Thứ Hai, 24/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/04/2015 00:00 511
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hiện nay, tình trạng nhiều học sinh, sinh viên thờ ơ, chán hoặc có tâm lý sợ, ngại với việc học môn Lịch sử không phải là chuyện xa lạ. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng công bố thông tin hàng nghìn bài thi môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học phải nhận điểm 0 (!). Thực tế ấy đã thôi thúc việc phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu. Theo đó, quan niệm học lịch sử đã có sự thay đổi: Học lịch sử không phải là sự học thuộc, nạp vào trí nhớ của người học theo lối thầy giảng trò nghe, chỉ học trong sách giáo khoa mà là học sinh thông qua quá trình làm việc với các nguồn sử liệu, tự tạo cho mình các hình ảnh lịch sử, tự hình dung về lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Vì vậy, một trong những phương pháp giảng dạy lịch sử tích cực mà nhiều nhà trường đang thực hiện đó là hình thức tổ chức các buổi học ngoại khóa tại bảo tàng. Đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nơi lưu trữ và giới thiệu đầy đủ về lịch sử Việt Nam từ tiền, sơ sử đến ngày nay.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho sinh viên học về lịch sử, ngày 15/04/2015, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn đã tổ chức vòng thi thực địa – vòng 2 của cuộc thi "Theo dòng lịch sử 2015 – đất nước 40 năm mùa xuân hội nhập và phát triển" cho sinh viên của khoa.

Các em sinh viên tham gia vào vòng thi thực địa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Anh Nguyễn Nhật Linh Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Theo dòng lịch sử – Bí thư Liên chi hội khoa Lịch sử - Giảng viên khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV phát biểu: Hiện tại khoa Lịch sử kết hợp với Liên chi và Hội sinh viên đang tổ chức các hoạt động giáo dục theo xu hướng mới. Bên cạnh việc học trên lớp, khoa sẽ triển khai thêm những phương pháp dạy – học tích cực, trong đó có các giờ học ngoại khóa gắn liền với chuyên môn về lịch sử. Anh Linh chia sẻ: Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất phù hợp với những giờ học ngoại khóa đó, cũng như chủ đề cuộc thi "Theo dòng lịch sử". Vì bảo tàng là cơ quan nghiên cứu lịch sử uy tín và có đội ngũ các nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm. Hiện vật ở đây phong phú và tiêu biểu, có sức để truyền tải thông điệp hoặc câu chuyện lịch sử. Không gian tại bảo tàng tạo cảm giác nhiều chiều về lịch sử: cả về không gian, thời gian lẫn chiều sâu…

Anh Nguyễn Nhật Linh - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Theo dòng lịch sử – Bí thư Liên chi hội khoa Lịch sử - Giảng viên khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV phát biểu trong cuộc thi.

"Tham gia hoạt động thực địa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em thấy rất vui và bổ ích. Chân đi không biết mỏi". Đây là cảm nhận của em Nguyễn Tuấn Tâm, sinh viên K57 lớp Lịch sử chuẩn của khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV, sau khi tham gia vào vòng thi thực địa trong cuộc thi Theo dòng lịch sử.

Em Nguyễn Tuấn Tâm vui vẻ chia sẻ cảm nhận về vòng thi thực địa trong cuộc thi Theo dòng lịch sử.

Có thể với nhiều người, cảm nhận này dường như rất khó tin vì họ thường nghĩ "Học lịch sử" và "Bảo tàng" gắn liền với sự nhàm chán, lý thuyết, học thuật. Nhưng chỉ khi được trực tiếp trải nghiệm trong không khí nhộn nhịp, khẩn trương, vui vẻ của cuộc thi "Theo dòng lịch sử", được nghe các bạn sinh viên hồ hởi chia sẻ về cảm xúc của mình khi được tham gia vòng thi thực địa, thì mới thấy rằng: Hóa ra lịch sử không khô khan như mình nghĩ. Học lịch sử không chỉ là ngồi một chỗ học thuộc các con số, ngày tháng năm, các sự kiện nối tiếp nhau,… phải miệt mài ở trường hay trên thư viện; mà còn có thể vừa học, vừa đi chơi, mà vẫn trau dồi các kiến thức, kỹ năng cần thiết thông qua các giáo cụ trực quan sinh động, mà cụ thể ở đây là hệ thống các hiện vật, tư liệu, hình ảnh tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Các em sinh viên sôi nổi tham gia các hoạt động thú vị trong vòng thi thực địa.

Dựa trên hệ thống hiện vật, tư liệu lịch sử phong phú tại Bảo tàng có thể xây dựng được những hoạt động rất sáng tạo, hấp dẫn, khơi gợi tinh thần học hỏi của các em sinh viên. Như trong vòng thi thực địa ngày 15/04/2015, các bạn sinh viên đã khai thác những yếu tố sẵn có tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để xây dựng nên những trò chơi vui nhộn, những hỏi đáp lý thú về lịch sử.

Em Phạm Phương Thảo – Phụ trách các đội chơi và cũng là sinh viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV giải thích về vòng thi thực địa: Dựa trên hệ thống hiện vật và sơ đồ các khu trưng bày của BTLSQG, trong vòng thi các đội sẽ nghe một số gợi ý để tìm được địa điểm có giấu mật thư (mật thư sẽ chỉ ra điểm đến tiếp theo). Tuy nhiên sau khi tìm đến địa điểm trong gợi ý, để lấy được mật thư thì các đội phải hoàn thành nhiệm vụ chung như: đoán tên bài hát, tác giả; ghép tranh; diễn tả hình thể; trả lời câu hỏi nhanh… Sau đó mới lấy được mật thư thứ 2 để dẫn đến địa điểm kế tiếp...

Em Thảo đưa ra ví dụ: Đội A sẽ được nghe gợi ý như: "Một trong 3 vị thần Ấn Độ giáo, biểu trưng cho sự hủy diệt và sáng tạo, được thể hiện dưới dạng Linga, Mukhalinga,... Tục thờ vị thần này cầu mong sự sinh sôi, nảy nở". (Đáp án là Thần Shiva). Nếu đội chơi giải được câu hỏi thì sẽ di chuyển đến khu vực trưng bày Sưu tập điêu khắc đá Chămpa, thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia - số 1 Tràng Tiền. Tìm được khu trưng bày, đội chơi sẽ được nghe một đoạn bài hát và phải trả lời đúng tên bài hát, tác giả, thì mới được mở mật thư chứa gợi ý tiếp theo để đi đến một khu trưng bày khác…

Em Phạm Phương Thảo hào hứng nói về vòng thi thực địa tại Bảo tàng LSQG.

Qua thực tế cuộc thi, những phương pháp dạy và học tích cực theo mô hình triển khai phối kết hợp giữa Bảo tàng và trường học, đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía những người tham gia:

Anh Linh hồ hởi nói: Về phía Liên chi Đoàn, Liên chi Hội sinh viên và Khoa Lịch sử rất cám ơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi và cởi mở đối với các hoạt động thực địa của sinh viên. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn sẽ được hợp tác với Bảo tàng nhiều chương trình hơn nữa.

Em Thảo chia sẻ: "Được tham gia vào phần Team work (vòng thực địa) ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em thấy những hoạt động đó tốt và có hiệu quả hơn các cuộc tọa đàm. Chúng em có thể rèn luyện được các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tự tin trước đám đông.... Trong tương lai em muốn tiếp tục được tham gia nhiều hơn nữa vào các những hoạt động hữu ích như thế này."

Em Tâm cũng kể lại: "Bước vào thế giới, không gian của BTLSQG, đầu tiên em rất bất ngờ vì hiện vật ở đây cực kỳ phong phú; không gian trưng bày rất rộng lớn, cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Khi được tham quan chiêm ngưỡng, học hỏi trên từng hiện vật, tư liệu, hình ảnh thông qua các trò chơi, em thấy những kiến thức lịch sử trở nên sống động và gần gũi hơn. Thực sự em rất muốn tham gia nhiều hoạt động như này bởi nó rất thú vị và bổ ích cho chúng em - những người học và nghiên cứu về lịch sử nước nhà.”

* Cuộc thi Theo dòng lịch sử 2015 – đất nước 40 năm mùa xuân hội nhập và phát triển của khoa Lịch sử - trường ĐHKHXH&NV được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 84 năm thành lập Đoàn TNCS HCM (26/03/1931-26/03/2015); 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2015). Đây cũng là một hoạt động thường niên của Khoa; với mục đích tạo ra một sân chơi bổ ích, lý thú; bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc; cũng như niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của quê hương đất nước cho sinh viên khoa Lịch sử - trường ĐHKHXH&NV, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và Nhà trường. Cuộc thi "Theo dòng lịch sử" được tổ chức thành 3 vòng thi: Vòng sơ khảo, Vòng thực địa và vòng chung kết.

Vào 18h00 ngày 13/03/2015, tại trường ĐHKHXH&NV, cuộc thi "Theo dòng lịch sử 2015 – đất nước 40 năm mùa xuân hội nhập và phát triển" của khoa Lịch sử - trường ĐHKHXH&NV chính thức bắt đầu với vòng sơ khảo với chủ đề: Ảnh hưởng của cách mạng tháng 8/1945 tới các nước trong khu vực.

Ngày 15/04/2015, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia và được hỗ trợ bởi phòng Giáo dục công chúng, phòng Truyền thông và Câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia; BCH LCĐ khoa Lịch sử - trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã tổ chức vòng thi thực địa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia – số 1 Tràng Tiền/ 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vào 18h00 ngày 16/04/2015, tại hội trường D – trường ĐHKHXH&NV đã diễn ra vòng chung kết của cuộc thi Theo dòng Lịch sử. Với giải nhất thuộc về đội K57 lịch sử chuẩn với tổng số 315 điểm.

* Trong cuốn Bảo tàng, di tích – nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014 của Ths. Nguyễn Thị Kim Thành (chủ biên) có chỉ ra rằng: Thực tiễn hoạt động của các bảo tàng ở nước ta nói chung, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và các bảo tàng trên thế giới đều khẳng định không có con đường nào tiếp cận với lịch sử, văn hóa, văn minh của mỗi dân tộc nhanh hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn con đường bảo tàng. Bảo tàng được khẳng định là cơ quan giáo dục, có vị trí và vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Có thể thấy, bảo tàng và nhà trường có những điểm tương đồng: cùng góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục cách nhìn nhận lịch sử một cách khách quan và khoa học... Tuy nhiên bảo tàng cũng khác nhà trường ở một số điểm: với phương pháp giáo dục trực quan sinh động thông qua những di vật, tư liệu, hình ảnh, hiện vật gốc cùng với sự tương tác bằng thiết bị công nghệ, toàn bộ chương trình giáo dục này được lựa chọn tự nguyện và không mang tính bắt buộc, hay phải thi cử hoặc kiểm tra như trong chương trình giáo dục nhà trường... Do vậy, môi trường giáo dục ở đây rất cởi mở và thân thiện. Ngoài ra, bảo tàng còn là nơi lưu giữ, trưng bày những tài liệu hiện vật gốc, các sưu tập hiện vật gốc của lịch sử tự nhiên – xã hội, chúng chứa đựng nội dung thông tin khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là bằng chứng ghi nhận các chặng đường trong lịch sử phát triển của nhân loại. Giới trẻ đến bảo tàng sẽ được sống, được giáo dục trong một môi trường văn hóa đặc biệt…

Lan Phương

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Các hình thức tiếp nhận ý kiến khách tham quan từng bước thu hút công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Các hình thức tiếp nhận ý kiến khách tham quan từng bước thu hút công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 16/04/2015 00:00
  • 557

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một thiết chế văn hóa mang tính giáo dục cao và phạm vi hoạt động xã hội rộng lớn. Với chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang trở thành một trong những trung tâm văn hóa - khoa học đầu ngành của cả nước góp phần giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.