Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/05/2013 00:00 397
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đúng 100 năm trước, năm 1909, học giả người Pháp M.Vinet phát hiện tại khu Đầm Muối, Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi những ngôi mộ chum được chôn dưới các cồn cát ven biển. Chủ nhân của những ngôi mộ có đồ tuỳ táng là những đồ gốm, công cụ sắt, đồ trang sức bằng thuỷ tinh và mã não,…theo ông, là của những cư dân sống trên biển cả, khi chết đã hoả thiêu, đựng tro than vào những quan tài gốm hình chum, dùng thuyền chở vào chôn ở ven biển huyện Đức Phổ ngày nay.

Toàn cảnh hố khai quật mộ chum văn hóa Sa Huỳnh, niên đại 2000 năm cách ngày nay.

Tên gọi văn hoá Sa Huỳnh bắt đầu từ phát hiện lý thú ấy và một vài thập niên sau, nền văn hoá này luôn được các nhà khảo cổ học Phương Tây truy tìm nguồn gốc từ một phương trời xa qua những kiến giải đầy võ đoán của M.Vinet. Họ cũng chỉ quy gọn cho niên đại của văn hoá Sa Huỳnh vẻn vẹn trong khung từ hậu kỳ thời đại đồ đồng sang sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách ngày nay trên dưới 2000 năm.

Năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã trở lại Sa Huỳnh, thông qua nhiều đợt điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học với nhiều phát hiện khá hấp dẫn…Kết quả khai quật Bình Châu - Long Thạnh - hai địa điểm cư trú của người sơ sử, người ta đã nhận ra văn hoá Sa Huỳnh được phát triển lên từ hai địa điểm này, với một niên đại tuyệt đối xa xưa hơn, khoảng 3000 - 3500 năm cách ngày nay. Không chỉ có Bình Châu - Long Thạnh, nhiều giai đoạn Tiền Sa Huỳnh được nhận diện, khiến cho nhận thức của chúng ta được củng cố với một sự hội tụ Sa Huỳnh theo nhiều tuyến, chứ không phải là đơn tuyến như quan niệm phiến diện bấy lâu nay.

Không gian phân bố của văn hoá Sa Huỳnh cũng được mở rộng hơn với hơn 80 địa điểm được định vị trên bản đồ khảo cổ học, bao gồm những tỉnh thuộc Bắc và Nam Trung Bộ, lan đến các tỉnh ở Cao nguyên, chứ không chỉ ở vùng duyên hải miền Trung, càng chứng minh cho tính chất bản địa của văn hoá này.

Bản địa nhưng không đóng kín của Sa Huỳnh còn nhận ra qua bộ di vật được khai quật từ các địa điểm khác nhau. Đó là sự giao lưu giữa văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc với Sa Huỳnh ở miền Trung qua bộ di vật đồ đồng, đồ gốm và đồ trang sức. Người ta cũng nhận rõ sự giao thoa giữa Sa Huỳnh với văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ và xa hơn với các nền văn hoá trong khu vực, thậm chí với cả thế giới Trung Hoa và Ấn Độ.

Gần đây, từ kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm Pa, những nhà khảo cổ còn tìm thấy những lớp văn hoá Sa Huỳnh nằm dưới lớp Chăm cổ, khiến cho nhận thức ngày một thêm khẳng định: Chămpa được tiếp nối từ Sa Huỳnh và phát triển trên cơ tầng vật chất của văn hoá này.

Ngoài di chỉ cư trú, di tích mộ táng, các nhà khảo cổ còn tìm ra những thương cảng của người Sa Huỳnh với những di tồn, thể hiện mối quan hệ bản địa khá xa xôi với thế giới bên ngoài. Những thương cảng Sa Huỳnh rất có khả năng nằm trên con đường giao thương quốc tế, được gọi tên Con đường tơ lụa trên biển. Còn hàng loạt những tư liệu mới, theo đó là những nhận thức mới về phong tục, tín ngưỡng về đời sống vật chất và tinh thần của người Sa Huỳnh. Tất cả sẽ dần dần được phác hoạ, cho dù còn rất nhiều điều bí ẩn cần được tìm tòi, khám phá về nền văn hoá này, dẫu rằng nó đã có lịch sử phát hiện, nghiên cứu đã một thế kỷ qua. Dẫu còn nhiều điều bí ẩn, nhưng với tôi, tư liệu về Sa Huỳnh, về Đông Sơn, về Óc Eo đã đủ cho chúng ta có quyền tự hào rằng, vào thời sơ sử, đó là ba ngôi sao sáng chói của Việt Nam trên bầu trời văn hoá khu vực. Chúng đã không che lấp lẫn nhau, ngược lại toả rạng và hấp thu nhau để kiến tạo nên một nền văn hoá Việt Nam hôm nay đa dạng trong thống nhất./.

Bình gốm Sa Huỳnh, niên đại 2000 năm cách ngày nay.

Khuyên tai 3 mấu văn hóa Sa Huỳnh, niên đại 2000 năm cách ngày nay.

Khuyên tai hai đầu văn hóa Sa Huỳnh, niên đại 2000 năm cách ngày nay.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí cổ vật tinh hoa, số 4-2009

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ: