Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/06/2013 00:00 344
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức được thành lập ngày 26-9-2011 tại Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Hợp nhất các bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng sẽ có điều kiện bảo quản và trưng bày hiện vật tốt hơn. Quyết định của Thủ tướng sáp nhập hai thiết chế bảo tàng Việt Nam đã tồn tại từ trước và là cơ sở hình thành bảo tàng mới trong tương lai sẽ được khánh thành trong 4 năm nữa. Tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô của Việt Nam, cả Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đều được công chúng tham quan và người dân Hà Nội biết đến. Hai bảo tàng này là nơi lưu giữ các sưu tập hiện vật giá trị đồng thời có nhiều hoạt động hiệu quả trong việc bảo quản, giáo dục và nhiều hình thức khác để phát huy giá trị các di sản văn hóa Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được xây dựng từ năm 1926 khánh thành năm 1932, với tên gọi là Bảo tàng Louis Finot, nơi lưu giữ, trưng bày các sưu tập hiện vật của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đến nay, bảo tàng vẫn được đánh giá đặc biệt tiêu biểu bởi phong cách kiến trúc ảnh hưởng phương Tây và các sưu tập hiện vật quí hiếm. Năm 1958, tòa nhà và các sưu tập hiện vật được chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ngay sát bên cạnh, cùng thời điểm, ngôi nhà của Sở Thuế quan Đông Dương xây dựng năm 1917 cũng chính thức mở cửa đón công chúng tham quan vào ngày 6-1-1959, giới thiệu về lịch sử các cuộc kháng chiến, cuộc đấu tranh của Việt Nam từ 1858 đến 1945, tiếp đó là thời kỳ chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam từ 1945-1975, được bổ sung thêm phần trưng bày về chính trị, phát triển xã hội Việt Nam từ 1975.

Tạp chí La Lettre de l'Afrase là ấn phẩm điện tử do Hội những người Pháp nghiên cứu về Đông Nam Á xuất bản 2 số/ năm. Độc giả là những nhà nghiên cứu, sinh viên đại học và những người quan tâm đến các nước Đông Nam Á.

Từ các bộ sưu tập hiện vật của hai bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ hơn 200.000 hiện vật, trong đó số lượng hiện vật có niên đại từ thời Tiền sử đến 1945 chiếm hơn một nửa, nằm trong số những sưu tập quí hiếm nhất của Việt Nam. Đó là những hiện vật có niên đại từ Sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, thời đại đồ đồng, trong đó có nhiều hiện vật thuộc nền Văn hóa Đông Sơn và Chămpa. Đồng thời, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật về nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XIX đến ngày nay có gần 83.000 tài liệu, hiện vật quý. Đặc biệt, Bảo tàng còn lưu giữ sưu tập báo chí cách mạng xuất bản trước 1945, các hiện vật được sử dụng trong Cách mạng tháng Tám 1945, trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ở đây cũng lưu giữ nhiều hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Bên cạnh sưu tập áp phích có giá trị nhất của Việt Nam, Bảo tàng còn lưu giữ gần 200.000 thư, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân gửi Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam. Thư viện khoa học của bảo tàng hiện lưu giữ gần 20.000 đầu sách, báo, tạp chí về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, bảo tàng học... trong đó có nhiều ấn phẩm quí hiếm đư­ợc in ấn và phát hành trong thời kỳ 1946-1975; hơn 22.000 phim và ảnh t­ư liệu lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX.

Công trình bảo tàng mới sẽ được xây dựng trong Công viên Hữu Nghị, thuộc khu vực tây Hồ Tây, với tổng diện tích khoảng 10 ha, bao gồm: toà nhà chính, các công trình kỹ thuật phụ trợ, khu vực tưởng niệm danh nhân, không gian ngoài trời. Toà nhà chính xây dựng trên khu đất khoảng 23.000 m2, với tổng diện tích sàn là 90.000m2, bao gồm nhiều khu vực: trưng bày, không gian giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Được sự gợi ý của bà Caroline Herbelin, Phó phụ trách văn phòng Hội những người Pháp nghiên cứu về Đông Nam Á, tôi đã tham gia viết bài giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử quốc gia đăng trên tạp chí La Lettre de l'Afrase số 81-82 – chuyên san giới thiệu về các bảo tàng ở Đông Nam Á, đã phát hành trong tháng 4-2013.

Phương án thiết kế của Công ty Nikken Sekkei - Nhật Bản đã giành giải nhất trong cuộc thi thiết kế kiến trúc Bảo tàng. Trong phương án thiết kế được chọn, nhiều ý tưởng xuất phát từ những nét truyền thống của Việt Nam. Toà nhà cao sáu tầng, sau khi hoàn thành sẽ trở thành bảo tàng lớn nhất, niềm tự hào của Việt Nam với phong cách trưng bày hiện đại, giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay.

Giải pháp trưng bày của bảo tàng là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và việc trưng bày cổ vật. Bảo tàng sau khi hoàn thành sẽ khắc phục những hạn chế về diện tích của hai phần trưng bày hiện tại. Bảo tàng mới ra đời, điều kiện bảo quản hiện vật tốt hơn, khắc phục sự hủy hoại do khí hậu, đặc biệt những hiện vật bằng giấy, gỗ do côn trùng gây hại. Những hiện vật đồ dệt, vải cũng vậy.

Sau khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia chuyển đến địa điểm mới, hai công trình cũ sẽ tiếp tục được giữ nguyên công năng trưng bày bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử cũ sẽ thành nơi trưng bày cổ vật Đông Nam Á, còn tại Bảo tàng Cách mạng sẽ thành Bảo tàng nghệ thuật đương đại. Cuối cùng, xu hướng hội nhập, giao lưu với các bảo tàng quốc tế, đã được hai bảo tàng làm tốt từ trước, sẽ tiếp tục được củng cố, phát triển. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là thành viên Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM), thành viên sáng lập Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA), thường xuyên hợp tác với nhiều bảo tàng các nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Bỉ, Nga, Lào, Hunggari, Tây Ban Nha) trong việc trao đổi trưng bày, kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tàng, lĩnh vực bảo quản hiện vật và khai quật khảo cổ học.

Ths.Nguyễn Thị Tường Khanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: