Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/04/2015 00:00 457
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một thiết chế văn hóa mang tính giáo dục cao và phạm vi hoạt động xã hội rộng lớn. Với chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang trở thành một trong những trung tâm văn hóa - khoa học đầu ngành của cả nước góp phần giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như ở nước ta, để bảo tàng thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức thì phải xây dựng mục tiêu bảo tàng vì con người và sự phát triển tiến bộ của xã hội, thường xuyên nghiên cứu nhu cầu, sở thích, hành vi, xu hướng của công chúng để có những kế hoạch chiến lược phù hợp. Bởi công chúng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bảo tàng, là thước đo chất lượng hoạt động của mọi bảo tàng.

Xác định được vị trí, vai trò của công chúng đối với bảo tàng nói chung và Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng. Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là công việc rất cần thiết, giúp bảo tàng từng bước đổi mới trưng bày, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn đối với mọi đối tượng công chúng yêu bảo tàng.

Trong những năm qua, cùng với các hình thức tiếp nhận ý kiến khách tham quan truyền thống, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã dần tiếp cận với các hình thức tiếp nhận ý kiến khách tham quan hiệu quả của các bảo tàng trên thế giới và được thực hiện dưới các hình thức như:

Quan sát, trao đổi trực tiếp thông qua công tác: đón tiếp; hướng dẫn tham quan.

Lấy ý kiến công chúng qua sổ cảm tưởng, sổ góp ý

Lấy ý kiến công chúng qua tổ chức hội nghị, hội thảo, thuyết trình, tọa đàm

Lấy ý kiến công chúng qua các chương trình/hoạt động giáo dục

Tổ chức điều tra công chúng thông qua điều tra xã hội học.

Lấy ý kiến công chúng qua các phương tiện/ kênh thông tin truyền thông

Bằng các hình thức trên, hàng năm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp nhận được các ý kiến góp ý, phản hồi của công chúng về nội dung, hình thức và chất lượng dịch vụ của bảo tàng và đã có những điều chỉnh kịp thời đáp ứng yêu cầu của công chúng.

Công tác đón tiếp: là một khâu quan trọng đối với các Bảo tàng nói chung và Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng. Qua công tác tiếp đón là các nhân viên Bảo tàng có thể tiếp nhận câu hỏi, yêu cầu và trực tiếp trao đổi với khách tham quan về các loại hình dịch vụ Bảo tàng như giá vé, giờ mở - đóng cửa, phòng để hành lý, vệ sinh... đến những hoạt động đang diễn ra tại Bảo tàng... Thông qua các đối tượng khách tham quan thì Bảo tàng có thể biết được loại hình dịch vụ của Bảo tàng đã tốt hay chưa tốt hoặc cần thay đổi như thế nào để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách tham quan. Chẳng hạn, qua công tác đón tiếp với việc tiếp nhận ý kiến khách tham quan thì hiện nay, Bảo tàng còn tiến hành kiện toàn hệ thống nghe nhìn ở hệ thống trưng bày chính nhằm đáp ứng cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu sâu về nội dung trưng bày hay sưu tập tài liệu, hiện vật… Bảo tàng đã đưa hệ thống thuyết minh tự động (autoguide) tiếng Việt, tiếng Anh nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu hướng dẫn cho đối tượng khách tham quan tự do… Theo kết quả đợt điều tra công chúng trong năm 2012 và 2013, thì có đến 70% khách tham quan hài lòng với các dịch vụ, thái độ phục vụ của các nhân viên Bảo tàng. Điều này tạo nên sự tin cậy của khách đối với Bảo tàng được nâng cao.

Công tác hướng dẫn tham quan: cũng là khâu quan trọng trong việc tiếp nhận trực tiếp những ý kiến góp ý, phản hồi của khách đến tham quan bảo tàng. Hướng dẫn tham quan là việc các cán bộ bảo tàng hướng dẫn, giới thiệu, truyền tải cho công chúng các kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học mà bảo tàng trưng bày, giới thiệu thông qua các hiện vật và sưu tập hiện vật bảo tàng. Trong quá trình hướng dẫn, hướng dẫn viên bảo tàng có thể nắm bắt được sự quan tâm của khách tham quan khi họ dừng lâu ở một hiện vật, một sưu tập hiện vật, chăm chú nghe hướng dẫn viên bảo tàng thuyết minh hay thái độ khó chịu, căng thẳng của họ khi đọc một chú thích khó hiểu, chữ bé, trưng bày quá cao... thì không ai khác người hướng dẫn viên là người trực tiếp nắm bắt cũng như hiểu được nhu cầu, tâm lý của khách tham quan. Trên cơ sở đó, những ý kiến của khách về hệ thống trưng bày Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành chỉnh lý, bổ sung hệ thống chú thích, bảng chỉ dẫn, etiket, băng đĩa ghi âm, ghi hình, các tài liệu viết, các loại bản đồ, bản trích, sơ đồ… nhằm phục vụ khá tốt nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm của du khách, tạo cho khách hiểu hơn về nội dung trưng bày, hiện vật trưng bày của Bảo tàng từ đó gắn kết công chúng với Bảo tàng, yêu Bảo tàng, đến với Bảo tàng nhiều hơn.

Thông qua công tác hướng dẫn, nhiều ý kiến được phản hồi trực tiếp từ khách tham quan bảo tàng.

Lấy ý kiến công chúng qua sổ cảm tưởng, sổ góp ý: đây là hình thức tiếp nhận ý kiến công chúng “truyền thống” nhưng lại đem lại hiệu quả cao trong việc làm mới Bảo tàng và được bảo tàng rất chú trọng. Việc lấy ý kiến công chúng qua sổ cảm tưởng, sổ góp ý đem lại thông tin chính xác, đó là những cảm nhận, nhận xét, đánh giá trực tiếp của công chúng về tất cả các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng một cách chân thực nhất. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có những đổi mới, đa dạng các hoạt động của mình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ bảo tàng cũng như đáp ứng nguyện vọng của công chúng.

Lấy ý kiến công chúng qua tổ chức hội nghị, hội thảo, thuyết trình, tọa đàm: qua các buổi hội nghị, hội thảo, thuyết trình, tọa đàm thì việc tiếp nhận ý kiến của công chúng là những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu được bảo tàng rất chú trọng. Những vấn đề mà Bảo tàng đưa ra được đánh giá trên nhiều phương diện khác nhau: từ kết quả đạt được, kinh nghiệm thành công đến phân tích nguyên nhân tồn tại, khó khăn, đề xuất giải pháp thực hiện.... Từ các ý kiến quý báu của công chúng được đúc rút từ thực tiễn hoạt động hoặc từ thành quả nghiên cứu về khoa học xã hội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổng hợp, đánh giá và đề ra những công việc cần thay đổi, bổ sung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, với những ý kiến xác thực, trọng tâm của các đại biểu, chuyên gia đầu nghành giúp Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng bước đổi mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chúng tham quan Bảo tàng cũng như tiếp cận với xu hướng phát triển của các Bảo tàng hiện đại trên thế giới.

Lấy ý kiến công chúng qua các chương trình/hoạt động giáo dục: Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục như: tham quan học tập phục vụ bài học ngoại khóa; khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật của Bảo tàng vào bài học chính khóa; sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử… đạt được những kết quả tốt. Điều đó cho thấy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ học đường, những người làm chủ đất nước trong tương lai. Việc tiếp nhận, lấy ý kiến công chúng là những chia sẻ của học sinh, phụ huynh, giáo viên qua phiếu câu hỏi, qua trao đổi trực tiếp với người dẫn chương trình về các chương trình/ hoạt động giáo dục ở bảo tàng là khá thiết thực, hiệu quả và chất lượng. Trên cơ sở đó, các chương trình giáo dục bảo tàng ngày càng đổi mới đa dạng phù hợp với tâm lý, kiến thức mà các em được lĩnh hội ở nhà trường, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục cả về nội dung, hình thức không chỉ cho các em học sinh mà còn có thể cho cả cha mẹ các em tham gia để Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chẳng hạn như, từ những ý kiến của các bậc phụ huynh khi đưa con em mình tham gia các chương trình giáo dục của bảo tàng theo chương trình, kế hoạch của nhà trường với số lượng rất đông ( khoảng từ 300 - 500 em), kiến thức các em lĩnh hội khi đến tham quan bảo tàng không nhiều. Trên cơ sở ý kiến đó, bảo tàng đã tổ chức những chương trình dành cho các nhóm gia đình (mỗi nhóm khoảng 30 - 40 em). Nội dung của những buổi sinh hoạt phong phú, số lượng học sinh tham gia sinh hoạt vừa phải nên chất lượng buổi sinh hoạt đạt hiệu quả cao.

Tổ chức điều tra công chúng thông qua điều tra xã hội học: đây là hình thức tiếp nhận ý kiến công chúng đạt hiệu quả khá cao, được Bảo tàng Lịch sử quốc gia chú trọng, tiến hành thường xuyên, đều đặn trong những năm qua. Đối tượng khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất đa dạng và phong phú về lứa tuổi, thành phần, lĩnh vực công tác…vì thế mà phiếu điều tra được xây dựng ngắn gọn nhưng khoa học, có sự tham khảo ý kiến các chuyên gia. Phiếu được in bằng hai thứ tiếng (Việt, Anh), với các câu hỏi cụ thể cho nên khá thuận lợi cho việc lấy ý kiến của khách. Nội dung phiếu điều tra thường tập trung vào vấn đề như: đánh giá nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng, môi trường tham quan cũng như những đóng góp để nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ của bảo tàng... Chẳng hạn, qua kết quả phiếu điều tra cho thấy khách tham quan biết đến Bảo tàng qua kênh thông tin bạn bè chiếm tỉ lệ cao, tiếp đến là qua Internet. Loại hình thông tin qua áp phích, tờ rơi khá hiệu quả đối với đối tượng khách tham quan chưa có điều kiện dùng mạng Internet hoặc khách du lịch tự do nhưng kết quả điều tra lại cho thấy: khách tham quan biết đến Bảo tàng qua áp phích/tờ rơi khá thấp. Trên cơ sở đó, Bảo tàng phải tăng cường hơn nữa cho việc quảng bá hình ảnh Bảo tàng qua áp phích/tờ rơi.

Học sinh cung cấp ý kiến đánh giá vào phiếu điều tra xã hội học.

Lấy ý kiến công chúng qua các phương tiện/ kênh thông tin truyền thông: đây là kênh tiếp nhận ý kiến công chúng nhanh và rộng rãi nhất. Website Bảo tàng, mạng xã hội... không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người bạn của bảo tàng... trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ thông tin, những vấn đề liên quan đến bảo tàng... mà còn là địa chỉ giữ liên lạc thường xuyên với công chúng, lắng nghe và tạo mối quan hệ thường xuyên với họ, góp phần thu hút đông đảo công chúng đến bảo tàng, đóng góp, cống hiến cho bảo tàng. Chẳng hạn như, để biết Website Bảo tàng hoạt động tốt hay chưa tốt, bảo tàng tiến hành lập phiếu khảo sát trên Website tập trung vào các vấn đề như: Những vấn đề chung (khách tham quan thường truy cập vào Website Bảo tàng Lịch sử quốc gia không, mục đích truy cập vào Website Bảo tàng…); Đánh giá về nội dung và hình thức Website Bảo tàng Lịch sử quốc gia (nội dung, màu sắc, ngôn ngữ...)... Công chúng có thể vào mục khảo sát trực tuyến và đưa ra những ý kiến đánh giá của mình qua việc đánh dấu vào phiếu khảo sát. Trên cơ sở những phiếu khảo sát, bảo tàng có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá từ đó mà có những thay đổi phù hợp, ngày càng hoàn thiện hơn về nội dung cũng như hình thức Website Bảo tàng đáp ứng nhu cầu công chúng.

Với kết quả bước đầu trong công tác tiếp nhận ý kiến công chúng những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức. Bên cạnh kết quả đạt được thì trong quá trình thực hiện công việc này cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Việc tiếp nhận ý kiến công chúng qua công tác đón tiếp, hướng dẫn tham quan, hoạt động giáo dục, sổ cảm tưởng, sổ góp ý chưa đạt được kết quả như mong muốn bởi công chúng rất e ngại, chưa chủ động trong việc đóng góp ý kiến cho bảo tàng. Bên cạnh đó, những cán bộ thực hiện công việc chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp về công tác này. Số lượng công chúng truy câp Website bảo tàng tăng lên hàng năm, song việc lập phiếu khảo sát lấy ý kiến công chúng trên website có nội dung chưa phong phú, chính vì thế kết quả đạt được qua hình thức này vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, hình thức tiếp nhận ý kiến công chúng bằng điều tra xã hội học được Bảo tàng chú trọng nhưng số lượng khách cũng như những đánh giá của khách tham quan khi tới bảo tàng thì kết quả đạt được vẫn còn khá hạn chế. Bởi công tác này thường thực hiện theo kế hoạch hàng năm của Bảo tàng. Chính vì thế, thời gian để tổng hợp, đánh giá ý kiến của khách thường vào thời điểm cuối năm dẫn đến chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách tham quan. Bên cạnh đó, nội dung phiếu điều tra chưa bao quát hết nội dung các vấn đề của Bảo tàng cần đánh giá, lấy ý kiến công chúng như: chưa thực hiện được việc lấy ý kiến công chúng trước trưng bày, trong trưng bày và sau trưng bày; các phương pháp điều tra, phỏng vấn sâu nhằm thu thập thông tin chưa phong phú, chưa khai thác hết các ý kiến phản hồi của khách tham quan… Nội dung phiếu điều tra thường dùng cho nhiều đối tượng khách tham quan mà chưa có sự phân loại đối tượng khách tham quan cụ thể như: phiếu dành cho đối tượng học sinh (tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học); phiếu dành cho sinh viên, phiếu dành cho đối tượng khách đi tham quan theo bạn bè, gia đình, theo đoàn, đội… bởi mỗi đối tượng có một mục đích tham quan khác nhau, có một nhu cầu tham quan khác nhau khi đến bảo tàng. Chính vì thế, kết quả công tác này vẫn chưa đạt tính xác thực cao. Tuy nhiên, trên cơ sở nhận thức được vai trò của công chúng và những kết quả đã thực hiện, đánh giá được những điểm tích cực và hạn chế của công tác đánh giá công chúng trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã luôn quan tâm và có định hướng thực hiện công việc này dần bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Lấy ý kiến công chúng từ các học viên khối các trường quân đội

qua phiếu điều tra xã hội học.

Việc thu hút khách đến tham quan bảo tàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trưng bày, giáo dục, công tác đón tiếp, hướng dẫn, truyền thông, marketing, các hoạt động phục vụ, dịch vụ… nhưng không thể phủ nhận việc tiếp nhận ý kiến công chúng, đánh giá công chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu và thu hút khách tham quan bảo tàng. Để bảo tàng trở thành điểm đến quen thuộc của mọi đối tượng công chúng, thì công tác tiếp nhận, lấy ý kiến khách tham quan phải được tiến hành thường xuyên, dài hạn, đồng bộ với nhiều hình thức, nội dung phong phú phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, cần có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác tiếp nhận, đánh giá công chúng để công tác này triển khai bài bản, chuyên nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc tiếp nhận ý kiến công chúng qua Website bảo tàng và các trang mạng xã hội bởi đây là kênh thông tin tiếp nhận ý kiến, phản hồi của công chúng nhanh nhất, rộng rãi nhất và đạt hiệu quả cao… Trên cơ sở đó mới đủ điều kiện để đảm bảo cho công tác này được thực hiện một cách toàn diện, khoa học, chất lượng, hiệu quả góp phần vào phát triển Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay cũng như chuẩn bị nền tảng quan trọng trong việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới trong tương lai./.

Th.s Nguyễn Thị Thu Hoan

CN. Phạm Thị Huyền

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tàng và truyền thông

Bảo tàng và truyền thông

  • 01/04/2015 00:00
  • 433

Truyền thông bảo tàng là quá trình nhận biết nhu cầu, thị hiếu của khách tham quan để đưa ra những lợi ích có thể thỏa mãn và tạo nhiều cơ hội cho họ để trải nghiệm khi tới bảo tàng. Truyền thông cũng giúp tối đa hóa hiệu quả các hoạt động của bảo tàng. Đây là một công tác khá phức tạp yêu cầu phải sáng tạo, có kế hoạch, cách thức tổ chức và giải quyết vấn đề.