Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/08/2014 00:00 476
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Nói đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bên cạnh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương cùng toàn thể dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người có vai trò to lớn trong việc xây dựng đội quân chủ lực, góp phần vào thắng lợi mùa thu năm 1945.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945

(Ảnh tư liệu BTLSQG).

Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước sau hơn 2 năm bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ. Sau khi về nước, qua phân tích tình hình cũng như thực tiễn của cuộc đấu tranh, riêng về mặt quân sự Người đã đánh giá “lực lượng vũ trang của ta đã ít lại dễ phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Chính thực tiễn đó đã đặt ra vấn đề cần phải “tập trung những cán bộ và chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động, đội vũ trang đó là Đội Quân giải phóng”. Nghĩ tới người có thể đảm nhận nhiệm vụ này, Hồ Chí Minh đã chỉ định Võ Nguyên Giáp.

“Nhận trách nhiệm” được giao phó, Võ Nguyên Giáp đã cùng Lê Quảng Ba tổ chức nên một đội gồm 34 chiến sĩ ưu tú được chọn lựa từ các đội vũ trang đã hình thành từ trước đó, lấy tên là “Đội Việt Nam Truyền truyền Giải phóng quân”.

Đội Việt Nam Truyền truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22-12-1944

(Ảnh tư liệu BTLSQG).

Bước sang năm 1945, diễn biến tình hình trong nước và thế giới có những tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, theo đó những điều kiện tích cực cho một cao trào khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần.

Trong 5 ngày, từ 15 đến 20/4/1945, Hội nghị Quân sự Bắc kỳ đã được triệu tập, những vấn đề liên quan đến việc gấp rút tạo thời cơ và kịp thời nắm bắt thời cơ, sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước đã được quyết định. Trong hội nghị này, Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, gồm 5 đồng chí được thành lập, với mục đích “phụ trách chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự”.

Thực hiện chỉ thị đã đề ra trong Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, ngày 15/5/1945, Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) để làm lễ thành lập “Việt Nam Giải phóng quân”. Mười ba đại đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước với tên gọi “Việt Nam Giải phóng quân”, dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Bắc, gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đội quân bé nhỏ Hồ Chủ tịch giao cho Võ Nguyên Giáp đã lớn thêm một bước quan trọng.

Ngày 17/5/1945, Võ Nguyên Giáp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn, Bắc Cạn). Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình, Người đã chỉ thị “chọn ngay một địa điểm có cơ sở chính trị quần chúng vững chắc, địa hình thuận lợi, tiện đường liên lạc với miền xuôi, làm trung tâm chỉ đạo phong trào”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Võ Nguyên Giáp quay trở lại Kim Quan Thượng, cùng với ông Song Hào và Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ (Chiến khu Nguyễn Huệ thường gọi là Khu B, ở hữu ngạn sông Cầu, gồm một phần Thái Nguyên, một phần Bắc Cạn và cả hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang), bàn bạc và đi đến quyết định chọn Tân Trào (tức làng Tân Lập thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm trung tâm kháng chiến. Từ cuối tháng 5/1945, lán Nà Lừa (Tuyên Quang) trở thành trở thành đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc, nơi quyết định mọi chủ trương dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 4/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị cán bộ đầu tiên ở Tân Trào. Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo toàn bộ những chủ trương nghị quyết của Trung ương, trong đó có “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12/3/1945)” và tình hình phong trào cách mạng chung trong cả nước. Tại hội nghị này, Người đã ra chỉ thị sát nhập hai chiến khu ở hai vùng thuộc Việt Bắc lại thành một căn cứ địa kháng Nhật duy nhất.

Thực hiện nghị quyết ngày 4/6 và Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, Tân Trào trở thành Thủ đô của khu giải phóng và là trung tâm liên lạc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung ương ở miền xuôi, với các chiến khu trong cả nước và phái bộ Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc). Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng cũng được thành lập, Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm thường trực Ủy ban đặc trách về quân sự. Hoạt động chủ yếu của Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn này là chuẩn bị lực lượng vũ trang, sẵn sàng cùng toàn dân thực hiện chủ trương tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Ông tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, chỉnh đốn cả Việt Nam Giải phóng quân và tự vệ du kích địa phương. Bên cạnh đó, ông cũng đặc biệt coi trọng khâu đào tạo cán bộ cơ sở và việc thiết lập hệ thống tổ chức Đảng cũng như công tác chính trị trong Giải phóng quân. Theo nghị quyết Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, Võ Nguyên Giáp cùng với Hoàng Văn Thái được giao nhiệm vụ tổ chức và trực tiếp chỉ đạo Trường Quân chính kháng Nhật - trường đào tạo cán bộ quân chính sơ cấp tương đối có hệ thống đầu tiên của quân đội cách mạng Việt Nam, làm nòng cốt cho hoạt động giải phóng quân trong cao trào tổng khởi nghĩa sắp tới.

Bước sang tháng 7, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tốt, song nhận định thời cơ đã tới, Người đã chỉ thị “Dù hi sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Chính nhận định đó đã thôi thúc Võ Nguyên Giáp mở khóa thứ 2 của Trường Quân chính kháng Nhật, khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang ở Tân Trào cũng như các địa bàn khác trong toàn khu giải phóng.

Vào những ngày đầu tháng 8/1945, nhận được tin Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện (11/8), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc gửi đi các nơi triệu tập các đại biểu về họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân. Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra trong 3 ngày (13 - 15/8/1945). Tại hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhấn mạnh tình thế cấp bách phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương, “đó là khả năng duy nhất để giành độc lập dân tộc”. Cũng tại Hội nghị này, Võ Nguyên Giáp cùng 3 đồng chí khác được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, ngày 13/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và thông qua Quân lệnh số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo. 23 giờ cùng ngày Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào quân lệnh số 1, từ trung tâm Tân Trào lệnh tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi trong cả nước.

Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13-8-1945

(Ảnh tư liệu BTLSQG).

Ngày 16/8, Đại hội quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào, hơn 60 đại biểu ở ba miền đất nước, đại biểu các đoàn thể, các dân tộc, các tôn giáo, đại biểu và kiều bào trong cả nước đã về dự. Đây là Đại hội mà theo đánh giá của Võ Nguyên Giáp “thật là một hội nghị long trọng chưa từng có trong lịch sử cách mạng Việt Nam”. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và 10 chính sách của Việt Minh. Đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời (gồm 15 đồng chí) do Hồ Chí Minh làm chủ tịch; Võ Nguyên Giáp được bầu là thành viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng; qui định quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh; chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca.

Chiều cùng ngày, tại cây đa Tân Trào, dưới lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, đại đội Giải phóng quân đội ngũ chỉnh tề, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đàm Quang Trung, Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Từ trung tâm, làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như vũ bão, lần lượt các tỉnh trong cả nước đứng lên giành chính quyền. Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…là những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, có một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc: phá tan hai tầng xiềng xích nô lệ; đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân có quyền độc lập, tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân Hà Nội tham gia mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh
tại Nhà Hát lớn Hà Nội, ngày 17-8-1945
(Ảnh tư liệu BTLSQG)

Với thắng lợi này, ngày 2/91945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 69 năm, khí thế sục sôi của những ngày khởi nghĩa, khí thế của những đoàn quân chiến thắng trở về hẳn không thể phai nhòa trong tâm trí của những người con đất Việt. Nhớ về những mùa thu lịch sử, đó là tri ân những con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những thế hệ cha anh đã ngã xuống cho nền tự do độc lập.

Thu Nhuần

Nguồn:

1.Trần Trọng Trung, “Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.

2.Nhóm biên soạn nhà xuất bản Trẻ, “Võ Nguyên Giáp những tháng năm cuộc đời”, nxb Trẻ, 2014.

3.Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), “Đại cương lịch sử Việt Nam”, tập II, nxb Giáo dục, 2001.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

7/1980: Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ

7/1980: Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ

  • 09/07/2014 00:00
  • 379

Phạm Tuân là phi công, phi hành gia. Ông là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào năm 1980 trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.