Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2015 00:00 450
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (tiền thân là bảo tàng Henri Parmentie) được người Pháp tiến hành bỏ thầu năm 1916 và hoàn thành năm 1919, trở thành nơi lưu giữ tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Chăm quy mô lớn nhất cả nước. Ngày nay, nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch thu hút không thể bỏ qua mỗi khi đến Đà Nẵng.

Bảo tàng Henri Parmentie những năm đầu thế kỷ XX.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng là một trong những kho tàng bảo quản mà Trường Viễn Đông Bác cổ có ý muốn dựng lên một số nơi trên bán đảo Đông Dương, nhằm sưu tầm, bảo quản tại chỗ những hiện vật khảo cổ đảm bảo theo ý muốn.

Khi Trường Viễn Đông Bác cổ mới được thành lập ở Sài Gòn, những người đứng đầu trong lĩnh vực này dự kiến sẽ chỉ xây dựng một bảo tàng lớn ở đây. Nhưng diễn biến tình hình từ năm 1902 đến năm 1905 đã làm đảo lộn tất cả mọi dự định, đó là: Năm 1902, trung tâm hành chính, trong đó có các cơ quan, công sở được di chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tiếp đó đến năm 1905, Hội đồng thuộc địa quyết định không cấp thêm kinh phí cho việc lưu giữ bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ ở Sài Gòn, ý tưởng xây dựng một bảo tàng trung ương đã không thành, do vậy người ta hướng đến ý tưởng thành lập những bảo tàng địa phương. Từ đó một kế hoạch về nghiên cứu khảo cổ học được phê duyệt, chia thành 5 nhóm:

Nhóm một: các sưu tập nghệ thuật Việt Nam và các sưu tập nghệ thuật ngoài Đông Dương thuộc Pháp tại Hà Nội.

Nhóm hai: các sưu tập hiện vật Khmer ở Phnompenh (Campuchia).

Nhóm ba: các sưu tập hiện vật Chăm ở Đà Nẵng (Việt Nam).

Nhóm bốn: các sưu tập hiện vật Lào ở Viêng Chăn.

Nhóm năm: các sưu tập hiện vật khai quật được ở Nam Bộ, nhưng không phân biệt được thuộc nghệ thuật Khmer hay nghệ thuật Chăm.

Khi dự định thành lập Viện bảo tàng Trung ương ở Sài Gòn bị bãi bỏ, ông giám đốc Trường Viễn Đông bác cổ đã trình bày với thống sứ Bắc Kỳ về việc xây dựng một nhà bảo tàng ở Đà Nẵng trên cơ sở năm 1902, tuy nhiên không được chấp nhận. Ngày 6/3/1908, một bản báo cáo mới nhất của ông Đội trưởng đội khảo cổ gửi cho Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ nói rõ thêm về tính cấp thiết của việc xây dựng bảo tàng Chăm. Chính sự đốc thúc liên tục đó, đến ngày 5/11/1908 một bản dự án được chuyển đến Hội đồng Khảo cổ học Đông Dương, vì lo lắng cho những bức chạm không được bảo vệ, hội đã đề nghị với Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski thực hiện ý định này sau nhiều lần trì hoãn. Đến ngày 17/7/1909, “khâm sứ Trung kỳ là Levécque đã thông báo cho giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ về việc ông toàn quyền đã chấp nhận việc xây dựng bảo tàng ở Đà Nẵng với số tiền lên đến 11 nghìn đồng số tiền này được lấy từ ngân sách của chính phủ Pháp tại Đông Dương”(1). Mặc dù đã có quyết định tuy nhiên công việc xây dựng nhà bảo tàng ở Đà Nẵng đã bị gián đoạn trong 3 năm (1909-1912) do có quan điểm khác nhau về việc trưng bày các hiện vật Chăm ở Hà Nội thay vì ở Đà Nẵng. Phải đến năm 1912, khi hội đồng khảo cổ quyết định những điêu khắc Chăm được tập trung tại Đà Nẵng khi đó vấn đề mới được giải quyết.

Công trình Bảo tàng Đà Nẵng được hoàn thành vào tháng 5/1916, tuy nhiên phải 3 năm sau thì mới có thể mở cuộc trưng bày đầu tiên (tháng 2/1919). Bảo tàng ban đầu mang tên nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentie ông là người đã thiết kế trưng bày cho bảo tàng, ngoài ra ông cũng là một chuyên gia nghiên cứu về Chămpa và có nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về lĩnh vực này.

Một góc trưng bày Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Công trình Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng trên một gò đá có kiến trúc đơn giản, với những đồ án trang trí Chăm để tạo ra sự tương đồng cho những hiện vật nghệ thuật nơi đây. Tính đến thời điểm lúc bấy giờ Bảo tàng Đà Nẵng có 268 hiện vật được đem từ nhiều nơi, trong số đó nhiều nhất là được chuyển từ công viên Đà Nẵng về.

Những bộ sưu tập hiện vật tại đây, không thể không nói đến vai trò to lớn của một nhân vật có tên là là Charle Lemire - nguyên công sứ tỉnh Quảng Nam (1892), lúc còn là công sứ tỉnh Bình Định. Năm 1885, ông đã tiến hành sưu tầm những hiện vật nghệ thuật Chăm theo lệnh của Bộ Giáo dục và Mỹ Nghệ Pháp thời bấy giờ. Nhận thấy rõ giá trị của một số tác phẩm điêu khắc ở Trà Kiệu và Khương Mỹ nên cần bảo quản tốt, nếu để lại thì có thể sẽ không bảo quản tốt nên ông đã xin các làng sở tại và được cho đi một cách dễ dàng. Cuối năm 1891 đầu năm 1892 ông đã quyết định chuyển những hiện vật ở đây ra Đà Nẵng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng ngày nay qua hai lần tu sửa, bảo tàng vẫn giữ nguyên được cốt lõi kiến trúc ban đầu. Bộ sưu tập hiện vật nghệ thuật điêu khắc Chăm gồm các sưu tập hiện vật chất liệu đá sa thạch, đất nung, đồng…trong đó đá sa thạch chiếm số lượng nhiều nhất. Những tác phẩm nghệ thuật ở đây chủ yếu đều là nguyên bản, được trưng bày theo địa điểm phát hiện như: phòng Quảng Trị (thế kỉ VII-VIII); Hành lang Quảng Nam (thế kỉ VII-VIII và IX-X); Hành lang Quảng Ngãi (cuối thế kỉ X-nửa thế kỉ XI); Phòng Trà Kiệu (thế kỉ VII-VIII và XI-XII); Phòng Mỹ Sơn; Phòng Đồng Dương; Phòng Tháp Mẫm (XII-XV) và phòng trưng bày mở rộng trưng bày những hiện vật được phát hiện sau năm 1975.

Năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo về phương án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về văn hóa cũng như các nhà kiến trúc sư đầu ngành. Theo đó, các chuyên gia hướng đến phương án “giữ nguyên hiện trạng”, chỉ tiến hành “nâng cấp mái và tường nhà”. Đồng thời thiết kế lại hệ thống đèn chiếu sáng, bục bệ trưng bày các hiện vật, đồng bộ hóa và tạo liên kết không gian tòa nhà như lối đi lại, lối di chuyển hiện vật, lối tham quan... Khu vực sân vườn phía ngoài cũng sẽ được cải tạo sao cho phù hợp, hài hòa với cảnh quan của tòa nhà”(2).

Mặt trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Trong hệ thống những bảo tàng người Pháp xây dựng tại Việt Nam đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên. Đây là một công trình kiến trúc đặc sắc được kết hợp giữa kiến trúc Châu Âu và một số đường nét của kiến trúc Chăm. Trải qua 100 năm tồn tại, công trình đã trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó những hiện vật được trưng bày tại đây đều là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật tạo hình, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người Chăm xưa.

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn:

Henri Parmentie, “Danh mục hiện vật của nhà bảo tàng Tourane (Đà Nẵng)”, TL/978, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

http://www.baomoi.com/Bao-tang-Dieu-khac-Champa-Da-Nang-giu-nguyen-hien-trang/150/14948480.epi.

http://www.chammuseum.danang.vn/

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: