Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/01/2017 00:00 384
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ khi ra đời đến nay, Hải ngoại huyết thư - áng thơ bất hủ của Phan Bội Châu như tiếng gọi thống thiết của non sông đất nước, giục lớp lớp dân Việt đứng lên chống giặc xâm lăng, đòi quyền sống trong tự do độc lập. Những câu thơ chữ Hán của Phan Bội Châu được chí sĩ Lê Đại dịch ra thơ chữ Nôm, thể song thất lục bát với nghệ thuật thần tình, linh diệu. Bài thơ như huyết lệ nhỏ máu, in tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã đến với muôn vạn trái tim.

Từ khi ra đời đến nay, Hải ngoại huyết thư - áng thơ bất hủ của Phan Bội Châu như tiếng gọi thống thiết của non sông đất nước, giục lớp lớp dân Việt đứng lên chống giặc xâm lăng, đòi quyền sống trong tự do độc lập. Những câu thơ chữ Hán của Phan Bội Châu được chí sĩ Lê Đại dịch ra thơ chữ Nôm, thể song thất lục bát với nghệ thuật thần tình, linh diệu. Bài thơ như huyết lệ nhỏ máu, in tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã đến với muôn vạn trái tim. Nhưng phải đến gần đây, may mắn gặp ông Lê Chân Hùng, cháu đích tôn của chí sĩ Lê Đại, tôi mới có một hình dung tương đối đầy đủ về chân dung nhà chí sĩ yêu nước - một trong những yếu nhân sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục.

Kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2017), chúng ta cùng đọc lại Hải ngoại huyết thư và tưởng niệm nhớ ơn Cụ Lê Đại, một cây bút tài hoa, một người giàu nhiệt huyết cứu nước.

Lê Đại, tự là Siêu Tùng, hiệu Từ Long, sinh năm Ất Hợi (1875) tại làng Thịnh Hào, nay thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội. Là con thứ hai của cụ Tú Kép vì đã hai lần thi đậu Tú tài, thuở nhỏ, Lê Đại được cha cho theo học thám hoa Vũ Phạm Hàm.Học giỏi, nổi tiếng văn hay chữ tốt, đỗ đầu xứ kỳ thi sát hạch nên Lê Đại được bạn bè kính nể gọi là ông Xứ Lê, Nhưng lận đận trong khoa bảng, mấy lần thi Hương không đậu, nên năm 1906, ông cùng bạn thân là Hoàng Tăng Bí quyết định mang chữ Thánh hiền ra cứu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mà cụ Cử Lương Văn Can đang kêu gọi. Ngôi trường mở ở số 4 Hàng Đào rồi lấy thêm số 10 Hàng Đào làm lớp học. Lê Đại được phân công phụ trách mảng văn chương ngôn luận, sáng tác thơ nôm, dịch thơ chữ Hán ra quốc văn làm tài liệu giảng dạy, Hải ngoại huyết thư của Phan Sào Nam gửi từ Nhật về, được dịch ra chữ Nôm với thể thơ song thất lục bát trong bối cảnh đó. Bản dịch chính là tâm huyết và tài hoa của bậc trượng phu nghĩa khí, muốn truyền bầu tâm huyết ấy đến muôn vạn người dân, thức tỉnh họ, thúc giục họ đồng tâm cứu nước “Cờ độc lập xa trông phấp phới/Kéo nhau ra đòi lại nước nhà”. Tác động to lớn, sâu sa của Hải ngoại huyết thư đến tim óc đồng bào đã được hậu thế ghi nhận trong bài viết của Dương Tự Quán đăng trên báo Tri Tân số 185-186, ngày 10-5-1945: “Đọc bản chữ Nho của ông Phan đã thấy hay lắm, mà đọc bản dịch của ông Lê Đại thì lời lời lâm ly, hoa dệt gấm thêu, càng đọc càng hứng cảm, cho nên cái ảnh hưởng của nó đến tâm hồn quốc dân bấy giờ thật là tuyệt đối. Nhưng cũng vì ảnh hưởng ấy quá sâu sa, nên sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục tan, người nào còn giữ nó đều bị bắt và kết án 20 năm khổ sai”. Quả là, ngay từ khi ấy, các sĩ phu đã “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vẫn thơ bom đạn phá cường quyền” rồi.

1

Chí sĩ Lê Đại (1875-1951).

Không chỉ chăm lo tài liệu văn học cho trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà Lê Đại còn tham gia bàn bạc việc lớn, chuẩn bị cho nghĩa quân Đề Thám trong vụ Hà Thành đầu độc, thông qua một hiệu bào chế thuốc bắc Tụy Phương dược phòng ở phố Hàng Bông. Đầu năm 1908, việc quân cơ bị lộ, ông và các đồng chí bị bắt, Tại xà lim Hà Đông, Chính Tổng đốc Hoàng Trọng Phu hỏi cung cụ, và quan Tổng đốc đã bị bẽ mặt khi nghe cụ khảng khái trả lời: “Quan Tổng đốc bảo tôi khai để giữ lấy mạng sống, nhưng dù có tránh được tội chết, thử hỏi tôi còn mặt mũi nào trông thấy Bắc Hà sĩ phu nữa?”. Chỉ một câu nói đó, cũng khiến bọn thực dân vin cớ, “tặng” cụ án khổ sai chung thân cùng với Vũ Hoành, Nguyễn Quyền, còn Dương Bá Trạc bị nhẹ hơn - 15 năm tù, Hoàng Tăng Bí bị nhẹ nữa - 5 năm tù. Cuối năm 1908, các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục và tham gia vụ Hà thành đầu độc đều bị đi đày ở Côn Đảo.Những người bạn chí thiết cùng hoạt động Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội và cả các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng…đều vào “hưởng” gió biển Côn Đảo. Lịch sử chống Pháp và văn học Việt Nam có một hiện tượng đặc biệt: đầu thế kỷ XX, các sĩ phu đã lấy máu làm mực, viết nên chí khí bất khuất, kiên cường, không chịu làm nô lệ và đó là những gương mặt tiêu biểu nhất của dân tộc. Phan Bội Châu viết Dậy lên Thanh niên, Phan Chu Trinh viết Đập đá ở Côn Lôn. Và đây, Lê Đại đã tỏ rõ chí khí ấy trong bài Ở đảo Côn Lôn cảm tác:“Mây chín tầng cao trời vẫn mỏng/ Bể trăm trận sóng nước còn nghiêng/ Con nhà Nam Việt làm sao tuyệt?/ Cụ tổ Hồng Bàng chửa hết thiêng”.

Rồi thì các sĩ phu cũng lần lượt trở về quê hương, chỉ còn Lê Đại, mãi đến năm 1925 mới được về lại quê hương Thịnh Hào. Khi đi còn xuân xanh, khi về, tóc đã chớm bạc. Hà Nội lúc này đang sục sôi phong trào yêu nước. Năm xưa cùng đồng chí say sưa hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ, giờ thì Cụ lại ngậm ngùi đưa tiễn Cụ Phan Tây Hồ, cụ Cử Lương Văn Can về với cao xanh, Phan Sào Nam thì bất đắc chí phải vào Huế làm ông già Bến Ngự. Nhưng lòng yêu nước và chí khí sĩ phu vẫn thấm đượm trong những bài thơ chữ quốc ngữ và chữ Hán. Cửa hàng mà vợ ông mở ở nhà 27 Hàng Mắm từ khi sau khi nên duyên vợ chồng, rồi lấy đó làm kế sinh nhai nuôi hai con, một gái, một trai, chờ chồng trở về, nay ông thuê số 29 làm nơi viết chữ Nho, câu đối cho mọi người, và cũng là nơi tụ họp những cây bút giữ tiết tháo Nho gia. Cụ lấy tên hiệu Từ Long, chính là muốn thể hiện chí khí con Rồng cháu Tiên. Người dân hâm mộ một cây bút tài hoa của đất Hà Thành thường đoạt các giải thi văn chương của Hội khai trí Tiến Đức đến xin chữ cụ, nhưng đặc sắc nhất trong câu đối mà cụ để lại, là những câu đối ở các đình đền chùa và tặng các bạn của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục xưa như “Mừng thọ ông Cử Đông Tác bảy mươi tuổi” (cụ Nguyễn Hữu Cầu, quê làng Đông Tác). Khi Huỳnh Thúc Kháng ra báo Tiếng Dân, cụ gửi câu đối mừng, trong đó, cụ luận chữ Dân: Hai chục triệu giống nòi, dân là dân tộc Việt, thay mặt cả sĩ nông cổng cổ, đứng trên đài múa, rủ nhau cùng xướng tiến đồng tâm. Văn tế, khóc các bạn sớm ra đi như Hoàng Tăng Bí mất năm 1939, trong đó, tình người, tình đời, khí chất tùng bách của Cụ cô đọng ở mỗi câu mỗi chữ, mà vẫn chứa chất một bầu tâm sự. Cầu cho bác được về nơi lạc quốc, có thiêng chăng tá, vì non sông nên phải hộ trì/ Còn chúng tôi ở lại chốn phàm trần, dù đến thế nào, quyết vàng đá không bao giờ đổi” (Văn tế đọc trước mộ cụ Hoàng Tăng Bí). Nếu chúng ta đọc bài của Phạm Huy Lục, đại biểu của Viện dân biểu Bắc kỳ khi Cụ Hoàng Tăng Bí mất, mới thấy, khẩu khí ấy, nhân cách ấy của Cụ Lê Đại, khiến trí thức Hà Thành phải cúi đầu kính phục

Trả lời câu hỏi của tôi, vì sao Cụ nặng lòng với nước mà từ năm 1925, về Hà Nội lại không ra giúp nước, ông Lê Chân Hùng, cháu đích tôn của Cụ, được cụ đặt cho hiệu Tôn Long, nói: Cụ là sĩ phu, thạo chữ Hán và đã để lại áng văn dịch tuyệt vời Hải ngoại huyết thư, Phú Tiền Xích Bích xứng đáng lưu truyền mãi cho hậu thế. Khi ở Côn Đảo về, cũng như một số sĩ phu khác yêu nước sâu sắc và ôm mối sầu nhân thế, căm ghét bọn thực dân, cười khinh bọn tay sai ôm chân chủ như Phạm Huy Lục, nhưng các cụ tự cho là không theo kịp hậu thế tân học, nên chọn cách ở ẩn, giấu than hồng trong ngực áo.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ: