Sau một thời gian dài nghiên cứu, nhưng phải đến đầu năm 2012, một số nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản mới quyết định công bố một số kết luận mới về Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa thế giới sau khi xem xét lại những kết quả khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu.
Giếng nước thời Trần tại Hoàng thành Thăng Long
Theo TS. Bùi Minh Trí (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành): Trong quá trình làm hồ sơ đệ trình Unesco công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới, chúng tôi mới chỉ đưa ra được một phần quy mô, kiến trúc của kinh thành Thăng Long xưa. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, nhiều nhà khoa học đã dành tâm huyết nghiên cứu tiếp từ những kết quả khảo cổ và tư liệu lịch sử. Đến tháng 1-2012, chúng tôi thống nhất một số nhận thức mới về kiến trúc thời Lý tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu mà trước năm 2008 chưa xác định được. Một nhận thức được nhiều nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản thống nhất là: Hoàng thành Thăng Long có sự đa dạng, riêng biệt trong quy hoạch, kiến trúc so với các kinh thành khác của châu Á và thế giới. Điều đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long có các công trình kiến trúc bát giác và lục giác. Kiến trúc khu khai quật A-B là kiến trúc gồm 13 gian. Toàn bộ gian tiếp nối giữa 2 khu trong và ngoài là gian lớn nhất, trung tâm của khu nhà. Giữa 2 gian nhà có lan can thềm bậc với nhiều bậc đá... Các gian có 6 hàng cột, hàng cột hiên được xây dựng ngay từ đầu. Và các công trình kiến trúc thời Đại La từng được xây dựng quy mô, kiên cố và có lịch sử phát triển liên tục trong suốt gần 2 thế kỷ. TS. Bùi Minh Trí cũng cho biết: Tại các hố khảo cổ, cho thấy nhiều loại hình kiến trúc, trong đó có hệ thống kiến trúc cột dương (cột dựng trên các tảng đá) và cột âm xung quanh các hàng hiên. Đây là phát hiện mới có giá trị, cho thấy từ thời Đại La, kiến trúc cột âm đã được phổ biến và đến thời Lý thì loại hình kiến trúc này được phát triển lên một tầm mức mới. Hệ thống giếng nước thời Lý, Trần cũng ăn khớp và tiện lợi trong quần thể kiến trúc cung đình.
Kỹ thuật xây dựng kinh thành cũng có nhiều điểm ưu việt so với đương thời. Đơn cử kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi có quy mô lớn và kiên cố. Việc quy hoạch mặt bằng với sự quy chuẩn về tỷ lệ phương vị. Cách bài trí, trang trí trên nóc cung điện cũng rất cầu kỳ và sáng tạo không giống với các kinh thành khác của châu Á. Những loại ngói và phù điêu trang trí trên mái cung điện khảo cổ được minh chứng điều đó.
Theo GS.TS. Momoki Shiro - Chuyên gia lịch sử Việt Nam thời Lý - Trần của trường Đại học Quốc gia Osaka: Kinh đô Thăng Long thời Lý đã là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo... Song việc xác định vị trí cụ thể của từng đơn vị quản lý này trong cung điện còn chưa rõ, cần phải tiếp tục nghiên cứu.
TỐNG VĂN VIÊT