Sưu tập hiện vật điêu khắc đá Khmer hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đăng ký trong hệ thống tài sản quốc gia mang ký hiệu (LSb). Cùng với những sưu tập hiện vật lớn có giá trị như sưu tập điêu khắc đá Champa, sưu tập đồ đồng Đông Sơn, sưu tập đồ đồng Phong kiến, sưu tập cổ vật Châu Á, sưu tập hiện vật gốm sứ trong các con tầu đắm tại các vùng biển Việt Nam…, sưu tập điêu khắc đá Khmer hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một nguồn tư liệu quý giá cần được nghiên cứu và phát huy giá trị, là nguồn di sản văn hóa vật chất và tinh thần của nhân loại cần được quảng bá đến với công chúng trong nước và quốc tế.
1. Phù điêu Avalokitesvara (Quan âm)
Số đăng ký: LSb.21220
Kích thước: Cao: 85,5cm; Rộng: 61cm; Dày: 34cm
Niên đại: cuối TK 12 - đầu TK 13
Mô tả và chú giải:
Phù điêu Avalokitesvara (Quan âm) trong tư thế ngồi khoanh chân trên bệ. Tóc vấn cao hình viên trụ. Khuôn mặt thanh tú, mắt khép hờ, mũi thẳng miệng hé như đang nở nụ cười. Hai tai chảy dài đeo trang sức bông sen dài chạm rủ xuống ngang vai. Quan âm có 4 tay, hai tay trước để ngửa, ngón tay cái đặt vào ngón trỏ kết ấn. Giữa lòng bàn tay có vòng tròn sắc không. Tay trái phía trước cầm một vật bùa. Tay phải phía sau giơ lên ngang vai cầm tràng hạt. Tay trước bị gẫy. Mình tượng để trần eo thon, ngang hông quấn một dải trang trí cánh sen.
Avalokitesvara là vị Quan Thế Âm Bồ tát nổi bật nhất trong các vị Bồ tát của Phật giáo, có trách nhiệm trông coi khắp thế giới để đem lại hạnh phúc cho người trần thế và giúp họ giác ngộ (Avalokitesvara trong tiếng Phạn cổ có nghĩa là nhìn quanh, bao quát). Vị Bồ tát này có tên là Quan Thế Âm có nghĩa là nhìn thấy và nghe hết thế gian và được thể hiện qua điêu khắc nhiều dạng khác nhau. Trong nghệ thuật Ấn Độ, Avalokitesvara là một nam thần; còn dạng nữ của Avalokitesvara là Bồ tát Tara.
2. Tượng phật ngồi trong tòa rắn Naga
Số đăng ký: LSb.19830
Kích thước: Cao: 84cm; Rộng: 52cm;
Niên đại: TK 12
Mô tả và chú giải:
Tượng Phật trong tư thế ngồi khoanh chân, an tọa trên tòa rắn Naga có 7 đầu cuốn thành 3 vòng. Phật để tóc búi cao có chóp nhọn đội mũ Kiritamukuta trang trí hoa tròn cánh và lá nhọn. Khuôn mặt bầu, mắt xếch mở to, lông mày ngang nổi rõ. Mũi to cao thẳng. Môi dày, miệng hé, tai to dài có đeo trang sức hình bông hoa thả ngang vai. Mình tượng để trần, 2 tay để ngửa đặt trong lòng, giữa lòng bàn tay có vòng tròn sắc không. Trên ngực, hai cổ tay và bắp tay của Đức Phật có đeo trang sức lá lật và hoa 4 cánh. Rắn thần Naga cuộn tròn 3 vòng, để mình vươn ra sau tạo thành tán phía sau lưng Đức Phật. Rắn Naga có 7 đầu, miệng rộng, mắt lồi, thân rắn tạo ra như vẩy cá. Phía sau tòa rắn Naga tạo những vòng tròn hoa văn cánh sen, chấm tròn, hoa cúc. Mặt Đức Phật có khuôn mặt của thần Shiva, đây cũng chính là một trong những hóa phép của thần.
Hình tượng rắn trong thần thoại Ấn Độ được coi là rắn thần. Hình tượng rắn thần thường liên quan đến thần thoại hay Phật thoại. Rắn thần Sêsa cuộn mình nổi trên biển vũ trụ để đỡ cho thần Vishnu khi tạo dựng vũ trụ, rắn thần Vasuki dùng thân mình làm dây kéo quanh cột núi Mêru trong huyền thoại khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh cho thần Siva. Rắn thần Naga cuộn khúc là bệ cho Phật ngồi tu luyện vươn ra che chở cho Phật Thích ca trong cơn giông tố.
3. Tượng Quan âm
Số đăng ký: LSb.38248
Kích thước: Cao 121cm; Rộng: 65,5cm
Niên đại: TK 11
Mô tả và chú giải:
Tượng thể hiện một vị nam thần, tóc búi cao hình viên trụ có đeo vòng thành ngấn, mắt mở hình hạch nhân, mũi thẳng môi dày, môi dầy miệng hé miệng hé như đang mỉm cười, tai to chảy dài xuống gần ngang vai, cổ tạo 3 ngấn. Mình tượng để trần, dưới hông có quấn sarong tạo nếp gấp, phía trước tạo dải hình đuôi cá. Tượng có 4 tay, gẫy mất 1 tay trái, tay sau giơ lên sau. Tay cầm ốc tù và, tay cầm một nụ sen, tay cầm bánh xe luân hồi Chakra. Hình tượng Đức Phật cũng chính là một hóa phép của thần Visnu.Trong thần thoại Ấn Độ giáo, ốc tù tượng trưng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nẩy nở của muôn loài. Bánh xe Chakra tượng trưng cho nguồn sáng tạo và hủy diệt. Hoa sen biểu tượng của mặt trời.
4. Tượng Đức phật
Số đăng ký: LSb.21212
Kích thước: Cao: 140cm; Rộng: 52cm
Niên đại: TK 9
Mô tả và chú giải:
Đức phật có khuôn mặt vuông, cằm bạnh mắt khép hờ mũi to, môi dày miệng rộng như đang mỉm cười, tai to chảy dài đến ngang vai, cổ tạo 3 ngấn. Đức Phật tóc búi thành 3 tầng, ở giữa cột tóc có trang trí một quan âm ngồi khoanh chân, 2 tay để ngửa đặt trong lòng. Thân tượng để trần vạm vỡ, dưới bụng quấn saroong tạo nếp dải dài hình đuôi cá về phía trước. Cạp Sarong trang trí dải hoa tròn 6 cánh; Chân thần vạm vỡ đứng trên bệ. Đức Phật có 4 tay nhưng đã bị gẫy.
5. Tượng phật bán thân
Số đăng ký: LSb.21230
Kích thước: Cao: 66cm; Rộng: 40cm
Mô tả và chú giải:
Đức Phật, gẫy mất đầu, 2 tay và 2 chân. Khắp trên thân trước và thân sau đều được trang trang trí những hàng tượng phật ngoài khanh chân, giữa ngực và quanh bụng là hàng phật với tư thế 2 tay xòe ra(đây là một kiểu của đức phật Ấn Độ). Thân dưới của Phật quấn Sa rông tạo nếp gấp, phía trước có dải hình đuôi cá mềm mại. Eo thon, vành cạp sa rông trang trí hàng hoa cúc tròn 6 cánh. Đây là một trong những bức tượng phật có lối trang trí đặc biệt.
6. Tượng phật ngồi trong tòa rắn NaGa
Số đăng ký: LSb.19831
Kích thước: Cao: 69cm; Rộng: 33cm
Niên đại: TK 12
Mô tả và chú giải:
Thể hiện một vị phật ngồi khoanh chân để trần ngồi trên mình rắn cuốn 3 vòng. Hai tay để ngửa đặt trong lòng. Đầu Đức Phật để tóc xoắn ốc, mắt mở to, đuôi mắt dài,mũi to miệng rộng, môi dày, tai to chảy dài xuống ngang vai, cổ cao 3 ngấn. Thân tượng mặc một trang phục mỏng mền mại vấn ngang thân. Rắn thần NaGa quấn 3 vòng, tán gồm 7 đầu rắn Naga vươn ra che chở cho đức Phật. Rắn có miệng há nhe răng dữ tợn, mắt lồi mũi to. Toàn thân tượng được sơn son nhưng đã bị bong tróc gần hết.
7. Tượng phật ngồi trong tòa rắn Na Ga
Số đăng ký: LSb.38288
Kích thước:Cao: 91cm; Rộng: 88cm
Niên đại:
Mô tả và chú giải:
Tượng phật tư thế ngồi khoanh trên thân rắn Naga, chân để trần. Hai tay để ngửa đặt trong lòng. Phật để tóc xoán ốc búi có chóp nhọn. Khuôn mặt hiền từ, mắt khép hờ, lông mày cong, mũi to, môi dày, cằm chẻ. Hai tai to chảy dài ngang vai. Thân Đức phật để trầnkhông mặc trang phục. Toàn thân tượng sơn son thếp vàng nhưng đã bị bong tróc gần hết. Tán rắn Naga 7 đầu vươn lên che chở cho Đức Phật. Phía sau của tán rắn được trang trí vòng tròn liên tiếp biểu tượng của nhà Phật. Rắn thần cuộn 3 vong, 7 đầu vươn lên cao, mắt lồi miệng rộng. Mất một đầu rắn.
8. Tượng Phật Quan âm
Số đăng ký: LSb.21212
Kích thước: Cao: 92cm; Rộng: 50cm
Dày: 30cm
Niên đại: TK 9
Mô tả và chú giải:
Tượng thể hiện một vị nam thần, mắt khép hờ, mũi to, môi dày miệng khép hờ, mũi to, môi dày miệng khép như đang mỉm cười. Khuôn mặt vuông, cằm bạnh, tai to, dái tai chảy dài đến ngang cổ. Cổ tạo 3 ngấn. Thần đội mũ hình viên trụ cột cao, giữa có chạm một Q uan âm ngồi khoanh chân, 2 tay để ngửa đặt trong lòng. Thân tượng để trần vạm vỡ, dưới bụng quấn sa rông tọa nếp dải dài hình đuôi cá về phía trước. Cạp
sa rông trang trí dải hoa tròn 6 cánh; chân thần vạm vỡ đứng trên bệ; Thần có 4 tay nhưng đã bị gẫy.
9. Tượng Phật bán thân
Số đăng ký LSb: 21230
Kích thước: Cao: 83cm; Rộng: 38cm; Dày: 23cm
Mô tả và chú giải:
Thể hiện một nam thần, gẫy mất đầu, 2 tay và 2 chân; Khắp trên thân cả phía trước và sau đều được trang trí những hàng Phật Quan Âm ngồi khoanh chân; Giữa ngực và quanh bụng là hàng Phật ngồi với tư thế xòe ngang tay (đâu là một kiểu tư thế ngồi kiểu Ấn Độ). Thân dưới Phật quấn Sa rông tạo nếp gấp, tạo dải đuôi cá thả về phía trước; vành cạp sa rông trang trí hình hoa chấm tròn.
10. Tượng phật ngồi trong tòa rắn NaGa
Số đăng ký: LSb.19831
Kích thước: Cao: 70cm; Rộng: 29cm; Dày: 32cm
Niên đại: TK 15
Mô tả và chú giải:
Thể hiện một đức Phật ngồi khoanh chân trên mình rắn Naga, 2 tay để ngửa đặt trong lòng. Đầu để tóc búi hình xoắn ố, mắt mở, mũi to, môi dày, tai to chảy dài ngang vai. Thân tượng mặc một trang phục mỏng khép hờ. Thân rắn Naga quấn thành 3 vòng làm bệ. Tán Naga gồm 7 đầu vươn lên che chở cho đức phật. Rắn có miệng há nhe răng dữ tợn, mắt lồi mũi to. Toàn thân tượng được sơn son nhưng đã bị bong tróc gần hết.
Hình tượng con rắn trong thần thoại Ấn Độ được coi là rắn thần. Hình tượng rắn thường liên quan đến thần thoại hoặc Phật thoại. Rắn thần Seesa cuộn mình nổi trên biển vũ trụ để đỡ cho thần Vishnu khi tạo dụng vũ trụ, rắn thần Vasuki dùng mình làm dây kéo quanh cột núi Mêru trong thần thoại khuấy biển sữa. Rắn thần Naga cuộn khúc làm bệ cho Phật ngồi tu luyện, đầu vươn ra che chở cho Phật Thích Ca trong cơn giông tố. Chính vì thế hình tượng rắn được khắc tạc khá đa dạng, nhiều tư thế và được linh thiêng hóa.
11. Tượng phật ngồi trên mình rắn NaGa
Số đăng ký: LSb.19829
Kích thước: Cao: 11,5cm; Rộng: 18,5cm
Mô tả và chú giải:
Thể hiện đức phật ngồi khoanh chân để trần trên mình của rắn thần Naga cuốn ba vòng làm bệ. Hai tay phật để ngửa đặt trong lòng. Rắn Naga cuộn 3 vòng, đuôi dài vắt lên thân sau của đức Phật. Thân rắn có những lớp xếp kéo dài toàn thân. Tượng bị mất một phần đầu của Đức Phật.
Trải qua gần một thế kỷ, những tác phẩm nghệ thuật này chưa từng công bố hay giới thiệu rộng rãi đến các độc giả, chúng được đưa về từ những di tích lịch sử trên lãnh thổ Campuchia như Angkor Thom, Angkor Wat hay Bayon. Chính vì thế, bộ sưu tập này là nguồn tài liệu quan trọng phản ánh một phần văn hóa, văn minh của nhân loại nói chung và của đất nước Campuchia nói riêng. Chúng thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hóa của đất nước và con người Campuchia với các dân tộc khác trên bán đảo Đông Dương.
Một số hình ảnh tượng Phật trong sưu tập điêu khắc đá Khmer:
Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)