Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/08/2014 22:26 413
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác bảo tàng là một xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá để đến gần hơn với công chúng. BTLSQG xin giới thiệu bài viết của một chuyên gia người Tây Ban Nha, ông Conxa Rodà, công tác tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia xứ Catalan - Tây Ban Nha (Museu Nacional d’Art de Catalunya) về vấn đề này.


Liệu kỹ thuật số sẽ giúp bảo tàng đến được với tất cả công chúng? Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou (Pháp). Ảnh: Conxa Roda

Ngày nay, việc kết nối các bộ sưu tập với công chúng chính là chìa khóa đem lại lợi ích xã hội cho các bảo tàng. Bảo tàng nào biết thiết lập đa liên kết với đa tầng lớp khán giả sẽ có được tác động xã hội tốt hơn. Nếu phải tổng kết lại trong một từ về khái niệm bảo tàng, có lẽ thích hợp nhất hiện nay là từ Kết Nối.

Poster chủ đề của ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2014 "Sưu tập bảo tàng tạo lập kết nối" do ICOM lựa chọn

Bảo tàng đang tiến lên phía trước để trở thành một nơi gặp gỡ, một trung tâm giải trí, nơi trải nghiệm, nơi hội nhập, hay nói cách khác, nơi kết nối giữa các bộ sưu tập và công chúng, và chính công chúng với nhau. Bảo tàng phải biết cách kết nối các bộ sưu tập, tri thức với khán giả bằng cách tạo ra những trải nghiệm có chất lượng.

Tại sao chúng ta lại quan tâm tới việc kết nối sưu tập với công chúng? Câu trả lời là, cùng với việc hoàn thành sứ mệnh của một bảo tàng, điều này sẽ khiến việc tiếp cận với các sưu tập trở nên dễ dàng hơn, nâng cao trải nghiệm tham quan, thu hút lượng khán giả mới, mang lại tầm nhìn cho công tác khoa học và tạo lập cộng đồng. Một số câu hỏi chúng ta có thể đặt ra là: Chúng ta có cung cấp cho khách tham quan bối cảnh và phần dịch cơ bản nhất trong các bảo tàng trưng bày tương tác? Hay chỉ đơn giản là việc tiếp tục hết trình chiếu này đến trình chiếu khác ?

Ví dụ về một bảo tàng trưng bày tương tác (interactive museography)

Chúng ta đã số hóa các bộ sưu tập chưa? đã có đủ tài liệu dẫn chứng và cập nhật dữ liệu chưa? Chúng ta có gắn kết kinh nghiệm tham quan trên mạng với việc tham quan tại bảo tàng chưa? Hay đó vẫn là hai việc chẳng liên quan với nhau. Việc làm của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào việc tạo ra quan hệ giữa nội dung trưng bày với công chúng, chứ không phải tạo ra một sự cách biệt kiểu "tôi không quan tâm", "tôi không hiểu", "đó không phải là nơi dành cho tôi".

Sử dụng website, sưu tập ảo, dữ liệu số, truyền thông xã hội, trưng bày tương tác, ứng dụng di động, game ứng dụng, in ấn 3D và các hỗ trợ kỹ thuật số khác góp phần hình thành nhiệm vụ quản lý và truyền bá cho các bảo tàng.

Liệu công nghệ là kẻ phá vỡ hay là một trợ thủ?

Trong bảo tàng nghệ thuật, câu hỏi đặt ra là, liệu công nghệ có làm phân tán tư duy của tác phẩm. Theo tôi nghĩ, câu hỏi đó không phải là việc chúng ta giới thiệu công nghệ trong bảo tàng, mà là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật số như thế nào để làm sâu sắc sự gắn kết với nghệ thuật và quá trình sáng tạo. Đó không phải là một câu hỏi để cạnh tranh mà để bổ sung, để nâng cao chất lượng. Nếu áp dụng ở một chừng mực đúng thì đây là một lợi thế cực kỳ to lớn giúp đưa ra bối cảnh, so sánh và tham khảo. Chúng ta đã mải mê vào một văn hóa thị giác hóa, và đây là một cơ hội tuyệt vời cho các bảo tàng nghệ thuật để đổi mới.

Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm. Theo số liệu của một nghiên cứu gần đây về các trang web của các bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Tây Ban Nha, 19.3% không có website, chỉ 29.3% cho phép nội dung được chia sẻ với người dùng khác, và chỉ 12% có nội dung giáo dục.

Truyền thông xã hội, blog và di động giúp tạo lập kết nối.

Chúng ta không biết các mạng lưới xã hội đang tiến hóa thế nào, nhưng hiện tại, việc quan trọng là phải trở nên năng động ở bất cứ nơi đâu, nói cách khác, hãy tiếp cận và gặp gỡ với khán giả. Một người bạn của tôi tại Bảo tàng Toulouse, ông Samuel Bausson đã nói: chúng ta vừa mới đi ra khỏi "lô-gich của một phòng trưng bày" để đến với "lô-gich quan hệ".

Nhưng chúng ta liệu có đang rời xa những nền tảng xã hội cơ bản nhất? Chúng ta có đang sử dụng các mạng lưới xã hội như nền tảng đối thoại và tương tác với người sử dụng bảo tàng? Hay chúng ta vẫn đang hành động như những người phát thanh và người làm quảng cáo cho việc chúng ta đang làm?

Blog giúp xây dựng các mối liên kết với cộng đồng, với các bảo tàng khác và giữa nhân viên bảo tàng. Với tôi, blog là một công cụ hữu ích trong các chiến lược truyền thông của bảo tàng vì nó cho phép nhiều truy cập cá nhân mỗi ngày, biết được hoạt động và đời sống của bảo tàng, phản ánh hậu trường và có tiếng nói đa dạng hơn. Tuy nhiên, số bảo tàng sử dụng blog còn rất hạn chế.

Di động dùng ở khắp nơi, liên tục và luôn trong tầm tiếp cận của chúng ta. Nội dung trưng bày của ta có thân thiện, có liên quan và có tương thích với loại màn hình nhỏ không? Một số liệu đáng ghi nhận: Tây Ban Nha là một nước nhỏ ở Châu Âu nhưng có lượng người dùng điện thoại thông minh rất lớn. Con số trung bình các ứng dụng tính trên đầu người là 19 (trong đó 8 ứng dụng phải trả tiền). Tuy nhiên, các bảo tàng Tây Ban Nha có ứng dụng chỉ khoảng 1.8%. Rõ ràng, một số lượng lớn cần phải được nghiên cứu và khai thác.

Khách tham quan chụp ảnh một tác phẩm của Antoni Caba

Tuy nhiên, trước khi sản xuất các ứng dụng, việc đầu tiên là phải đảm bảo tích hợp các website của bảo tàng thích ứng với sản phẩm di động. Không chỉ là việc format lại màn hình mà còn điều chỉnh lại kích cỡ của hình ảnh để tối ưu hóa tốc độ tải và lướt web.

Sưu tập gần gũi hơn

Một biện pháp kết nối hiệu quả có thể tạo ra nhờ các sưu tập online. Không nhất thiết phải công bố một sưu tập sau khi có đủ các tài liệu dẫn chứng hoàn hảo. Việc đó mất nhiều năm, và trong khi đó thì các bộ sưu tập của chúng ta không được ai biết tới. Tôi muốn lấy ví dụ về bảo tàng Victoria and Albert Museum (London), họ đã quyết định công bố toàn bộ sưu tập mà họ có, nhưng nói rõ những danh sách vẫn cần phải hoàn chỉnh hoặc thay đổi, thậm chí, họ còn mời khách phối hợp bằng việc chạm vào các hình ảnh hoặc góp ý cải tiến công cụ tìm kiếm bộ sưu tập. Một ví dụ khác, rất ấn tượng, là việc bảo tàng Cleveland Art Museum (Hoa Kỳ) dựng một màn hình khổng lồ cỡ một bức tường (gọi là Collection Wall), và gần đây, ví dụ đáng hoan nghênh nhất ở Châu Âu, đó là bảo tàng Rijksmuseum of Amsterdam (Hà Lan), không chỉ công bố hàng nghìn tác phẩm với tốc độ phân giải cao, mà còn mở một phòng Studio dành cho tất cả khách tham quan tiếp cận "gần hơn" với các tác phẩm và tự do sáng tạo cá nhân.

Cách thức hợp tác: kết nối toàn cầu

Rõ ràng, chúng ta không thể chờ đợi khách tham quan tự đến với chúng ta hay truy cập vào trang web của chúng ta, chúng ta cần phải đi ra ngoài và đa dạng hóa hình ảnh của mình dưới nhiều góc độ và mạng lưới khác nhau, miễn là chúng ta thực sự mong muốn kết nối với khán giả. Ba cách thức có hiệu quả để kết nối sưu tập, đó là: Google, chứa một khối lượng khoảng 30,000 tác phẩm nghệ thuật của tất cả các bảo tàng trên thế giới, tốc độ phân giải cao và nhiều tính năng. Europeana (công cụ tìm kiếm tài liệu của thư viện các nước châu Âu), kho di sản Châu Âu chứa khoảng 30 triệu hiện vật của các bảo tàng và thư viện, cũng dùng cho việc tạo lập các liên kết cần thiết phải có phục vụ cho việc giới thiệu trong Wikipedia, bách khoa toàn thư mở được tham khảo nhiều nhất trên thế giới. Do đó, rất tốt nếu nội dung trưng bày và các sưu tập được hiển thị trên Wikipedia ở mức độ cao nhất.

Dự án Google thực hiện cho Bảo tàng Museu Nacional d’Art de Catalunya

Cần phải làm gì để kết nối công chúng với nội dung trưng bày?

Chiến lược, việc sắp xếp, một chương trình sự kiện hoàn hảo, khoa học và truyền bá, mạng lưới, nghiên cứu khán giả, công tác phối hợp tổ chức nội bộ hàng ngang, và trên tất cả, một tinh thần mở sẽ mở ra sự thay đổi, mở ra việc nắm bắt được nhu cầu của khán giả, mở cửa để khám phá những kết nối mới mẻ với khán giả.

Dịch và giới thiệu: Trần Trang (Phòng Truyền thông - BTLSQG)

museunacional.cat

Chia sẻ: