Mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của các dự án thủy điện ở khu vực Tây Bắc, công tác khảo cổ học ở vùng này cũng được tiến hành khẩn trương.
Trong quá trình giải phóng lòng hồ thủy điện, người ta đã tìm thấy rất nhiều các di vật thời kỳ đồ đá. Viện khảo cổ học đã tiến hành một loạt các cuộc khảo sát và khai quật ở khu vực này. Kết quả khảo sát cho thấy thời kỳ Tiền – Sơ sử, phần lớn có niên đại Đá mới và Đồng thau.
Được sự giúp đỡ của Sở văn hóa, Thể thao và du lịch cùng với sự phối hợp của ba bảo tàng các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu từ ngày 28/ 07/ 2011 đến ngày 10/ 08/ 2011 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã tiến hành đợt điều tra, khảo sát tại địa bàn 3 tỉnh trên. Đợt khảo sát chủ yếu nhằm tiếp cận hiện vật phát hiện tại lòng hồ Thủy điện Sơn La hiện đang lưu giữ trong kho của bảo tàng 3 tỉnh, đồng thời, tiến hành điều tra một số địa điểm khảo cổ học trong khu vực.
1. Tỉnh Sơn La
Nằm cách Hà Nội 320 km trên trục quốc lộ 6, Sơn La là một tỉnh nằm sâu trong nội địa có độ cao trung bình 600 đến 700m so với mực nước biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà và sông Mã. Dự án Thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn tỉnh cũng là dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với công suất lên tới 3400 MW. Đây cũng là địa bàn dừng chân đầu tiên của đoàn khảo sát.
Đoàn đã làm việc với Phó Giám đốc sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh và lãnh đạo Bảo tàng, tham quan hệ thống trưng bày, khảo sát kho Bảo tàng, di tích Nhà tù Sơn La. Tiến hành điều tra, khảo sát 2 địa điểm khảo cổ học là mái đá Bản Mòn ( Thuận Châu ) và hang Con Noong ( Mường La).
1.1. Di chỉ mái đá Bản Mòn
Mái đá Bản Mòn thuộc xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, cách thành phố Sơn La khoảng 30 km về phía Tây Bắc. Cách đường Quốc lộ 6 khoảng 500m. Tọa độ đo được:
21025’ 14.92” Vĩ Bắc; 103042’ 25.19” Kinh Đông
Độ cao so với mực nước biển hiện tại của di chỉ khoảng 600m. Di chỉ mái đá Bản Mòn được khai quật vào tháng 5 và tháng 6 năm 1927.
Di vật đá tại di chỉ mái đá bản Mòn, Thuận Châu, Sơn La
Trong quá trình khảo sát mái đá, chúng tôi cũng đã thu nhận được một số hiện vật đá trên bề mặt, một mảnh gốm nhỏ, màu xám, có hoa văn và 3 công cụ đá cuội khác.
Theo các tư liệu về di chỉ cũng như các di vật thu được, chúng tôi tán đồng với ý kiến cho rằng mái đá Bản Mòn thuộc Hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ kim khí.
Hiện tại, di chỉ này đã được xếp hạng cấp tỉnh ngày 28/ 04/ 2006.
1.2. Di chỉ Hang Con Noong
Di chỉ Hang Con Noong thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Di chỉ nằm ngay sát bờ Sông Đà, cách công trình thủy điện Sơn La khoảng 500m. Từ của hang, có thể nhìn bao quát công trình Thủy điện Sơn La. Đây là một hang đá rộng, có nhiều ngách, với nhiều nhũ đá đẹp – hứa hẹn một điểm du lịch kỳ thú. Tuy nhiên đường lên hang cao, dốc và khá hiểm trở. Tọa độ di chỉ chúng tôi đo được là:
21030’ 12.84” Vĩ Bắc; 103059’ 53.44” Kinh đông
Độ cao so với mực nước biển hiện tại của di chỉ là khoảng 300m. Di chỉ này được khai quật vào năm 1997. Cuộc khai quật đã phát hiện và thu thập được 11 di vật gồm: 5 công cụ rìu ngang, 2 công cụ cuội, 4 công cụ mảnh tước, ngoài ra còn thu thập được 4 mảnh gốm thô và một vài hiện vật đá ghè đẽo có niên đại Hậu kỳ Đá cũ.
Hiện di chỉ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 214 / QĐ – UB 28/ 04/ 2008.
2. Tỉnh Điện Biên
Điện Biên là một tỉnh mới tách ra từ tỉnh Lai Châu cũ thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu mới, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam ( Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Lào.
Trong quá trình khảo sát tại tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã đến tham quan kho của Bảo tàng Điện Biên, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ và một số di tích lịch sử khác. Trong đó, đáng chú ý có di chỉ Thẩm Khương hiện đang được lưu trữ trong kho của Bảo tàng Điện Biên.
Di vật đá trong kho bảo tàng Điện Biên
Di chỉ Thẩm Khương nằm dưới núi Hồng Cáy thuộc xã Chồng Sinh, huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên. Kết quả đào thám sát do viện khảo cổ tiến hành cho thấy, tầng văn hóa dày 1,2m được chia làm 3 lớp phân biệt nhau. Về niên đại, hang Thẩm Khương thuộc văn hóa khảo cổ học Hòa Bình – Bắc Sơn và kéo dài đến các giai đoạn muộn hơn.
3. Tỉnh Lai Châu
Lai Châu là một tỉnh mới được tách ra từ tỉnh Lai Châu cũ. Vì vậy cơ sở hạ tầng của tỉnh cũng như của Bảo tàng chưa được hoàn chỉnh. Hiện nay, trụ sở Bảo tàng tỉnh chỉ là một dãy nhà cấp 4 sử dụng thành nhà làm việc, chưa có nhà trưng bày. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho việc xây dựng Bảo tàng tỉnh đã được quy hoạch, hứa hẹn một bảo tàng địa phương khang trang khu vực Tây Bắc.
Trong quá trình làm việc tại Lai châu, chúng tôi có dịp tìm hiểu một số di tích tiêu biểu của tỉnh như hang Nậm Tun, Nậm Hãn, Nậm Mạ, Cò Đứ và di tích Pusamcáp. Tại các hang này, Đoàn khảo sát đã thu được những mảnh cuội, đá cuội với những hình dạng, kích thước khác nhau.
Di vật đá trong kho bảo tàng Lai Châu
Có thể nói rằng, các dự án Thủy điện ở khu vực Tây Bắc đã làm cho bộ mặt của khu vực này thay đổi nhanh chóng. Tình hình kinh tế, xã hội của các tỉnh Tây bắc được nâng cao rõ rệt. Các công trình công cộng được đầu tư ngày càng nhiều và hiện đại. Bên cạnh đó các di chỉ khảo cổ học nhanh chóng được khai quật, giải phóng mặt bằng cho lòng hồ thủy điện, làm phong phú thêm kho hiện vật của bảo tàng các tỉnh. Với kết quả của cuộc điều tra, khảo sát lần này, đây chính là tiền đề để hướng tới một loạt các chương trình hợp tác lâu dài giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ( cũng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sau này ) với bảo tàng Tây Bắc trong thời gian tới trên các lĩnh vực thăm dò khảo cổ học, bảo tàng học…..Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó, các dự án thủy điện cũng đem lại những thách thức về môi trường cũng như những vấn đề khác.
Thanh Nhàn (tổng hợp)
Nguồn: Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Mạnh Thắng, Chu Mạnh Quyền, “ Khảo sát một số di tích tiền – sơ sử trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điên Biên và Lai Châu”, TBKH, số 1/ 2012, H.: VHTT,2012