Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/03/2014 00:00 426
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1647/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng Việt Nam.

Tại đây đang lưu giữ, trưng bày hơn 200.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật quý, nhiều bảo vật quốc gia gắn liền với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, với công cuộc, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các anh hùng và nhiều tập thể xuất sắc qua các thời kỳ. Trong số đó có một sưu tập tài liệu, hiện vật đặc biệt quí hiếm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Hơn 80 năm đã trôi qua, kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh, đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử, xã hội, vì vậy các hiện vật, tư liệu về đồng chí Trần Phú còn lại rất ít. Hơn 50 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, viên chức Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, tập hợp và lưu giữ được một số lượng tuy không nhiều hiện vật, tư liệu và hình ảnh về đồng chí Trần Phú nhưng lại là những tài liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc góp phần tái hiện một giai đoạn hào hùng, bước ngoặt của lịch sử Đảng, dân tộc cũng như cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú. Nhân kỷ niệm lần thứ 110 năm sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 – 1/5/2014), chúng tôi xin được giới thiệu như sau:

1. Về hiện vật, tác phẩm của đồng chí Trần Phú

Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang bảo quản cẩn trọng với chế độ đặc biệt với tập sách: “Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương do Đồng chí Trần Phú khởi thảo và được Hội nghị Trung ương tháng 10 – 1930 thông qua, được in và phổ biến bí mật tại Hà Tĩnh cuối năm 1930, có dấu của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (dấu tròn, mực đen: “BAN CHẤP HÀNH HUYỆN ĐẢNG BỘ THẠCH HÀ – HÀ TĨNH”) đóng ở góc trên bên trái trang đầu tiên. Hiện vật này được Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm tại Hà Tĩnh năm 1967, có số hồ sơ 6697/Gy.5056, gồm 24 trang in thạch mực tím trên khổ giấy 15,2cm x 19cm, trang đầu, cuối bị sờn, rách mép. Cuốn Luận cương chính trị này không có trang bìa riêng mà tên sách được in ở phần trên cùng của trang đầu với 02 dòng chữ lớn: “LUẬN – CƯƠNG – CHÁNH – TRỊ CỦA ĐẢNG CỘNG – SẢN – ĐÔNG - DƯƠNG”, dòng thứ 3 được gạch chân đậm lưu ý: “Sách nầy riêng cho các đc thảo luận”, còn bên dưới và các trang tiếp sau là nội dung Luận cương, gồm ba phần:

1. Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương (từ trang 1 đến trang 3).

2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương (từ trang 4 đến trang 6).

3. Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương (từ trang 7 đến trang 24).

Tập sách: “Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và được Hội nghị Trung ương tháng 10 -1930 thông qua, được in và phổ biến bí mật tại Hà Tĩnh cuối năm 1930.

Luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc là một trong những văn kiện quan trọng, cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

2. Báo chí cách mạng có bài về sự hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú, hiện Bảo tàng đang lưu giữ:

- Báo Vô Sản – Cơ quan của Lao động Đông Dương. Số 13, tháng 6-7/1932. Trong đó có bài “Đồng chí Trần Phú bị đánh chết” của tác giả Vũ Bá Quang. Bài báo đã nêu bật gương hy sinh anh dũng và những đóng góp của đồng chí Trần Phú với Đảng Cộng sản Đông Dương: “Đồng chí bị bắt ngày 19 tháng avril (tư) 1931, tuy bị bọn sài lang đánh-kẹp rất dã man nhưng đồng chí không chịu hở ra một chút bí mật nào của Đảng. Đồng chí là một người chiến sĩ rất lão luyện về lý thuyết và thực hành cách mạng, rất nhiệt thành và hăng hái trong cuộc đấu tranh giải phóng lao động Đông Dương ra khỏi ách nô lệ…. Lịch sử đồng chí Trần Phú thật là một cái gương cách mạng cho anh em chúng ta…. Dưới quyền lãnh đạo của đồng chí Trần, đảng Cộng sản Đông Dương thành một đảng rất quần chúng, rất đấu tranh và chân thực bolchévik hóa. Đồng chí luôn thi hành đúng đường chính trị của Đệ tam Quốc tế… Anh em lao động chúng ta phải noi gương cách mạng của đồng chí Trần Phú”.

Báo Vô Sản – Cơ quan của Lao động Đông Dương. Số 13, tháng 6-7/1932. Trong đó có bài “Đồng chí Trần Phú bị đánh chết” của tác giả Vũ Bá Quang.

- Đặc san “Người Mác xít” - Cơ quan nghiên cứu và truyền bá Chủ nghĩa Các Mác, Phân hội Sơn Tây. Số kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, phát hành năm 1950, có bài “Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng mất tại khám lớn Sài Gòn”.

- Đặc san “Người Mác xít” - Cơ quan nghiên cứu và truyền bá Chủ nghĩa Các Mác, Phân hội Sơn Tây. Số đặc biệt kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga, phát hành năm 1950, có bài “Gương hy sinh những ngày cuối cùng của Trần Phú”.

- Một trang sử cận đại – ngày 6 tháng 9 ngày chết của đồng chí Trần Phú, lãnh tụ Đảng Cộng sản Đông Dương đăng trên báo Tin tức số 36 ra ngày 21, 24-9-1938; Bài Đồng chí Trần Phú yêu quý của chúng tôi đăng trên báo Dân Chúng – cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương, số 41 ra ngày 3 – 2 – 1039.

3. Những tư liệu, tài liệu về đồng chí Trần Phú do cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai thác, tập hợp.

- Tiểu sử đồng chí Trần Phú, do Minh Nghĩa và Trung Chính, cán bộ Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) nghiên cứu, tập hợp và hoàn thành ngày 02 – 7 – 1960. Tiểu sử gồm 01 trang đánh máy, mực màu xanh đen trên giấy khổ 38cm x 29cm. Bản tiểu sử này trình bày những thông tin ngắn gọn về lý lịch và những mốc chính trong cuộc đời và sự nghiệp Đồng chí Trần Phú.

- Bản “Tường thuật về đồng chí Trần Phú” của đồng chí Trần Phạm Phượng (bí danh Tùng Lam, con chú ruột đồng chí Trần Phú, sinh năm 1906 tại Quảng Ngãi, nguyên quán Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh), do Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thực hiện ngày 13 tháng 7 năm 1964. Bản tường thuật này gồm 06 trang đánh máy, mực màu xanh trên giấy khổ 26,5cm x 21cm, có bìa ngoài màu xanh (trên in dòng chữ “VIỆN BẢO TÀNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM” màu đỏ, chính giữa viết tay tên tài liệu: “Tường thuật về đồng chí Trần Phú của đồng chí Trần Phạm Phượng”. Bản tường thuật này cung cấp nhiều thông tin về thân thế, gia đình đồng chí Trần Phú và một số mốc chính trong cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú.

- Báo cáo về cuộc khảo sát con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú – Báo cáo khoa học của đồng chí Đào Duy Kỳ, cố Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) từ năm 1959 đến 1970, Trưởng đoàn “Khảo sát con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú hồi tháng 7 – 1926” do Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức từ ngày 26 – 11 đến 6 – 12 – 1963 (có sự góp ý của đồng chí Phan Trọng Bình – một trong những người cùng đi với đồng chí Trần Phú). Báo cáo gồm 15 trang đánh máy, mực xanh đen trên giấy trắng khổ 26,5cm x 21cm, bên ngoài đóng bìa cứng màu xanh và được hoàn thành ngày 28 – 3 – 1964. Báo cáo đã làm sống lại hành trình xuất dương của đồng chí Trần Phú tháng 7 – 1926 từ Vinh, Nghệ An đến Quảng Châu, Trung Quốc để gặp Nguyên Ái Quốc đề nghị hợp nhất các tổ chức cách mạng trong nước với các tổ chức cách mạng ở nước ngoài. Báo cáo này là tư liệu hết sức quan trọng, có giá trị khoa học cao và nó đã được nhiều nhà nghiên cứu, khoa học sử dụng trong các công trình nghiên cứu, sách xuất bản về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Báo cáo về cuộc khảo sát con đường xuất dương của đồng chí Trần Phú – Báo cáo khoa học của đồng chí Đào Duy Kỳ, cố Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (từ năm 1959 đến 1970), hoàn thành ngày 28 – 3 – 1964.

- Tập tài liệu bằng tiếng Pháp (bản sao) với 24 trang đánh máy trên giấy khổ 27cm x 21cm, nội dung chủ yếu là theo dõi các hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, hồ sơ lý lịch, những thông tin, đặc điểm nhận dạng của đồng chí Trần Phú do các cơ quan mật thám, cảnh sát, tòa án của Thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện: Hồ sơ lý lịch (Tờ NoA – 6082), đặc điểm nhận dạng về Trần Phú của Phủ toàn quyền Đông Dương, thực hiện năm 1926; Bản án số 115 xử tử vắng mặt Trần Phú của tòa án Nam Triều, tại Vinh ngày 10/10/1929; Thư đề ngày 07/5/1931 của Thẩm phán tòa Thượng thẩm số 01 Sài Gòn trả lời Người đứng đầu chính quyền Nam Kỳ về việc khẳng định vai trò lãnh đạo đứng đầu của Trần Phú trong Ủy ban Trung ương Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương; Điện báo ngày 18/4/1931 của Sở Liêm phóng Sài Gòn gửi đến nhà chức trách ở Hà Nội, Huế, Phnompenh về việc bắt Trần Phú hồi 21h ngày 17/4 tại Sài Gòn; Công văn mật của Văn phòng Phủ toàn quyền Đông Dương gửi ngài khâm sứ An Nam ở Huế về việc đã bắt Trần Phú và khẳng định vai trò lãnh đạo của Trần Phú đối với Đông Dương cộng sản Đảng; Thư mật số 2967B của Văn phòng cảnh sát Đông Dương ở Sài Gòn gửi mật thám và Sở cảnh sát tại Hà Nội và Huế thông báo về việc bắt Trần Phú.; Bản kê các tài liệu về Trần Phú thu được ngày 18/4/1931 tại số 66, phố Champaghe, Sài Gòn….

Tập tài liệu bằng tiếng Pháp (bản sao, gồm 24 trang đánh máy), nội dung chủ yếu là theo dõi các hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, hồ sơ lý lịch…của đồng chí Trần Phú do các cơ quan mật thám, cảnh sát, tòa án của Thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện.

(Còn phần 2)

TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc,

Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng BTLSQG

Th.s. Nguyễn hoài Nam,

Ủy viên Hội đồng khoa học Bảo tàng BTLSQG

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 01/03/2014 00:00
  • 376

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bảo tàng đứng đầu trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Mặc dù mới được thành lập, song, trước xu thế hội nhập và phát triển hôm nay, Bảo tàng đã rất chú trọng đến hợp tác quốc tế trong mọi hoạt động của mình. Công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khai quật khảo cổ học thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể. Cùng với Viện Khảo cổ học và Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong ba cơ quan nghiên cứu khảo cổ học lớn của cả nước.