Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/11/2014 00:00 621
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vương quốc Chămpa cổ ở ven biển Miền Trung Việt Nam tồn tại từ cuối thế kỷ 2 tới thế kỷ 15. Do án ngữ ở vị trí quan trọng của con đường tơ lụa trên biển, Chămpa đã sớm dự nhập vào tiến trình giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế. Trong tiến trình này, văn hóa Chămpa đã hình thành và phát triển trên cơ sở giao lưu, tiếp thu và bản địa hóa văn hóa Ấn Độ.

Ấn Độ giáo du nhập vào Chămpa từ rất sớm. Tại bản quốc, Ấn Độ giáo thờ “Tam vị nhất thể”, tức ba vị thần tối cao là Brahma (Thần Sáng Tạo), Vishnu (Thần Bảo Tồn) và Shiva (Thần Hủy Diệt). Tuy nhiên, theo thời gian, Ấn Độ giáo đã chuyển hóa và hòa nhập vào nền văn hóa bản địa của cư dân Chămpa, hình thành nên một tôn giáo chuyên thờ Thần Shiva, được gọi là Shiva giáo. Thần Shiva được người Chăm đề cao và tôn sùng một cách tuyệt đối. Đôi khi, Thần còn được đồng nhất với vua Chăm. Bởi vậy, hình tượng Thần Shiva được phản ảnh đậm nét trong văn hóa Chămpa, đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc đá.

Tượng Shiva múa, khoảng thế kỷ 10 – 11, tại Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Mỹ.

Theo thần thoại Ấn Độ, hình tượng khởi đầu của Thần Shiva là cột lửa hình Linga (bộ phận sinh dục nam, đại diện cho dương tính). Bởi vậy, Thần Shiva đã được biểu tượng hóa thành Linga - cột vũ trụ để thờ trong chính điện các đền tháp. Linga thường được kết hợp với Yoni (bộ phận sinh dục nữ, đại diện cho âm tính, biểu tượng của Nữ thần Shakti) để tạo thành chỉnh thể hợp nhất Linga - Yoni, tượng trưng cho năng lực sáng tạo của Thần Shiva. Linga - Yoni được thờ ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn, nhưng không ở đâu lại có số lượng nhiều, hình dáng đa đạng và kích thước lớn như ở Chămpa. Đây là sự biểu hiện mạnh mẽ nhất về việc Chămpa hóa các yếu tố văn hóa Ấn Độ.

Phù điêu Shiva múa, thế kỷ 11 – 12, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Ngoài biểu tượng Linga, trong điêu khắc đá Chămpa, Thần Shiva còn được thể hiện dưới dạng nhân hình với nhiều hình thức, vai trò khác nhau như Shiva thế tục hóa, mang vẻ gần gũi với hình ảnh người thường hoặc là nhà tu hành khổ hạnh với bộ râu dài, tay cầm chuỗi tràng hạt… Nhưng phổ biến hơn cả là hình thức Nataraja (Vua khiêu vũ). Đây là hình thức biểu trưng cho quyền năng tuyệt đối và là biểu hiện hoàn hảo nhất về Thần Shiva. Nataraja có nguồn gốc từ chữ Phạn: “Natya” là khiêu vũ và “Raja” là vua. Theo Ấn Độ giáo, ở cuối mỗi chu kỳ vũ trụ, Thần Shiva là Nataraja sẽ thực hiện các vũ điệu thần thánh của mình để hủy diệt vũ trụ cũ không còn sức sống, chuẩn bị cho quá trình sáng tạo ra vũ trụ mới. Hai hình thức phổ biến của khiêu vũ Nataraja là Tandava - điệu nhảy dữ dội, bạo lực kết hợp với hủy diệt và Laysya - khiêu vũ nhẹ nhàng, gắn với tái sinh, sáng tạo. Laysya được thực hiện sau Tandava, với sự đáp ứng của người phối ngẫu là Nữ thần Parvati. Thực chất, Tandava và Laysya là hai mặt của bản chất của Shiva, phá hủy để tái sinh, sáng tạo.

Trong điêu khắc Ấn Độ, hình tượng Shiva Nataraja thường được làm bằng đồng, dưới hình thức tượng tròn, cách thể hiện tương đối thống nhất. Thần Shiva đang thực hiện vũ điệu Tandava trong vòng lửa, biểu hiện của vũ trụ. Chân phải đạp lên con quỷ lùn Apasmara, tượng trưng cho chiến thắng của Shiva trước sự lầm lạc, mê muội, thiếu hiểu biết. Chân trái nâng cao và đá sang phải để giữ trạng thái cân bằng. Thần có 4 tay, tay phải phía sau cầm cái trống Damaru hình chiếc đồng hồ cát, tượng trưng cho âm thanh khởi nguyên sáng tạo thế giới, nhịp đập của trống là nhịp đập của vũ trụ. Tay trái phía sau nắm ngọn lửa, tượng trưng cho sức mạnh hủy diệt. Tay phải phía trước bắt ấn Abhaya, thể hiện sự không sợ hãi. Tay trái phía trước đưa sang phải và hướng xuống phía chân trái với lòng bàn tay mở rộng là biểu hiện của giải thoát, giác ngộ. Sức mạnh năng lượng khi thực hiện điệu múa khiến mái tóc của Thần bay tung sang hai bên… Tổng thể cho thấy, Tandava là vũ điệu vận hành vũ trụ của Thần Shiva, khởi nguồn cho một chu kỳ mới Sáng tạo - Bảo tồn - Hủy diệt.

Phù điêu Shiva múa, thế kỷ 10, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Trong văn hóa Chămpa, hình tượng Shiva Nataraja thường được chế tác bằng đá cát, dưới hình thức phù điêu hoặc bán phù điêu, đặt trên trán cửa (tympan) các ngôi tháp Chăm, vừa mang ý nghĩa tôn giáo vừa nhằm mục đích trang trí kiến trúc. Khác với vẻ mạnh bạo, dữ dội trong nghệ thuật Ấn Độ, hình tượng Shiva Nataraja đang thực hiện điệu múa Tandava trong điêu khắc đá Chămpa được thể hiện trong tư thế hình thể hình chữ S rất mềm mại, uyển chuyển. Bước chuyển của chân cũng rất nhẹ nhàng, hai chân chùng xuống để hai đầu gối tạo với rốn thành hình tam giác đều hoặc gần đều, chân này nhún sang chân kia, một chân đứng trên đầu ngón, gót kênh lên phía sau cổ chân còn lại. Tóc của Thần thường được tết ba tầng theo kiểu Jata - Mukuta hoặc búi gọn trong chiếc vương miện Kirita - Mukuta chứ không bay xõa sang hai bên như tượng Shiva Nataraja của Ấn Độ.

Ngoài những đặc điểm chung vừa nêu, những biểu hiện khác về tiểu tượng học cho thấy Shiva Nataraja Chămpa được thể hiện rất đa dạng. Hiếm khi Thần Shiva được thể hiện một mình mà thường đứng múa trên bệ sen hoặc trên lưng bò thần Nandin, trong khung cảnh có các nhạc công tấu nhạc và các tiên nữ cùng những vị thần khác đang chiêm bái. Những tiêu bản thuộc giai đoạn sớm, khoảng thế kỷ 8 - 10 tìm thấy ở Quảng Trị, Quảng Nam… thường mang phong cách hiện thực độc đáo khi mô tả Thần Shiva mang đặc điểm nhân chủng của người Chăm rất rõ nét như lông mày rậm, mũi to, môi dày, mắt xếch… Ngược lại, những hiện vật có niên đại khoảng thế kỷ 11 - 13 như ở Tháp Mẫm, Bình Định lại nổi bật về tính hoành tráng, chú trọng đến những chi tiết chạm trổ tỉ mỉ và thể hiện rõ sự giao lưu, ảnh hưởng với nghệ thuật Khmer.

Phù điêu Shiva múa, thế kỷ 7 – 8, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Biểu hiện rõ ràng nhất về sự đa dạng trong cách thể hiện Shiva Nataraja Chămpa là số và cử chỉ tay của Thần Shiva. Có khi Thần được thể hiện với 4 tay, 6 tay, 8 tay. Nhưng cũng có những trường hợp lên tới 10, 16 thậm chí 28 tay. Nhưng dù ít hay nhiều thì bao giờ cũng gồm 2 tay chính ở vị trí đúng với giải phẫu cơ thể học, các tay còn lại như mọc ra từ hai vai hoặc khuỷu tay chính. Đồng thời, các cánh tay của Thần luôn trong trạng thái như đang di chuyển theo một vòng tròn, biểu hiện sự vận động vĩnh cửu của vũ trụ. Các bảo bối Thần cầm trên tay và các thủ ấn cũng không theo một quy chuẩn nhất định mà hiện lên trong nhiều hình vẻ khác nhau, mang những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Thường gặp hơn cả là kiểu kết hợp vừa bắt ấn vừa cầm bảo bối, trong đó hai tay trên cùng luôn giơ cao khỏi đầu, hai bàn tay chắp lại kết ấn Uttarabodhi biểu thị cho sự giác ngộ, các tay còn lại cầm bảo bối. Tuy nhiên, các bảo bối này cũng không đồng nhất giữa các tiêu bản có nguồn gốc và niên đại khác nhau. Chẳng hạn, phù điêu Shiva múa tìm thấy ở Tháp Mẫm, Bình Định cho thấy hai tay còn lại của Thần đang cầm cây đinh ba, biểu tượng của Sáng tạo - Bảo tồn - Hủy diệt và một thanh kiếm biểu thị cho sự giải thoát. Một số tiêu bản khác ở Quảng Trị, Quảng Nam lại cho thấy Thần Shiva đang sử dụng nhiều loại bảo bối khác nhau như hoa sen, tràng hạt, rắn Naga, rìu Parashu, trống Damaru… Lại có những trường hợp chỉ bắt ấn hoặc chỉ cầm bảo bối. Bức phù điêu tìm thấy ở Phong Lệ, Quảng Nam thể hiện Thần Shiva có 16 tay thì tất cả đều đang trong cử chỉ bắt ấn Vitarka (ấn giáo hóa), ngón cái và ngón trỏ của mỗi tay bắt vào nhau thành vòng tròn biểu hiện cho dòng chảy liên tục của năng lượng thông tin truyền dạy và tranh luận trí tuệ. Ngược lại, bức phù điêu tìm thấy ở Trà Kiệu, Quảng Nam thì cả 4 tay của Thần đều đang cầm các bảo bối.

Phù điêu Shiva múa, thế kỷ 7 – 8, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng.

Qua các tác phẩm điêu khắc về Thần Shiva nói chung và trong hình thức Shiva Nataraja nói riêng, có thể thấy rõ hình tượng Thần Shiva đã ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa Chămpa, chi phối đời sống tinh thần của người Chăm. Đồng thời nó cũng thể hiện sự giao lưu, tiếp biến rộng rãi từ nghệ thuật Ấn Độ và các nền văn hoá lân cận như Đại Việt, Khmer, Java… để tạo thành những đặc trưng văn hóa, phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn bản địa.

Nguyễn Quốc Hữu (Phó trưởng phòng Trưng bày)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Tìm hiểu về một trong những nét đặc trưng kiến trúc nhà ở của cư dân nước ta qua vết tích nhà sàn trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tìm hiểu về một trong những nét đặc trưng kiến trúc nhà ở của cư dân nước ta qua vết tích nhà sàn trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 10/11/2014 00:00
  • 468

Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nên cuộc sống định canh định cư đã được định hình từ lâu trong đời sống của cư dân nông nghiệp, và cũng chính vì vậy mà ngôi nhà có một giá trị đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt. Ngôi nhà chính là tổ ấm bảo vệ con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên và là yếu tố đảm bảo cho một cuộc sống ổn định lâu dài. Ngôi nhà không chỉ phản ánh đời sống vật chất mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cư dân nước ta.