Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/01/2014 00:00 356
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành lập năm 2011, trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Giữa bộn bề công việc của buổi đầu sáp nhập, Ban lãnh đạo bảo tàng vẫn không hề sao nhãng và đặt công tác nghiên cứu khoa học nói chung, trong đó có nghiên cứu, khai quật khảo cổ học lên một trong những vị trí quan trọng đầu tiên. Cùng với Viện Khảo cổ học và Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong ba cơ quan nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của cả nước.

Với vị trí đó, trong năm 2012-2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước và hợp tác quốc tế, đã tiến hành các đợt nghiên cứu và khai quật trên các vùng miền của tổ quốc. Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học được định hướng mang tính hệ thống, với nhiều đợt điều tra, khảo sát, khai quật qui mô nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về các nền văn hóa cổ, về đời sống cư dân, táng tục, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, nghệ thuật…mà ngành khảo cổ học Việt Nam đang rất quan tâm chú ý, đồng thời cũng đặt mục tiêu sưu tầm những sưu tập hiện vật quý hiếm về nghiên cứu, bảo quản và phát huy tác dụng tại hệ thống trưng bày của Bảo tàng.

Các chương trình nghiên cứu và khai quật khảo cổ học tiêu biểu, gồm:

1. Phối hợp với Bảo tàng Lạng Sơn, tiến hành khảo sát di tích hang động thời Tiền sử trên địa bàn các huyện Tràng Định, Bình Gia, Lộc Bình, Chi Lăng và Hữu Lũng, qua đó đã xác định được các di tích có khả năng nghiên cứu và khai quật thời gian tới (mái đá Chi Phương, huyện Tràng Định; mái đá Thẩm Đán Lài và hàng Minh Lễ 1 huyện Bình Gia). Đồng thời đã thu thập một số mẫu hóa thạch cổ sinh tại khu vực mỏ than Na Dương.

2. Hợp tác với Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lần thứ ba, bổ sung nhiều cứ liệu khoa học khẳng định tính chất văn hóa của khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có giao lưu và ảnh hưởng với văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó còn tiến hành khảo sát để tìm hiểu dấu tích cư trú của cư dân Bãi Cọi. Tới đây, sau khi nghiên cứu, chỉnh lý, phục dựng hiện vật sẽ tiến hành trưng bày về di tích Bãi Cọi tại Hàn Quốc vào năm 2014.

Chuyên gia khảo cổ Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc cùng với cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm BTLSQG xử lý hiện vật tại hố khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ ba.

3. Hợp tác với các chuyên gia đến từ trường Đại học Đông Á và Saitama (Nhật Bản) khảo sát khu vực thành cổ Luy Lâu, bước đầu đánh giá hiện trạng di tích, lập bản đồ phân bố di tích thành cổ Luy Lâu cũng như nghiên cứu hệ thống các di tích mộ táng khu vực phụ cận. Hai bên đang chuẩn bị tài liệu cho hội thảo về di tích mộ gạch và giai đoạn lịch sử đầu Công nguyên ở Việt Nam.

4. Khai quật phế tích kiến trúc thời Lý trên núi Phương Nhi, thuộc quần thể bảo tháp Chương Sơn nổi tiếng (Ý Yên, Nam Định), đã phát hiện được nhiều di tích, di vật đem lại nhận thức mới về tầm vóc và qui mô của các công trình kiến trúc khởi dựng từ thời Lý xây dựng tại khu vực núi Phương Nhi, đã xác định bình đồ kiến trúc mới hình lục giác, với 5 cấp nền, gia cố các lớp sỏi cuội lèn chặt trên nền đá gốc và vết tích mặt bằng kiến trúc chùa với các loại ngói lợp, trang trí, điêu khắc hé lộ những thông tin vô cùng lý thú về nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý với mặt bằng tổng thể rộng lớn, gồm có nhiều kiến trúc (tháp, chùa) liên hoàn với nhau.

Vết tích mặt bằng kiến trúc thời Lý trên núi Phương Nhi (Ý Yên, Nam Định).

Gạch ốp trang trí hình rồng phát hiện tại phế tích.

5. Khai quật tàu đắm Bình Châu và khảo sát hệ thống thương cảng cổ

- Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học và Sở VH,TT& DL Quảng Ngãi tiến hành khai quật tàu đắm ở vùng biển Châu Thuận (Quảng Ngãi). Qua cấu trúc, kỹ thuật và di vật gốm sứ, tiền đồng đã phỏng đoán niên đại của tàu vào thế kỷ 13, là con tàu đắm có niên đại sớm nhất hiện biết được phát hiện và khai quật tại vùng biển Việt Nam, cho thấy rõ hơn vị thế, vai trò của Việt Nam trong giao thương quốc tế.

TS. Nguyễn Đình Chiến-Phó Giám đốc BTLSQG cùng TS. Phạm Quốc Quân tại cuộc khai quật tàu đắm cổ Bình Châu.

- Phối hợp với Ban Quản lý di tích trọng điểm Quảng Ninh khảo sát, lập bản đồ khảo cổ học phục vụ việc quy hoạch tổng thể khu di tích thương cảng Vân Đồn.

- Thực hiện chương trình hợp tác Việt - Hàn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc thực hiện chương trình khảo sát hệ thống cảng thị cổ (Vân Đồn (Quảng Ninh); Phố Hiến (Hưng Yên); Lạch Trường (Thanh Hóa); Hội Thống (Hà Tĩnh); thương cảng Thanh Hà, Bao Vinh (Thừa Thiên-Huế); cảng cổ Thị Nại (Bình Định).

6. Khảo sát, khai quật một số di tích Champa

- Khai quật di tích Tháp Mẫm (An Nhơn, Bình Định), xác định và bổ sung việc khôi phục mặt bằng tổng thể của phế tích tháp đã được các học giả Pháp nghiên cứu trước đây, bên cạnh đó đã tìm thấy các khối tượng tròn, phù điêu, các loại vật liệu kiến trúc và điêu khắc trang trí tháp.

- Thực hiện các đợt khảo sát trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gồm các di tích Liêm Thuận, Liêm An (huyện Bắc Bình) và Phú Sung (huyện Hàm Thuận Nam) và Đà Nẵng (gồm phế tích tháp Xuân Dương (quận Liên Chiểu);các giếng cổ như Giếng Lăng, Giếng Đình, Giếng Thành Cung, Giếng Quán Hóa Ô... ở khu vực thôn Nam Ô), nhằm đánh giá hiện trạng và thu thập tư liệu về các phế tích tháp Champa, làm cơ sở cho kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong thời gian tới. Đặc biệt đã tiến hành khai quật di tích Gò Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) xác định được cấu trúc mặt bằng tổng thể kiến trúc tháp, cũng như thu thập được bộ sưu tập hiện vật bằng đá, thạch anh, vàng… quý giá.

Các cán bộ BTLSQG và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang xử lý tại hố khai quật di tích Gò Cấm Mít.

Hiện vật thu được tại di tích Gò Cấm Mít.

Còn tại khu vực Quá Giáng (thôn Quá Giáng, huyện Hòa Vang), đã phát hiện nhiều vật liệu kiến trúc tháp, trong đó đáng kể là bệ yoni dài hơn 1m. Quá Giáng đang được làm các thủ tục chuẩn bị khai quật thời gian tới.

7. Khảo sát di tích văn hóa Óc Eo tại Đồng Tháp và Long An

- Đối với các di tích ở Đồng Tháp, đã tiến hành khảo sát nhiều điểm có vết tích kiến trúc và cư trú Óc Eo, gồm các di tích Phú Long (ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc); di tích Gò chùa Tám Ấu (ấp 2, xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng); di tích Gò chùa Phước Thiện, Gò Công Éc (ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng). Đặc biệt là di tích Gò Tháp, hay còn có tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa Năm Gian), hoặc Tháp Mười, (thuộc ấp Tháp Mười, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười).

- Khảo sát các di tích ở Long An, gồm có di tích gò Mỹ Hạnh (ấp Trầm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hoà); di tích Gò Bàu Đá (ấp Lộc Thuận, Lộc Giang, Đức Hoà); di tích Cụm Gò Chàm (tên khác là Lục Viên, ấp Đức Hạnh, xã Đức Lập Hạ, Đức Hoà); Gò Bảy Liếp (xã Nhơn Hoà Lập, huyện Tân Thạnh); di tích Miễu Gò Nôi (ấp Gò Nôi, xã Nhân Hoà, huyện Tân Thạnh); di tích Miễu Mốp Sụ (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh); di tích Vĩnh Châu A (ấp Xóm Mới, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng); di tích Trấp Gáo Miễu (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng)…

Tóm lại, năm 2012 -2013 tuy là những năm khởi đầu cho các chương trình khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới thành lập, nhưng đã thực hiện một số cuộc khai quật qui mô tương đối lớn, được đánh giá cao (di chỉ mộ táng Bãi Cọi ở Hà Tĩnh; di tích kiến trúc thời Lý ở Nam Định; di tích Tháp Mẫm ở Bình Định, Cấm Mít ở Đà Nẵng…), góp phần “minh định” nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa dân tộc mang tính “thời sự” của khảo cổ học Việt Nam. Thời gian tới, văn hóa Champa và Óc Eo sẽ là những ưu tiên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhằm đánh giá đầy đủ hơn về vị thế, vai trò hai nền văn hóa này với việc hình thành các nhà nước đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng di sản văn hóa biển Việt Nam. Song, không chỉ dừng lại ở đó, qua nghiên cứu, khai quật đã sưu tầm về những sưu tập hiện vật quý giá làm cơ sở xây dựng và giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước những chuyên đề trưng bày đặc biệt và hấp dẫn. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với chức năng nhiệm vụ của mình đang xây dựng và thực hiện một qui trình nghiên cứu khảo cổ học hệ thống và đầy đủ hơn, trong đó luôn gắn nghiên cứu, khai quật với phục chế, phục dựng, sưu tầm hiện vật, nhằm tới trưng bày (trong và ngoài nước) và xuất bản ấn phẩm.

TS.Nguyễn Văn Đoàn-Phó Giám đốc BTLSQG

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: