Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/12/2013 00:00 352
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Giồng Cá Vồ nằm trên một giồng đất đỏ thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Tuy Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích Giồng Cá Vồ rộng khoảng 7000m2, cao hơn so với mặt đất hiện tại khoảng 1,5m, phần chân giồng thường xuyên bị ngập mặn. Vị trí địa lý 10o24’38’’ vĩ bắc, 106o55’40’’ kinh đông, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 46km theo đường chim bay.

Tháng 12 năm 1993, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiến hành đào thám sát tại di tích Giồng Cá Vồ và phát hiện có 38 ngôi mộ chum trong đó 23 mộ có di cốt người, nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt… hiện vật chủ yếu là đồ trang sức. Tầng văn hóa dày với loại gốm đặc trưng có sự diễn biến liên tục. Đây là di tích có quy mô lớn và còn khá nguyên vẹn. Để kịp thời bảo vệ di tích trước sự phá hủy của tự nhiên và quá trình canh tác ở địa phương, theo giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin mang số 181/VHQĐ, cấp ngày 02- 04- 1994. Các nhà Khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSQG) và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di tích Giồng Cá Vồ từ ngày 26- 4- 1995 đến ngày 21- 6- 1995.

Tiến hành khai quật di tích Giồng Cá Vồ.

Sau khi đào 4 hố, thám sát và khai quật các nhà Khảo cổ học đã có những nhận định sau:

Tầng văn hóa: Trong các hố khai quật di tích Giồng Cá Vồ tầng văn hóa tương đối giống nhau, độ dày 1,5m. Trên cùng là lớp canh tác màu nâu đen, lẫn nhiều lá mục, dày khoảng 30cm. Kế tiếp là lớp đất đỏ bazan khá tơi xốp dày 50cm. Dưới nữa là lớp đất latêrit hóa màu đỏ vàng, có những vệt than tro màu đen, lớp đất này dày khoảng 70cm. Tầng sinh thổ là lớp đất sét biểu màu xám. Trong tầng văn hóa có chứa nhiều mảnh gốm và vỏ nhuyễn thể như ngao, sò, ốc, xương cá, xương thú… có những chỗ mảnh gốm ken dày như bãi phế thải. Ở hố 2 cách mặt đất 65cm ở gần mộ chum có 5 hố tròn, đường kính 45cm, sâu 15cm chứa đầy cát trắng. Mộ chum và mộ đất đều nằm ở lớp đất bị latêrit hóa và lớp đất đỏ bazan.

Mộ táng gồm có mộ chum và mộ đất:

Mộ chum thì có 2 loại: Loại 1 là chum hình cầu, đáy tròn được làm từ đất sét có chứa nhiều bã thực vật, xương gốm màu đen, cứng chắc và khá nặng, độ nung cao, được nặn bằng tay kết hợp bàn dập, văn thừng phủ từ mép miệng xuống đáy.

Mộ chum loại 1 hình cầu, đáy tròn.

Loại 2: Số lượng ít, thân có hình trụ thuôn dần về đáy, vai gãy hoặc hơi xiên, xương gốm chum loại 2 này có màu xám, khá thô nhưng chắc. Chum loại 2 mỏng hơn chum loại 1.

Mộ ở đây chủ yếu là mộ chum, phát hiện được 301 mộ, mật độ phân bố mộ khá dày, khoảng 1,5 mộ/1m2, mộ chồng cắt nhau cũng khá lớn. Trong đó có 283/301 mộ còn di cốt và hiện vật, có 95% chum có hình cầu đáy tròn, có 4 chiếc chum hình đáy hơi nhọn hình trứng, còn lại là chum vai gãy ngang hoặc hơi xiên. 79% trong mộ có đồ tùy táng, hiện vật chủ yếu là: Hạt chuỗi mã não, hạt chuỗi đá, hạt chuỗi nhuyễn thể, vòng thủy tinh, khuyên tai, cuội và sỏi nhỏ…

Mộ đất: Có 10 mộ, mộ nằm quay về nhiều hướng, người chết thường nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng, đồ tùy táng được đặt hai bên sọ hoặc cạnh hông.

Hiện vật: Vì tầng văn hóa khá dày, đồng thời là khu mộ táng nên hiện vật tìm thấy ở di tích Giồng Cá Vồ vô cùng phong phú và đa dạng. Hiện vật ở đây chủ yếu là đồ tùy táng, thể hiện ở các chất liệu như:

Chất liệu đá: Đồ trang sức làm từ đá mã não và đá ngọc chủ yếu là khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, vòng tay, mảnh đá, đá cuội.

Kim loại: Vàng (đồ trang sức hạt chuỗi bằng vàng hình cuộn tròn, hình đốt trúc); đồ đồng (đồ trang sức là vòng đồng và lục lạc, rìu đồng lưỡi xòe cân có họng tra cán); sắt (giáo sắt, lưỡi câu chiếm số lượng nhiều trong các loại hình công cụ sắt và các loại mảnh công cụ khác chủ yếu là dụng cụ sinh hoạt hàng ngày..)

Thủy tinh: khuyên tai hai đầu thú màu xanh nước biển và màu xanh rêu, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hình khối 8 có màu xanh đen, khuyên tai hình vành khăn có màu xanh nước biển, hạt chuỗi có hình cầu màu xanh nước biển, vòng tay…

Khuyên tai hai đầu thú khai quật được tại di tích.

Chất liệu xương và vỏ nhuyễn thể: có đồ trang sức là vòng tay, hạt chuỗi, răng nanh thú và muôi cán hình hoa 3 cánh (hiện vật này chủ yếu tìm thấy bên ngoài mộ).

Chất liệu gốm mịn, xương gốm màu đen hoặc nâu đen, áo gốm có màu nâu xám hay nâu đỏ, xương gốm chắc, độ nung cao, thường có hoa văn như: nồi minh khí, cà ràng minh khí, bình Sa Huỳnh, chân đế, mô hình tháp, nồi nấu kim loại, tượng động vật…

Nhận xét:

Từ những tư liệu về di tích và di vật có thể nhận thấy Giồng Cá Vồ là một di tích mộ chum có những đặc điểm khác biệt so với các di tích mộ chum cùng thời ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di tích này là giồng đất nổi lên giữa vùng đầm lầy nước mặn cửa sông, sự thay đổi của thủy triều làm cho giồng đất thường xuyên bị cô lập, mối liên hệ với bên ngoài chỉ thực hiện bằng đường thủy có thể nói đây là môi trường không mấy thuận lợi cho cuộc sống của con người, cho hoạt động nông nghiệp trồng trọt.

Dấu vết cư trú của con người để lại ở lớp văn hóa dưới như vệt than tro, tàn tích động vật nhất là những mảnh gốm, loại gốm xương cứng đến gốm miệng khum có rãnh…như vậy tại Giồng Cá Vồ đã có một giai đoạn cư trú trước khi nơi này được sử dụng làm khu mộ táng.

Tầng văn hóa dày đặc mảnh gốm của những loại hình gốm độc đáo, có sự diễn biến liên tục ở Giồng Cá Vồ, sự tồn tại của lớp đất cháy, các vệt than tro dày…cho thấy nơi đây không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi sản xuất đồ gốm. Ngoài ra loại hình gốm của Giồng Cá Vồ cũng như đồ trang sức bằng thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, bằng đá, các loại gốm minh khí được sản xuất tại chỗ để đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất tinh thần của cư dân nơi đây và có thể được trao đổi giao lưu với nhiều nơi khác.

Khu mộ táng ở Giồng Cá Vồ chủ yếu là phương thức hung táng trong mộ chum, những vẫn có cải táng và một số mộ đất. Cư dân Giồng Cá vồ có hình thức mai táng người chết khá đặc biệt, người chết được trong chum gốm lớn, hình thức hung táng được thực hiện bằng cách cột người chết theo tư thể ngồi bó gối rồi đặt vào trong chum, di cốt được bảo tồn khá tốt. Chum mai táng ở Giồng Cá Vồ có hai loại và cả hai loại đều chưa thấy có trong bất kỳ một di tích mộ chum nào ở Đông Nam Á đã được biết.

Hiện vật trong di tích Giồng Cá Vồ là đồ tùy táng, đồ trang sức là chủ yếu, số lượng và sự đa dạng chứng tỏ chủ nhân của di tích có một đời sống vật chất tinh thần phát triển khá cao. Nhiều nhất là khuyên tai hai đầu thú, bên cạnh các chất liệu chủ đạo như đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, đồ trang sức bằng kim loại như vòng đồng, chuỗi vàng tuy số lượng ít nhưng cũng cho thấy đó là mối quan hệ với cá nói khác ở Đông Nam Á. Đồ kim loại như giáo, lao, kiếm và nhất là lưỡi câu, ngoài ra còn có dao cán cong dùng trong sinh hoạt và sản xuất.

Tượng hình chim khai quật được tại di tích.

Nồi gốm khai quật được tại di tích.

Đồ gốm rất độc đáo và nổi bật về loại hình đồ tùy táng. Hoa văn trên đồ gốm chủ yếu là hoa văn khắc vạch với mô tuýp chữ S. Những chiếc cà ràng minh khí làm đồ tùy táng chứng tỏ đây là một vật dụng rất cần thiết trong cuộc sống. Mô hình tháp 4 mái trên đỉnh có gắn tượng hình chim, các trụ gốm hình con tiện, chân đế choãi trang trí văn khắc vạch…cùng với số lượng khuyên tai hai đầu thú những tượng hình chim cho thấy đây là biểu tượng có ý nghĩa quan trọng đối với dân cư Giồng Cá Vồ.

Với những đặc trưng độc đáo về di tích, di vật và táng thức trong đó quan trọng nhất là phương thức hung táng trong mộ chum, di tích Giồng Cá Vồ đã chứa dựng những tiền đề cơ bản của một nền văn hóa khảo cổ. Tuy nhiên tiền đề ấy đòi hỏi phải được củng cố thêm bằng những tài liệu khoa học và lý luận có sức thuyết phục để có thể xác lập được một nền văn hóa khảo cổ mới.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Nguồn:

- Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử thành phố Hồ Chí Minh. NXB Trẻ thành phố HCM.

- Tạp chí Khảo cổ học số 2 năm 1995.

- Báo cáo kết quả khai quật di tích Giồng Cá Vồ 1994.

- Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: