hợp với Người tinh khôn hơn là so với người Neanderthal hoặc những người cổ khác. Và hộp sọ Jebel Irhoud, dài hơn so với của Người tinh khôn sau này đã đưa ra gợi ý rằng những bộ não của những cá thể này được tổ chức khác nhau.
Phục dựng khuôn mặt từ các mảnh vỡ của một hộp sọ người Homo sapiens ban đầu được tìm thấy tại Jebel Irhoud, Ma-rốc.
Điều này đã đưa ra những đầu mối trong giải phẫu về sự tiến hóa từ Người tinh khôn đến con người hiện nay. Hublin cho rằng về mặt giải phẫu những con người hiện đại có thể đã có được những khuôn mặt đặc trưng riêng trước khi biến đổi sang hình dạng bộ não hiện tại. Hơn nữa, sự kết hợp của các đặc điểm tìm thấy trong các di cốt ở Jebel Irhoud và các hóa thạch giống Người tinh khôn từ các nơi khác ở Châu Phi cho thấy loài người có nhiều nguồn gốc khác nhau và dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc ở Đông Phi.
Hublin nói: "Điều chúng tôi đang nghĩ chính là 300.000 năm trước, loài người chúng ta - hoặc chí ít là phiên bản nguyên thủy nhất của loài người – đã phân bố khắp châu Phi”. Vào thời điểm đó, Sahara xanh và đầy sông hồ. Các loài động vật vốn lang thang trong vùng hoang mạc ở Đông Phi, bao gồm cả linh dương gazen, linh dương cổ và sư tử, cũng sống ở gần Jebel Irhoud. Điều đó cho thấy mối liên kết của những môi trường này.
Bằng chứng về gen
Một nghiên cứu về DNA cổ đã giúp khẳng định hơn nữa về sự hình thành sớm của Người tinh khôn. Nghiên cứu này đã được đăng tải lên máy chủ bioRxiv vào ngày 5 tháng 6. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Mattias Jakobsson đến từ Đại học Uppsala ở Thụy Điển đã sắp xếp trình tự bộ gen của một cậu bé sống ở Nam Phi khoảng 2.000 năm trước. Đây là bộ gen cổ thứ hai của khu vực Châu Phi hạ Sahara và là bộ gen duy nhất được sắp xếp theo trình tự gen. Các nhà khoa học đã xác định được tổ tiên của cậu bé thuộc dòng dõi của Người tinh khôn được tách ra khỏi nhóm Người tinh khôn là tổ tiên của người dân Châu Phi hiện nay từ 260,000 năm trước.
Hublin cho biết nhóm của ông đã cố gắng nhưng thất bại trong việc lấy DNA từ xương Jebel Irhoud. Phân tích gen có thể rõ ràng xác định xem liệu những di cốt này có phải là họ hàng với người hiện đại hay không.
Nhà nhân chủng học cổ đại Jeffrey Schwartz (Đại học Pittsburgh, Pennsylvania) cho biết những phát hiện mới này rất quan trọng - nhưng ông không tin rằng đó là Người tinh khôn. Theo ông nghĩ có quá nhiều hoá thạch khác nhau đã được gộp vào cùng một loài khiến cho những nỗ lực giải thích các hóa thạch mới và đưa ra các kịch bản trả lời cho câu hỏi vì sao, khi nào và từ đâu loài người chúng ta xuất hiện trở nên phức tạp hơn.
María Martínon-Torres, một nhà nhân chủng học cổ đại thuộc đại học London, lưu ý đến sự khan hiếm các hóa thạch liên quan đến nguồn gốc con người ở châu Phi, cho biết: "Người tinh khôn, dù đã được biết đến rất nhiều nhưng cho đến tận bây giờ vẫn là một loài không có quá khứ". Cô cho rằng việc thiếu những đặc điểm để xác định loài người chúng ta - chẳng hạn như cằm và trán nhô cao - đã thuyết phục cô rằng Jebel Irhoud vẫn không được coi là Người tinh khôn.
Địa điểm Jebel Irhoud, Ma-rốc. Khi người cổ sinh sống, nó có thể là một hang động; phần mái đá và rất nhiều trầm tích đã bị phá hủy bởi hoạt động khai mỏ vào những năm 1960.
Đi đầu trong sự tiến hóa
Chris Stringer là một nhà nhân chủng học cổ đại tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London và cũng là đồng tác giả chuyên mục News & Views đã đồng hành cùng nghiên cứu. Ông cho biết ông đã giật mình khi nhìn thấy những di cốt Jebel Irhoud vào đầu những năm 1970. Ông biết rằng đó không phải là người Neanderthal, nhưng dường như chúng quá trẻ và trông quá nguyên thủy nếu là Người tinh khôn. Nhưng với khung niên đại mới và những xương mới được khai quật từ 2004, Stringer đồng ý rằng xương Jebel Irhoud chắc chắn thuộc dòng họ với Người tinh khôn. Ông nói thêm: "Họ đã khiến Ma-rốc từ chỗ chỉ là một vùng nước đọng nay đã trở nên có một vị trí nổi bật trong lịch sử tiến hóa của loài người”.
Là một người sinh ra ở gần Algeria và tám tuổi đã bỏ trốn khi chiến tranh giành độc lập bắt đầu, với Hublin, việc trở về Bắc Phi vì một di tích làm ông bận tâm trong nhiều thập kỷ là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy như tôi có mối quan hệ cá nhân với di chỉ này. Tôi không thể nói chúng tôi đã khép lại hành trình này, nhưng chúng tôi đã đi đến một kết luận tuyệt vời sau một hành trình rất dài. Nó đã cuốn theo tất cả tâm trí của tôi ".
Theo Nature
Chu Bích (dịch)
http://www.nature.com/news/oldest-homo-sapiens-fossil-claim-rewrites-our-species-history-1.22114