Chủ Nhật, 10/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/11/2013 00:00 401
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ trên cả ba miền của Việt Nam. Một loạt các tác phẩm của Phan Bội Châu được dịch ra chữ Hán, chữ Quốc ngữ và gửi về từ Nhật Bản. góp phần thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà Nho yêu nước đối với phong trào. Năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục Hội với tôn chỉ: Khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Dân quốc Cộng hòa. Năm 1913, Việt Nam Quang phục hội đã gây tiếng vang với vụ bạo động ném tạc đạn, và tinh thần yêu nước chấp nhận hi sinh của các chí sĩ: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Nguyễn Văn Túy…

Nguyễn Khắc Cần (1875-1913) người xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội), là một nhà Nho yêu nước. Ông nổi tiếng là người hay chữ, từng đỗ thi Hương. Nhưng, Nguyễn Khắc Cần vốn nung nấu ý chí cứu nước cứu dân, lại chán ngán thực tế khoa cử trì trệ, nên ông dừng việc thi cử, chuyển sang dạy học. Ông được nhân dân kính trọng gọi là Đồ Cần.

Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước lớn của dân tộc diễn ra sôi nổi, ông hăng hái tham gia các hoạt động của: Duy Tân hội, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguyễn Khắc Cần đã tham gia vận động thanh niên đi Trung Quốc, Nhật Bản trong phong trào Đông Du và vận động ủng hộ kinh phí cho các hoạt động của phong trào. Năm 1907, ông tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục do chí sĩ Lương Văn Can sáng lập, là Ủy viên tán trợ của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng với Nguyễn Cảnh Lâm lập phân hiệu trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Gia Lâm (Hà Nội). Năm 1912, ông tham gia Việt Nam Quang phục Hội và được tiếp xúc với Phan Bội Châu. Ông tham gia hoạt động tích cực, và gắn liền tên tuổi với vụ bạo động ném bom tạc đạn năm 1913 của Việt Nam quang phục Hội.

Phố Hàng Đào đầu thế kỷ XX, ngôi nhà màu trắng (có ba vòm cửa sổ) là trường Đông Kinh Nghĩa Thục do chí sĩ Nguyễn Khắc Cần và cụ Lương Văn Can sáng lập năm 1907

Năm 1912, Nguyễn Khắc Cần và Phạm Văn Tráng nhận nhiệm vụ đem tạc đạn về nước để trừng trị mấy tên Việt gian là sai cho thực dân Pháp nhằm gây tiêng vang “kêu gọi hồn nước”. Phạm Văn Tráng đã dùng tạc đạn diệt tên Tuần phủ Thái Bình là Nguyễn Duy Hàn, ngày 12-4-1913. Vài tuần sau, ngày 26-4-1913, tạc đạn được ném vào khách sạn Hà Nội (ngày nay là góc phố Tràng Tiền và Nguyễn Khắc Cần), giết chết hai sĩ quan Pháp là Mongrand và Chapuis. Sau vụ ném tạc đạn, Nguyễn Khắc Cần đã bị bắt và đưa ra xét xử tại tòa đề hình. Tuy không phải là người trực tiếp ném tạc đạn, nhưng Nguyễn Khắc Cần vẫn đứng ra tự nhận mình gây ra vụ nổ. Hành động này của ông giúp cho Hán Minh Nguyễn Văn Túy- người trực tiếp ném tạc đạn thoát án tử hình. Ngày 24-9-1913, Nguyễn Khắc Cần cùng với 6 người khác đã bị xử chém ngay trước cửa nhà tù Hỏa Lò.

Khách sạn Hà Nội (nay là khách sạn Dân Chủ), nơi Nguyễn Khắc Cần tham gia vụ ném tạc đạn giết chết hai sĩ quan cấp tá của Pháp và làm bị thương 6 tên khác, ngày 26/4/1913.

Ghi nhận công lao của Nguyễn Khắc Cần đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hiện nay trên cả nước có 2 thành phố lớn có đường phố mang tên ông, đó là: phố Nguyễn Khắc Cần (thuộc phường Tràng Tiền và phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội- nơi ông đã thực hiện vụ ném tạc đạn) và đường Nguyễn Khắc Cần (thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trân, Đà Nẵng).

Phố Dutreuil des Rhins (trong ảnh chỗ nhiều xe kéo) đầu khách sạn Hà Nội (khách sạn Dân Chủ bây giờ) nay là phố Nguyễn Khắc Cần.

Trong tấm bảng vàng tại Khu di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), ghi danh các anh hùng liệt sĩ, chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng từng bị thực dân Pháp giam giữ, trong đó tên tuổi Nguyễn Khắc Cần được ghi trang trọng tại Bảng vàng số 1, số thứ tự 13, cùng với các tên tuổi lớn của cách mạng dân tộc. Cuộc bạo động ném bom tạc đạn Khách sạn Hà Nội và tên tuổi Nguyễn Khắc Cần được coi như một tiếng chuông thức tỉnh hồn nước, sự kiện lớn đầu thế kỷ XX, kêu gọi đồng bào đứng dậy đấu tranh chống lại kiếp nô lệ lầm than:

“Tin như vàng đá lòng không chết

Thơm nhuộm non sông máu đã sôi

Khí mạnh làm cho thù mất vía

Cầu vồng muôn thuở mặt trời soi”

(Sách “Việt Nam nghĩa liệt sử”- Đặng Tư Mẫn, Phan Bội Châu)

Phương Thảo (tổng hợp)

TLTK: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam- Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội-2005

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái qua một bài viết trên báo “Cờ Giải Phóng”

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái qua một bài viết trên báo “Cờ Giải Phóng”

  • 06/11/2013 00:00
  • 373

Báo “Cờ Giải Phóng”- cơ quan truyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản được 33 số báo. Số 1 ra ngày 10-10-1942, số cuối (số 33) ra ngày 18-11-1945.