Thứ Hai, 17/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/09/2012 00:00 496
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tại thôn Tre 1 nằm dưới lòng hồ chứa nước Nước Trong, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, một khu lán trại ẩn hiện dưới màn đêm vừa sập xuống núi rừng thâm u. Thung lũng thần bí giờ trở thành công trường khai quật ngôi làng cổ của người tiền sử. Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đang chạy đua với thời gian để khai quật, hoàn thành trước khi mùa mưa ập đến.

"Định mệnh" Lung Leng - sông Tang

Ngọn đèn leo lét hắt ánh sáng đỏ quạch soi lòng hố khai quật. Trên các ngôi mộ được khai quật, các hiện vật như: Bông tai 2 đầu thú, đá mài, bình hoa... Người sống có gì, người chết được chia cái nấy. Cảnh tượng hiện ra, trở thành bức tranh sống động mô tả ngôi làng và cuộc sống của người Sa Huỳnh cách đây 3.000 năm.

Tại hố khai quật số 4, được mở rộng 8 mét, dài 10 mét, khi gạt lớp đất thực bì dày 60cm, các nhà khảo cổ phát hiện một lớp đất xám đen dày 30cm. Đào tiếp là đất xám vàng, đất sinh thổ. Tại độ sâu này, cuộc sống người tiền sử bắt đầu hiện ra qua những hiện vật gồm: 7 ngôi mộ chum, 3 cụm đá cư trú. Bên cạnh đó là 2 lọ hoa bằng đất có hình dạng miệng loe, đai rộng 15cm, thành lọ hoa vạch những đường thẳng, đường cong.

Hiện trường hố khai quật số 7

Người Việt cổ phía Bắc thuộc Văn hóa Đông Sơn có tục táng người chết trong ngôi mộ hình thuyền. Chiếc thuyền là biểu tượng chở người chết đi vào cõi vĩnh hằng. Còn những ngôi mộ được khai quật nơi đây đều mang đặc trưng của người Sa Huỳnh được phát hiện ở nhiều di tích như: Long Thạnh, Bình Châu, Lý Sơn. Mộ táng đều được chôn bằng những chiếc chum, nồi đất.

Năm 2001, di chỉ Lung Leng ở tỉnh Kon Tum được khai quật. Cuộc khai quật thu về hàng ngàn cổ vật của người tiền sử. 600 nhân công phải chạy đua với thời gian trước khi thủy điện Yaly dâng ngập nước. Còn lần này, thung lũng sông Tang cũng có số phận tương tự. Hồ thủy điện đang dâng nước theo chân nhà khảo cổ, 60 lao động đang đua với công việc. "Định mệnh mơ hồ" hay ngẫu nhiên, khiến số phận sông Tang, Lung Leng đều được phát hiện vào lúc nước rút và phải chạy đua.

Cổ vật bí ẩn

Những cổ vật bên sông Tang đo đồng vị phóng xạ các bon đã xác định niên đại 3.000 năm cộng trừ 185 năm. Trong số các cổ vật, hấp dẫn nhất là khuyên tai 2 đầu thú. Các nhà nghiên cứu đã tìm được khuyên tai này tận đảo Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin...

Các nhà nghiên cứu nước ngoài giả thuyết rằng, người Sa Huỳnh đến từ phía Biển Đông. Chủ nhân của Văn hóa Sa Huỳnh là những người Tiền Mã Lai - Đa đảo (Proto Malayo Polynesien). Những giả thuyết khác thì cho rằng, Văn hóa Sa Huỳnh được hội tụ từ biển đảo vào cộng với từ rừng núi xuống. Có nhiều nhóm cư dân tộc người hợp lại, trong đó có dấu ấn ngữ hệ Nam Á - Môn Khmer và ngữ hệ Malayo - Polynesien cư trú trên vùng đảo và quần đảo Đông Nam Á.

Năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo "100 năm phát hiện và nghiên cứu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh". Dù 100 năm rồi, nhưng câu hỏi về nguồn gốc của người Sa Huỳnh vẫn luôn hiện hữu. Nền Văn hóa Đông Sơn được chứng minh là thành quả phát triển liên tục từ các nền văn hóa xa xưa trước đó như: Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Đồng Đậu và Văn hóa Gò Mun.

Còn Văn hóa Sa Huỳnh thì bắt nguồn từ đâu? Những bằng chứng, những dữ kiện theo các nhà nghiên cứu thì vẫn còn mong manh. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, khi khai quật di chỉ Lung Leng ở Kon Tum, Văn hóa Sa Huỳnh đã bắt đầu hiện ra dòng chảy qua 3 vùng: Tây Nguyên - miền núi Quảng Ngãi, Quảng Nam - đồng bằng. Cư dân Sa Huỳnh đã cư trú bên cạnh con sông Tang trong suốt 1.000 năm.

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi: "Phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh ở thung lũng sông Tang góp phần làm rõ thêm tiến trình phát triển của nền Văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh là dòng chảy từ Trường Sơn xuống đồng bằng. Sự hội tụ đó có sự hợp lưu với Văn hóa Lung Leng ở tỉnh Kon Tum".

Lê Văn Chương

bienphong.com.vn

Chia sẻ: