Sau thắng lợi vĩ đại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Đảng ta từ một đảng hoạt động bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền, nhân dân ta được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 2-9-1945. (Nguồn: Internet).
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã đứng trước những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua của thù trong, giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,... mà chế độ thực dân phong kiến để lại. Nước ta còn nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các chính quyền phản động trong khu vực. Nước ta còn chưa nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người chết, tiếp đó là lũ lụt, hạn hán kéo dài làm 50% ruộng đất bị bỏ hoang. Sản xuất nông nghiệp đình đốn. Tài chính khô kiệt, kho bạc trống rống, ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp.
Trình độ văn hoá của nhân dân ta thấp kém, 90% số dân mù chữ. Ở miền Bắc: 20 vạn quân Tưởng ồ ạt tràn qua biên giới, kéo theo là Việt Quốc, Việt Cách, chúng lập chính quyền phản động ở một số nơi, cướp của giết người và chống phá chính quyền cách mạng. Ở miền Nam: quân Anh với danh nghĩa đồng minh kéo vào nước ta tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc!”.
Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc.
Dựa trên những nhận định về tình hình khách quan và chủ quan, về tình hình của ta và địch, Chỉ thị chỉ rõ: Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành vì nước chưa được hoàn toàn độc lập.
Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong. Giai cấp vô sản vẫn phải hǎng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”.
Chỉ thị xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
Chiến thuật của ta lúc này là lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Việt Minh bao gồm mọi tầng lớp nhân dân (chú trọng: vận động địa chủ, phong kiến và đồng bào Công giáo..v.v.).
Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Kiên quyết giành độc lập - tự do - hạnh phúc dân tộc. Độc lập về chính trị, thực hiện chế độ dân chủ cộng hoà; cải thiện đời sống cho nhân dân.
Chỉ thị cũng đề ra nhiệm vụ cần kíp của nhân dân Đông Dương đối với cách mạng thế giới là phải tranh đấu để thực hiện triệt để hiến chương các nước liên hiệp, ủng hộ Liên Xô, xây dựng hoà bình thế giới, mở rộng chế độ dân chủ ra các nước, giải phóng cho các dân tộc thuộc địa. Đối với cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ riêng, cần kíp là phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Trong những nhiệm vụ đó, nhiệm vụ bao trùm là củng cố chính quyền. Để củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ “kháng chiến” và “kiến quốc”, Chỉ thị vạch ra những biện pháp toàn diện và cơ bản để thực hiện:
Về nội chính: Một mặt xúc tiến việc đi đến thành lập Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.
Về quân sự: Động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài; phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hợp tác đến triệt để.
Về ngoại giao: Nắm vững nguyên tắc thêm bạn, bớt thù, biểu dương thực lực; kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”. Đối với Tưởng Giới Thạch, vẫn chủ trương Hoa - Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc. Đối với Pháp, thực hành độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế.
Về tuyên truyền: Kêu gọi đoàn kết, chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Phản đối chia rẽ nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với thế lực phản quốc; chống mọi mưu mô phá hoại, chia rẽ của phái Tờrốtxki, Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng và nâng cao sự tin tưởng của quốc dân vào thắng lợi cuối cùng, khêu gợi chí cǎm hờn chống thực dân Pháp nhưng tránh khuynh hướng “vị chủng”. Chống thực dân Pháp xâm lược (khống nói đánh cả Ấn, Anh). Không công kích nhân dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp xâm lược.
Về kinh tế và tài chính: Mở lại các nhà máy do Nhật bỏ; khai thác các mỏ, cho tư nhân được góp vốn vào việc kinh doanh các nhà máy và mỏ ấy; khuyến khích các giới công thương mở hợp tác xã, mở các hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà. Thực hiện khuyến nông, sửa chữa đê điều, lập quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh.
Về cứu tế: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi của các giới đồng bào, lập quỹ cứu tế, lập kho thóc cứu tế, tổ chức “bữa cháo cầm hơi”… động viên thanh niên nam, nữ tổ chức thành các đoàn “cứu đói”, và các “đội quân trừ giặc đói” để trồng trọt khai khẩn, lấy lương cho dân nghèo, hay quyên cho các quỹ cứu tế, tổ chức việc tiếp tế, mua gạo nhà giàu bán cho nhà nghèo theo giá hạ, chở gạo chỗ thừa sang chỗ thiếu ..v.v…
Về vǎn hoá: Tổ chức bình dân học vụ, tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở các trường đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi nhét, cổ động vǎn hoá cứu quốc, kiến thiết nền vǎn hoá mới theo ba nguyên tắc: khoa học hoá, đại chúng hoá, dân tộc hoá.
Lớp học Bình dân học vụ. (Nguồn: Inernet).
Chỉ thị nhấn mạnh: Muốn thực hiện được những nhiệm vụ trên đây, Đảng và Mặt trận Việt Minh phải được củng cố và phát triển.
Về Đảng, phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, phát triển thêm đảng viên, đặc biệt chú trọng gây cơ sở xí nghiệp của Đảng cho thật rộng, làm sao cho sự phát triển của Đảng ǎn nhịp với sự phát triển của công nhân cứu quốc; giữ vững sinh hoạt của Đảng; thành lập Đảng đoàn trong các cơ quan hành chính và các đoàn thể quần chúng; xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội…
Về Mặt trận Việt Minh, hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc. Thống nhất các tổ chức ấy lên toàn kỳ, toàn quốc; sửa chữa lại điều lệ cho các đoàn thể cứu quốc cho thích hợp với hoàn cảnh mới; mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các đoàn thể cứu quốc mới, giải quyết những mâu thuẫn giữa Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban Việt Minh; củng cố quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận, thống nhất Mặt trận Việt Nam - Lào - Campuchia chống Pháp xâm lược.
Chỉ thị còn đề ra các biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về chính quyền, kháng chiến ở Nam Bộ, về chống và đề phòng nạn đói, về tổng quyển cử…
Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-11-1945 là Cương lĩnh hành động trước mắt của Đảng và nhân dân ta. Bản Chỉ thị đã giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng trong thời kỳ mới giành được chính quyền, đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng suốt và nhiều quyết sách kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua những thách thức hiểm nghèo, tranh thủ từng thời gian hoà bình quý báu để xây dựng thực lực, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- “Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về Kháng chiến kiến quốc, ngày 25-11-1945”, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, H. Chính trị quốc gia, 2000, tr. 21-34.
- “Ngày 25-11: Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc”, Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập III, H. Chính trị quốc gia, 2009, tr. 44-47.