Vua Hàm Nghi sinh ngày 3 tháng 8 năm 1871, tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, Nguyễn Phúc Minh. Ngài là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Ngài là em ruột vua Kiến Phúc Ưng Đăng và Chánh Mông (hay Ưng Ký), tức là vua Đồng Khánh sau này. Năm 1884, ngài được các vị Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, khi đó là Thượng thư Bộ binh, đưa lên ngôi vua lúc 13 tuổi. Theo nhận định của các đại thần, vua Hàm Nghi là người có đủ tư cách về dòng dõi nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc. Từ nhỏ ngài sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ đẻ, không như hai người anh ruột được ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, ngài hoảng sợ không dám nhận mũ áo người ta dâng lên. Sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (tức 2 tháng 8 năm 1884), ngài được rước đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Hàm Nghi. Ngài trở thành vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Sau sự biến kinh thành Huế (1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn, phát hịch Cần Vương chống Pháp, kêu gọi văn thân, nghĩa sỹ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt, sau đó vua bị thực dân Pháp đem đi an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie thuộc Bắc Phi).
Sự biến kinh thành Huế xảy ra đêm mồng 5, rạng ngày mồng 6 tháng 7 năm 1885. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thấy người Pháp khinh mạn vua mình nên đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Đến sáng quân Pháp phản công, quân triều đình thua chạy, rời bỏ kinh thành Huế. Tôn Thất Thuyết mời Hoàng đế và Tam cung lên đường ra Quảng Trị tránh nạn. Ngày 9 tháng 7, Tôn Thất Thuyết đưa vua lên đường đi Tân Sở, rồi về vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình). Sau đó, chuyển về xây dựng căn cứ ở Sơn Phòng (Hà Tĩnh). Thời gian này, nhà vua phải chịu nhiều gian khổ, luồn lách giữa núi rừng hiểm trở, thiếu thốn bệnh tật. Tại Tân Sở nhà vua đã hai lần xuống dụ Cần Vương cùng nhiều chỉ dụ khác tới các quan lại, lãnh tụ của phong trào chống Pháp. Tên của vua Hàm Nghi đã trở thành ngọn cờ độc lập quốc gia. Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời kêu gọi của ông vua xuất hạnh. Tháng 9 năm 1888, do bị viên hầu cận phản bội, vua Hàm Nghi bị bắt khi đó mới 17 tuổi.
Vì có tư tưởng chống Pháp, vua Hàm Nghi cùng với các vua Thành Thái và Duy Tân được xem là ba vị vua yêu nước của Việt Nam thời Pháp thuộc.
Trong sưu tập Bảo vật Cung đình Huế lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có ba bảo vật thuộc đời vua Hàm Nghi rất đáng chú ý như sau:
1.Kim Bảo: Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo, kí hiệu LSb 35954, 379KN (Ảnh 1). Ấn đúc bằng vàng, 2 cấp hình vuông, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, miệng ngậm ngọc, lưng cong, đuôi cuốn, 4 chân chùng. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:
Kim Bảo: 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo.
- Bên trái: 八 歲 重 四 十 九 両 五 錢 一 分 (Bát tuế trọng tứ thập cửu lạng ngũ tiền nhất phân nghĩa là: vàng 8 tuổi, nặng 49 lạng 5 tiền 1 phân).
- Bên phải: 建 福 元 年 八 月 初 九 日 奉 鑄 造 (Kiến Phúc nguyên niên bát nguyệt sơ cửu nhật phụng chú tạo, nghĩa là: phụng mệnh đúc vào ngày 9 tháng 8 năm Kiến Phúc 1, 1883).
Mặt ấn đúc nổi 7 chữ Triện trong khung diềm khá rộng: 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 (Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo). Đây là Kim Bảo được vua Hàm Nghi khi lên ngôi cho làm để dâng Miếu hiệu vua Kiến Phúc sau khi ông mất được 2 tháng, đem thờ trong Thế miếu. Vì lúc này chưa đặt niên hiệu mới nên trên ấn vẫn ghi theo niên hiệu Kiến Phúc.
2. Kim Bảo: Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo, kí hiệu LSb 34946, 371KN (Ảnh 2). Ấn đúc bằng vàng 8 tuổi rưỡi, 1 cấp hình vuông, quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, lưng cong, đuôi uốn, 4 chân chùng. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán:
Kim Bảo: 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo
- Bên trái: 八 五 金 重 八 十 六 両 四 錢 八 分 (Bát ngũ kim trọng bát thập lục lạng tứ tiền bát phân, nghĩa là: vàng 8 tuổi rưỡi, nặng 86 lạng 4 tiền 8 phân).
- Bên phải: 咸 宜 元 年 三 月吉日奉 鑄 造 (Hàm Nghi nguyên niên tam nguyệt cát nhật phụng chú tạo, nghĩa là: phụng mệnh đúc vào ngày lành tháng 3 năm Hàm Nghi 1, 1885).
Mặt ấn đúc nổi 8 chữ Triện trong khung viền: 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 (Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo).
Đây là Kim Bảo ấn thứ 2 của Hoàng Thái hậu Từ Dũ do vua Hàm Nghi là cháu nội tấn tôn cho bà năm 1885 sau khi lên ngôi.
3. Kim Khánh: Khuyến trung nghĩa, kí hiệu LSb. 34742, 250KN).
Kim Khánh: 勸 中 義, 咸 宜 二 等 Khuyến trung nghĩa, Hàm Nghi nhị đẳng
Đây là loại thẻ đeo do vua Hàm Nghi ban tặng những người có công lao, thành tích. Thẻ đúc bằng bạc mạ vàng, có hình khánh, hai đầu uốn cong, đỉnh có lỗ xuyên dây đeo. Thẻ rộng 5,4cm, nặng 5gr. Một mặt thẻ đúc nổi 3 chữ: 勸 中 義 (Khuyến trung nghĩa, nghĩa là: khuyến khích người trung nghĩa), mặt bên đúc nổi 4 chữ: 咸 宜 二 等(Hàm Nghi nhị đẳng, nghĩa là: Hàm Nghi hạng hai).
Mặc dù chỉ ở ngôi một thời gian ngắn nhưng vua Hàm Nghi đã mở đầu cho phong trào chống Pháp giành độc lập ở Việt Nam. Kim bảo 簡 宗 毅 皇 帝 之 寶 Giản Tông Nghị Hoàng Đế chi bảo thể hiện tấm lòng của nhà vua với người anh tuy cùng cha khác mẹ. Kim bảo 慈 愈 太 皇 太 后 之 寶 Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu chi bảo thể hiện tấm lòng hiếu thảo với bà nội theo đúng truyền thống tôn xưng của các vua nhà Nguyễn. Với Kim khánh 勸 中 義 Khuyến trung nghĩa, tuy tạo tác bằng bạc mạ vàng, nét chữ không thật sắc sảo nhưng đó là minh chứng sinh động thể hiện sự tôn vinh với các anh hùng nghĩa sỹ đã tham gia hưởng ứng có công lao thành tích chống Pháp theo lời kêu gọi của chiếu Cần Vương. Có thể những kim khánh này được tạo tác do một bộ phận Ngự xưởng đã rời kinh thành Huế theo vua Hàm Nghi ra vùng căn cứ kháng chiến.
Những bảo vật trên đây thực sự là những minh chứng sinh động gắn với cuộc đời của vua Hàm Nghi, rất cần được bảo vệ và tôn tạo, phát huy trưng bày trong phần lịch sử triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Kiều Trang (Phòng QLHV)