Sau 9 năm nghiên cứu, khai quật, vừa qua, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao khu A-B, khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu cho UBND thành phố Hà Nội. Việc bàn giao này mở ra một giai đoạn mới trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy di sản.
Di sản có giá trị
Theo GS Phan Huy Lê, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một di sản có giá trị lớn. Nó phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục, từ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ VII-IX thời thuộc Đường đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng cuối thế kỷ XVIII rồi thành Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ XIX và qua thời Pháp thuộc cho đến hiện nay. Trên diện tích 19.000m2 khai quật, khảo cổ học đã phát hiện ở tầng văn hóa sâu nhất dấu tích kiến trúc và di vật thành Đại La, gồm di tích bó nền, móng trụ, cống thoát nước, 3 giếng nước cùng các loại gạch ngói màu xám, trong đó có gạch "Giang Tây quân", đầu ngói ống với những trang trí đặc trưng thời Đường. Trên lớp di tích thành Đại La là lớp di tích Lý, trong đó có giếng nước Đại La, bên trên có hàng gạch màu đỏ thời Lý, chứng tỏ nhà Lý đã xây dựng thành Thăng Long tại thành Đại La và lúc đầu có sử dụng một số kiến trúc của Đại La.
Giếng nước thời Trần, thế kỷ XIII - XIV trong khuôn viên Khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Ảnh: Nguyệt Ánh
Vương triều Lý để lại những dấu tích kiến trúc dày đặc nhất trên toàn bộ diện tích khu di tích khảo cổ học. Đó là những di tích kiến trúc khá lớn 3 gian, 9 gian, 13 gian với những vì kèo 3, 6, 7 hàng cột. Khảo cổ học cũng tìm thấy nhiều kiến trúc lục giác với 6 trụ móng hình tròn xung quanh và một trụ móng hình vuông ở giữa và một kiến trúc bát giác quy mô lớn. Trong tầng văn hóa Lý còn tìm thấy hệ thống thoát nước, giếng nước và nhiều vật liệu kiến trúc đặc trưng thời Lý. Dấu tích kiến trúc Trần vừa có phần kế thừa, sử dụng lại một số công trình thời Lý, vừa xây dựng nhiều công trình mới, tạo nên diện mạo mới của thời Trần. Kiến trúc Trần cũng đắp nền, xây móng trụ, bó nền nhưng đường viền bó vỉa theo kiểu xếp gạch hình hoa chanh rất đặc trưng thời Trần.
Di tích kiến trúc thời Lê sơ cũng tìm thấy phổ biến trong khu di tích khảo cổ học, có phần chồng lên thời Lý, Trần, có phần phá hủy một số kiến trúc thời trước. Nhiều di tích kiến trúc, cống thoát nước, giếng nước đã được tìm thấy cùng với những loại gạch vồ, ngói mũi sen, ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly. Những di tích thời Mạc và Lê Trung hưng có phần mờ nhạt hơn và bị phá hủy nhiều vì những biến động chính trị thế kỷ XVIII.
GS Phan Huy Lê đánh giá, giá trị nổi bật của khu di tích là bề dày lịch sử của một trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực mà cho đến nay vẫn giữ vai trò trung tâm của nước Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, kết quả khảo cổ cũng cho thấy khu di tích là trung tâm hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc. Cụ thể, thời Lý, Trần có những viên gạch ghi chữ "Vĩnh Ninh trường" vốn là một trung tâm sản xuất gạch, ngói nổi tiếng thời Trần, có viên gạch ghi niên đại sản xuất như "Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo" (năm 1057)… Đây cũng đồng thời là nơi giao thoa và dung hợp nhiều giá trị văn hóa khu vực và thế giới, bởi trong số di vật tìm thấy có tiền đồng mang niên hiệu Trung Hoa, đồ gốm sứ Trung Hoa, những mảnh bình gốm men xanh lam vùng Tây Á, gốm Hizen của Nhật Bản…
Những bài học kinh nghiệm
PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, việc nghiên cứu, khai quật khu di tích này gặp thuận lợi cả về phương diện pháp lý, chỉ đạo lẫn kinh phí nhưng vẫn không ít khó khăn. Khó nhất vì đây là di tích đầu tiên khai quật trên một diện tích rất rộng, ngay cả trên thế giới cũng chưa có một cuộc khai quật nào lớn như vậy. Đã thế, di tích lại nằm ở sâu dưới lòng đất. Khi nghiên cứu, khai quật, các nhà khoa học phải đối diện với nước mưa, nước ngầm, những vấn đề phải bảo quản cấp thiết. Mặt khác, phần lớn các mặt bằng di tích kiến trúc chỉ còn lại những dấu vết nền móng, chưa xuất lộ hoàn chỉnh hoặc đã bị đào phá, chồng xếp, đan xen nhau giữa các thời kỳ. Tư liệu thành văn và những bản vẽ về kiến trúc của các thời kỳ ở Việt Nam dường như không có và không còn đến ngày nay. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, những khó khăn đã dần được khắc phục.
Ông Tống Trung Tín cũng cho biết thêm, việc nghiên cứu khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã mở ra một giai đoạn mới trong việc nghiên cứu phát huy di sản thế giới, giúp chúng ta rút ra không ít bài học kinh nghiệm cả về công tác quy hoạch đô thị cũng như hoạt động nghiên cứu. Theo các nhà khảo cổ học, cần xây dựng quy hoạch dự báo về các vị trí khảo cổ, nên thăm dò cũng như khai quật khảo cổ học trước khi có các dự án xây dựng, cải tạo để trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp tiếp theo như khai quật, bảo tồn hay di dời. Việc xây dựng và cải tạo khu vực có vùng lõi là di sản thế giới và vùng đệm của nó cần chấp hành nghiêm chỉnh quy định của thành phố và các cấp có thẩm quyền để vừa bảo đảm cảnh quan, tôn vinh, giữ gìn di tích, vừa bảo đảm hài hòa việc cải tạo mở mang, xây dựng thành phố hiện đại và khang trang.
Việc nghiên cứu, đánh giá giá trị Khu di tích Hoàng thành cũng cho thấy việc đầu tư nghiên cứu khoa học nghiêm túc không chỉ về mặt thời gian mà cả chiều sâu trong nghiên cứu, so sánh, phân tích, hệ thống hóa tư liệu là hết sức cần thiết nhằm đưa ra những đánh giá chính xác, giúp cho công tác lập hồ sơ khoa học có hiệu quả và đạt chất lượng.
Lâm Vũ