Năm 2003 và 2008 Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN) đã tổ chức hai cuộc Hội thảo khoa học về thực trạng việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông, nhằm tìm ra những căn nguyên tình trạng hiện nay, để từ đó đề xuất hướng giải quyết.
Nhưng cho đến nay, những kiến nghị vẫn chỉ là kiến nghị, trong khi chất lượng môn học này đã ngày càng giảm sút, sự thực về "hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử" trong kỳ thi Đại học năm vừa qua tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng cần được coi là một cảnh báo. Trước thực trạng đó, ngày 14/2/2012 Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đây được coi là buổi làm việc mang tính chất khởi đầu quan trọng cho những công việc tiếp theo mà Bộ GD&ĐT và Hội KHLSVN sẽ cùng hợp tác trong trách nhiệm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo
Tại buổi làm việc, GS.VS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN đã phát biểu phân tích sâu sắc, toàn diện, đánh giá về thực chất của việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông hiện nay và bày tỏ quan điểm. Hội KHLSVN coi trách nhiệm quản lý về dạy và học lịch sử phổ thông thuộc về Bộ GD&ĐT, nhưng về mặt nội dung (bao gồm xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và đào tạo đội ngũ giáo viên), Hội KHLSVN và giới sử học cũng có phần trách nhiệm. Cùng chia sẻ với Bộ GD&ĐT, GS Phan Huy Lê đã nêu lên 5 vấn đề cấp thiết sau cần tổ chức nghiên cứu kỹ và triển khai:
1. Tổ chức hội thảo chuyên gia nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan thực trạng dạy và học mộn sử trong nhà trường, trước hết là trường phổ thông, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp. Cần thống nhất trong đánh giá thì mới tìm ra đúng nguyên nhân và giải pháp.
2. Nghiên cứu và xây dựng lại chương trình.
3. Tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa.
4. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên
5. Thay đổi phương pháp dạy và học môn sử.
Lãnh đạo Hội KHLSVN
Theo GS Phan Huy Lê, vấn đề cơ bản nhất trong cải cách môn sử là nhận thức về môn sử trên hai phương diện: vị thế môn sử trong nền giáo dục phổ thông và mục tiêu, nội dung môn sử (dạy/học sử để làm gì ? và dạy/học cái gì?).
Các chuyên gia của Hội đã nêu ý kiến nhằm làm rõ hơn một số vấn đề như: mặt hạn chế của chương trình hiện nay, những bất cập trong cách thức tổ chức biên soạn sách giáo khoa, nội dung môn sử nặng nề mà kém hiệu quả...Tất cả đều khẳng định với nội dung phong phú của lịch sử và trình độ sử học hiện nay, chúng ta có đầy đủ khả năng chấm dứt tình trạng sa sút của môn sử trong nhà trường và nâng cao chất lượng môn sử theo đúng chức năng của môn học quan trọng này. Bộ GD&ĐT biết lắng nghe dư luận, ý kiến của các chuyên gia, cùng hợp tác với giới sử học thì chắc chắn sẽ sớm khắc phục thực trạng dạy và học môn sử hiện nay mà cả xã hội đang lo lắng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (thứ hai từ phải sang) phát biểu
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ sự đồng tình với những nhận định, phân tích và đánh giá của Hội KHLSVN về tình trạng dạy và học sử hiện nay, ghi nhận những đề xuất của Hội và mong muốn cùng hợp tác với Hội để nâng cao chất lượng môn sử trong nhà trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết 11 của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có môn lịch sử. Ông khẳng định trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, các bộ môn khoa học xã hội nói chung, khoa học lịch sử nói riêng là rất quan trọng, góp phần đào tạo nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các giáo sư sử học, từ phải: Phạm Mai Hùng, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Nguyễn Quang Ngọc
Trong 5 vấn đề Hội đề xuất, Bộ trưởng thấy nên tập trung trước hết vào vấn đề thứ nhất tức cần tổ chức hội thảo để thống nhất đánh giá đúng tình hình môn sử, phân tích sâu sắc các nguyên nhân và trên cơ sở đó đề ra giải pháp khắc phục. Theo Bộ trưởng có thể tổ chức một, hai hoặc ba hội thảo, không cần nhiều người tham dự mà theo lối chuyên gia gồm: chuyên gia lịch sử và chuyên gia quản lý. Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo các cấp thuộc Bộ GD&ĐT rà soát, thu thập toàn bộ tư liệu liên quan việc dạy, học môn sử và đào tạo giáo viên lịch sử, cùng hợp tác với Hội KHLSVN sớm tổ chức tốt các hội thảo. Trên cơ sở nhận thức thống nhất của hội thảo sẽ tiếp tục triển khai những vấn đề tiếp theo. Bộ trưởng coi buổi làm việc hôm nay như một sự kiện mở đầu sự hợp tác giữa bộ GS&ĐT với Hội KHLSVN trong mục tiêu và trách nhiệm chung vì sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử sao cho xứng đáng với vị trí và vai trò của môn học này.
Chụp ảnh lưu niệm
Hai bên thống nhất lập "Bản ghi nhớ" để ghi lại nội dung và kết quả của buổi làm việc.
Bài, ảnh: Hồng Ánh