Truyền thông bảo tàng là quá trình nhận biết nhu cầu, thị hiếu của khách tham quan để đưa ra những lợi ích có thể thỏa mãn và tạo nhiều cơ hội cho họ để trải nghiệm khi tới bảo tàng. Truyền thông cũng giúp tối đa hóa hiệu quả các hoạt động của bảo tàng. Đây là một công tác khá phức tạp yêu cầu phải sáng tạo, có kế hoạch, cách thức tổ chức và giải quyết vấn đề.
Công tác truyền thông thường được thực hiện bởi một bộ phận chuyên môn hay Phòng Truyền thông. Có thể coi đây như người phát ngôn thông tin của bảo tàng tới các đối tượng công chúng, bao gồm khách du lịch, trường học, các gia đình, cá nhân và tổ chức, các cộng đồng, các ngành, báo chí, chuyên gia...
Quầy Thông tin (trực thuộc phòng Truyền thông BTLSQG) và bán hàng lưu niệm tại cổng vào hệ thống trưng bày số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh minh họa)
Truyền thông giúp thông báo và quảng bá các cuộc trưng bày của bảo tàng, các bộ sưu tập và các chương trình hoạt động, sự kiện diễn ra tại bảo tàng tới công chúng.
Các mục tiêu truyền thông thường bao gồm:
Nâng cao số lượng khách tham quan.
Xây dựng thương hiệu bảo tàng (các giá trị mà bảo tàng muốn hướng tới).
Nâng cao nhận thức của công chúng về các dịch vụ và sự kiện của bảo tàng.
Nâng cao nguồn thu thông qua các cuộc trưng bày chuyên đề.
Thu hút công chúng mới.
Bảo tàng cũng có các mục tiêu xã hội hóa khác nhau nhằm tăng nguồn thu như thông qua các cửa hàng lưu niệm, xuất bản, tổ chức sự kiện và dịch vụ ăn uống.
Thông qua các chiến lược chung và các chiến dịch truyền thông cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, mỗi chiến dịch truyền thông có sản phẩm truyền thông khác nhau và nhằm vào các đối tượng truyền thông khác nhau. Chiến dịch truyền thông có thể là truyền thông hoạt động trưng bày, truyền thông tới cá nhân và tổ chức, truyền thông nước ngoài. Mỗi chiến dịch có một chiến lược tiếp thị riêng và được phối hợp với chiến lược báo chí một cách thích hợp.
Các chiến lược truyền thông thường được thực hiện theo một quá trình giống nhau. Đó là:
Xác định mục tiêu chiến lược truyền thông.
Xác định đối tượng công chúng thích hợp với sản phẩm truyền thông.
Đảm bảo đúng thông điệp, truyền đúng kênh và tới đúng đối tượng khán giả.
Xác định biện pháp tối ưu hóa bốn công cụ tiếp thị hỗn hợp (marketing mix) là sản phẩm, địa điểm, giá cả và xúc tiến thương mại.
Tiết kiệm tối thiểu chi phí truyền thông nhưng tối đa hiệu quả truyền thông.
Bốn khái niệm chính trong tiếp thị hỗn hợp của bảo tàng có thể hiểu như sau:
Sản phẩm: bao gồm các hệ thống trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, các sự kiện đặc biệt, các chương trình giáo dục dành cho nhà trường... Ngoài ra, có các sản phẩm khác giúp tăng nguồn thu như cửa hàng quà tặng, dịch vụ ăn uống, cho thuê hạ tầng.
Địa điểm: Dựa vào vị trí thuận lợi của bảo tàng hoặc địa điểm tổ chức các cuộc trưng bày.
Giá cả: Vé vào tham quan cạnh tranh, hợp lý, hoặc có ưu tiên cho một số đối tượng. Chất lượng hàng hóa (ví dụ cửa hàng lưu niệm), dịch vụ tốt, giá cả cạnh tranh nhưng phải đảm bảo lợi nhuận ròng để tái đầu tư.
Xúc tiến thương mại: Là tất cả các hoạt động nhằm thu hút công chúng. Phòng Truyền thông sẽ quyết định lựa chọn các kênh thích hợp và hiệu quả nhất để thu hút từng đối tượng công chúng trong khoản kinh phí được duyệt. Bao gồm:
Quảng cáo trên các tờ báo, tạp chí, truyền hình, đài phát thanh, biển bảng nơi công cộng.
In ấn: sản xuất banner, áp phích, tờ rơi...và tổ chức phân phát chúng. Các tờ rơi có thể gửi tới thư viện, công ty lữ hành, các quán cafe và những nơi khách có thể đến.
Gửi thư trực tiếp: Gửi tờ rơi hoặc thư giới thiệu tới các cá nhân, tổ chức.
Hợp tác với các đối tác khác như các quán cafe, khách sạn để chia sẻ quảng cáo: các đối tác có thể quảng cáo thương hiệu của mình theo các dịch vụ, tiện ích của bảo tàng (trên cửa kính cửa hàng lưu niệm của bảo tàng hoặc quà tặng...) và ngược lại.
Quảng bá bằng website, thư điện tử, mạng xã hội...
Nghiên cứu thị trường: Nghiên cứu nhu cầu, phản hồi của khách tham quan phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các câu hỏi đặt ra là để tìm xem khách của bảo tàng mình là ai, và tìm hiểu xem tại sao họ lại đến bảo tàng (thông qua kênh quảng cáo nào, bài báo nào, website nào...). Tìm hiểu xem họ có được biết về các dịch vụ khác nhau của bảo tàng hay không (ví dụ: thẻ thành viên, các cuộc tọa đàm, nói chuyện tại bảo tàng hoặc dịch vụ tour nếu có...). Loại báo chí họ đọc và những nơi họ đến, họ có hứng thú về chuyến đi hay không và liệu họ có giới thiệu bảo tàng cho người khác không. Những dữ liệu đó giúp phòng Truyền thông đưa ra những chiến lược và mục tiêu phù hợp nhằm thu hút khách tham quan và tăng hiệu quả truyền thông.
Thương hiệu bảo tàng: Thương hiệu bảo tàng rất quan trọng trong quá trình truyền thông, và nên được ưu tiên hàng đầu. Thương hiệu bảo tàng là một khái niệm ngắn về một quá trình trải nghiệm và khẳng định về việc:
Bảo tàng làm công việc gì?
Bảo tàng đại diện cho cái gì?
Bảo tàng có ý nghĩa gì với từng đối tượng công chúng trong và ngoài nước?
Việc đổi mới hình ảnh và tiếng nói của mình để tạo ra một hình ảnh hay nhận dạng thương hiệu sẽ đánh thức những cảm xúc về những giá trị mà bảo tàng đang hướng tới. Tất cả trải nghiệm của khách hàng cũng là một hình thức của thương hiệu bảo tàng, nó đến từ các cuộc trưng bày họ tham dự tới từng nhân viên bảo tàng họ gặp, và các dịch vụ họ trải qua. Phát triển thương hiệu bảo tàng và quản lý thương hiệu là một quá trình lâu dài, nhưng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Logo BTLSQG với những hình ảnh ước lệ tượng trưng cho nơi lưu giữ tinh hoa lịch sử dân tộc.
Trong những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông trong việc thu hút khách tham quan, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chú trọng đầu tư về công tác truyền thông bảo tàng. Phòng Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp truyền thông và đạt được những kết quả bước đầu. Hiện nay, bảo tàng đã có logo mới được thiết kế đẹp mắt và ý nghĩa. Thông tin về các trưng bày đang diễn ra và sẽ diễn ra tại bảo tàng được cập nhật thường xuyên. Quan hệ với báo chí được phòng Truyền thông đặc biệt quan tâm. Năm 2014, đã có hơn 650 tin, bài trong đó có 250 bài viết của báo viết, báo mạng Trung ương và một số tỉnh/thành; hơn 30 kênh truyền hình Trung ương, Hà Nội và quốc tế đưa tin, làm phóng sự về những sự kiện diễn ra tại bảo tàng. Đặc biệt, website bảo tàng (www.baotanglichsu.vn) thu hút số lượng độc giả ngày càng tăng. Từ việc biết đến bảo tàng qua internet sẽ thúc đẩy khách tham quan thực tế đến bảo tàng nhiều hơn. Số lượng độc giả truy cập trang tin của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong năm 2014 đạt: 4.585.962 lượt người (tính từ 12/12/12013 - 30/11/2014: 11.472.338 - 16.058.300) (trung bình: 382.163 lượt người truy cập/tháng).
Tuy nhiên, công tác truyền thông tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm còn thiếu và chịu cơ chế đặc thù của một cơ quan nhà nước. Hy vọng với những chiến lược sắp tới, hoạt động truyền thông sẽ khởi sắc và gặt hái được nhiều thành công, góp phần quảng bá thương hiệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia tới nhiều đối tượng công chúng trong nước và quốc tế.
Trần Trang (Dịch & tổng hợp)
Nguồn:
- Website bảo tàng The Western Australian Museum, Victoria and Albert Museum.
- Báo cáo tổng kết Phòng truyền thông BTLSQG năm 2014.