Từ năm 1954, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương cho miền Nam đánh Mỹ. Giữ vững liên lạc giữa hai miền là việc quan trọng nhằm đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng với phong trào cách mạng miền Nam thông suốt, kịp thời. Lúc đó cả nước mới có một tuyến liên lạc ngang qua miền Tây Quảng Trị do Liên khu V phụ trách, chỉ đạo, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển giữa Trung ương và địa phương như đưa đón cán bộ ra, vào, vận chuyển phương tiện vật liệu, thư từ, công văn từ Trung ương vào Nam giới tuyến. Do phải đi dọc đường giáp ranh, quân địch đóng đồn bốt khá dày đặc nên một năm quân ta chỉ đi được một vài lần, mà chủ yếu là đưa cán bộ đi công tác. Mỗi lần đi phải bí mật, móc nối cơ sở rất công phu. Trên trục đường này ta không có căn cứ vững chắc, quá gần địch, vì vậy không thể đáp ứng yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1 năm 1959) đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị chỉ rõ: “Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ chi viện miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Thiếu tướng Võ Bẩm (1915- 2008), một trong những “kiến trúc sư” đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại.
Đầu tháng 5 năm 1959, những cán bộ đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều về chuẩn bị mở đường Trường Sơn làm việc tại các số nhà 63 và 83 phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Đoàn mang tên “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Đoàn trưởng là Thượng tá Võ Bẩm, đồng chí rất thông thuộc địa hình Trường Sơn.
Sau khi đã chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của Đoàn công tác quân sự đặc biệt là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam, thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường, trước mắt là Liên khu V với khoảng: 7000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ Trung và Sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Ra đời tháng 5-1959, Đoàn Công tác quân sự đặc biệt được mang phiên hiệu là Đoàn 559. Lúc đầu Đoàn chỉ có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí, trang bị… Cả đơn vị và cơ quan gồm 500 cán bộ, chiến sĩ. Chỉ trong thời gian ngắn, Đoàn 559 đã ổn định về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động là tuyệt đối bí mật và an toàn.
Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn, năm 1960.
Cuối tháng 5 năm 1959, Đoàn đã tuyển được 440 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức hoàn chỉnh Đoàn 301 (tương đương Tiểu đoàn), các chiến sĩ đều là quê miền Nam xây dựng gia đình ở miền Bắc và một số đã qua đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội. Sau khi ổn định tổ chức, toàn tiểu đoàn bước vào học tập tình hình nhiệm vụ cách mạng.
Đến tháng 6 năm 1959, bộ đội Trường Sơn bắt đầu vượt sông Bến Hải và phân bố các đơn vị vào các binh trạm. Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn; khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là “ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn; sau 8 ngày đêm, hàng đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn).
Đoàn 559 vận chuyển bằng xe cơ giới trên tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cũng trong tháng 5 năm 1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V soi đường nối hai chiến trường khu V và Nam Bộ, nối thông hành lang chiến lược Nam - Bắc. Đoàn B90 (gồm 25 cán bộ, chiến sĩ) ngày 20 tháng 6 năm 1959 vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây Trị Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó, Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B90 với Đội vũ trang công tác tỉnh Đắk Lắk lấy phiên hiệu là B4 do Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phụ trách.
Để đẩy mạnh việc chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy chủ trương mở tuyến chi viện đường biển. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải này. Tháng 7 năm 1959, Tiểu đoàn 603 vận tải biển thuộc Đoàn 559 được thành lập, biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ đóng tại Cảng cá Thanh Khê, lấy danh nghĩa là “Tập đoàn đánh cá miền Nam”. Như vậy, tới cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Phát huy thắng lợi của chuyến đi đầu tiên, đồng thời tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn Đoàn dốc sức chuyển hàng và dẫn quân qua tuyến. Đến hết tháng 8-1959, Đoàn 559 đã chuyển giao cho Liên khu V được 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng nghìn viên đạn súng bộ binh. Cuối năm 1959, Đoàn đã chuyển vào Tà Riệt - Pa Lin 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, súng trường, tiểu liên, súng ngắn… ngoài ra, Đoàn còn đưa 542 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn là cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật quân khí vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.
Từ tháng 5-1959 đến tháng 12-1959, tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường nên việc vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu còn ít ỏi. Song nó có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới là phong trào “Đồng khởi”, đây là bước ngoặt lịch sử của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Con đường chiến lược Trường Sơn 1959-1964.
Trải qua những ngày tháng gian khổ, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã tiến được những bước mở đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từ những bước lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã làm nên con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000 km; 01 tuyến đường “kín” dài 3.140 km; hệ thống đường sông dài gần 500 km; 1.400 km đường ống xăng dầu; gần 17.000 km đường xe cơ giới; san lấp 78.000 hố bom; phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 quả bom nổ chậm, 85.100 quả mìn các loại. Đoàn đã tổ chức hành quân cho hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ ra vào qua chiến trường Trường Sơn, vận chuyển hàng chục triệu tấn vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chiến trường miền Nam; đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại; bắn rơi 2.450 máy bay địch.
Trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác, có tổng chiều dài 2.577 km, bắc 88 cây cầu, sử dụng trên 1.000 xe ô tô chở các quân đoàn chủ lực và chở bổ sung gần 20 vạn quân cho các chiến dịch để giải phóng miền Nam.
Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975.
16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ các loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại. Mười sáu năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã luôn giữ cho tuyến đường được thông suốt, việc chi viện cho chiến trường Nam Bộ vì thế không lúc nào bị gián đoạn.
Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc”, “còn người còn xe, còn hàng”, đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường.
Lực lượng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện.
Lực lượng phòng không gồm 1 Sư đoàn và 9 Trung đoàn và các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường.
Lực lượng giao liên xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường” mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn.
Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương” xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại, đảm bảo thông tin với các đơn vị, các hướng chiến trường.
Bộ đội xăng dầu đã mở 1.400 km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông…
Đường Hồ Chí Minh trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược, tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tự vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Các khu căn cứ của Đoàn 559 trên lãnh thổ Lào.
Đoàn 559 từ một đơn vị vận tải giao liên, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội hợp thành gồm: vận tải, bộ binh, công binh, phòng không, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đoàn 559 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất; 77 đơn vị và 44 cán bộ, chiến sĩ được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Xuân 1973 đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Bộ đội Trường Sơn đã ghi vào sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương. Đường Trường Sơn nhất định sẽ kéo dài và mở rộng. Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn. Quang vinh thay Bộ đội Trường Sơn Anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại. Mong rằng toàn thể cán bộ chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng”.
Phương Anh(tổng hợp)
Nguồn:
- Hạnh Nguyên, Những con đường huyền thoại, H. Lao động, 2011, tr 499.
- Hồng Thịnh, Thùy Dung, Thuận Yến, “Ngày 19-5-1959: Đoàn 559 thành lập”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr. 88-97.