Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/11/2013 00:00 372
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phòng trưng bày chuyên đề ấn tượng với khách tham quan bởi số lượng hiện vật được tuyển chọn khá kỹ càng mang những giá trị tiêu biểu, xuất sắc và đặc trưng của một số quốc gia Á châu. Ấn tượng bởi lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng và tiếp xúc với những cổ vật châu Á tương đối đầy đủ được khai thác từ kho cơ sở vốn vô cùng phong phú, nhưng chưa có điều kiện phô trình. Ấn tượng bởi cách trưng bày truyền thống với những thiết bị ánh sáng gây hiệu quả và tôn vinh được sự đa sắc của một châu Á dày truyền thống và lịch sử.

Thế nhưng, với tôi, ấn tượng nhất là một cổ vật tưởng như rất đỗi bình thường, được đặt khiêm nhường ở phần Nhật Bản. Đó là chiếc đĩa sứ vẽ màu, có lòng sâu, thành cong, trong lòng vẽ 5 băng hoa văn được bố cục thành những mảng màu: xanh lục, trắng, xanh cô-ban, theo chiều ngang, vốn không phải là cách trang trí trên đĩa gốm sứ truyền thống theo băng tròn, lấy tâm đĩa làm trung tâm. Nói không phải là truyền thống là so với gốm sứ Trung Quốc và Việt Nam, nhưng với Nhật Bản, cách vẽ này khá phổ biến, mà tôi đã thấy trên đồ sứ Nhật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Những mảng màu xanh – trắng xen kẽ nhau, đối chọi nhau, cho ta một cảm giác của hội họa hiện đại, cho dù, niên đại của nó rất cổ xưa, thế kỷ 17, thuộc một dòng gốm sứ nổi tiếng Imari của Nhật Bản. Trang trí theo mảng màu cũng là một nét khác lạ của chiếc đĩa này, làm cho tôi ấn tượng mạnh.

Đĩa sứ Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Trên những mảng màu ấy, nghệ nhân xưa, khi thì để nguyên, không gia công họa tiết, khi thì chồng lớp các họa tiết dưới nền men trắng, đặc biệt là hình sóng nước, được cách điệu như vẩy rồng, làm nền cho một đề tài chủ đạo, đó là “bát bửu”: quạt ba tiêu, loa ốc, cuốn thư…được vẽ khá chi tiết, với những nơ, tua mềm mại, tỉa tót theo lối vẽ công bút cung đình. Để gây hiệu quả cho “bát bửu”, nghệ nhân thể hiện trên nền trắng là cơ bản, đôi khi khuất lấp trên nền sóng nước xanh lam cô ban, khiến ta có cảm giác như có sự bất hợp lý trong bố cục, điều ít thấy trong gốm sứ Trung Hoa hoàng cung và hao hao cách vẽ “bát bửu” trên gốm sứ Việt Nam. Chính điều này, khiến tôi và chắc chắn không ít người yêu thích cổ ngoạn Việt Nam, không thấy được sự đặc biệt của nó, nên dòng tự thú bên trên, là khiêm nhường và bình thường, chẳng có gì đáng để mắt.

Thế nhưng, vài năm trước, nhân có dịp làm việc với giáo sư Kikuchi, giảng dạy tại trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản, tôi có đưa ông xem chiếc đĩa này và ngỡ ngàng với nhận xét rằng, đây là một cổ vật vô cùng quý hiếm của Nhật, là đồ dùng của các võ sĩ đạo, vốn được coi là giới quý tộc đương thời. Hình ảnh “bát bửu”, dẫu không thể hiện hết, nhưng dễ dàng nhận ra là “tám vật quý” của Nho giáo – một minh chứng cho tinh thần Nho giáo võ sĩ đạo, cũng giống như Việt Nam và Trung Quốc, nó là biểu tượng cho giới trí thức, Nho học, được xã hội đề cao và tôn vinh ở thời đại Nho giáo được coi trọng. Tính chất đặc biệt của chiếc đĩa không chỉ nhận ra từ đề tài, cách vẽ mà còn cả kỹ thuật phủ men, nung đốt của sản phẩm lò quan, cung cấp đồ quan dụng cho Hoàng gia, cung đình và quý tộc võ sĩ đạo.

Với lai lịch ấy, chiếc đĩa quả là một cổ vật quý hiếm, nhưng mấy ai hiểu được giá trị đích thực này, theo đó, tôi muốn viết vài dòng để độc giả quan tâm tới cổ ngoạn, khi gặp ở đâu đó những tiêu bản tương tự thì chớ có bỏ qua, dẫu loại hình và đề tài không mấy gây ấn tượng, mà cổ vật trên đây như một ví dụ điển hình.

TS.Phạm Quốc Quân

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội

  • 01/11/2013 00:00
  • 599

Đọc lại những ghi chép của sử biên niên về Thăng Long - Hà Nội, ta biết nơi đây đã có bao công trình với quy mô to lớn, “nguy nga, tráng lệ” được xây dựng liên tục suốt từ thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến hôm nay chúng ta thật khó có thể hình dung về diện mạo “huy hoàng” của chúng, khi các công trình đó chỉ còn là vết tích hay vẫn còn nằm ẩn sâu trong lòng đất, chưa đáp ứng được những mong mỏi của nhân dân và càng không thể phản ánh hết những điều được miêu tả trong sử sách.