Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/05/2015 00:00 382
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Với chủ đề “Bảo tàng cho một xã hội bền vững”, năm 2015, Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế ICOM muốn nhấn mạnh: Bảo tàng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm góp sức xây dựng một xã hội bền vững.

Như chúng ta đã biết, bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa đặc biệt có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, tồn tại ở nhiều chế độ chính trị xã hội, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau với chức năng trọng tâm, xuyên suốt là nơi “kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai”. Bảo tàng còn là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị di sản. Đến với bảo tàng, du khách sẽ có một cái nhìn tổng thể về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất đó.

Bảo tàng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng
nhằm xây dựng xã hội bền vững. Ảnh minh họa/internet

Trong tiến trình phát triển lịch sử, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa xuất hiện ngay từ khi con người ý thức được giá trị của di sản văn hóa trong đời sống đồng thời hiểu được mối nguy hại do tác động của thiên nhiên và con người gây ra. Cho đến những năm gần đây, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã trở thành mối quan tâm của giới khoa học và là điểm nóng thu hút chú ý của xã hội. Chính vì vậy, vai trò quan trọng của các bảo tàng, cũng như hoạt động của bảo tàng trong đời sống lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bảo tàng cũng cần tham gia giải quyết cả những thách thức của xã hội hiện đại, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng đối với những vấn đề thuộc về lịch sử, truyền thống và văn hoá của mỗi nước. Được thành lập năm 1946, ICOM (Hội đồng Quốc tế các Bảo Tàng) là tổ chức phi chính phủ quốc tế duy trì mối quan hệ chính thức với UNESCO. Trong phạm vi của Liên Hiệp Quốc, ICOM đóng vai trò tham vấn với Hội đồng Kinh tế Xã hội. ICOM là tổ chức quốc tế duy nhất đại diện cho các viện bảo tàng và các chuyên gia bảo tàng ở cấp độ toàn cầu.

Nếu như trước đây, người ta cho rằng bảo tàng chỉ có nhiệm vụ lưu giữ những giá trị văn hóa ngay tại chỗ...

Ngày Quốc tế Bảo tàng ra đời năm 1977 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội. Sự vận động này vẫn đang trên đà gia tăng và chưa từng suy giảm. Tiếp nối thành công của chủ đề năm 2014 “Sưu tập bảo tàng tạo lập kết nối”, năm 2015, chủ đề Ngày Quốc tế Bảo tàng sẽ là "Bảo tàng cho một xã hội bền vững", nhằm phổ biến vai trò của bảo tàng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về nhu cầu của một xã hội ít lãng phí, nhiều hợp tác và sử dụng các nguồn lực theo cách tôn trọng các hệ thống sống. Xã hội hiện đại không ngừng phát triển với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Sự chuyển đổi đó đặt ra yêu cầu phải thích nghi và có những cách suy nghĩ, hành động mới. Bảo tàng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi đó. Các bảo tàng hiện đại phải giữ được một vị trí mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay và có tiếng nói trong xã hội. Phát biểu tuyên bố về chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2015, Chủ tịch ICOM, Giáo sư Dr Hans Martin Hinz đã nhấn mạnh “Bảo tàng với vai trò như những nhà giáo dục và truyền bá văn hóa ngày càng đóng một vai trò thiết yếu đóng góp vào việc giải thích và thực hiện các quy tắc phát triển bền vững. Các bảo tàng phải có khả năng đảm bảo vai trò của mình trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, cảnh báo về sự gia tăng không bền vững của các hệ sinh thái, tình trạng bất ổn về chính trị, và có thể gia tăng thách thức liên quan tới tự nhiên và do con người gây ra. Công tác bảo tàng, ví dụ như việc thông qua các hoạt động giáo dục và trưng bày nên hướng tới việc tạo ra một xã hội bền vững. Chúng ta phải làm tất cả những gì chúng ta có thể để đảm bảo rằng bảo tàng là một phần của động lực văn hóa trong việc phát triển thế giới bền vững".

.thì ngày nay, bảo tàng còn phải thực hiện tốt vai trò truyền bá, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái... thông qua các hoạt động giáo dục, trưng bày...(Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

Như vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng có thể nói là vai trò quyết định góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện các mục tiêu mà bảo tàng đang hướng tới. Tuy nhiên, bảo tàng và cộng đồng luôn có mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với nhau. Việc xây dựng nên một bảo tàng chỉ là bước khởi đầu của quá trình gìn giữ và bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử còn chính sự tham gia của cộng đồng, khách tham quan sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển của bảo tàng. Bảo tàng sẽ không thể thực hiện được đầy đủ các chức năng của mình nếu như cộng đồng không quan tâm đến hoạt động của nó. Hiện nay đang có nhiều xu hướng khác nhau liên quan đến sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động của bảo tàng. Với một số nơi, công chúng đơn giản chỉ là đối tượng khách đến tham quan trưng bày của bảo tàng. Một số nơi khác, công chúng - cộng đồng liên quan trực tiếp đến nội dung trưng bày của bảo tàng tham gia vào một số khâu trong quy trình tổ chức trưng bày, triển lãm của bảo tàng. Một số ít các bảo tàng, cộng đồng là chủ thể quyết định tất cả các khâu hoạt động của bảo tàng, từ xây dựng, quản lý, tổ chức trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập. Thiết nghĩ, khi công chúng có thể trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục cũng như trưng bày, giới thiệu của bảo tàng thì nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ các di sản văn hóa hay những tác động tiêu cực từ môi trường tự nhiên lên hệ sinh thái…sẽ ngày càng được nâng cao. Trước đây, người ta cho bảo tàng chỉ có nhiệm vụ lưu giữ những giá trị văn hóa ngay tại đó để người dân đến tham quan, nhưng nay thì khác, bảo tàng không chỉ bó hẹp những hoạt động của mình trong khuôn khổ mặc nhiên của nó nữa mà phải vươn xa đến với cộng đồng, với công chúng, với toàn thể xã hội, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị văn hóa của mình. Đó cũng chính là xây dựng một xã hội phát triển bền vững, lâu dài.

CN

vanhoa.gov.vn

Chia sẻ: