PV: Thưa ông, hiện Bảo tàng LSQG đang lưu giữ một số hiện vật cọc gỗ khi giới thiệu về chiến thắng Bạch Đằng – một trận quyết chiến oanh liệt. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa dựng được sa bàn trận đánh, hoặc tìm được vết tích tàu bè, vũ khí... để xóa đi những hồ nghi rằng bãi cọc trên là sản phẩm của một công trình lấn biển trong lịch sử? Quan điểm riêng của ông về nhìn nhận này?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Vâng, chúng tôi kỳ vọng hơn là cần phải có những hiện vật khác nữa, kể cả của đối phương. Trong khi đó, tôi đã đến một Bảo tàng của Nhật Bản, được xem người ta tìm thấy một con tàu của quân Nguyên. Thực ra trong lịch sử đã xảy ra câu chuyện quân Nguyên có tổ chức tấn công Nhật Bản, nhưng vì một trận bão lớn, tàu của quân Nguyên bị chìm. Ở Nhật, người ta đã tìm thấy các mỏ neo, các bó cung tên, đồ gốm kèm theo để trưng bày, tôi thấy rất hay. Nhưng ở mình chưa tìm được các hiện vật tương tự như vậy.
Tôi đã có dịp dẫn đầu Bảo tàng LSQG tới thăm Viện Nghiên cứu Di sản biển quốc gia Hàn Quốc. Ở đó tôi rất ấn tượng khi họ trưng bày vỏ tàu thời Nguyên mà họ tìm được ở biển Hàn Quốc. Những hiện vật đó có nhiều đồ quý. Nhìn hiện vật quý đó để thấy Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Thực ra, hiện nay các khảo sát và tìm hiểu ở khu vực sông Bạch Đằng cũng như vùng phía Bắc Biển Đông là chưa nhiều. Tình cờ cho đến nay, tuy chúng ta phát hiện rất nhiều tàu từ miền Trung trở vào nhưng ở phía Bắc lại chưa thấy.
Thưa ông, việc xác định đâu là bãi cọc Bạch Đằng giữa các trận chiến trong lịch sử, cũng không phải là chuyện đơn giản?
- Thực sự bây giờ việc phân định bãi cọc nào là của Ngô Quyền, bãi cọc nào là của Trần Hưng Đạo là rất quan trọng, vì cách nhau vài thế kỷ nên việc này không dễ. Nhưng dù sao lịch sử đã ghi nhận sự kiện này. Mấu chốt của câu chuyện lịch sử này là những bãi cọc được dựng lên rồi nhử thuyền của địch vào, khi thủy triều rút xuống thì thuyền bị mắc cạn, câu chuyện này là có thật. Những huyền thoại xung quanh về bà bán nước được Trần Hưng Đạo sắc phong và lập đền thờ "Vua Bà”, những thứ đó vừa có tính chất thực, vừa có tính chất huyền thoại. Còn bây giờ những bài cọc thậm chí không ở dưới nước nữa mà nó đã trở thành vùng giáp ranh ven biển.
Lần khai quật này, Viện Khảo cổ đang tiến hành khai quật 200m2 ở Quảng Yên liệu có mở được những hướng nghiên cứu tích cực cho di tích bãi cọc Bạch Đằng?
- Tôi cho rằng, việc nghiên cứu ai cũng muốn làm trên diện tích rộng, đặc biệt là những di tích phong kiến. Bãi cọc Bạch Đằng không chỉ bó hẹp trong 200m2 mà nó rất rộng. Nhưng kết quả nghiên cứu cho phép mang tính xác suất. Từ một diện tích nhỏ như vậy, nhưng người ta sẽ có định hướng, hướng suy nghĩ. Đó là phương pháp, nhận thức của nhà nghiên cứu.
Việc nghiên cứu về bãi cọc Bạch Đằng là hết sức cần thiết cho việc liên quan đến một sự kiện lịch sử lớn đã được ghi nhận. Vấn đề là nghiên cứu và làm rõ được cái này của Ngô Quyền, cái kia của Trần Hưng Đạo thì tuyệt vời. Nhưng không biết chúng ta có làm được điều đó hay không, vì phương pháp nghiên cứu của khảo cổ học có mối tương quan ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Thí dụ phân tích thành phần, định tuổi của cọc gỗ. Bên cạnh đó phải đặt nó bên cạnh những hiện vật khác để làm phương pháp so sánh. Cách làm là như vậy. Ví dụ, trong ngôi mộ gạch, tìm được những đồng tiền cổ Ngũ Thù thì những loại hình hiện vật đặc trưng của thời kỳ đó không ai có thể bác bỏ được. Hay như trong những con tàu đắm, khi khai quật tôi nghiên cứu, ngoài xác định niên đại qua hiện vật đồ gốm sứ, chúng tôi còn có tài liệu hiện vật bằng chất liệu khác, như là đồng, những đồng tiền, quả cân… minh văn trên đó sẽ soi sáng về vấn đề niên đại.
Việc nghiên cứu, khai quật bãi cọc Bạch Đằng lần này, rất hy vọng ngoài việc áp dụng phương pháp định tuổi qua gỗ, còn có thể áp dụng hiện vật được tìm thấy đồng thời. Nhưng chuyện đó là may, rủi không thể nói trước được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa thành lập Phòng khảo cổ học dưới nước nhưng đó là việc chậm trễ. Ngay ở Bảo tàng LSQG cũng muốn có trung tâm khảo cổ học riêng, trong đó có nhiệm vụ cả phần khảo cổ học dưới nước nhưng chúng tôi cũng chưa làm được. Đã 20 năm kể từ khi khai quật con tàu cổ đầu tiên nhưng ngành khảo cổ học dưới nước ở nước ta vẫn là con số 0.
Tuấn Kiệt (thực hiện)