Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/03/2013 23:54 409
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vào năm 2004, hội thảo quốc tế “Dành sự lựa chọn nào cho Việt Nam” đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (cũ) cùng với cuộc trưng bày mang tên “Sự hồi sinh”.

Sự kiện đó là mốc đánh dấu sự khởi đầu về kết quả giai đoạn 1 (2001-2004) của Dự án hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và Bảo tàng Mariemont (Vương quốc Bỉ) với sự tài trợ của tổ chức Thúc đẩy và phát triển giáo dục ở nước ngoài của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tại Việt Nam, viết tắt là APEFE.

Tiếp tục phát huy kết quả của dự án trên, được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, một dự án tiếp theo đã được ký kết giữa Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Một khung logic của dự án đã được các nhà quản lý bảo tàng, các chuyên gia về bảo tàng học trong và ngoài nước xây dựng với mục đích “nâng cao khả năng bảo quản, phục chế và bảo vệ các di sản văn hóa vật thể của các cán bộ ngành bảo tàng”. Hiệp hội Thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài (APEFE) thuộc Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tiếp tục tài trợ và cùng chung sức với các đối tác Việt Nam thực hiện dự án giai đoạn hai mang tên VN201: “Hỗ trợ về mặt cơ cấu cho công tác Bảo quản/ Phục chế và bảo vệ Di sản bảo tàng Việt Nam.” Đối tác Kỹ thuật của dự án là Bảo tàng Mariemont thuộc vùng Wallonie - Bruxelles (Vương quốc Bỉ).

Để đạt được mục tiêu của dự án, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đã được đưa lên hàng đầu. Một lần nữa, các bảo tàng Việt Nam mà nòng cốt là Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại được chọn là một trong các đối tác chính. Ngoài ra còn có sự tham gia của hai trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hoá TP Hồ Chí Minh, đại diện cơ quan quản lý nhà nước của ngành là Cục Di sản Văn hóa. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của bảo tàng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo quản hiện vật bảo tàng.

Năm 2009, chương trình hợp tác APEFE – VN 201 nói riêng đã khép lại với những kết quả còn khiếm tốn, song là tiền đề mở ra một chương trình hợp tác mới trong lĩnh vực bảo quản được thực hiện trong giai đoạn 2010 -2012 tới với sự hỗ trợ tiếp tục của Công đồng người Bỉ nói tiếng Pháp. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Di sản Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ phối hợp với phái đoàn Wallonie-Bruxelles thực hiện dự án mang mã số B4: “Hỗ trợ đào tạo chuyên ngành bảo quản, phục chế di sản bảo tàng Việt Nam”. Mục tiêu của dự án đặt ra là:

- Chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức về bảo quản thông qua việc tổ chức các khoá đào tạo thực tiễn.

- Phát triển bền vững nghề bảo quản cho cán bộ Bảo tàng, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo chuyên ngành bảo quản hiện vật bảo tàng.

Trong 3 năm thực hiện dự án, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) đã cử chuyên gia sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy 04 khóa tập huấn về bảo quản cho các cán bộ bảo quản Việt Nam, thu hút 75 lượt cán bộ bảo quản, giảng viên đến từ hơn 30 bảo tàng, trường Đại học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.

Trong thời gian học tập, ngoài việc học lý thuyết và thực hành các khóa học còn có tổ chức tham quan thực tế tại các kho bảo quản của một số bảo tàng, làng nghề truyền thống, trao đổi với các nghệ nhân làng nghề,… để bổ sung thêm các kiến thức tế và hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của các bước bảo quản hiện vật. Mặc dù thời gian học của mỗi khóa không nhiều (2 tuần), nhưng với tinh thần làm việc nhiệt tình, tâm huyết của giảng viên cũng như thái độ học tập nghiêm túc, say mê của học viên, các khóa tập huấn đã cung cấp cho học viên những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong công tác bảo quản hiện vật theo các chất liệu khác nhau đồng thời hỗ trợ giảng viên Khoa Di sản văn hóa – ĐHVHTPHCM cập nhật các kiến thức mới về bảo quản để xây dựng và hoàn thiện bài giảng và giáo trình giảng dạy, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật tại các bảo tàng Việt Nam.

Kết thúc dự án giai đoạn 2010 – 2012, toàn bộ các bài giảng và tài liệu do chuyên gia cung cấp trong quá trình thực hiện các khóa đào tạo đã được tổng hợp biên tập thành tập tài liệu “Hướng dẫn thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng”. Đây là tài liệu tham khảo rất có ý nghĩa và hữu ích cho công tác thực hành và giảng dạy về bảo quản hiện vật bảo tàng Việt Nam khi mà hiện chúng ta chưa có một tài liệu chuyên ngành nào về bảo quản bằng tiếng Việt.

Bên cạnh những hỗ trợ có hiệu quả của Phái đoàn Wallonie - Bruxelles - Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và thực hiện nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực bảo quản với các bảo tàng trên thế giới và trong khu vực như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ bảo quản có trình độ chuyên sâu, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia bảo quản trong và ngoài nước, các nghệ nhân làng nghề. Trong những năm qua, Bảo tàng đã thực hiện bảo quản trị liệu nhiều sưu tập hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như: kim loại, gỗ sơn thếp, giấy, vải, gốm, hiện vật khảo cổ học dưới nước,… và đã thu được những kết quả nhất định, phục vụ tốt công tác nghiên cứu, trưng bày và lưu giữ lâu dài, nổi bật là bộ tranh Thập điện vẽ màu nước trên giấy, bộ sổ đăng ký thời Pháp, sưu tập gốm khai quật dưới biển,… Đặc biệt, Bảo tàng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng qui trình bảo quản và ứng dụng thành công bảo quản hiện vật chất liệu đồng Đông Sơn đạt kết quả tốt, tiếp cận được với trình độ bảo quản trên thế giới và khu vực. Không chỉ thực hiện bảo quản các sưu tập tại Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn tư vấn giúp đỡ và thực hiện bảo quản thành công sưu tập hiện vật gỗ sơn thếp, hiện vật chất liệu kim loại, gốm, giấy,,..cho một số bảo tàng địa phương như Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Thái Bình, Hà Tĩnh, Bảo tàng Hùng Vương,..

Trong khuôn khổ của một dự án không thể giải quyết được tất cả những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo quản tại các bảo tàng Việt Nam hiện nay, song đây là một dự án lớn đầu tiên đặt ra vấn đề đào tạo cán bộ bảo quản ở mức chuyên sâu và có tính bền vững cao, mở ra một chuyên ngành khoa học mới trong ngành bảo tàng Việt Nam – khoa học bảo quản hiện vật. Dự án như một cú hích mở ra và hỗ trợ cho đào tạo chuyên ngành bảo quản hiện vật tại Việt Nam đang chập chững những bước đi đầu tiên.

Tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một bảo tàng đứng đầu trong hệ thống các bảo tàng lịch sử xã hội ở Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Mục tiêu hướng tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ là một trung tâm nghiên cứu, giáo dục và đào tạo các lĩnh vực khoa học liên quan, trong đó có lĩnh vực bảo quản hiện vật bảo tàng. Tại đây, sẽ hình thành một trung tâm bảo quản với nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn nghiệp vụ bảo quản và tổ chức thực hiện bảo quản hiện vật cho các bảo tàng trung ương và địa phương.

Trước những kết quả thiết thực, phù hợp và hỗ trợ hiệu quả cho xu hướng phát triển của bảo tàng Việt Nam tại dự án trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phái Đoàn Wallonie - Bruxelles đã chấp thuận đề xuất của Bảo tàng Lịch sử quốc qia tiếp tục phê duyệt dự án trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương giữa Wallonie-Bruxelles, Bỉ và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2013-2015 là dự án số 19 “Hỗ trợ thành lập Trung tâm bảo quản và đào tạo cán bộ bảo quản cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia”. Hy vọng và tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của bạn, cùng những nỗ lực và chính sách phát triển phù hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và ngành bảo tàng nói chung, trong tương lai không xa một Trung tâm bảo quản – một “bệnh viện trung tâm” của các sưu tập hiện vật bảo tàng sẽ được hình thành đúng với vị thế và trách nhiệm của một Bảo tàng Quốc gia.

Ths.Nguyễn Thị Hương Thơm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: