Ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc tuy được hình thành tương đối muộn (những năm 70 của thế kỷ trước) nhưng đã đạt được những thành tựu lớn, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có ngành khảo cổ học dưới nước phát triển. Cho đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học dưới nước. Tổng cộng có 24 dự án thăm dò khảo sát và khai quật và đã phát hiện ra 14 xác tàu đắm, trong đó có 9 con tàu đã được khai quật và đưa ra trưng bày. Các cuộc khai quật này đều được Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc tiến hành.
Ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc tuy được hình thành tương đối muộn (những năm 70 của thế kỷ trước) nhưng đã đạt được những thành tựu lớn, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có ngành khảo cổ học dưới nước phát triển. Cho đến nay, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học dưới nước. Tổng cộng có 24 dự án thăm dò khảo sát và khai quật và đã phát hiện ra 14 xác tàu đắm, trong đó có 9 con tàu đã được khai quật và đưa ra trưng bày. Các cuộc khai quật này đều được Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc tiến hành.
Đây là cơ quan thuộc Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước ở Hàn Quốc. Ngoài việc khảo sát và khai quật di sản văn hóa dưới nước, cơ quan này còn thực hiện công tác phục dựng tàu đắm cổ và các loại tàu truyền thống của Hàn Quốc, quản lý sưu tầm di sản văn hóa liên quan đến biển, bảo tồn hiện vật gỗ, nghiên cứu lịch sử giao lưu hàng hải cũng như các hoạt động giao lưu quốc tế nói chung.
Trụ sở Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc (Ảnh: Chu Mạnh Quyền).
Tàu Shinan là dự án khai quật đầu tiên kéo dài từ năm 1976 đến 1984. Đây là một con tàu thời Nguyên (Trung Quốc, thế kỷ 14), dài 34m, rộng 11m, cao 4m. Đây cũng là con tàu đắm lớn nhất được khai quật tại Hàn Quốc. Tàu chở hơn 26.000 đồ gốm sứ thuộc triều đại nhà Nguyên Trung Quốc, hơn 800 đồng tiền xu Trung Quốc, hơn 1.000 miếng gỗ Tử Đàn đỏ (red sandalwood) và nhiều hàng hóa khác xuất phát từ cảnh Ninh Ba (tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) đi Nhật Bản. Trên hành trình của mình, tàu đã bị đắm tại bở biển Shinan (Hàn Quốc).
Tàu Shinan được trưng bày tại Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Biển Quốc gia Hàn Quốc (Ảnh: Chu Mạnh Quyền).
Hải trình của tàu Shinan (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Cuộc khai quật tàu đắm thứ 2 được tiến hành 2 năm (1983 – 1984) với con tàu Wando (đảo Yaksando, tỉnh Nam Jeolla) thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), giữa thế kỷ thứ 11, tìm thấy hơn 30.000 hiện vật đồ gốm. Tàu có chiều dài 10m, rộng 3,5m. Đây là con tàu cổ nhất của Hàn Quốc được phát hiện tại Hàn Quốc.
Tàu Wando (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Năm 1992, tại đảo Jindo (tỉnh Nam Jeolla), một con tàu dài 19m, rộng 2,34m đã được khai quật. Đây là con thuyền độc mộc lớn thời Nguyên của Trung Quốc, thế kỷ 13. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, vùng biển này có thể còn có dấu tích của các con tàu đắm khác, do đó, dự án khảo sát vùng biển Jindo vẫn đang được tiến hành.
Tàu Jindo (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Năm 1995, tại đảo Dalido - (Mokpo), một con tàu có chiều dài 10m, rộng 2,7m thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ 13-14 cũng đã được khai quật, thu được hơn 600 hiện vật gốm men ngọc.
Tàu Dalido (Ảnh: Chu Mạnh Quyền).
Năm 2003 – 2004, tại vùng biển gần đảo Sibidongpado (Gunsan, tỉnh Nam Jeolla) một con tàu thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc) thế kỷ thứ 11 – 12 được khai quật, thu được hơn 6.000 hiện vật gốm men ngọc. Tàu dài 7m, rộng 2,5m.
Tàu Sibidongpado (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Năm 2005, tại đảo Anjwado, vùng biển Shinan (tỉnh Nam Jeolla) tàu Anjwado được khai quật. Tàu dài 14,7m, rộng 4,53m, cao 1,4m. Đây là con tàu thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), cuối thế kỷ 14.
Tàu Anjwdo (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Năm 2006, tàu Daebudo được tiến hành khai quật tại đảo Daebudo (Ansan, tỉnh Gyeonggi Jeolla). Đây thực chất là một con thuyền nhỏ, có chiều dài 6,62m, rộng 1,4m, thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ 12-13.
Tàu Daebudo (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Tàu Taean được khai quật năm 2009 – 2010 thuộc vùng biển Taean (tỉnh Nam Chungcheong) thuộc triều đại Goryeo (Hàn Quốc), thế kỷ thứ 12, tìm thấy hơn 3.000 hiện vật gốm men ngọc. Tàu có dài 8,21m, rộng 1,5m. Cung trong 2 năm này, tại đảo Mado (biển Taean), con tàu Mado số 4 cũng được song song tiến hành khai quật. Tàu Mado thuộc triều đại Goryeo, thế kỷ 13, có chiều dài 10,8m, rộng 3,7m.
Tàu Taean (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Tàu Mado số 4 (nguồn: http://www.seamuse.go.kr).
Gần đây, các dự án vùng biển Taean đang tiến hành khai quật thêm 3 con tàu Mado (số 1, 2 và 3), trục vớt được hơn 3.000 hiện vật. Tất cả đều là thuyền cổ thuộc triều đại Goryeo thế kỷ 13. Hiện nay, công việc điều tra và khai quật những con tàu này vẫn đang tiến hành.
Sơ đồ vị trí các con tàu đã khai quật tại Hàn Quốc (Ảnh: Chu Mạnh Quyền).
Trong số những con tàu đắm trên, Shinan là con tàu đầu tiên và cũng là con tàu đắm lớn nhất được khai quật tại Hàn Quốc. Các con tàu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Một điểm đặc biệt nữa là vị trí những con tàu đắm đều thuộc vùng biển phía tây và tây nam của Hàn Quốc.
Ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc có được vị thế như ngay nay một phần cũng là nhờ Hàn Quốc là một nước có nền kinh tế phát triển của thế giới. Song cũng phải nhìn nhận thực tế xuất phát điểm của họ là từ những năm 70 của thế kỷ trước, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng họ đã có những đầu tư xứng đáng cho khảo cổ học dưới nước. Nhìn lại Việt Nam hiện nay, với điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Hàn Quốc những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam,theo nhận định trên báo điện tử VOV.VN của PGS.TS. Tống Trung Tín (Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam), vẫn ở tình trạng "ba không": không chuyên gia, không thiết bị, không kinh phí. Điều này không phải do các nhà khảo cổ học, mà là do các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức (Mai Lan 2012).
Hy vọng, trong tương lai không xa, ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức để có thể nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của di sản văn hóa biển Việt Nam.
Chu Mạnh Quyền (Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm)
Tài liệu tham khảo:
- Kwon Mee-yoo 2016.Bí mật bị lãng quên dưới tàu đắm Shinan(Forgotten treasures of Sinan shipwreck). Bài đăng trên website http://www.koreatimes.co.kr/www/art/2017/04/691_210504.html.
- Mai Lan 2012,Bao giờViệt Nam có khảo cổ học dưới nước? Báo điện tử VOV.VN(http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/bao-gio-viet-nam-co-khao-co-hoc-duoi-nuoc-226992.vov).
- 3. Lee Myong-ok 2016. Khám phá từ con tàu đắm Shinan (Discoveries from the Sinan Shipwreck),Museum Collections, II,Bảo tàng Quốc gian Hàn Quốc, tr. 223-225.
- 4. Moon Whan-suk.Giới thiệu về việc bảo tồn các hiện vật hàng hải ở Hàn Quốc (The Introduction of Conservation Treatment of Maritime Artifacts in Korea).Bài viết trên trang web http://www.themua.org/collections/files/ori-ginal/63e22f71d8e655f69b515459b0ce444e.pdf.
- 5. Trang thông tin của Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển.http://www.seamuse.go.kr.
- 6. Triệu Triết Hạo (赵哲昊) 2016. Bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc sau cuộc khai quật tàu Shinan (后新安船时代的韩国水下文化遗产保护). BáoVăn vật Trung Quốc (中国文物报),Số ngày 26/02/2016, tr. 6.