Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/07/2015 00:00 419
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ bảo quản và trưng bày trên 200.000 hiện vật thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay. Trong số đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm, nhiều bảo vật giá trị, nhất là 14 bảo vật quốc gia mới được Chính phủ công nhận.

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt, theo các quy định cụ thể trong Luật Di sản văn hóa.

Nhằm bảo quản lâu dài và phát huy tốt nhất giá trị các sưu tập hiện vật, trước hết là nhóm bảo vật trên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức thực hiện số hóa và ứng dụng công nghệ 3D vào lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Mục đích là xây dựng bộ dữ liệu 3D về hiện vật một cách hệ thống, quy chuẩn và khoa học; Phục vụ quản lý, nghiên cứu một cách hiệu quả mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp đến hiện vật, không làm ảnh hưởng đến hiện vật; Trưng bày phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng internet một cách sinh động, hấp dẫn; Phục vụ các hoạt động trao đổi khoa học với các bảo tàng trong và ngoài nước, từ đó có sự kết nối thông tin nhằm hiện đại hoá các khâu công tác bảo tàng một cách nhanh chóng, hiệu quả...

Trong quá trình thực hiện số hóa, để phù hợp với công nghệ, các bảo vật trên được chia thành 2 nhóm:

1. Nhóm các hiện vật thể khối (trong không gian 3 chiều), gồm các bảo vật như: Trống đồng Ngọc Lũ, Thạp đồng Đào Thịnh, Trống đồng Hoàng Hạ, Cây đèn hình người quỳ, Tượng hai người cõng nhau thổi khèn, Ấn đồng “Môn hạ sảnh ấn”, Bình gốm hoa lam, Trống đồng Cảnh Thịnh, Bia Võ Cạnh, Mộ thuyền Việt Khê, Chuông Vân Bản.

Tượng hai người cõng nhau thổi khèn đã được số hóa 3D.

Ấn đồng “Môn hạ sảnh ấn” đã được số hóa 3D.

Bình gốm hoa lam đã được số hóa 3D.

2. Nhóm các hiện vật dạng phẳng (trong không gian 2 chiều), gồm các bảo vật như: Cuốn Đường Kách Mệnh, Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, tác phẩm Ngục Trung nhật ký.

Quy trình thực hiện số hóa gồm 3 công đoạn chính như sau:

1.Số hóa các hiện vật

2.Lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa.

3.Tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu; Trưng bày ảo phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng internet và các phương tiện khác...

Ở công đoạn số hóa hiện vật: đối với nhóm các hiện vật dạng thể khối sẽ dùng máy scan 3D để quét Laser 3D hiện vật. Tùy kích thước của hiện vật mà chúng ta sẽ sử dụng những loại máy scan phù hợp. Đối với nhóm hiện vật dạng 2 chiều sẽ sử dụng máy scan 2 chiều hoặc dùng máy ảnh chuyên dụng.

Tiếp đó sẽ lập trung tâm dữ liệu để lưu trữ, quản lý và phổ biến tài liệu, các thông tin hiện vật đã số hóa sẽ được đưa vào bộ nhớ của Server để lưu trữ, quản lý dữ liệu và tổ chức khai thác. Các thiết bị này phải có bộ nhớ đủ lớn, được tính toán phù hợp với hiện tại và khả năng phát triển trong khoảng 10 năm tới. Trung tâm dữ liệu được trang bị một phần mềm để quản lý, sắp xếp phân loại về nội dung tài liệu hiện vật, cùng với công cụ tìm kiếm chi tiết để đáp ứng thuận tiện cho việc quản lý, khai thác thông tin hiện vật. Trong quá lưu trữ thông tin hiện vật đã số hóa trên Server, cần chú ý đến việc lưu trữ dự phòng (backup) để tránh trường hợp gặp sự cố của server làm mất dữ liệu. Phương tiện cho backup có thể là đĩa DVD hoặc băng từ chuyên dụng.

Tổ chức khai thác phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu hiện vật và trưng bày phục vụ khách tham quan. Từ Trung tâm dữ liệu, chúng ta có thể chuyển thông tin số hóa qua nối mạng sang hệ thống máy tính hoặc các phương tiện kỹ thuật phục vụ công chúng trong và ngoài bảo tàng.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang phối hợp với đối tác triển khai công việc trên, 14 bảo vật quốc gia đã được số hóa và đang hoàn thiện để nhập vào trung tâm dữ liệu. Tại Phòng Quản lý hiện vật đã được trang bị 01 Server để lưu trữ quản lý và khai thác, tuy nhiên để thực hiện tốt công việc trên, trong thời gian tới vẫn cần phải bổ sung thêm một số thiết bị phụ trợ khác.

Như vậy, việc tư liệu hóa số hóa tài liệu hiện vật nói chung, số hóa 3D đối với 14 bảo vật quốc gia nói riêng là công việc hết sức cần thiết.

Đây là một công cụ hữu hiệu giúp các bảo tàng quản lý các bảo vật một cách rất linh hoạt thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản quốc gia.

Đối với việc bảo quản hiện vật thì các hiện vật gốc sẽ được bảo tồn tốt hơn vì sau khi số hóa, người ta ít phải tác động trực tiếp đến chúng khi cần kiểm kê, nghiên cứu...

Đặc biệt, số hóa hiện vật giúp chúng ta xây dựng được những nội dung trưng bày hiện đại, tạo sự tương tác với khách tham quan, giúp người xem có thể tham gia vào các hoạt động bảo tàng làm cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn, sống động hơn. Công nghệ số hóa cho phép chúng ta trưng bày hiện vật dạng số hóa (bảo tàng ảo) một cách rộng rãi cho đông đảo công chúng, ở mọi thời gian, địa điểm khác nhau.

Hơn nữa, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, việc quản lý và trưng bày các hiện vật của bảo tàng bằng kỹ thuật số hóa vừa phát huy được khả năng to lớn của công nghệ tin học mà lại không còn bị coi là quá phức tạp, tốn kém như những năm trước đây. Đồng thời đây cũng là một trong những công việc thực hiện “Kế hoạch ứng công nghệ thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục số hóa những nhóm hiện vật tiêu biểu khác trong bảo tàng. Trước hết ưu tiên số hóa 3D hiện vật phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, bổ sung thông tin hiện vật đã được số hóa 3D cho phần trưng bày thường trực. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng trong quá trình số hóa tài liệu hiện vật là phải chú ý làm tốt phần nội dung tài liệu hiện vật vì máy móc thì có thể thay thế nhưng thông tin về hiện vật thì ngay từ đầu phải được lưu giữ một cách đầy đủ, chuẩn xác và phải thường xuyên được bổ sung hoàn thiện.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị Di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng tạo ra những cơ hội mới để các bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn bởi vì nhu cầu thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao./.

Ths Đào Lê Quế Hương (Phó trưởng phòng QLHV)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: