Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/09/2014 00:00 422
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nói đến trang sức là nói đến nhu cầu làm đẹp muôn thuở của con người. Từ khi xuất hiện, ngoài nhu cầu thiết yếu để tồn tại thì nhu cầu làm đẹp và chế tác đồ trang sức đáp ứng nhu cầu làm đẹp của loài người đã khá phổ biến. Ở Việt Nam, ngay từ thời Tiền sử, cư dân các nền văn hoá cổ đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Một điều thú vị là, không chỉ để làm đẹp, đồ trang sức còn mang nhiều hàm ý khác nhau, tùy thời, tùy chất liệu mà biểu lộ ngôn ngữ riêng của nó.

Về cơ bản, đồ trang sức thể hiện đẳng cấp, quyền lực, sự giàu sang, phú quý của chủ nhân. Ngoài ra, nó còn là “vật hộ mệnh”, là chỉ dấu thể hiện tình trạng cá nhân của người sử dụng. Chất liệu để chế tác đồ trang sức cũng hết sức đa dạng, từ xương, răng, sừng động vật, vỏ nhuyễn thể buổi sơ khai đến thủy tinh, kim loại đồng, vàng, bạc, ngọc, ngà voi, đồi mồi …thời đương đại. Cái đẹp được con người chú ý ngay từ buổi đầu của lịch sử và họ luôn có ý thức bày tỏ về vẻ đẹp cùng sức hấp dẫn của nó ở mọi nơi, mọi lúc. Trang sức - hay nói theo nghĩa rộng - làm đẹp, biểu hiện dưới hai hình thức phi vật thể và vật thể.

Vào thời Tiền sử, cùng với những phát minh đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình, cư dân các nền văn hóa cổ đã biết chế tác đồ trang sức một cách đơn giản, bắt đầu từ những gì mà thiên nhiên ban tặng. Ví như răng nanh của một loài thú, chỉ cần đục lỗ là có thể xâu đeo vào cổ; mảnh vỏ nhuyễn thể được tạo dáng hình tròn, gọt rũa, mài nhẵn rồi đục lỗ để xâu thành chuỗi… Trong buổi bình minh của lịch sử loài người ấy, ngôn ngữ của đồ trang sức chủ yếu là chỉ dấu thể hiện địa vị, quyền lực của người mang nó.

Cách ngày nay khoảng 3000 năm, cư dân văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu đã sử dụng đồ trang sức một cách đa dạng và có vẻ cầu kỳ hơn. Loại hình chủ yếu là vòng đeo tay, hoa tai, hạt chuỗi… Nguyên liệu dùng làm đồ trang sức được lựa chọn là các loại đá có màu sắc đẹp, thớ mịn. Đặc biệt, kỹ thuật chế tác đã lên tới đỉnh cao, một số đồ trang sức như vòng đeo tay, khuyên tai tạo dáng hình tròn khá hoàn hảo, bề mặt nhẵn mịn và trau chuốt.

Vòng tay, đá.Văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 4.000-3.500 năm cách ngày nay.

Khuyên tai hình ống, Đá ngọc. Văn hóa Đồng Đậu, khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay.

Bước sang thời dựng nước đầu tiên, ngoài nhu cầu làm đẹp, thể hiện quyền lực và sự giàu có của chủ nhân, một số đồ trang sức còn được sử dụng như bùa hộ mệnh và là vật không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh. Chất liệu chủ yếu là đá màu, mã não, đồng, thủy tinh… Trong các di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo nhiều món đồ trang sức được chế tác hết sức cầu kỳ, tinh xảo. Chúng không chỉ làm cho người sử dụng nó trở nên sang trọng, quý phái mà còn thể hiện sức mạnh và quyền lực của người đứng đầu mà khuyên tai hai đầu thú, ba mấu, bốn mấu là một ví dụ. Đặc biệt, những bao chân, bao tay gắn nhiều chuông nhỏ, vòng tay, trâm cài đầu bằng đồng; chuỗi hạt, khuyên tai bằng mã não, thủy tinh màu… còn cho thấy sự đa dạng về loại hình của đồ trang sức thời kỳ này. Chúng ta có thể hình dung văng vẳng đâu đây âm thanh rộn ràng từ những chiếc chuông nhỏ gắn trên bao tay, bao chân bằng đồng của cư dân Đông Sơn phát ra theo nhịp điệu bước nhảy của các nghi lễ tâm linh thời đó.

Bao tay đeo chuông nhạc, đồng. Văn hóa Đông Sơn, khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay.

Khuyên tai hai đầu thú, đá. Văn hóa Sa Huỳnh, khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay.

Chuỗi hạt mã não. Văn hóa Đồng Nai, khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay.

Dây chuyền vàng. Văn hóa Óc Eo, thế kỷ 7-8.

Dưới triều Nguyễn, bộ sưu tập trang sức cung đình lại đem đến cho chúng ta một sự kinh ngạc bởi sự hoàn mỹ trong kỹ thuật chế tác và sự kết hợp tuyệt vời của các nguyên liệu quý hiếm và mang lại lợi ích cho sức khỏe của con người. Nguyên liệu thường thấy chủ yếu là vàng, bạc, ngọc, ngà, đồi mồi…

Hoa tai bạc nạm đá quý, thế kỷ 19-20.

Loại hình của đồ trang sức thời kỳ này khá đa dạng, điển hình là trâm hình phượng ngậm đèn lồng bằng vàng; vòng tay chạm hoa mẫu đơn và chữ “thọ” bằng bạc; khánh hình dơi đầu rồng bằng ngọc; ngọc bội hình quả đào; phiến chữ nhật chạm tùng lộc bằng ngọc bọc vàng nạm đá quý; thẻ bài bằng vàng nạm đá quý… Những món đồ trang sức này được các ông hoàng bà chúa trong cung đình Huế xưa luôn mang trong những dịp trọng đại. Ngay cả trong cuộc sống thường nhật, sự hiện diện của trang sức quý còn là chỉ dấu thể hiện sự khác biệt về thân phận, đẳng cấp của người mang nó. Và chắc hẳn qua thời gian sử dụng, người Việt xưa đã nhận thấy những món đồ này được chế tác từ các chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc đều đem lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe. Trong đó, vàng là một nguyên tố hóa học được cho là có thể chữa bệnh viêm khớp, giúp tạo cân bằng cho hoạt động của các tế bào thần kinh, tuần hoàn máu; bạc có thể chống lại ảnh hưởng xấu của thời tiết, đặc biệt, sự tiếp xúc của các nguyên tố vi lượng của đồ ngọc qua da sẽ tạo ra sự cân bằng của các nguyên tố vi lượng trong cơ thể giúp cải thiện sức khỏe của con người. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên người xưa quan niệm rằng trang sức là một món đồ không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp, sự sang trọng, quý phái vốn có của con người, mà còn được coi như là một lá bùa bảo vệ sức khỏe của chủ nhân.

Bác sơn, vàng nạm đá quý. Thời chúa Nguyễn, thế kỷ 18.

Trang sức muôn thủa vẫn là kết tinh của nghệ thuật thẩm mỹ và đỉnh cao của kỹ thuật chế tác. Qua bàn tay tài khéo của nghệ nhân xưa, mỗi một món đồ trang sức đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cho đến ngày nay, sức quyễn rũ của sưu tập đồ trang sức ấy vẫn còn nguyên giá trị. Và đâu đó trên những món đồ trang sức thời hiện đại, chúng ta vẫn tìm thấy nét cổ xưa truyền thống - nơi khởi nguồn của tư duy và sức sáng tạo của của người Việt cổ.

Ths. Lê Thị Tuyết (Phòng Truyền thông)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Về ba chiếc đĩa vẽ nhiều màu của Nhật Bản hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Về ba chiếc đĩa vẽ nhiều màu của Nhật Bản hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 10/09/2014 00:00
  • 404

Tạp chí Cổ vật tinh hoa, số 4 năm 2014 (trang 32 – 39), có đăng bài của Nguyễn Đình Chiến và Lê Thị Thanh Hà về sưu tập đồ sứ vẽ nhiều màu Nhật Bản. Trong sưu tập có khá nhiều hiện vật, với nhiều loại hình, kiểu dáng và đề tài trang trí. Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu tâm tới ba chiếc đĩa, được các tác giả xếp vào kiểu 9a, 9b và 9c, do Bộ Tài chính Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1959, sau một năm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được đổi tên từ Bảo tàng Loui Finot, thời thuộc Pháp.