Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/07/2013 00:00 369
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh và vẻ vang của dân tộc ta ở Thế kỷ XX, có nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh thầm lặng, dũng cảm của quân và dân ta góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975. Chúng ta từng được biết nhiều về gương hy sinh của 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, về 13 chiến sĩ hy sinh ở Truông Bồn, về những khốc liệt và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972 v.v… Bài viết này xin kể lại chiến công và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái dân quân Lam Hạ, Thị xã Hà Nam, tỉnh Hà Nam trong cuộc chiến chống giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Đại đội phòng không dân quân xã Lam Hạ được thành lập ngày 5-8-1965; đó là những năm tháng giặc Mỹ điên cuồng leo thang ra đánh phá miền Bắc, hòng cắt đứt con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại đội do đồng chí Nguyễn Chí Liêm làm Đại đội trưởng, Trương Đình Bắc làm chính trị viên; gồm 87 đồng chí chia làm 2 trung đội nam và nữ riêng; có 1 tổ trinh sát, 1 tổ cứu thương, 1 tổ thông tin liên lạc. Trung đội nữ dân quân do đồng chí Nguyễn Thị Tình làm trung đội trưởng, Trương Thị Nhàn làm trung đội phó, Ngô Thị Hồ làm chính trị viên.Đơn vị được trang bị 1 khẩu súng máy 12ly 7; 1 súng máy 14ly 5, súng trường K44 và các loại cáng thương, túi cứu thương. Đại đội phòng không dân quân Lam Hạ được bố trí trận địa tại thôn Đình Tràng; đại đội có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng các trận địa pháo phòng không 37 ly, 57 ly, 100 ly trên địa bàn xã, củng cố trận địa, vận chuyển phương tiện kỹ thuật, đạn dược, cứu chữa kịp thời thương bệnh binh, phối hợp với các đơn vị bộ đội như Tiểu đoàn 6, trung đoàn 250 của Tỉnh đội Nam Hà bảo vệ 2 km đường quốc lộ 1A, 3 km đường sắt Bắc- Nam chạy qua địa bàn; bảo vệ 3 km đê Châu Giang, đê sông Đáy; bảo vệ cầu Phủ Lý v.v…

Trung đội nữ dân quân nằm trong đại đội phòng không nhân dân xã Lam Hạ vừa độc lập tác chiến, vừa chiến đấu trong đội hình bộ đội chủ lực. Các chiến sĩ nữ dân quân được phân công trong các trận địa pháo của bộ đội chủ lực gồm: 7 chiến sĩ trong trận địa pháo 37 ly; 6 chiến sĩ trong 2 trận địa pháo 57 ly và 100 ly. Các chị đều được phân công ở các vị trí chiến đấu khác nhau như pháo thủ, tiếp thương, tiếp đạn, yểm trợ bằng súng trường v.v…

Đầu năm 1966, sau nhiều ngày đánh phá Thị xã Ninh Bình, không quân Mỹ tiếp tục tăng cường đánh phá Thị xã Hà Nam nhằm cắt đứt con đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Các lực lượng phòng không luôn chủ động sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ các mục tiêu quan trọng như cầu Phủ Lý, cầu phao bắc qua sông Châu, đường quốc lộ 1A, đê sông Châu Giang và sông Đáy. Trận địa phòng không dân quân xã Lam Hạ được đánh giá là quan trọng nhất, do vậy luôn được sự lãnh đạo trực tiếp và kiểm tra thường xuyên của Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBHC huyện Duy Tiên. Huyện xác định, đây là nơi sẽ hứng chịu nhiều bom đạn của giặc Mỹ nhất; trên thực tế, đã có nhiều trận đánh ác liệt của ta và máy bay Mỹ tại đây; trong đó có 3 trận đánh làm nên sự bất tử của 10 cô gái dân quân Lam Hạ anh hùng cùng nhiều liệt sĩ khác mà chúng tôi viết lại sau đây:

Trận đánh ngày 1-10-1966 và sự hy sinh của các liệt sĩ

6h15 phút sáng ngày 1-10-1966, máy bay Mỹ lợi dụng thời tiết sương mù che khuất, chúng bay ồ ạt từ 2 hướng Đông và Nam vào vùng trời Thị xã Hà Nam, chúng đã ném trên 200 quả bom nặng loại từ 50 đến 1000 kg chủ yếu là bom bi, bom sát thương vào nhiều địa điểm: cầu Phủ Lý, UBHC tỉnh, các trận địa pháo phòng không 37 ly ở xã Tiên Hòa, khu dân cư... Bom dội xuống trận địa dồn dập khiến tất cả các đường dây điện thoại chỉ huy của ta đều bị đứt. Nhưng ở các trận địa phòng không, các chiến sĩ dân quân cùng bộ đội chủ lực kiên cường bám trụ bắn trả quyết liệt, buộc máy bay Mỹ phải quay đầu tháo chạy. Tuy nhiên, đến 9h45 phút, máy bay Mỹ quay trở lại tấn công các mục tiêu lần thứ 2. Lần này, chúng đi với đội hình 8 chiếc máy bay ném bom bắn phá nhiều nơi trên đường 1 A, các trận địa phòng không, các khu phố đông dân cư như phố Tâng, phố Cà, các trận địa ven sông Châu, đặc biệt dữ dội là trận địa pháo phòng không 37 ly ở thôn Đình Tràng. Các lực lượng phòng không và dân quân của ta kiên cường bám trận địa đánh trả quyết liệt không hề nao núng dù bom rơi, bụi phủ, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào.

Đền liệt sĩ tỉnh Hà Nam, nơi đây từng là trận địa pháo phòng không của đại đội dân quân Lam Hạ từ năm 1965-1972.

Đang chiến đấu quyết liệt thì khẩu đội 1 và 2 của trận địa pháo phòng không 37 ly bị hết đạn. Chị Trương Thị Nhàn- trung đội trưởng nữ dân quân và đồng đội vội chạy đi tiếp đạn. Khi về đến khẩu đội 4 thì nghe tiếng bom nổ trùm lên khẩu đội 1 và khẩu đội 2 của trận địa pháo phòng không 37 ly. Loạt bom đó đã cướp đi sinh mạng của 10 đồng chí gồm: Chính trị viên Huyện đội Nguyễn Đức Trọng; Bí thư Đảng ủy kiêm Chính trị viên xã đội Đặng Bảng Nhãn và 2 chiến sỹ nam dân quân địa phương gồm: Đỗ Đức Dục, Phạm Ngọc Giao; 6 nữ dân quân Lam Hạ gồm Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã hy sinh. Họ hy sinh khi còn rất trẻ, tuổi đời từ 16 đến 20.

Gương hy sinh anh dũng của họ tại trận địa chiến đấu đã dấy lên lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc và sự quyết tâm chiến đấu, trả thù cho các anh chị đã hy sinh. Và trong lúc máy bay Mỹ vẫn tiếp tục đánh phá dữ dội các trận địa phòng không của bộ đội chủ lực, thì đội nữ dân quân dự bị của thôn Đình Tràng gồm các đồng chí Hồ, Thảo, Nhu, Ân, Chai, Mên, Mến, Hòa đã không quản nguy hiểm lao vào thay thế các pháo thủ đã hy sinh để tiếp tục chiến đấu, chờ đến khi có các pháo thủ khác bổ sung. Các chị đã cùng lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, mãi tận 16h chiều cùng ngày, máy bay Mỹ mới rút chạy. Trong một ngày, phải qua 5 trận chiến đấu liên tục cam go, ác liệt với giặc Mỹ từ trên trời cao; đại đội dân quân pháo phòng không Tiên Hòa đã kiên cường, dũng cảm cùng bộ đội chủ lực bắn rơi tại chỗ 2 máy bay A4 của địch, bắt sống 2 giặc lái Mỹ, bảo vệ được các mục tiêu quân sự và dân sự quan trọng được giao.

Quả bom dấu tích tội ác còn lại Mỹ ném xuống trận địa phòng không Lam Hạ 1966.

Trận đánh ngày 9-10-1966

Ngay từ sáng sớm, máy bay Mỹ chia làm 7 phi đội với 60 chiếc máy bay ào ào bay vào dội bom xuống các mục tiêu quân sự và nhiều cơ sở hạ tầng của TX Hà Nam. Các trận địa pháo cao xạ 57 ly và 100 ly và đơn vị pháo phòng không của bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 233 đã nổ súng kịp thời ngăn chặn không cho chúng ném bom xuống cầu Phủ Lý. Không phá hủy được mục tiêu trên, chúng quay ra tập kích nhằm vào mục tiêu trận địa pháo 57 ly, 100 ly. Đến khoảng 8h30 sáng, khẩu đội 2 trận địa pháo cao xạ 100 ly bị trúng bom. Loạt bom này cướp đi sinh mạng của các chị Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thiệp và Nguyễn Thị Oánh cùng một số chiến sĩ khác. Quyết liệt trả thù cho đồng đội bị bom Mỹ sát hại, các trận địa pháo của ta nổ pháo giòn rã bắn cháy 2 máy bay F4H của Mỹ tại bầu trời Hà Nam; cầu Phủ Lý vẫn yên mình soi bóng để hằng đêm các đoàn xe quân sự và xe chở quân nhu, đạn được của ta lặng lẽ qua cầu tiến về chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trận đánh ngày 07-7-1967

Tiếp tục thực hiện âm mưu phá hủy các trọng điểm quan trọng về cơ sở hạ tầng và giao thông trên địa bàn Hà Nam và tiêu diệt các lực lượng phòng không mặt đất của ta; trưa ngày 7-7-1967, hàng chục tốp máy bay Mỹ lại điên cuồng đem bom xuống bắn phá Hà Nam. Lần này, chúng chưa đánh phá các mục tiêu cơ sở hạ tầng và giao thông, mà tập trung đánh phá các trận địa phòng không, đặc biệt là trận địa pháo tầm trung 57 ly ở xã Tiên Hòa hòng hủy diệt, làm tê liệt lưới lửa phòng không của ta. Như các trận đánh trước, lực lượng phòng không quân và dân xã tiên Hòa kiên cường bám vững trận địa, không hề nao núng đánh tra quyết liệt các đợt máy bay bổ nhào xuống trận địa. Sau gần một ngày kiên cường chiến đấu, bộ đội và dân quân xã Tuy Hòa đã bắn cháy 1 máy bay A4 của Mỹ. Ở trận đánh này, chị Đặng Thị Chung- nữ dân quân thứ 10 của xã Tuy Hòa và anh Nguyễn Văn Chắc, là chồng của chị Nguyễn Thị Oánh (hy sinh trong trận đánh ngày 9-10-1966) đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương.

Một góc nhà tưởng niệm10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ hy sinh năm1966.

Trong 7 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (1965-1972), lực lượng dân quân Lam Hạ đã luôn kề vai sát cánh cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu gần 121 trận, bắn rơi 5 máy bay, bắt sống 2 giặc lái Mỹ; góp phần bảo vệ, giữ vững các đầu mối giao thông, cầu Phủ Lý, nhà ga… trên địa bàn Thị xã Hà Nam. Trong các trận đánh ác liệt đó, có 16 chiến sĩ hy sinh, trong đó có 10 cô gái dân quân Lam Hạ. Họ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ từ 16 đến trên hai mươi; chị Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi. Về Lam Hạ hôm nay, dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng nhân dân Lam Hạ vẫn nhớ mãi hình ảnh các chị, những người con yêu dấu của quê hương lúc hy sinh. Hình ảnh chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân trái nhưng tay chị vẫn ôm chặt lấy súng. Còn chị Trần Thị Tuyết và Phạm Thị Lan bị bom đánh đến mức máu và thân mình hòa quện với đất. Cùng hy sinh trong trận địa này là 3 nữ xạ thủ: Vũ Thị Phương và hai chị em ruột chị Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi. Chị Thu hy sinh tại trận địa còn chị Thi đang hấp hối được anh Thái, anh trai ruột đưa vào viện xá cấp cứu. Trong hơi thở gấp do bị bom tiện gần đứt chân trái, chị Thi nói vào tai anh Thái: “Đặt em xuống đây rồi anh quay lại đánh Mỹ tiếp đi, nhớ phải thắng đó”. Sau đó, chị Thi được đưa vào bệnh viện, biết mình không qua khỏi do vết thương quá nặng, mất nhiều máu nên chị đã xin bác sĩ không tiêm thuốc tê nữa mà để dành chữa trị cho các đồng chí khác bị thương. Sau hôm đó, chị Thi hy sinh.

Nơi ghi dấu chiến công và sự hy sinh của 10 liệt sĩ dân quân xã Lam Hạ mãi là địa chỉ đỏ, là di tích lịch sử ghi nhận sự hy sinh dũng cảm của các chị; ngày nay trở thành niềm tự hào của người dân Lam Hạ cũng như toàn thể nhân dân Hà Nam.Để ghi dấu, vinh danh và tưởng nhớ chiến công của 10 nữ liệt sĩ dân quân xã Lam Hạ trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1997 Đảng bộ, Chính quyền xã Lam Hạ và nhân dân thôn Đình Tràng đã xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

Chân dung hai liệt sĩ Trần Thị Thiệp và Nguyễn Thị Oánh

Năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt và khởi công xây dựng Dự án Công trình Đền thờ các anh hùng liệt sĩ và di tích lịch sử văn hóa tỉnh Hà Nam tại khu vực trận địa pháo phòng không 37 ly thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ. Công trình có diện tích quy hoạch là 18,7 ha, chia làm 3 khu: khu bảo tồn; khu tái hiện di tích và khu tôn tạo với nhiều hạng mục công trình như: các trận địa pháo phòng không, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, ụ chiến đấu; đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ trong đó có miếu thờ 10 nữ dân quân Lam Hạ, cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Công trình thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa của lãnh đạo tỉnh đối với sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ; đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh có nơi thăm viếng các liệt sĩ và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Minh Vượng (tổng hợp)

TLTK:

- Di tích lịch sử chiến công 10 cô gái dân quân Lam Hạ (Bảo tàng tỉnh Hà Nam).

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Lê Đại Hành (941 – 1005), vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê.

Lê Đại Hành (941 – 1005), vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê.

  • 23/07/2013 00:00
  • 404

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Đại Hành không chỉ là một vị hoàng đế có đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam và giữ nền độc lập cho dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.