Về tư liệu ảnh, hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ một số ảnh chụp chân dung đồng chí Trần Phú, ảnh chụp di tích và tài liệu liên quan đến hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú.
- Ảnh chụp chân dung đồng chí Trần Phú: 03 ảnh (số phân loại 8/C3-P, chân dung chụp nghiêng; 9/C3-P; 10/C3-P).
- Ảnh chụp di tích trại lính Tiêu Lâu Lĩnh, cạnh thị trấn Đông Hưng, nằm bên bờ sông Bắc Luân, đây là nơi mà đoàn xuất dương của đồng chí Trần Phú nghỉ lại hai lần trước khi đến Quảng Châu vào cuối tháng 7 năm 1926.
Di tích trại lính Tiêu Lâu Lĩnh, cạnh thị trấn Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.
- Đoàn Khảo sát “Con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú hồi tháng 7 – 1926” của Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đang tìm lại những di tích liên quan đến đồng chí Trần Phú tại Thị trấn Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc, tháng 12 – 1963.
- 06 đồng chí đã cùng đồng chí Trần Phú dự lớp huấn luyện của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Quảng Châu, Trung Quốc do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách năm 1926, sau đó được cử về nước xây dựng cơ sở đầu tiên của Hội tại 3 kỳ Bắc, Trung, Nam (từ trái qua phải là các đồng chí: Nguyễn Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lợi, Phan Trọng Bình, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ) đã chụp ảnh lưu niệm ngày 19 – 1 – 1965.
- Thư viết bằng tiếng Pháp đề ngày 25 – 6 – 1927 của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Chi bộ cộng sản Trường đại học cộng sản của những người lao động Phương Đông mang tên Xtalin đề nghị quan tâm, giúp đỡ nhóm sinh viên Việt Nam và giới thiệu, đề cử đồng chí Trần Phú làm bí thư của nhóm: “Theo quyết định của Ban Phương Đông, Ban bí thư latinh của Quốc tế Cộng sản và đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Ban Chấp hành, một nhóm Cộng sản An Nam đã được thành lập với các đồng chí sau đây:
Fon-Shon (Nguyễn Thế Rục)
Jia-o (Bùi Công Trừng)
Min-Khan (Nguyễn Văn Dị tức Bùi Lâm)
Lequy (Trần Phú)
Đồng chí cuối cùng được cử làm bí thư nhóm.
Vì các đồng chí đó đều là sinh viên trường các đồng chí và để cho họ có thể học cách làm việc, chúng tôi yêu cầu chi bộ đồng chí chỉ định một hay hai đồng chí chăm lo việc giáo dục cộng sản cho nhóm đó, để đào tạo các đồng chí đó theo sinh hoạt của Đảng”, dưới cùng là chữ ký của đại diện Ban bí thư latinh của Quốc tế Cộng sản và Đại biểu An Nam : Nguyễn Ái Quốc (bằng tiếng Nga).
Thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đề ngày 25 – 6 – 1927 gửi Chi bộ cộng sản Trường đại học cộng sản mang tên Xtalin đề nghị quan tâm, giúp đỡ nhóm sinh viên Việt Nam và giới thiệu, đề cử đồng chí Trần Phú làm bí thư của nhóm.
Chính qua bức thư này của Nguyễn Ái Quốc mà Ban Phương Đông, Ban Bí thư latinh và đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản biết đến đồng chí Trần Phú, quyết định cử đồng chí Trần Phú làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường, đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú.
- Bảng “Thống kê học sinh Việt Nam ở trường Lao động Phương Đông (E. U. T. S) của Quốc tế Cộng sản” của chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương nhằm theo dõi gắt gao những chiến sĩ cộng sản Việt Nam đã từng theo học tại một trung tâm đào tạo những cán bộ, lãnh đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Bảng thống kê này có 04 trang với những thông tin ngắn gọn về: họ tên, bí danh, lớp học, niên khóa (có một số thông tin không chính xác) của 39 đồng chí, trong đó có những đồng chí sau trở thành lãnh tụ của Đảng, cách mạng Việt Nam: đồng chí Trần Phú (số thứ tự 04, bí danh Lykwe, lớp học và khóa học từng tham gia: lớp nhất 1926-27, lớp hai 1927-28, lớp ba 1925 – 29); đồng chí Lê Hồng Phong (số thứ tự 15, bí danh Litvinov, lớp học và khóa học từng tham gia: lớp nhất (không quân) 1926-27, lớp hai (không quân) 1927-28, lớp nhất 1928-29, lớp hai 1929-30, lớp ba 1930 – 31); đồng chí Hà Huy Tập (số thứ tự 24, bí danh Sinikine, lớp học và khóa học từng tham gia: lớp nhất 1929-30, lớp hai 1930-31, lớp ba 1931 – 32); đồng chí Nguyễn Ái Quốc (số thứ tự 35, bí danh Line, lớp học và khóa học từng tham gia: lớp nhất 1933-34, lớp hai 1934-35, lớp ba 1935 – 36) – không chính xác bởi trên thực tế Trường này đóng cửa năm 1932 (theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam 1977-1989, trong bài Trường Đại học Phương Đông và việc đào tạo cán bộ Việt Nam in trong cuốn Về Lịch sử, văn hóa và bảo tàng, Nxb VHTT, năm 2008, tr 149-159). Bảng danh sách còn cung cấp thông tin về địa chỉ của Trường: “trường ở ô-ten cũ của sở cảnh sát số nhà 15 đường TVERSKOI”.
Bảng “Thống kê học sinh Việt Nam ở trường Lao động Phương Đông (E. U. T. S) của Quốc tế Cộng sản” của chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Các tác phẩm nghệ thuật về đồng chí Trần Phú.
Hiện Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày 02 tác phẩm về đồng chí Trần Phú:
- Bức tượng : Đồng chí Trần Phú viết Luận cương chính trị của Nhà điêu khắc Minh Trí – Đào Văn Can, sáng tác năm 1961, kích thước cao 75cm, đế rộng 80cm x 80cm, chất liệu thạch cao. Đây là một trong những tác phẩm tạo hình quý, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tác phẩm này không những là hiện vật trọng yếu không thể thay thế trong nội dung trưng bày quan trọng của Bảo tàng mà còn là điểm nhấn, được trưng bày tại trung tâm phòng trưng bày về Phong trào cách mạng 1930 – 1931 và luôn tạo sức hút, ấn tượng mạnh mẽ với khách thăm quan bởi nội dung tư tưởng cao, vẻ đẹp về thẩm mỹ và sức biểu cảm vốn có của tác phẩm.
Tượng : Đồng chí Trần Phú viết Luận cương chính trị của Nhà điêu khắc Minh Trí – Đào Văn Can, sáng tác năm 1961.
- Tập chuyện thơ “Ngọn lửa mới nhen”, chuyện thơ về đồng chí Trần Phú của tác giả Nguyễn Đình, được NXB Lao động in và phát hành năm 1960 để chào mừng Đại hội lần thứ ba Đảng Lao động Việt Nam. Về ý nghĩa, nội dung của tập chuyện thơ, trong lời nói đầu đã chỉ rõ: “Đây là cuộc đời của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, kể lại bằng thơ. Sau ba mươi năm đấu tranh quang vinh, chưa bao giờ Đảng ta và dân tộc ta lớn mạnh như ngày nay. Nhân dịp vui mừng này, nghĩ lại những ngày gian khổ và vẻ vang buổi đầu, ôn lại những hình ảnh của một trong những chiến sỹ Cộng sản vĩ đại nhất của Đảng và Dân tộc là việc làm có ý nghĩa. Được sự giúp đỡ quý giá của gia đình đồng chí Trần Phú, nhất là của nhiều cán bộ hoạt động lúc bấy giờ bên cạnh người lãnh tụ trẻ tuổi đó. Nguyễn Đình đã cố gắng đem tất cả nhiệt tình sáng tác tập kể chuyện bằng thơ này để nêu lại cho chúng ta tấm gương sáng đời đời của đồng chí Trần Phú - một trong những vị lãnh tụ sáng suốt và anh dũng của giai cấp công nhân”.
Tập thơ với 36 trang in trên khổ giấy 13cm x 19cm, gồm 15 bài thơ dưới đây:
+ Tuổi thơ đen tối. + Cậu học trò yêu nước. + Anh giáo cách mạng. + Lớn lên với phong trào. + Ra đi. + Chuyển hướng. + Về nước lần đầu. | + Những ngày rèn luyện tại Liên - Xô. + Trụ sở Đảng đầu tiên. + Bản cương lĩnh đầu tiên. + Uốn nắn phong trào. + Sa cơ. + Giữ bền chí khí. + Mấy lời truy điệu. + Bất tử. |
Từ những kết quả trong hoạt động của mình, Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn khẳng định cố Tổng Bí thư Trần Phú là một lãnh tụ vĩ đại của Đảng, ngôi sao sáng trong lịch sử dân tộc, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, với lối sống giản dị, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, niềm tin vào tương lai tất thắng của cách mạng, một người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc Việt Nam.
Những tư liệu, hiện vật về đồng chí Trần Phú kể trên tuy không nhiều so với vai trò, vị trí, sự cống hiến vô cùng lớn lao của một lãnh tụ vĩ đại, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng nhưng đó là kết quả hơn 50 năm nghiên cứu, sưu tầm, khai thác và tập hợp của các thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bên cạnh việc sưu tầm và lưu giữ cẩn trọng những tư liệu, hiện vật trên thì thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trưng bày và phát huy tốt nhất giá trị của chúng. Những tư liệu, hiện vật về đồng chí Trần Phú có vị trí vô cùng quan trọng, không thể thay thế trong trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc giai đoạn cận hiện đại, đặc biệt là phần trưng bày về phong trào cách mạng 1930 – 1931, một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc trong thế kỷ XX. Đồng thời những tư liệu hiện vật này đã, đang góp phần quan trọng và thiết thực trong việc giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ.
Những tài liệu, hiện vật này cũng là nguồn tư liệu, nội dung quan trọng cho nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan, tổ chức khai thác, sử dụng trong các công trình nghiên cứu, sách xuất bản về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc thời kỳ cận hiện đại, đặc biệt là về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú (gần đây nhất là cuốn sách Trần Phú –Tiểu sử do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in và phát hành năm 2007).
Mặc dù đã nhận thức rõ tầm quan trọng, đã hết sức cố gắng, nỗ lực, nhưng với những tài liệu, hiện vật hiện có về đồng chí Trần Phú mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã sưu tầm và đang lưu giữ chưa thể phản ánh đầy đủ cũng như chưa tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng, tầm vóc lớn lao của cố Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự trưởng thành, phát triển của Đảng, với sự nghiệp cách mạng và lịch sử dân tộc. Vì vậy, thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan hữu quan ở Trung ương, địa phương, các nhà nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân để Bảo tàng có thêm điều kiện, cơ sở nghiên cứu, bổ sung tư liệu, làm sáng rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, vai trò và những cống hiến to lớn cho Lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cũng như phát huy tốt nhất giá trị những di sản về đồng chí cố Tổng Bí thư Trần Phú, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước và học tập tấm gương của đồng chí Trần Phú cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ để tăng thêm bản lĩnh, nghị lực thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
- TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc,
Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng LSQG.
- Th.s. Nguyễn hoài Nam,
Ủy viên Hội đồng khoa học Bảo tàng LSQG.