Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/07/2016 01:39 482
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ cuối năm 1949, những thắng lợi về mọi mặt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã tiến mạnh, bước sang một giai đoạn mới. Ngày 21-1-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng họp đề ra chủ trương “Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị mạnh sang Tổng phản công”, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhân dân và thanh niên cả nước đã hăng hái tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Ngày 15-7-1950, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đảng đoàn thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên (tiền thân của Lực lượng Thanh niên xung phong) tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để phục vụ chiến dịch Biên giới. Với 225 cán bộ, đội viên từ lúc mới thành lập cho tới Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 lịch sử, Lực lượng Thanh niên xung phong đã phát triển lên hàng vạn người được phiên chế vào 50 đại đội với các phiên hiệu đội 34, 36, 38, 40, 42, 44, 48… hoạt động trên nhiều vùng rộng lớn ở Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV…

Đồng chí Vương Bích Vượng - Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên.

Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, Lực lượng Thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:

- Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950), đội trưởng là Vương Bích Vượng.

- Đội Thanh niên xung phong (26/3/1953).

- Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương (12/1963).

- Lực lượng Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam (20/4/1964).

- Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965).

- Ban Thanh niên xung phong - Lao động trẻ (3/1986).

Mục đích thành lập Đội Thanh niên xung phong là nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai”.

“Thanh niên xung phong là biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu bằng cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại năm 1945.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.

Thanh niên xung phong chống Pháp đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên Thanh niên xung phong đã đảm bảo giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa như đèo Pha Đin (Sơn La), Ngã ba Cò Nòi (Sơn La)…

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Cùng với bộ đội mang quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đảm bảo huyết mạch giao thông với khẩu hiệu “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Những địa danh ghi đậm chiến công của Thanh niên xung phong thời kỳ này như Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), Hàm Rồng (Thanh Hóa), Núi Nhồi (Thanh Hóa), đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), hang Tám Cô (Quảng Bình)… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với niềm tự hào bi tráng nhất.

Đơn vị nữ Thanh niên xung phong làm đường 20 Quyết Thắng.

Cùng lúc ấy, ngày 20-4-1965 tại tỉnh Tây Ninh, Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam được thành lập với quân số ban đầu là 108 người. Tiếp sau đó, trên 5.000 nam nữ thanh niên từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và cả Việt kiều Campuchia đã “đầu quân” vào Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam. Trong 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam đã đảm trách hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam như chống cuộc càn Junction-City, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh…, tham gia 614 trận đánh lớn, xứng đáng với danh hiệu được bộ đội trao tặng: “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.

Nữ Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam tải thương.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, thế hệ thứ 4 của Thanh niên xung phong lại tiếp tục lên đường. 300.000 Thanh niên xung phong của thành phố Hồ Chí Minh đã cống hiến sức trẻ và xương máu cho việc khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. 98 liệt sĩ Thanh niên xung phong đã ngã xuống trong giai đoạn này và 47 đội viên Thanh niên xung phong khác trở về cuộc sống đời thường với một phần thân thể không lành lặn.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, Thanh niên xung phong cũng như bộ đội đã có những hy sinh mất mát to lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, có hơn 5.000 liệt sĩ và hàng vạn thương binh Thanh niên xung phong trên khắp mọi miền đất nước.

Ngày 30-6-1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ đội viên Thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Ủy Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 382/TTg lấy ngày 15-7 hàng năm làm ngày truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Huy hiệu Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Các thế hệ Thanh niên xung phong đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu nhiều hi sinh mất mát, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Những công lao, thành tích và sự hy sinh cống hiến của Thanh niên xung phong hết sức to lớn, đã khẳng định vai trò lịch sử của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Giang Hà, Nguyễn Thái Anh, Lịch sử Thanh niên xung phong Việt Nam hình ảnh và những trang vàng, 60 năm ngày thành lập (1950-2010): Tư liệu và hình ảnh chọn lọc, H. Thanh niên, 2010, 248 tr.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Chiến dịch Đồng Xoài (10/5- 22/7/1965) dấu mốc sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ

Chiến dịch Đồng Xoài (10/5- 22/7/1965) dấu mốc sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ

  • 12/07/2016 03:22
  • 555

Bước vào năm 1965, trước nguy cơ thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ quyết định đưa quân vào tham chiến ở miền Nam, đồng thời tăng cường viện trợ quân sự cho quân đội Sài Gòn. Về phía ta, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tiếp tục đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, nhanh chóng thực hiện những đòn đánh tiêu diệt lớn hơn, kiên quyết đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Trung ương Cục Quân Ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở đợt tiến công Xuân - Hè 1965…