Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/08/2016 00:00 524
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tri ân những người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, chính vì thế mà hàng năm đến Ngày thương binh liệt sĩ (ngày 27 tháng 7), đất nước và dân tộc đều tưởng niệm về những người thương binh, liệt sĩ đã hi sinh, mất mát qua những cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày Lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ở Việt Nam.

Cách đây 96 năm vào chiều ngày 27/7/1947, “Ngày thương binh toàn quốc”, được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại gốc đa xóm Bàn cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, khoảng 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư­ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sĩ ở nước ta. Đây cũng chính là bức thư­ đầu tiên Ngư­ời gửi cho anh em thương bệnh binh. Trong thư Bác viết:

“… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”.

“… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.

Nơi phát tích ngày 27/7.

Từ đó, hàng năm đến ngày 27 tháng 7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Từ tháng 7 năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TƯ ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” toàn quốc.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Ngày Thương binh toàn quốc”, “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ, ngày 27/7/1997, tại làng Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỉ niệm 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia:

"Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ".

Khu di tích có khuôn viên rộng, hồ sen đẹp; có cổng Tam quan, sân hành lễ, khối đá lớn khắc chữ ghi tóm tắt lịch sử ra đời ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Hàng năm vào ngày 27/7 nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung nô nức về nơi đây thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng liệt sĩ.

Khu di tích 27/7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, nơi công bố ngày thương binh, liệt sĩ toàn quốc 27/7/1947.

Nằm trong khuôn viên Khu di tích còn có Nghè ông, là nơi thờ tiến sĩ Đồng Doãn Khuê, sinh tại làng Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ và đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736). Nghè bà thờ hai công chúa Mai Hoa và Quế Hoa. Mùng 7 tết nguyên đán hàng năm bà con nhân dân nơi đây sắm lễ vật mở hội vui xuân tại Nghè thành tâm cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Sở dĩ Bác Hồ chọn nơi đây để tuyên bố sự ra đời ngày Thương binh liệt sỹ bởi huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người khi đất nước có chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rất rầm rộ. Có nhiều tấm gương sáng, điển hình như bà Nguyễn Thị Đích (thường gọi là bà Bá Huy). Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị - Bộ quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên rất lớn của ông Lê Thành Ân - lúc đó là quyền Trưởng Phòng Thương binh - Bộ quốc phòng, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.

Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 là công trình văn hoá lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thuỷ hữu tình. Đây cũng là điểm nối với tuyến tham quan khu du lịch Hồ Núi Cốc và đi thăm các khu di tích trong Huyện với các điểm di tích lịch sử cách mạng An toàn khu ATK Định Hoá và Tân Trào - Tuyên quang.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (Phòng GD, CC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: