Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/06/2016 03:55 574
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vào cuối những năm 20, Bắc Kì là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn so với các vùng khác trong cả nước. Tại đây, hai tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Việt Nam Quốc dân Đảng đang ra sức hoạt động nhằm lôi kéo và tranh giành quần chúng. Trong khi Việt Nam Quốc dân Đảng đang ngày càng tỏ ra lúng túng về phương thức hoạt động thì tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ngày càng có hiệu quả cao.

Số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì đã phát triển khá đông (chiếm 900/1600 hội viên trong cả nước). Hơn thế nữa, thông qua phong trào “vô sản hóa”, và nhất là chịu tác động trực tiếp của phong trào cộng sản qua con đường Trung Quốc dội vào, nhiều hội viên Thanh niên tiên tiến - là những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - đã sớm nắm bắt được các yêu cầu của thời cuộc và nhanh chóng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929.

Để xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản, tháng 3 năm 1929, những hội viên tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kì đã nhóm họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, quyết định lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 7 đồng chí là: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cộng sản, cuối tháng 3 năm 1929, Kì bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã họp Đại hội tại Sơn Tây. Đại hội đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến và đi tới thống nhất chủ trương thành lập Đảng Cộng sản của những người lãnh đạo Kì bộ, đồng thời quyết định cử một đoàn đại biểu gồm 4 người do Trần Văn Cung (Bí thư Kì bộ) phụ trách đi dự Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên sẽ tổ chức tại Hương Cảng, Trung Quốc.

Trần Văn Cung (1906-1977) - Bí thư Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam.

Đầu tháng 5 năm 1929, tại Đại hội I của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản. Nhưng đề nghị đó không được chấp nhận nên Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã bỏ Đại hội ra về.

Sau khi trở về nước, vào ngày 1-6-1929, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã ra Tuyên ngôn giải thích lí do vì sao họ lại dời bỏ Đại hội, và chỉ rõ những điều kiện để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Tuyên ngôn viết:

“1- Ở Việt Nam tư bản đã rất phát đạt và đã bắt đầu nhóm vào một số ít người (tư bản tập trung).

2- Vô sản giai cấp ở Việt Nam càng ngày càng đông và càng giác ngộ; nông dân nghèo cũng ngày một nhiều.

3- Hiện nay ở Việt Nam chưa có Đảng nào là đảng đại biểu cho vô sản giai cấp”.

Từ sự phân tích đó, bản Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”.

Tuyên ngôn của Đoàn đại biểu Kì bộ đã có sức thu hút mạnh đối với các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều hội viên đã hăng hái xin gia nhập Chi bộ cộng sản. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc đã họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng đã công bố Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ. Các văn kiện này thừa nhận đường lối của Quốc tế cộng sản, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và nêu rõ: “thời kỳ đầu tiên của cách mệnh Đông Dương là tư sản dân chủ cách mệnh” và sau đó là “cách mệnh xã hội”. Bản Tuyên ngôn nêu rõ Đông Dương Cộng sản Đảng là Đảng đại biểu cho giai cấp vô sản, bao gồm những người giác ngộ và tiên tiến hơn cả. Đảng bênh vực quyền lợi cho toàn thể vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”.

Báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương củaĐông Dương Cộng sản Đảng, số 5, ngày 11/12/1929.

Hội nghị cũng quyết định những nguyên tắc tổ chức để kết nạp đảng viên, tổ chức Công hội đỏ, Nông hội, Sinh hội, Hội phụ nữ giải phóng… lấy cờ đỏ búa liềm làm Đảng kỳ, xuất bản báo Búa Liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Bônsêvich (ở Trung Kì) và Cộng sản (ở Nam Kì). Đại hội đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của đảng gồm: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Trần Tư Chính, Nguyễn Tuân (Kim Tôn).

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Đông Dương Cộng sản Đảng còn cử người vào Nam Kì và đi về các địa phương để xây dựng và phát triển cơ sở Đảng. Do đó, đến tháng 8 năm 1929, nhiều cơ sở Đảng, nhất là ở Bắc Kì được thành lập.

Việc Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời tại Hà Nội đã đáp ứng xu thế tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, thúc đẩy phong trào cộng sản trong nước và ở Hà Nội phát triển.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Dương Trung Quốc, “17 tháng sáu năm 1929: Thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng”, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), H. Giáo dục, 2000, tr. 164-165.

- Trương Hữu Quýnh, “Ba tổ chức cộng sản ra đời và việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, H. Giáo dục, 2009, tr. 746-748.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: