Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/08/2016 00:00 363
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 10/8/2016 là tròn 89 năm ngày báo Tiếng Dân – tờ báo theo chủ nghĩa quốc gia trung lập, xuất bản ở Huế ra số thứ nhất (10/8/1927 – 10/8/2016).

Sự ra đời của báo Tiếng Dân gắn liền với vai trò và hoạt động của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng - chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo khi ông vận động việc thành lập một công ty nhằm tập hợp những người yêu nước hùn vốn để tài trợ cho những hoạt động chính trị.

Tháng 4/1927, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với các cụ là Nguyễn Xương Thái, Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh cùng thành lập một công ty chuyên về xuất bản báo có tên là “Huỳnh Thúc Kháng công ty”, có trụ sở tại Đà Nẵng. Tham gia vào công ty mỗi người đều có một công việc khác nhau, nhưng đều có chung một nhiệt huyết đó là thành lập một tờ báo. Khi mới thành lập do kinh phí còn hạn chế nên các cụ đã chia nhau đi kêu gọi đóng góp cổ phần. Các tỉnh Nam Bắc do cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Kiên, Đào Duy Anh phụ trách kêu gọi, còn các tỉnh miền Trung do cụ Nguyễn Xương Thái chịu trách nhiệm kêu gọi. Việc kêu gọi cổ đông được bắt đầu từ tháng 12/1926 và đến tháng 2/1927 thì kết thúc, đã thu được hơn ba vạn bạc.

Tuy đại đa số đều đồng lòng nhưng am hiểu về luật báo chí của Pháp, quan hệ với chính phủ, giao tiếp, thủ tục để xuất bản, in và phát hành tờ báo đều mù mịt cả, cho nên ủy quyền tất cả cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ đã “dõng dạc nhận lấy”.

Trụ sở báo Tiếng Dân xưa (ảnh: internet)

Quyết định cho phép thành lập tờ báo Tiếng Dân đã được Toàn quyền Đông Dương, Alexandre Varenne đã ký ngày 12/2/1927. Để chuẩn bị cho việc ra đời tờ báo ở Trung Kỳ cần lập một tòa soạn tại kinh đô Huế, vì đây là tâm điểm của miền Trung. Cụ Trần Đình Phiên được giao nhiệm vụ ra Huế tìm mua một ngôi nhà vừa làm trụ sở chính vừa làm nơi in báo, và đã mua được một ngôi nhà trên phố Đông Ba, ngày nay là ngôi nhà số 193, phố Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế. Còn cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với cụ Đào Duy Anh và cụ Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội mua máy in cùng tài liệu sách vở để ra báo. Cùng lúc đó thì gặp dịp ông Mai Du Lân - chủ báo Thực Nghiệp vừa mới mua một máy in nhưng chưa dùng nên đã vui lòng nhượng lại, đồng thời thuê một vài công nhân của nhà in Nghiêm Hàm vào Huế làm công cho mình. Các thủ tục được tiến hành xong, ngày 7/8/1927, máy in và công nhân vào đến Huế, việc xuất bản báo được tiến hành ngay sau đó. Ngày 10/8/1927, xuất bản số đầu tiên báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Báo Tiếng Dân (trang 1), số ra ngày 10/8/1937, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (ảnh chụp HV gốc).

Báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Mặc dù ra đời muộn hơn báo chí miền Nam và Bắc, song báo Tiếng Dân đã có vai trò trong việc công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ.

Trong 3 năm hoạt động với tư cách là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1926 – 1928) và thông qua báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc kháng đã cùng nhóm dân biểu tiến bộ ra sức đấu tranh đòi ban hành hiến pháp, ban bố những quyền tự do dân chủ, phản đối một số chính sách kinh tế, xã hội của thực dân và triều Nguyễn như: đòi giảm thuế đinh, thuế điền, mở thêm trường học, công trình thủy lợi, bỏ độc quyền muối rượu… tuy những cải cách đó vẫn nằm trong khuôn khổ yêu sách cải lương nhưng nó đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của chính quyền thực dân, phong kiến, tiêu biểu là Khâm sứ Trung kỳ.

Thất vọng vì Viện dân biểu chỉ là cơ quan dân chủ giả hiệu, tại kỳ họp thường niên ngày 2/10/1928, cụ Huỳnh đã lên tiếng chỉ trích đường lối dân chủ của thực dân Pháp và tuyên bố từ chức dẫn đến sự ly khai của hàng loạt dân biểu tiến bộ. Trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ đã nói về việc này như sau: “năm 1928... Nhưng trải qua hai lần Đại Hội đồng thường niên tôi thấy rõ chân tướng của nó, tên là Dân Biểu nhưng kỳ thực chỉ là Phòng Tư – Phỏng cải trang, không có ý nghĩa gì. Tháng 10 năm ấy tôi có bài diễn văn bế mạc, chỉ trích gắt gao chính sách của chính phủ Pháp thi hành tại Trung kỳ, cho là bất hợp tình thế, khiến nhân dân thêm ác cảm, buộc phải cải cách”, tuy nhiên những quan điểm của ông đưa ra đều bị từ chối, chính vì vậy mà “tôi từ chức”. Sự kiện này được dư luận đương thời đánh giá là “làm náo động dư luận Tây, Nam trong khắp cõi Đông Dương” (Đông Pháp thời báo, ngày 18/10/1928). Sau khi rời khỏi Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh tiếp tục lấy báo Tiếng Dân làm công cụ để đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ.

Trụ sở báo Tiếng Dân (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày nay. (ảnh: internet)

Tuy nhiên, những tư tưởng tiến bộ của ông và báo Tiếng Dân đã vấp phải sự kiểm duyệt gay gắt của Khâm sứ Trung Kỳ. Với thái độ kiên định, không chấp nhận khuất phục của cụ Huỳnh trước những mưu đồ của nhà cầm quyền, báo Tiếng Dân đã bị đình bản bởi nghị định của toàn quyền Đông Dương Đờcu ngày 21/4/1943 sau 16 năm hoạt động.

Hoạt động liên tục từ 1927 đến 1943, báo Tiếng Dân đã ra được 1766 số, trở thành tờ báo lâu năm nhất phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung kỳ, đồng thời là nơi tập hợp tiếng nói của các lực lượng có tinh thần dân tộc dân chủ trong tầng lớp trí thức tiểu tư sản miền Trung trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, dân chủ ở Việt Nam trong nửa đầu thể kỷ XX.

Thu Nhuần

Nguồn:

- “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”, Anh Minh dịch và xuất bản, 1963.

- “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919 – 1945”, Dương Trung Quốc, nxb Giáo Dục, 2000.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Tấm gương cộng sản cao quý của Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906 – 1941)

Tấm gương cộng sản cao quý của Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906 – 1941)

  • 22/04/2016 00:00
  • 401

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-04-1906 trong gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một vùng quê miền Trung đồng chua, nước mặn, bạc màu, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Nhưng chính mảnh đất cằn cỗi ấy lại có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng; đã sản sinh ra danh nhân Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và các anh hùng Phan Đình Phùng, Cao Thắng …