Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/06/2015 00:00 465
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày nay, chúng ta càng hiểu rõ Biển đông, ngoài giá trị về chiến lược địa chính trị và hàng hải còn đem lại cho nền kinh tế nước ta một nguồn tài nguyên phong phú và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hàng năm của nhà nước. Từ những năm cuối thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển. Từ mấy chục năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phác thảo những nét lớn trong chiến lược giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

Ông có những tư tưởng chỉ đạo chiến lược về biển đông và những tư tưởng đó đã được thực hiện. Trong bài viết này, chúng tôi xin tổng hợp lại những nét chính trong tư duy, tầm nhìn và chỉ đạo chiến lược về biển đông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

1.Tư tưởng của Đại tướng về vai trò của sông, biển, đảo và xây dựng lực lượng Hải quân

Trong cuốn “Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn viết: “Nước ta lại có bờ biển dài, tài nguyên phong phú, sông ngòi nhiều. Vì vậy, chúng ta cần có bộ đội hải quân và lực lượng hải quân của nhân dân ta phải cùng toàn dân làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở cả trên sông và trên biển”. Tư tưởng này đã có từ năm 1970, khi Đại tướng tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đại tướng còn nêu lên nhiệm vụ rất cụ thể cho Quân đội ta: “Việc xây dựng lực lượng Hải quân phải gắn liền với việc xây dựng lực lượng vũ trang rộng rãi ven biển, ven sông; sự phát triển của Hải quân có quan hệ chặt chẽ với các địa phương ven biển và các ngành kinh tế trên biển. Các lực lượng vũ trang địa phương ven biển, ven sông rất quan trọng. Cần chú ý xây dựng và bồi dưỡng để các lực lượng ấy trở thành rộng khắp, mạnh mẽ phối hợp đắc lực với Hải quân để bảo vệ sông biển”.

Đại tướng cũng đã nhìn thấy việc xây dựng lực lượng Hải quân cũng không thể tách rời quá trình xây dựng kinh tế của đất nước: “Nền kinh tế ngày càng phát triển của nước ta có quan hệ mật thiết với việc xây dựng quân đội, xây dựng Hải quân. Công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác lớn mạnh thì ngành đóng tàu, ngành hàng hải, ngành vận tải trên sông, ngành đánh cá nhất định sẽ phát triển nhanh chóng. Chúng ta càng có điều kiện tốt về cơ sở vật chất và kỹ thuật để phát triển lực lượng Hải quân… Cơ sở vật chất kỹ thuật của Hải quân gắn liền với tiềm lực kinh tế quốc phòng của nước nhà. Tiềm lực kinh tế quốc phòng mạnh thì quân đội mạnh, Hải quân mạnh. Vì vậy, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong xây dựng Hải quân là một vấn đề rất quan trọng, có giải quyết tốt vấn đề đó thì mới tạo được điều kiện thuận lợi để xây dựng Hải quân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên một tàu Hải quân Việt Nam tháng 3-1973.

2.Tư tưởng của Đại tướng khi giải phóng các đảo ở biển Đông năm 1975

Trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương “Giải phóng Trường Sa” để hồi tưởng sự kiện này.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhìn ra thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam mà ông còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các hòn đảo trên biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25-3-1975.

Khó khăn của ta lúc bấy giờ là lực lượng Hải quân còn nhỏ bé, làm thế nào để hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ trên biển là thách thức lớn. Ngày 2-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho đồng chí Lê Trọng Tấn: Phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Lúc này, ở khu vực Trường Sa có Hạm đội 7 của Mỹ và nhiều nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị tàu lớn. Do đó, đòi hỏi khâu tiến công phải hết sức mưu trí, sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều ngay Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, tham gia tiếp quản căn cứ hải quân ngụy mà ta vừa giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng để giải phóng các đảo. Lệnh của Tổng tư lệnh rất rõ ràng: Khi thấy quân ngụy Sài Gòn nguy khốn thì lập tức tổ chức đánh chiếm các đảo. Trường hợp nước ngoài thừa cơ quân ngụy khốn đốn mà đã chiếm đảo, thì ta kiên quyết chiếm lại, gặp khó khăn gì phải báo cáo Tổng hành dinh.

Ngày 9-4-1975, quân báo thông báo: Quân ngụy bắt đầu rút khỏi biển Đông, Quân ủy Trung ương đã điện tối khẩn cho đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Võ Chí Công “Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi Trường Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm”.

Cờ giải phóng tung bay trên đảo Sơn Ca – 1975.

Nhận được lệnh, các tàu hải quân và lực lượng thuộc Khu 5 đã giả danh tàu đánh cá, xuất phát ra Trường Sa. Lực lượng ta đã dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ chiếm mục tiêu, lần lượt giải phóng các đảo. Ngày 14-4-1975, chỉ sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… đều được giải phóng. Ngày 28-4-1975, đảo An Bang được thu hồi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký điện khen: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược”.

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Nam Yết, tháng 4-1975.

3. Tư duy của Đại tướng về chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển, đảo.

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển, ngay từ năm 1977, Đại tướng đã có những chỉ đạo chiến lược rất sâu sắc. Trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nói chuyện với các nhà khoa học, Đại tướng đã chỉ rõ: “Kinh tế vùng biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để thực hiện quốc phòng toàn dân, để giữ vững chủ quyền biển, đảo”. Về hướng khai thác kinh tế biển, Đại tướng chỉ ra những vấn đề vượt thời gian: “Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước”… “Ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng kinh tế này. Cần phải từ đặc điểm của từng vùng biển có những điều kiện vật lý như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy như thế nào, để kết luận xem những vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất”.

Năm 1985, trước khi có Đổi mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra Chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể. Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này vẫn nóng hổi tính thời sự.

4. Về tư tưởng tác chiến:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất lưu ý đến đối tượng tác chiến và chiến trường tác chiến trên biển và ven bờ. Về điểm này, Đại tướng nói: “Trên biển thì có vùng ven biển, vùng biển gần, vùng quần đảo, vùng biển xa. Trong điều kiện của Hải quân ta hiện nay, trang bị kỹ thuật còn hạn chế, việc đánh địch ở ven biển, biển gần và các quần đảo cần được hết sức coi trọng. Đồng thời với sự lớn mạnh của quân đội, của Hải quân, ta có thể mở rộng phạm vi đánh địch ra xa hơn”.

5. Tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo của Đại tướng đối với Trường Sa và sự ra đời của nhà giàn DK

Trên Báo Thanh niên (số tháng 10-2013), TS. Hoàng Trọng Lập - Nguyên Phó Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã kể lại: "Chúng ta đều nhớ ngày 14.3.1988, tàu chiến Trung Quốc đã tấn công các chiến sĩ Hải quân Việt Nam ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa và 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Sau đó, Hải quân của ta đã tăng cường bảo vệ các đảo ở Trường Sa và củng cố đóng giữ thêm một số vị trí. Ngoài ra, chúng ta tăng cường thêm một bước phổ biến ý thức biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.

Tháng 6.1988, Ban Chấp hành Trung ương khóa VI tổ chức một cuộc họp về tình hình biển đảo Trường Sa. Báo cáo chính trong buổi họp đó có Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương báo cáo tình hình, diễn biến thực tế ở quần đảo Trường Sa và Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Lưu Văn Lợi trình bày về pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như tình hình tranh chấp của các nước xung quanh. Tôi có nhiệm vụ đưa một tấm bản đồ lớn có hai quần đảo đến minh họa.

Đến giờ nghỉ giải lao, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước lại gần tấm bản đồ xem xét kỹ lưỡng, hỏi thêm về những vị trí Trung Quốc vừa chiếm.

Sau đó, đột nhiên Đại tướng chỉ vào tấm bản đồ ở khu vực các bãi ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Quế Đường… nằm trên thềm lục địa Việt Nam giữa Trường Sa và đất liền. Đại tướng nói với Trưởng Ban Lưu Văn Lợi, Phó Ban Lê Minh Nghĩa và tôi đang có mặt ở đó: “Khu vực này cực kỳ quan trọng về chiến lược, ta phải có biện pháp bảo vệ các bãi ngầm này”. Tôi còn nhớ bàn tay của Đại tướng chỉ khoanh vòng lên vị trí các bãi ngầm đó trên tấm bản đồ.

Nhận thức được ý nghĩa lời căn dặn của Đại tướng, Ban Biên giới đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng nhà giàn cao chân để bảo vệ, khai thác các bãi ngầm.

Thời gian đó, nhận thức về biển đảo chưa được như ngày nay, không phải không có những lo ngại về ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đi qua vùng biển đó. Vì vậy lãnh đạo Ban Biên giới đã báo cáo lên cấp cao và báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Lê Minh Nghĩa, người từng là Chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu của Đại tướng có kể lại cho chúng tôi biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và được các vị lãnh đạo ủng hộ xây dựng các nhà giàn cao chân trên các bãi ngầm trong thềm lục địa Việt Nam.

Chúng ta đã vận dụng quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982: Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc xây dựng, lắp đặt các công trình thiết bị và đảo nhân tạo trên thềm lục địa của mình.

Đến ngày 17.10.1988, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản số 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam. Chúng ta đã coi công trình nhà giàn DK có tính chất dân sự để làm dịch vụ kinh tế khoa học. Chính vì vậy, từ ngày 10 -15.6.1989, nhà giàn thứ nhất được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng trên bãi đá ngầm Phúc Tần trong thềm lục địa Việt Nam.

Nhà Giàn DK1.

Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học - Kỹ thuật thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo bao trùm lên các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam (chữ DK là chữ cái đầu tiên viết tắt của cụm từ Dịch vụ Kinh tế, Khoa học-Kỹ thuật).

Nhà giàn thứ hai được Tổng công ty Dầu khí phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng trên bãi ngầm Tư Chính. Hiện nay, chúng ta có hơn chục nhà giàn DK đang trụ vững kiên cường trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Đến năm 1992, Trung Quốc ký kết bất hợp pháp với Công ty Creston (Mỹ) một khu vực khai thác dầu khí chồng lên phần lớn khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía nam Việt Nam, nơi chúng ta đã thành lập Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học - kỹ thuật và có các nhà giàn bảo vệ. Khi tham gia đấu tranh với hành vi sai trái vi phạm thô bạo nói trên của Trung Quốc, tôi càng thấm thía, khâm phục tầm nhìn chiến lược về biển, đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Có thể nói, từ sự chỉ dẫn hết sức có ý nghĩa về địa chiến lược của Đại tướng, Việt Nam đã có mặt một cách thực sự, thường trực trên các bãi ngầm để bảo vệ khu vực khai thác dầu khí gần đó của chúng ta.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương và nhân loại đang hướng ra biển cả. Khi tài nguyên trên đất liền cạn kiệt thì biển cả là cứu cánh cuối cùng của loài người, là không gian sống và sinh tồn của nhân loại. Quyền lợi từ biển đem lại cho các quốc gia thật là to lớn nhưng từ đó cũng đã có nhiều tranh chấp quyết liệt trên biển. Chính vì vậy, trong tấm lòng và bộ óc mẫn tiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một góc quan tâm đến biển, đảo của Tổ quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng tư tưởng chiến lược quân sự và di sản để lại của Đại tướng cho Quân đội ta, nhân dân ta vẫn luôn là những báu vật vô cùng quý giá. Tư duy, tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo cụ thể để giải phóng, giữ gìn vùng biển, đảo Tổ quốc của Đại tướng cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn những giá trị thiết thực và thời sự.

Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước khi mất, Đại tướng còn chọn nơi an nghỉ ngàn thu của mình là Vũng Chùa - Đảo Yến. Tọa lạc trên đỉnh núi Rồng (hay còn gọi là Thọ Sơn), từ trên tọa độ 130 của đỉnh núi Rồng, phóng tầm mắt qua Đảo Yến là chính trực hướng Đông Nam, nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn đang có nhiều biến động. Ở lại nơi này, Người như ngọn hải đăng tinh thần luôn sáng ngời để dẫn đường, nhắc nhở con cháu muôn đời sau phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc – nơi các thế lực thù địch và ngoại xâm đang lăm le dòm ngó.

Minh Vượng

TLTK:

- Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển- NXB Quân đội nhân dân phát hành -1972.

- Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm- NXB Trẻ phát hành- 2012.

- Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng- Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Báo Thanh niên.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: