Chủ Nhật, 15/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/01/2015 00:00 429
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Louis Finot - bảo tàng lớn nhất Đông Dương

Trong bài diễn văn khánh thành Bảo tàng Sài Gòn ngày 1 tháng 1 năm 1929, ông Louis Finot (khi đó là Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ) đã nói: “Có thể có một vài người có đầu óc thực tế sẽ hỏi rằng lợi ích của Viện bảo tàng là gì. Chúng tôi sẽ trả lời rằng lợi ích của nó 3 mặt: khoa học, giáo dục, du lịch”. Đánh giá một cách khách quan khi tiến hành xây dựng những bảo tàng ở Việt Nam, người Pháp có thể đã có nhiều mục đích khác nhau, tuy nhiên không thể không nói tới đó là khai quật và bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam còn tiềm tàng.

Nói đến việc ra đời các bảo tàng ở Việt Nam, cái tên Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) không còn xa lạ. Từ khi thành lập, EFEO thực hiện nhiệm vụ “nhằm thu nhận những cái mà nếu không làm thì sẽ tiêu tan”. Cho đến khi rút khỏi Đông Dương, EFEO đã thành lập ở Đông Dương 8 bảo tàng, trong đó ở Việt Nam có 5 bảo tàng được xây dựng, mỗi bảo tàng mang một đặc trưng riêng.

Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả xin giới thiệu tới độc giả 3 bảo tàng do người Pháp xây dựng ở 3 miền Bắc – Trung – Nam Việt Nam (một phần Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) – Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng – Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh)

Năm 1902, với sự di chuyển trung tâm hành chính từ Sài Gòn ra Hà Nội, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, được người Pháp xây dựng và quy hoạch lại. Là trung tâm hành chính lớn nhất của Đông Dương thời kỳ đó, chính vì vậy Hà Nội được chọn để xây dựng một bảo tàng có tầm cỡ ở Đông Dương. Đề án xây dựng Bảo tàng Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp được Toàn quyền Đông Dương duyệt năm 1925 trên diện tích 1.835m2 và giao cho nhà thầu Aviat, nhưng do gặp nhiều khó khăn hợp đồng này đã không thực hiện được. Sau đó việc thi công đã được giao lại cho nhà thầu Trịnh Quy Khang vào năm 1929 và nhà thầu này đã hoàn thành công trình vào năm 1932.

Bản vẽ mặt phía tây Bảo tàng Louis Finot do kiến trúc sư Charles Batteur, thành viên của Trường Viễn Đông Bác cổ thành lập năm 1925.

Bảo tàng Louis Finot do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 được xây dựng trên khu đất phía sau Nhà hát lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng và là điểm kết thúc của tuyến phố Quai Guillemoto (phố Trần Quang Khải ngày nay), một vị trí có thể tạo ra điểm nhấn kiến trúc cho tuyến đường ven đê.

Điểm nổi bật của công trình chính là sự kết hợp hài hòa giữa hai phong cách kiến trúc Á - Âu. Một trong những công trình văn hóa vào loại tiêu biểu nhất, đại diện lớn cho kiểu kiến trúc Đông Dương, kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiểu kiến trúc bản địa.

Song không chỉ chú trọng về hình thức người Pháp còn chú trọng đến các yếu tố công năng cho phù hợp việc sử dụng. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên được cấu tạo dựa trên những không gian khẩu độ lớn. Không gian sảnh chính hình bát giác có kích thước mỗi cạnh lớn lên 11m, không gian trưng bày chính nằm ngay sau đại sảnh có hình chữ nhật kéo dài và được tổ chức theo hình thức xuyên phòng, có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Ngoài ra còn có không gian trưng bày chuyên đề nằm ở hai phía của đại sảnh tạo thành một tổng thể trưng bày khoáng đạt.

Phía dưới tầng trưng bày là một tầng trệt cao 2,5m - được dùng để làm nơi phục chế và kho, được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, cách nhiệt cách âm khá tốt và có thể sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay.

Được xây dựng với mục đích lưu giữ và trưng bày hiện vật của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, một cơ quan văn hóa của Pháp hoạt động ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Dưới hình thức sưu tập các di vật thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, do đó các phần trưng bày được người Pháp giới thiệu là các sưu tập di vật nghệ thuật của các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Campuchia… với một số lượng rất lớn.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Ngày 22/4/1958, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tiếp quản Bảo tàng Louis Finot và xúc tiến nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, chuyển đổi nội dung từ Bảo tàng Nghệ thuật sang Bảo tàng Lịch sử.

Sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất từ tay người Pháp, Bộ Văn hóa Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành làm mới hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử. Tuy nhiên, công việc này lại gặp phải những khó khăn như: thông thường để tiến hành xây dựng hệ thống trưng bày của một bảo tàng cần có quá trình chuẩn bị công phu lâu dài, có đủ hiện vật đáp ứng nhu cầu thể hiện chức năng nhiệm vụ của loại hình bảo tàng đó. Mặc dù tiếp nhận từ người Pháp một khối lượng hiện vật đồ sộ, nhưng phần lớn các hiện vật thuộc sưu tập nghệ thuật các nước Đông Nam Á. Hiện vật thuộc văn hóa bản địa chiếm một khối lượng không nhiều, bên cạnh đó còn phải nói đến việc các hiện vật bị xáo trộn, lý lịch thất lạc.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các cơ quan trong nước cùng với đông đảo quần chúng yêu thích lịch sử dân tộc, mong muốn làm sống lại truyền thống lịch sử dân tộc, chính những cố gắng và đóng góp đó, chỉ sau 5 tháng, ngày 3/9/1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã mở cửa đón khách tham quan.

Còn tiếp…

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn:

- Đào Thị Diến (chủ biên), “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1945”, nxb Hà Nội, 2010.

- Ủy Ban nhân dân Thành phố Hà Nội, “Bách khoa thư Hà Nội”, tập 14, nxb Văn hóa Thông tin, 2008.

- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, “Hai mươi năm hoạt động của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Những tác phẩm điêu khắc đá chùa Phật Tích lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Những tác phẩm điêu khắc đá chùa Phật Tích lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 26/11/2014 00:00
  • 452

Vào thời Lý (1010 – 1225) cùng với sự phát triển của kinh tế, chính trị và quân sự, các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng được triều đình chú trọng, trong đó Phật giáo được quan tâm đặc biệt và được coi là quốc giáo. Vương triều Lý đã biết vận dụng sức mạnh của Phật giáo vào công cuộc tái thiết đất nước. Một số trung tâm Phật giáo được xây dựng ở Hà Nam, Nam Định và đặc biệt ở Bắc Ninh - quê hương của nhà Lý. Trong các ngôi chùa ở Bắc Ninh, Phật Tích là ngôi cổ tự rất độc đáo, nơi có pho tượng Phật bằng đá lớn nhất Việt Nam. Chùa còn được gọi là chùa Vạn Phúc hay chùa Tiên Du, nằm trên núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du (nay là xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).